Chuẩn đầu ra cách xa thực tế
Các chuyên gia giáo dục ĐH đều đánh giá hiện chuẩn đầu ra (CĐR) mà các trường công bố chỉ là hình thức và không có cơ sở để giám sát.
Lạc hậu
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, hằng năm nhà trường phải rà soát, điều chỉnh CĐR cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, sự phát triển của khoa học công nghệ và đặc biệt là đáp ứng nhu cầu xã hội… Tuy nhiên, từ thời điểm các trường công bố đến nay, CĐR của nhiều trường vẫn như cũ.
Chẳng hạn trong năm 2010, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải thay đổi tên ngành, chương trình đào tạo cho phù hợp với mã ngành nhưng trong CĐR nhiều trường vẫn giữ nguyên. Website của trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố rất chi tiết CĐR của từng chương trình đào tạo. Theo đó, ngành kỹ thuật hóa học chỉ có CĐR của 3 chương trình đào tạo gồm: khoa học và công nghệ thực phẩm, kỹ thuật hóa học, công nghệ sinh học. Thế nhưng trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011, ngành này được đổi thành nhóm ngành công nghệ hóa – thực phẩm – sinh học, với 5 chương trình đào tạo: kỹ thuật hóa, công nghệ chế biến dầu khí, quá trình và thiết bị, công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học. Nhiều ngành khác của trường cũng tương tự.
Lẫn lộn kỹ năng cứng, kỹ năng mềm
Hầu hết các trường đều xảy ra tình trạng nhầm lẫn khái niệm trong CĐR. Có những tiêu chí ở phần kỹ năng lại được công bố ở phần thái độ. Ví dụ, trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đề cập đến chuẩn thái độ của người tốt nghiệp ngành công nghệ kỹ thuật cơ điện tử là: “Có khả năng làm việc độc lập, làm việc sáng tạo, có kỹ năng làm việc tập thể!”. Đây là những tiêu chí hoàn toàn thuộc về phần kỹ năng. Trong khi đó, cũng đối với ngành học này, phần kỹ năng lại nêu: “Có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, phát hiện và giải quyết vấn đề”. Một sinh viên nhận xét: “Em không hiểu kỹ năng làm việc tập thể và kỹ năng làm việc nhóm khác nhau như thế nào mà lúc thì yêu cầu ở thái độ, lúc thì yêu cầu ở kỹ năng”.
Đáng lưu ý, trong phần công bố về chuẩn kỹ năng lại có những nhầm lẫn nguy hiểm. Chẳng hạn có những tiêu chí thuộc kỹ năng cơ bản (như khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học) thì một số trường “nhét” tất vào kỹ năng chuyên ngành; có những kỹ năng mềm thì được đưa vào phần kỹ năng cứng và ngược lại. Tìm hiểu, chúng tôi phát hiện tại văn bản hướng dẫn xây dựng và công bố CĐR ngành đào tạo, do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 4.2010, yêu cầu về kỹ năng đã được quy định không đúng. Theo đó, kỹ năng cứng được quy định bao gồm: kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giải quyết vấn đề. Còn kỹ năng mềm thì bao gồm cả kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học. Một chuyên gia giáo dục phân tích: “Đây là sự nhầm lẫn nghiêm trọng, bởi kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết vấn đề là kỹ năng mềm, còn kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, tin học là một kỹ năng cứng. Lỗi này thuộc về hệ thống nên có khi trường hiểu đúng cũng phải công bố sai”.
Các chuyên gia cho rằng cần phải có một tổ chức để kiểm chứng chuẩn đầu ra của các trường
Video đang HOT
Không ai kiểm chứng
Năm 2008, kết luận tại hội nghị chất lượng giáo dục ĐH toàn quốc, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (lúc đó kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) đã yêu cầu: “Phấn đấu đến tháng 12.2008, tất cả các trường ĐH phải công bố CĐR của quá trình đào tạo, nếu không thì phải có chế tài về tuyển sinh”. Tuy nhiên, đến tận tháng 9.2010, mới có 183 trường (đạt tỷ lệ 58,8%) xây dựng và công bố CĐR. Nhưng trong thời gian đó, cũng không có trường nào bị chế tài về tuyển sinh. Vào tháng 4.2010, sau khi Bộ ban hành hướng dẫn về xây dựng và công bố CĐR, quyết liệt yêu cầu các trường phải công bố ở học kỳ II năm học 2009-2010 thì đến nay đã có thêm nhiều trường công bố. Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, hầu như các trường mới chỉ làm để đối phó nên không đảm bảo chất lượng.
“”Việc công bố chuẩn đầu ra của các trường như hiện nay, thực chất chỉ là hình thức và hoàn toàn vô ích”" – Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯƠNG ANH, Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Nói về thực trạng này, lãnh đạo một trường ĐH thừa nhận: “Sở dĩ trường công bố sơ sài là do Bộ yêu cầu quá gấp. Theo quy trình, việc xây dựng CĐR phải tuân theo nhiều bước như: tổ chức xây dựng dự thảo CĐR, hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, nhà tuyển dụng lao động, cựu sinh viên… Sau đó, phải công bố dự thảo CĐR trên trang web của trường để lấy ý kiến. Để làm được như vậy sẽ phải mất rất nhiều thời gian, trong khi Bộ chỉ cho từ 1-2 năm thì không làm được”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cũng cho rằng việc công bố CĐR là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay yêu cầu của Bộ GD-ĐT mới chỉ mang tính chất hô hào, không đi vào thực chất. Thế nên, các trường cũng chỉ “ca bài ca chung chung” chứ không phải CĐR cho từng trường. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh – Phó giám đốc Trung tâm bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, kết luận: “Việc công bố CĐR của các trường như hiện nay, thực chất chỉ là hình thức và hoàn toàn vô ích. Các trường công bố CĐR chỉ là những phát biểu do chính nhà trường đưa ra, và không ai biết chắc những tiêu chuẩn đó có thể đạt được hay không”. Để thực sự đúng nghĩa CĐR, cô Phương Anh đề nghị: “Cần phải có các tổ chức chuyên nghiệp để đo năng lực người học, đó là những đơn vị thứ 3″.
Theo thanh niên
Tìm hướng đi cho cải cách giáo dục
Sáng nay 27/9, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức tọa đàm "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo". Nhiều chuyên gia giáo dục tâm huyết đã chia sẻ góp ý sâu sắc đối với phát triển giáo dục nước nhà.
Cần rũ bỏ hình thức áp đặt
Phát biểu tại buổi tọa đàm, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình khẳng định: "Muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo giáo dục".
Phân tích về vấn đề này, bà Bình cho rằng: "Muốn chuyển biến căn bản và toàn diện thì nhất thiết phải cải cách giáo dục. Đổi mới hay cải cách, trong trường hợp này, không đơn thuần là khác biệt về câu chữ. Đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ như những năm qua và ngay như hiện nay, khi chưa có một đề án tổng thể, chưa xác định rõ phương hướng của cả hệ thống giáo dục mà đã tính chuyện làm mới chương trình và sách giáo khoa, thì đổi mới cách ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện. Vấn đề hết sức cấp bách hiện nay là tình trạng mất cân đối giữa ba bộ phận chính của hệ thống giáo dục là giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Do đó, cần phải rà soát, xác định rõ vị trí và mục tiêu cụ thể của từng bộ phận cũng như từng cấp học, từ đó cơ cấu lại hệ thống giáo dục nghĩa là điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của mỗi bộ phần và cả hệ thống".
Về nội dung và phương pháp giáo dục, theo nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: "Muốn có chương trình mới thì cần phải đổi mới quan niệm về sứ mạng và mục tiêu giáo dục, về kiến thức và kỹ năng, về cách dạy và cách học, để chọn ra được những nội dung đích thực là phổ thông, đích thực là cơ bản. Nhưng muốn thế phải có tầm nhìn xa và dự báo được xu thế phát triển. Với cách cắt xén chương trình để "giảm tải" cập rập như chúng ta vừa thực hiện đầu năm học này, tôi lo rằng, việc làm chương trình sắp tới khó bảo đảm được chất lượng như mong muốn.
Cần phải rũ bỏ hình thức áp đặt, thay vào đó, hết sức coi trọng việc bồi dưỡng năng lực tư duy độc lập, sáng tạo cho học sinh. Chỉ có như vậy nhà trường mới đào tạo được những công dân tự tin, tự chủ, tự lập để có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội" - bà Bình nhấn mạnh.
Các đại biểu tại buổi tọa đàm "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo" do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng nay 27/9. (Ảnh: Hồng Hạnh)
Đồng quan điểm với bà Bình, PGS. TS Trần Quốc Toản cho rằng: "Nhận thức đúng, sâu sắc tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta cần phải làm rõ và trả lời 3 câu hỏi: Vì sao lại phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục? Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục là đổi mới thế nào? Làm thế nào để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục?".
Theo PGS Trần Quốc Toản, "đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục" trước hết cần nhận thức sâu sắc tính cách mạng và khoa học của quá trình đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục. Đây không phải là những sửa đổi, điều chỉnh nhỏ lẻ, cục bộ, mang tính bề mặt. PGS.TS Trần Quốc Toản đưa ra ví dụ về việc giảm tải chương trình giáo dục phổ thông. Giảm tải chương trình giáo dục phổ thông không chỉ đơn giản là giảm khối lượng và độ khó kiến thức như Bộ GD-ĐT đang chỉ đạo là loại bỏ những phần trùng lặp, những phần được cho là quá khó; mà bao trùm hơn là cần xác định rõ mục tiêu giáo dục phổ thông có cần đổi mới không? Tương quan giữa giáo dục nhân cách, cung cấp kiến thức và giáo dục kỹ năng có cần thay đổi không? Thay đổi như thế nào? Tỷ lệ và tương quan 3 mặt giáo dục đó ở các cấp Tiểu học, THCS,THPT có cần thay đổi không?... Rõ ràng vấn đề giảm tải giáo dục phổ thông không được nghiên cứu thấu đáo trong những tương quan trên thì việc thực hiện sẽ chỉ là sự "chữa cháy", không cơ bản, không đạt được những mục tiêu quan trọng hơn đối với giáo dục phổ thông.
Còn theo GS Hoàng Tụy, giáo dục là một hệ thống phức tạp, theo nghĩa khoa học của từ này, cần phải được tiếp cận và đối xử như một hệ thống phức tạp. Có nghĩa là khi hệ thống đó lâm vào khủng hoảng triền miên, thì những điều chỉnh cục bộ, qua cơ chế phản hồi, kiểu như đổi mới vụn vặn mấy năm qua chẳng những không có tác dụng mà còn có thể làm tình hình tồi tệ, rối ren thêm. Lối ra duy nhất lúc này là cải tạo cấu trúc, xây dựng lại từ gốc, thay đổi cả thiết kế hệ thống.
GS Hoàng Tụy đưa ra 4 vấn đề nhằm thay đổi được giáo dục một cách toàn diện và cơ bản. Đó là thay đổi cơ bản cách học và thi; Cải cách mạnh mẽ hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề. Đây chính là vấn đề giáo dục phải phù hợp với nhu cầu và khả năng của xã hội; Cải cách mạnh mẽ, hiện đại hóa đại học. Cụ thể, cải thiện chất lượng đầu vào, thay đổi phương thức đào tạo, tháo gỡ các rào cản nghiên cứu khoa học; Vấn đề cuối cùng nhưng then chốt nhất là chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo chức.
Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Một trong những vấn đề quan trọng trong tọa đàm "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo" mà nhiều đại biểu nhắc tới là đội ngũ giáo viên. Về thực trạng các trường sư phạm hiện nay, theo PGS. TS Nghiêm Đình Vì - Ban Tuyên giáo Trung ương, chất lượng đào tạo của nhiều trường sư phạm chưa được cải thiện nhiều, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn. Vấn đề bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo chưa có quy hoạch chiến lược, dài hạn cho toàn ngành. Đội ngũ giảng viên sư phạm vẫn còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, tính tỷ lệ tiến sĩ trong các trường cao đẳng sư phạm, ĐH sư phạm vẫn thấp hơn so với tỷ lệ chung của giáo dục đại học. Do đó, chưa tạo nên bước đột phá đáng kể về chất lượng đào tạo.
Ông Vì kiến nghị: "Cần sớm xây dựng Chiến lược phát triển ngành Sư phạm; tiếp tục nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên trong quá trình hội nhập quốc tế; tiến hành đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp ở các trường ĐH sư phạm. Hiện nay, xu hướng tích hợp vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vào đổi mới chương trình và sách giáo khoa THPT. Căn cứ vào tình hình hội nhập quốc tế và sự thay đổi đổi nghề, tôi đề nghị với việc đào tạo giáo viên, một mặt vẫn tiếp tục đào tạo như hiện nay, nhưng sẽ nghiên cứu đề đào tạo giáo viên dạy tích hợp hai môn. Đó là Sử - Địa hoặc Sử - Chính trị, Toán - Lý, Hóa - Sinh... đây cũng có thể là đi tắt đón đầu cho việc nghiên cứu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam và phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa".
Về vấn đề này, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề nghị: "Phải sớm cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phải thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp chứ không để các thầy cô giáo sống bằng dạy thêm hoặc bằng một nghề nào khác".
"Không có khâu quản lý nào thể hiện rõ hơn quyết tâm chấn hưng giáo dục bằng chính sách đối với người thầy giáo" - GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.
Còn GS.TSKH Vũ Ngọc Hải, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay: "Cần chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, tập trung đầu tư phát triển các trường ĐH sư phạm trọng điểm, các trường ĐH sư phạm kỹ thuật và các khoa sư phạm kỹ thuật tại các trường ĐH. Xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách ưu đãi, nhất là chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tạo động lực, cho các nhà giáo, cán bộ nghiên cứu và quản lý giáo dục. Có chính sách đặc biệt nhằm thu hút các nhà giáo, nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong và ngoài nước, đặc biệt là người VN ở nước ngoài về nước tích cực tham gia quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút học sinh giỏi vào học ngành sư phạm".
Theo DT
Giảm tải kiểu mì ăn liền Theo các chuyên gia giáo dục, khi muốn giảm tải chương trình sách giáo khoa, cần xác định rõ mục tiêu của giáo dục hiện nay là gì, học để phục vụ những yêu cầu gì cho xã hội, xu hướng phát triển của thế giới, để từ đó mới có những hướng dẫn giảm tải hiệu quả. Dù có nhiều ý kiến...