Chùm ảnh: Học sinh trường Nấm Lư rèn kỷ luật như quân đội
Học sinh vùng cao được Nhà nước tạo mọi điều kiện về ăn ở, học tập từ cái khăn mặt, bàn chải… cũng được Nhà nước lo. Học sinh chỉ việc đến ăn ở và học tập.
Trong những năm gần đây tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh phát triển mô hình trường học bán trú, đây là việc làm rất thiết thực nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh vùng cao, đặc biệt là những học sinh ở cách xa trường, gặp nhiều khó khăn khi đi lại.
Đến với trường Tiểu học Nấm Lư, thuộc xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, nhóm phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có dịp được gặp gỡ với thầy Phạm Văn Toàn, phó hiệu trưởng trường Tiểu học Nấm Nư, nghe thầy trao đổi về mô hình bán trú của nhà trường.
Thầy Phạm Văn Toàn chia sẻ:
“Từ ngày được ở bán trú, các em rất thích đến trường và phụ huynh cũng yên tâm hơn.
Giờ giấc ở trường được thực hiện theo đúng tác phong quân đội nhằm rèn luyện cho các em tính kỉ luật và sự tự giác.
Mỗi phòng các em ở đều bầu ra trưởng phòng và bạn trưởng phòng sẽ có nhiệm vụ báo cáo sĩ số của phòng cho các thầy cô trước mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ nhằm đảm bảo không có bạn nào bỏ quy chế.
Nhà trường cũng thường xuyên đưa các bài giảng về văn hóa dân gian vào trong giảng dạy cho các em, không chỉ nhằm mục đích tuyên truyền mà còn góp phần vào việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa của các dân tộc”.
Một số hình ảnh của thầy và trò trường Tiểu học bán trú Nấm Lư:
Trường tiểu học Nấm Lư rực rỡ trong ngày 20-11 (Ảnh: Đức Minh)
Khu nhà ở bán trú khang trang của các em học sinh, ở đây các em được tạo điều kiện ăn ở đầy đủ (Ảnh: Đức Minh)
Các em học sinh luôn vui vẻ ở khu bán trú. Có những em thứ 7, chủ nhật còn không muốn về nhà (Ảnh:Đức Minh)
Khu bếp ăn được sắp gọn gàng, sạch sẽ đáp ứng những tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, thực đơn cũng liên tục được thay đổi đa dạng (Ảnh: Đức Minh)
Bát đũa được rửa dọn, sắp xếp sạch sẽ đảm bảo vệ sinh cho các e trong mỗi bữa ăn (Ảnh: Đức Minh)
Giày dép ngăn nắp, ở đây mọi sinh hoạt đều được các học sinh thực hiện nghiêm chỉnh, nề nếp theo đúng tác phong quân đội (Ảnh: Đức Minh)
Cờ vua, môn thể thao trí tuệ được các bạn nam yêu thích sau mỗi giờ học (Ảnh:Đức Minh)
Nụ cười tươi sáng chứa đựng đầy ước mơ của cô học trò nhỏ vùng cao (Ảnh:Đức Minh)
Video đang HOT
Những đồ dùng cần thiết được các em tự tay làm để phục vụ nhu cầu thiết yếu trong đời sống (Ảnh: Đức Minh)
Danh sách các em học sinh trong một phòng. Tại trường có 8 phòng ở, mỗi phòng từ 16-18 em. Các em tự phân công nhau dọn vệ sinh trong phòng một cách tự giác (Ảnh: Đức Minh)
Khu ” vườn hoa trẻ thơ” được các thầy cô thiết kế và phụ huynh góp công xây dựng (Ảnh: Đức Minh)
Khu vườn không chỉ nhằm phục vụ nhu cầu học tập ngoại khóa của các em, khu vườn còn là nơi để các học sinh được giáo dục về văn hóa các dân tộc và chủ quyền biển đảo đất nước (Ảnh: Đức Minh)
Học sinh tìm hiểu về nét đẹp văn hóa dân tộc trong khu vườn trẻ thơ (Ảnh: Đức Minh)
Học sinh vùng cao vui vẻ trong học tập tiếp thu kiến thức (Ảnh:Đức Minh)
Món quà nhỏ nhưng đầy ý nghĩa do các em học sinh vùng cao tự làm tặng thầy cô nhân ngày 20-11 (Ảnh: Đức Minh)
Món quà tuy giản dị nhưng chứa đầy tình cảm của học sinh, cái tình của vùng cao là vậy, chân chất, mộc mạc và đơn sơ, không vồn vã như phố thị (Ảnh: Đức Minh)
Mô hình trường bán trú đang làm thay da đổi thịt giáo dục vùng cao, kéo các em đến trường.
Hy vọng trong tương lai sẽ có nhiều ngôi trường nhỏ xinh, nhân văn như trường Tiểu học bán trú Nấm Lư.
Nguyễn Đức Minh
Theo giaoduc.net
Băng rừng, lội suối ngắt một chùm hoa dại, em tặng cô
Trong khói sương của vùng núi cao huyện Mường Khương (Lào Cai), cô hiệu trưởng Trần Thu Hằng xắn tay áo quét dọn cùng học sinh.
Tình cảm thiêng liêng mà giản dị của học sinh vùng cao
15 giờ chiều, ngày 19/11/2019, mọi công tác chuẩn bị cho ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ được hoàn tất.
Trong khói sương của vùng núi cao huyện Mường Khương (Lào Cai), cô hiệu trưởng Trần Thu Hằng xắn tay áo quét dọn cùng học sinh.
Xa xa, các em học sinh chia nhau: đứa thì tập văn nghệ, đứa thì vun khóm hoa, đứa thì quét dọn sân trường.
Không khí ngày 20-11 tại vùng cao diễn ra như vậy. Ở đây, có cảm giác ngày 20-11 vẫn giữ được tinh thần vốn có của nó.
Thứ tinh thần đó không bị ảnh hưởng bởi vật chất, không bởi ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường.
Mọi thứ ở đây diễn ra thật giản dị nhưng vô cùng tình cảm.
Cô Hằng chia sẻ: "Ở đây tuy điều kiện vật chất không đầy đủ như ở dưới xuôi nhưng học sinh tình cảm lắm.
Mỗi năm đến ngày 20-11 vào mùa hoa cải là các em lên rừng ngắt hoa về tặng các cô. Đứa không có hoa thì tặng cô cái kẹo mút, cái bánh. Đứa thì câu chúc, tiếng chào.
Học sinh ở đây tình cảm và luôn biết ơn các thầy cô. Vì thế ngày 20-11 trên đây tuy giản dị nhưng lại ấm áp vô cùng".
Học sinh trường cấp 2 Tả Ngài Chồ tập văn nghệ cho ngày 20-11 (Ảnh:V.N)
Cô giáo Hằng đã gắn bó với ngành giáo dục huyện Mường Khương gần 20 năm. Hai mươi năm đồng nghĩa với 20 Ngày giáo dục Việt Nam như thế trôi qua. Trong sâu thẳm, tinh thần của ngày 20-11 vẫn giữ được trọn vẹn trong trái tim nhà giáo.
Theo cô Hằng, tinh thần của ngày 20-11 cao quý, thiêng liêng không nằm ở những món quà, bó hoa mà nằm ở tình cảm, sự gắn kết cô trò.
Cô Hằng khoe với chúng tôi những bức tranh của học sinh trường cấp 2 Tả Ngài Chồ được làm bằng những hạt gạo, hạt ngô, hạt đỗ...
Những hạt gạo, hạt ngô ...chắt chiu trên những nương rẫy cao, được các em mang về, tạo hình, phối màu sắc thành những bức tranh: Ơn thầy, ơn cô.
Nhìn thấy các em tíu tít, tung tăng chuẩn bị múa hát cho ngày 20-11 mới thấy được cái tinh thần và sự nhân văn trong giáo dục.
Gần 30 năm công tác, cô giáo Thủy, trường Trung học cơ sở thị trấn Mường Khương vẫn không bao giờ quên hình ảnh cậu học trò người Mông leo rừng cả ngày, người ướt sũng vì mưa, ngắt bó hoa rừng mang về tặng cô.
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20-11, học sinh lại rủ nhau hái hoa trên rừng đem về tặng các cô.
Những bó hoa giản dị như chính những cô trò nơi đây nhưng vẫn tự tin khoe sắc trên núi rừng Mường Khương.
Những bức tranh được làm từ hạt gạo, hạt ngô chứa đầy tình cảm của học sinh nơi đây (Ảnh:V.N)
Cô Thủy xúc động: "Có những cái tình cảm trong nghề giáo rất đáng trân trọng. Học sinh của chúng tôi rất ngoan và thương thầy cô.
Mặc dù điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng cách thể hiện tình cảm của các em khiến ai cũng phải xúc động.
Nghề giáo cho chúng tôi nhiều thứ nhưng thứ lớn nhất đó chính là tình cảm. Đôi khi chỉ một nhánh hoa rừng, một chiếc kẹo nhưng chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng.
Đâu phải quà cáp nọ kia thì mới gọi là tri ân, biết ơn. Và những người làm nghề giáo như chúng tôi cũng chỉ mong các em khôn lớn, trưởng thành. Đó chính là sự tri ân lớn nhất đối với thầy cô".
Tinh thần giáo dục vùng cao đó là vì con người
10 năm trước, cô giáo Hà Thị Hoa khăn gói quả mướp nhận công tác tại huyện Mường Khương.
Ngày đó đường vào điểm trường còn khó khăn, những cục đá lăn lông lốc to bằng bàn tay.
Không điện thoại, không điện, thiếu nước...có những lúc cô Hoa ngồi khóc rưng rức vì xa nhà, vì cô đơn.
Ấy vậy mà thấm thoát cũng gần 10 năm gắn bó với mảnh đất, với con người và giáo dục nơi đây.
Nhớ lại ngày xưa, nghĩ về bây giờ, khi ngành giáo dục huyện nhà được đầu tư mạnh mẽ, cơ sở vật chất khang trang hơn, đàng hoàng hơn, cô Hoa vẫn cho rằng sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong từng ấy năm mình công tác đó là tình cảm thầy trò.
Cô Hoa tâm sự: "Tinh thần của giáo dục vùng cao đó là vì con người, vì học sinh.
Ở đây khi mọi thứ chưa bị chi phối, bị ảnh hưởng bởi vật chất, bởi các yếu tố thị trường chúng tôi làm tất cả vì học sinh.
Từ các cấp chính quyền, nhà trường cho đến giáo viên ai ai cũng tâm niệm 1 điều: Tất cả vì học sinh thân yêu".
Dạy học không chỉ đơn giản là dạy con chữ mà quan trọng hơn là dạy làm người.
Cô Hoa nói: "Những giáo viên như chúng tôi không mong các em học hành có thể trở thành ông nọ, bà kia. Mình chỉ mong muốn thay đổi được nhận thức cho các em.
Dạy cho các em cách cư xử, cách sinh hoạt, lối sống không chỉ vì cuộc đời của các em mà còn vì thế hệ sau.
Chúng tôi mong rằng sau này các em có thể định hướng tốt cho con cái mình như chúng tôi định hướng cho các em".
Ngày 20-11, nhớ ơn thầy cô (Ảnh:V.N)
Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo, khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Cô Hoa ví: Nghề giáo viên vùng cao người ta hay nói là bỏ con mình ở nhà mà chăm con người khác thậm chí còn chăm con người khác hơn con mình.
Thế nhưng chưa bao giờ những giáo viên nơi đây cảm thấy hối hận vì công việc của mình đã chọn.
Quả thật, có đứng giữa thinh không hít hà cái không khí tất bật chuẩn bị cho ngày 20-11 mới thấy được hết tinh thần của giáo dục.
Có điều gì đó chậm lại, có điều gì đó nhân văn, tình cảm mà rất đỗi giản dị.
Ngoài kia người ta chuẩn bị quà nọ, quà kia, ở nơi đây vẫn chỉ có những giáo viên chân chất, những học sinh thật thà với những món quà ngày 20-11 là nhóm hoa dại, là bức tranh bằng ngô, bằng gạo, là chiếc kẹo mút ba mẹ cho.
Tinh thần của giáo dục vùng cao: Tất cả vì con người (Ảnh:V.N)
Cô Hoa, cô Thủy, cô Hằng....và hàng nghìn giáo viên vùng cao tại huyện Mường Khương từng sống, từng trải qua những ngày 20-11 giàu cảm xúc như vậy.
Kết thúc buổi trò chuyện trong những tiếng hát văng vẳng của cô Hoa, chúng tôi trở về trong tinh thần và không khí ngày 20-11 giáo dục vùng cao.
Bên tai vẫn còn nhớ như in câu nói của cô Hoa: "Tinh thần của giáo dục vùng cao chính là vì con người".
Vũ Ninh
Theo giaoduc.net
Tuổi trẻ Thanh Hóa hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam Sáng 9 - 11, tại trường THPT Đặng Thai Mai, huyện Quảng Xương, Tỉnh đoàn Thanh Hóa tổ chức chương trình hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2019 nhằm tiếp tục phát huy tính tích cực, tự giác của tuổi trẻ trong học tập, tìm hiểu Hiến pháp, pháp luật. Tham dự chương trình có đại diện lãnh đạo Tỉnh đoàn,...