Chứng chỉ bồi dưỡng CDNN giáo viên vô bổ, vô duyên và tốn kém nhất
Cả nước hiện nay có hơn 1 triệu giáo viên từ cấp học mầm non đến trung học phổ thông thì những năm qua đã có vài ngàn tỉ đồng đã đội nón ra đi vì chứng chỉ này.
Kể từ khi chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT ra đời cho đến khi hết hiệu lực và được thay thế bằng chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì nhiều thầy cô giáo đã tốn hàng chục triệu đồng cho các loại chứng chỉ.
Bởi, chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT ra đời yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ tin học cơ bản, có chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp…
Các trường đại học, các cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục cho phép đào tạo, cấp chứng chỉ đã nhanh chóng tiếp cận và mở lớp ở khắp các địa phương trên cả nước. Nhiều trường đại học đã nhanh chóng liên kết với các sở giáo dục, các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh, thành khác ra thông báo chiêu sinh…
Hướng dẫn về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thay đổi liên tục – (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Lã Tiến)
Chính sách vĩ mô của ngành thì thay đổi liên tục khiến cho giáo viên không biết đâu mà lần. Chỉ riêng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng khiến giáo viên đau đầu và giáo viên đã phải bỏ ra không biết bao nhiêu tiền mồ hôi nước mắt từ đồng lương eo hẹp để làm giàu cho một số cá nhân và đơn vị đào tạo.
Nói thật lòng, là một người trong cuộc bản thân người viết nhận thấy giáo viên gần như chẳng học được gì sau mỗi khóa đào tạo chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bởi thực tế nhiều giảng viên có dạy gì đâu mà học. Họ vào lớp để giảng dạy 1-2 chuyên đề nhưng nói dăm ba câu chuyện tầm phào rồi yêu cầu học viên tự nghiên cứu tài liệu…là xong.
Lịch dạy và học 10 ngày, thực học 7 buổi, chứng chỉ ghi thời gian học 4,5 tháng!
Bản thân người viết bài này đã từng học lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II nhưng khi tham gia xong khóa học, chúng tôi cảm thấy khóa học gần như chẳng mang lại tác dụng cụ thể nào. Theo giáo trình thì các học viên phải học 10 chuyên đề, đó là:
Chuyên đề 1: Lí luận về nhà nước và hành chính nhà nước; Chuyên đề 2: Chiến lược và chính sách phát triển giáo dục và đào tạo; Chuyên đề 3: Quản lí giáo dục và chính sách phát triển giáo dục trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;
Chuyên đề 4: Giáo viên với công tác tư vấn học đường trong trường; Chuyên đề 5: Tổ chức hoạt động dạy học xây dựng và phát triển kế hoạch giáo dục ở trường; Chuyên đề 6: Phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên; Chuyên đề 7: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh ;
Video đang HOT
Chuyên đề 8: Thanh tra, kiểm tra và một số hoạt động đảm bảo chất lượng ở trường; Chuyên đề 9: Sinh hoạt tổ chuyên môn và công tác bồi dưỡng giáo viên; Chuyên đề 10: Xây dựng mối quan hệ trong và ngoài nhà trường để nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển.
Những chuyên đề này thì chúng tôi đã học trong trường đại học, trong lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý, hoặc trong các chuyên đề mà ngành giáo dục đã tập huấn trong những năm qua…
Cũng chính vì thế mà một số giảng viên mỗi khi bước vào lớp học thường rào đón rằng chuyên đề chúng ta sẽ nghiên cứu đã quen thuộc với thầy cô giáo trong những năm qua. Vì thế, các thầy cô tự nghiên cứu trong tài liệu, chúng ta chỉ trao đổi một số vấn đề liên quan…
Thế là giảng viên đặt ra vài câu hỏi tình huống hoặc trao đổi thêm vài vấn đề thời sự, vài câu chuyện vô thưởng vô phạt rồi kết thúc chuyên đề.
Trong khi, theo Quyết định số 2514 /QĐ-BGDĐT ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với việc tìm hiểu về chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của các trường đào tạo, chúng tôi thấy nội dung học, số tiết học được phân bổ khá cụ thể.
Thời gian học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như sau: Lý thuyết, thảo luận, thực hành: 176 tiết; ôn tập: 10 tiết kiểm tra: 06 tiết; tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch: 44 tiết; công tác tổ chức lớp (khai giảng, bế giảng lớp): 04 tiết.
Dù theo thiết kế thời lượng học tập khi giáo viên đăng ký thì học viên sẽ học 240 tiết, trường đại học thông báo lịch học là 10 ngày nhưng thực tế thì chúng tôi chỉ học 7 buổi sáng, mỗi buổi từ 2-3 tiếng đồng hồ là là xong từ 1- 2 chuyên đề.
Điều khá bất ngờ là khi nhận chứng chỉ mà trường đại học cấp thì chúng tôi thấy ghi thời gian bồi dưỡng khóa học lên đến 4,5 tháng.
Nhưng chúng tôi còn được học trực tiếp chứ sau khi Bộ ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì có nhiều giáo viên tham gia học chứng chỉ này theo hình thức trực tuyến thì còn “nhẹ” hơn nhiều.
Một số học viên chỉ cần đóng tiền, vào lớp học trực tuyến cho có tên để điểm danh rồi trường gửi chứng chỉ về cho học viên.
Thử hỏi, với cách đào tạo như thế này thì chất lượng có hay không? Mục đích mở lớp bồi dưỡng chứng chỉ theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có phải vì chất lượng, vì người học hay vì…cái gì?
Nhiều năm qua, Bộ yêu cầu giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông mỗi hạng có 1 loại chứng chỉ khác nhau
Sau khi chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT ra đời thì đến ngày 30/ 6/ 2017, Bộ ban hành Công văn số 2793/BGDĐT-NGCBQLGD gửi các Sở Giáo dục hướng dẫn việc tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, Công văn này hướng dẫn khá cụ thể việc tổ chức bồi dưỡng đối với từng cấp học, đó là: ” Chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên mầm non hạng II, hạng III, hạng IV (ban hành kèm theo Quyết định số 2186, 2188, 2189/QĐ-BGDĐT ngày 28/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
- Chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, hạng IV (ban hành kèm theo Quyết định số 2514, 2515, 2516/QĐ-BGDĐT ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
- Chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, hạng III (ban hành kèm theo Quyết định số 2511, 2512, 2513/QĐ-BGDĐT ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo);
- Chương trình bồi dưỡng theo TCCDNN giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng II và hạng III (ban hành kèm theo Quyết định số 2509, 2510/QĐ-BGDĐT ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Quyết định số 2558/QĐ-BGDĐT ngày 26/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)”.
Đọc Công văn số 2793/BGDĐT-NGCBQLGD, tìm đến các Quyết định được dẫn ở Công văn thì chúng ta dễ dàng nhận thấy gần như giáo viên ở hạng nào, cấp học nào cũng được yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với từng hạng tương ứng.
Tiếp theo, ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thay thế cho chùm Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT.
Đến ngày 12/3/2021, Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ra đời, hướng dẫn về việc thực hiện chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT và chúng ta thấy giáo viên hạng nào cũng vẫn được yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và đưa ra những ví dụ rất cụ thể.
Vì thế, trong mấy năm qua thì phần lớn giáo viên 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông cũng đã tham gia học để có ít nhất 1 chứng chỉ này.
Ngày 23/11/2021 vừa qua, Bộ ban hành Công văn số 5392/BGDĐT-NGQLGD yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo ” Cân nhắc việc tổ chức mới các lớp bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để bảo đảm phù hợp với quy định tại Nghị định số 89/2021/NĐ-CP“.
Nhưng, “cân nhắc” để làm gì khi mà phần lớn giáo viên đã có chứng chỉ rồi.
Thực ra, giáo viên mỗi hạng có 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hay các hạng giáo viên chỉ cần 1 chứng chỉ thì với cách đào tạo như những năm qua cũng chẳng nâng hay giảm chất lượng giảng dạy của người giáo viên.
Điều mà giáo viên cảm thấy tiếc, thấy xót xa là mỗi giáo viên khi có được chứng chỉ này phải đầu tư không dưới 2,5 triệu đồng để đóng học phí, mua tài liệu và chi phí đi lại trong quá trình học tập. Cả nước hiện nay có hơn 1 triệu giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông thì những năm qua đã có vài ngàn tỉ đồng đã đội nón ra đi…
Học chứng chỉ ngoại ngữ hay tin học dù sao nó cũng giúp cho công việc của giáo viên tốt hơn, nhất là chứng chỉ tin học. Còn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mà đào tạo như một số trường đại học trong những năm qua thì rất khó để nói về chất lượng, hiệu quả sau mỗi khóa học!
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Không được xét tốt nghiệp đại học vì chứng chỉ tin học hết hạn?
Theo đại diện trường, trường quy định thời gian hai năm với chứng chỉ tin học cơ bản không phải là thời hạn sử dụng của chứng chỉ mà là thời gian xét tốt nghiệp kể từ ngày cấp chứng chỉ đó.
Phản ánh đến Báo Pháp Luật TP.HCM, sinh viên TTG (học hệ đào tạo liên thông tại Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM), cho biết trường có quy định chuẩn đầu ra là chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Em đã thi và đạt yêu cầu chứng chỉ ứng dụng Công nghệ thông tin cơ bản tại trường từ năm 2018, nhưng khi đó vì nhiều lý do nên em chưa thi chứng chỉ ngoại ngữ.
Đến ngày 25-9-2021 vừa qua, em thi ngoại ngữ TOEIC tại trường và đạt 485 điểm, tức đạt yêu cầu chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, em vẫn không được xét tốt nghiệp vì trường thông báo em phải thi lại chứng chỉ tin học cơ bản khác vì chứng chỉ thi năm 2018 đã hết hạn.
Theo em TTG, chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản có giá trị thời hạn vĩnh viễn chứ không phải hai năm. Em đã gặp trực tiếp nhà trường để trao đổi nhưng phía trường vẫn khẳng định là trường làm đúng. Chính điều này gây phiền toái cho sinh viên khi phải thi lại lần nữa và ảnh hưởng đến thời gian ra trường.
Sinh viên Trường ĐH Tài chính Marketing trong một giờ thực hành. Ảnh: PHẠM ANH
Về vấn đề này, trao đổi với PLO.VN, ông Huỳnh Thế Nguyễn, Trưởng phòng quản lý đào tạo của Trường ĐH Tài chính Marketing TP.HCM, cho biết theo quy định về chuẩn đầu ra của trường ban hành từ năm 2012, đối với sinh viên các khóa đào tạo trình độ đại học hệ chính quy (chương trình đại trà, liên thông, văn bằng hai), để được công nhận tốt nghiệp, sinh viên phải có chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và tiếng Anh. Chứng chỉ này do trường cấp hoặc các đơn vị khác được phép cấp theo quy định. Trong đó, các chứng chỉ này phải còn thời hạn giá trị trong vòng hai năm tính từ ngày cấp đến tháng xét tốt nghiệp.
Theo ông Thế Nguyễn, không phải chứng chỉ có thời hạn sử dụng chỉ trong hai năm và trên chứng chỉ cũng không ghi thời hạn đó.
"Trường quy định thời gian xét trong hai năm nhằm đảm bảo được năng lực thực sự của sinh viên khi ra trường, đáp ứng được nhu cầu của xã hội theo cam kết của trường trong đào tạo. Trường cũng đã công bố công khai chuẩn đầu ra khi sinh viên vào nhập học, cũng như thông báo liên tục trong quá trình học để người học biết và trang bị" - ông Nguyễn khẳng định.
Đối chiếu với trường hợp của em TTG, ông Nguyễn cho rằng em này đã thi chứng chỉ tin học đạt yêu cầu từ năm 2018 nhưng vì bạn chưa có chứng chỉ ngoại ngữ nên trường chưa thông báo việc có được xét tốt nghiệp hay không. Và đến tháng 9 vừa qua, bạn này mới thi được chứng chỉ ngoại ngữ là khoảng cách thời gian khá dài, khiến chứng chỉ tin học quá thời hạn xét.
"Sinh viên đừng quá lo lắng, trường tổ chức nhiều đợt tốt nghiệp trong năm. Trường cũng luôn tổ chức thi chứng chỉ tin học và ngoại ngữ nhiều đợt hàng tháng để tạo điều kiện cho sinh viên được dự thi. Những em sắp ra trường và đang chờ xét tốt nghiệp mà chưa đủ điều kiện về chứng chỉ có thể đăng ký ôn và thi để sớm được cấp cho đủ chuẩn" - ông Nguyễn nhắn nhủ.
Đòi hỏi chứng chỉ Ngoại ngữ, Tin học là đi ngược với ý nghĩa học chế tín chỉ Việc phải có thêm chứng chỉ Ngoại ngữ và Tin học vô tình tạo nên sự trùng lặp trong đào tạo, tốn kém thời gian, tiền bạc của người học. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh của sinh viên về việc đã hoàn thành xong chương trình, được xét tốt nghiệp nhưng bị "giam" bằng...