Chuẩn bị năm học mới: Chờ tiếng trống khai giảng
Các trường tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội đã hoàn tất công tác tập huấn giáo viên lớp 1 chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới. Để phục vụ việc dạy, học, nhà trường, phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã đã rà soát, lên danh sách các trang thiết bị cần bổ sung.
Ảnh minh họa.
Hoàn tất công tác tập huấn giáo viên
Ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết: Huyện có 35 trường tiểu học, với 171 lớp 1. Phòng GD&ĐT được huyện cấp kinh phí xây dựng 10 chuyên đề mời giảng viên của các trường ĐH Sư phạm, ĐH Giáo dục… về tập huấn cho 100% giáo viên dạy lớp 1.
Quận Đống Đa có 23 trường tiểu học (19 trường công lập và 4 trường ngoài công lập) với tổng số 135 lớp 1, 5.363 học sinh. Phòng GD&ĐT đã tổ chức cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên tham gia các buổi tập huấn về nội dung, chương trình các bộ SGK lớp 1 mới giúp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý có cái nhìn tổng quan, rõ nét về nội dung cũng như đặc trưng của từng bộ SGK. Theo bà Phạm Thị Phúc – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa, từ tháng 8/2019, 100% cán bộ quản lý và giáo viên khối 1, 2, 3 trong toàn quận đã được tập huấn và cấp chứng chỉ về Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sẵn sàng cho năm học mới, 38 trường tiểu học của huyện Chương Mỹ cũng hoàn thành công tác tập huấn giáo viên. Ông Lê Trung Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến B (huyện Chương Mỹ) cho biết: Nhà trường có 3 lớp 1 với 124 học sinh. Để chuẩn bị giảng dạy chương trình lớp 1 theo SGK mới, nhà trường thành lập hội đồng chọn SGK lớp 1, niêm yết công khai SGK đã chọn cho phụ huynh biết. Bên cạnh đó, 100% giáo viên dạy lớp 1 của nhà trường được tập huấn trực tiếp và online Chương trình SGK mới. Các giáo viên lớp 1 trong trường cũng thành lập nhóm thảo luận chương trình của từng môn để thống nhất soạn bài và phương pháp giảng dạy.
Video đang HOT
Năm học này, Trường TH Dương Xá, huyện Gia Lâm có 6 lớp 1 với 256 học sinh, theo bà Đỗ Thị Kim Huế – Hiệu trưởng nhà trường, trường chọn bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để đưa vào giảng dạy. Tất cả giáo viên dự kiến dạy lớp 1 của trường đã được tham gia tập huấn trực tiếp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng như tham gia đầy đủ các lớp tập huấn theo chuyên đề do huyện tổ chức.
Bảo đảm đầy đủ thiết bị dạy – học
Cùng với công tác tập huấn giáo viên, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũng là vấn đề được các nhà trường hết sức quan tâm. Ông Lê Trung Hưng thông tin: Nhà trường đã yêu cầu giáo viên các lớp khảo sát, xem xét trong số những đồ dùng dạy học đã có, đồ dùng nào phù hợp với chương trình mới sẽ tiếp tục sử dụng, số còn thiếu, nhà trường đã lập danh sách báo cáo phòng GD&ĐT đề xuất được cấp và có kế hoạch mua sắm, bảo đảm 100% học sinh có đồ dùng dạy học trước ngày khai giảng.
Huyện Ba Vì đã tiến hành rà soát lên danh sách các trang thiết bị còn thiếu đề xuất UBND thành phố. Ông Phùng Ngọc Oanh cho hay: Các trường trên địa bàn huyện đã chuẩn bị đồ dùng tối thiểu phục vụ công tác giảng dạy. Trường hợp trang thiết bị của TP chưa cấp kịp, trường nào thiếu sẽ phân công dạy chéo để thầy và trò đều có đồ dùng dạy – học.
Bà Phạm Thị Phúc cho hay, căn cứ theo Thông tư 05/2019-BGDĐT về danh mục trang thiết bị tối thiểu lớp 1, các môn có thiết bị vẫn dùng được là Toán, Tiếng Việt, Âm nhạc, Giáo dục thể chất (tổng cộng là 30 thiết bị dùng chung), còn các môn Tự nhiên xã hội, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm, Mỹ thuật đều là thiết bị mới.
Theo bà Đỗ Thị Kim Huế, với bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống nhà trường đã chọn, số đồ dùng dạy học theo SGK có thể tận dụng từ trang thiết bị cũ phần nhiều ở các môn cơ bản như Toán, Tiếng Việt. Môn Hoạt động trải nghiệm cũng như môn Đạo đức, tỷ lệ thiết bị tận dụng cũng có nhưng không nhiều nên sẽ phải bổ sung.
Bà Ngô Phi Khanh – Hiệu trưởng Trường TH Trung Tự, quận Đống Đa cho biết: Đồ dùng dạy học theo SGK mới, một phần tận dụng từ năm trước, còn lại nhà trường rà soát lên danh sách đề xuất phòng GD&ĐT và được UBND quận cấp cho nhà trường, bảo đảm thầy trò có đủ đồ dùng, trang thiết bị dạy học.
Cô Vũ Hải Phượng – GV Trường Tiểu học Trung Tự (quận Đống Đa) chia sẻ: Khi tập huấn về SGK lớp 1 mới, giáo viên đều được giới thiệu về đồ dùng dạy học đi kèm. Hằng năm, GV nhà trường đều được tập huấn nên việc sử dụng không gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Sơn – Phó Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho biết: Chuẩn bị trang thiết bị dạy học cho năm học mới, quận, huyện có ngân sách đã tổ chức mua sắm theo đề xuất của các trường trên cơ sở số lớp, học. Địa phương khó khăn, Sở GD&ĐT đang tổng hợp đề xuất xin nguồn ngân sách của thành phố hỗ trợ. Hiện số trang thiết bị tận dụng từ nguồn đã sử dụng khoảng 70 – 80%, vì vậy, số lượng phải hỗ trợ không nhiều.
1539 giáo viên, 384 CBQl Bình Định được tập huấn Chương trình GDPT 2018
Trong 3 ngày (21-23/7/2020), Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế tổ chức tập huấn mô đun 1 về "Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018" cho 1539 giáo viên lớp 1 và 384 cán bộ quản lý của tỉnh Bình Định.
Giáo viên Bình Định tập huấn về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT năm 2019.
Sau khi tìm hiểu về Chương trình GDPT tổng thể 2018, với sự hỗ trợ của đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên khối lớp 1 được hướng dẫn cụ thể cách lập kế hoạch dạy học, thiết kế bài học các môn Toán, Tiếng việt, Giáo dục thể chất, Âm nhạc và Mỹ thuật. Ngoài ra, giáo viên cũng nắm bắt được cách đánh giá kết quả giáo dục học sinh theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Đợt bồi dưỡng này cũng giúp cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Bình Định hiểu rõ yêu cầu, nhiệm vụ của Hiệu trưởng trong quản trị hoạt động dạy học, giáo dục ở trường tiểu học. Từ đó, có thể lập kế hoạch giáo dục của nhà trường; tổ chức thực hiện kế hoạch; giám sát, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch giáo dục trường tiểu học theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018; chỉ đạo hoạt động của tổ/nhóm chuyên môn trong trường tiểu học nhằm thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Điểm đặc biệt, trong đợt hỗ trợ bồi dưỡng giáo viên đại trà của Bình Định, đội ngũ giáo viên cốt cán đóng vai trò trợ giảng cùng các giảng viên sư phạm chủ chốt của ĐH Sư phạm-ĐH Huế, hỗ trợ giáo viên/cán bộ quản lý tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến (LMS) cũng như trong hoạt động bồi dưỡng trực tiếp.
Hào hứng với đổi mới, cô giáo Trương Thị Mỹ Hạnh - Trường Tiểu học số 2 Cát Nhơn, huyện Phú Cát (Bình Định) tâm đắc với mục tiêu giáo dục một cách toàn diện, chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh của Chương trình GDPT 2018.
"Tuy nhiên, để bảo đảm mục tiêu này, bên cạnh sự thay đổi tích cực của giáo viên về phương pháp giảng dạy thì các trường học cần đảm bảo phương tiện dạy học như máy chiếu, bảng đa năng... Vì vậy, chúng tôi rất mong sự quan tâm của các cấp có thẩm quyền trong việc đầu tư về cơ sở vật chất cho các trường còn khó khăn để việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 được thành công" - cô Mỹ Hạnh bày tỏ.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Hiền, nhờ có đợt tập huấn này, giáo viên như cô học hỏi được rất nhiều kiến thức mới, hiểu được yêu cầu thiết yếu về phát triển phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của học sinh.
"Ví dụ, một trong những yêu cầu cần đạt của môn Tiếng Việt trong Chương trình GDPT 2018 là phát triển kỹ năng giao tiếp thông qua đọc, viết, nói và nghe. Kỹ năng này lại được quy định cụ thể về thời lượng rèn luyện, chẳng hạn kỹ năng đọc chiếm 60% thời lượng ở lớp 1,2,3, đến lớp 4,5 tăng lên 63%. Do đó, giáo viên cần thiết kế kế hoạch dạy học đảm bảo yêu cầu. Tôi sẽ xây dựng những tiết học phù hợp với đặc điểm của học sinh" - cô Hiền nói về kế hoạch của cá nhân mình.
Hầu hết các thầy cô giáo đều nhận thức rõ về những điểm mới của Chương trình GDPT 2018. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải - Trường Tiểu học số 2 Cát Nhơn, huyện Phú Cát chia sẻ: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đặc biệt sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham thảo, chương trình mới là pháp lệnh. Tài liệu tham khảo đã được các nhà xuất bản chú trọng đầu tư về hình ảnh, điều đó sẽ gây sự hứng thú cho học sinh. Với nhiều bộ sách khác nhau sẽ giúp giáo viên có nguồn tài liệu tham khảo phong phú, kích thích sự sáng tạo trong dạy học của giáo viên.
Chưa đạt yêu cầu tập huấn SGK lớp 1 mới, giáo viên sẽ không được giảng dạy "Nếu giáo viên không tham gia tập huấn hoặc tham gia tập huấn nhưng không qua được bài test của NXB thì không được bố trí tham gia giảng dạy lớp 1 năm nay". Đó là thông tin mà TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ tại họp báo thường kỳ Quý II của Bộ GD&ĐT...