Chuẩn bị hành trang để đến Google, Facebook
Thông thạo ngoại ngữ, có kiến thức chuyên môn, sở hữu CV nổi bật là “mẫu số chung” của các bạn trẻ Việt Nam đang làm việc tại những tập đoàn công nghệ nổi tiếng thế giới.
Khi được hỏi liệu người Việt trẻ có thể tới làm việc tại những tập đoàn lớn trên thế giới, Nguyễn Đức Bình (làm việc tại PwC – một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới tại New York, Mỹ) khẳng định: “Không quá khó khăn vào làm việc tại những công ty, tập đoàn lớn trên thế giới, chỉ cần các bạn trẻ tự tin, quyết đoán và thực sự chăm chỉ”.
Những bước đầu tiên
Nhiều người Việt đã và đang làm việc tại các tập đoàn nổi tiếng đều đồng ý rằng, người trẻ nên chủ động trau dồi kiến thức, đặc biệt tiếng Anh, từ thời trung học.
Trần Hoàng Anh (sinh viên khoa Tài chính, Đại học Oxford, Anh) chia sẻ: “Mình lên kế hoạch thi lấy chứng chỉ tiếng Anh từ khi còn học lớp 10. Mình không chỉ học ở lớp, mà còn chủ động học ở các trung tâm và tự tìm hiểu đề thi IELTS. Nghỉ hè lớp 11, mình đã có chứng chỉ IELTS 7.5″.
Hoàng Anh cho rằng IELTS 7.5 không phải cao, vì khi đi làm và du học, bạn còn phải tiếp tục học tiếng Anh và tăng cường khả năng giao tiếp rất nhiều.
Trong khi đó, Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1991, nhân viên Netflix thị trường Pháp) đề cập góc độ đam mê công nghệ thông tin.
“Không có nhiều cơ hội thực hành, nhưng môn tin học ở cấp ba cho mình những kiến thức máy tính cơ bản và hiểu biết nền về chuyên ngành công nghệ sau này. Đây là việc rất quan trọng mà đôi khi không trường đại học nào dạy”, Tuấn Anh nói.
Video đang HOT
Theo ông Stene Verhulst, Phó phòng Tuyển sinh và Truyền thông Quốc tế của Đại học Emporia State (Mỹ): “Các bạn trẻ cần giỏi toán, tư duy logic, cũng như các môn khoa học tự nhiên. Khi tuyển chọn sinh viên, trường xem xét điểm trung bình ở bậc phổ thông, không xem điểm cụ thể từng môn, nhưng nếu điểm toán càng cao thì càng có lợi cho người học”.
Lê Yên Thanh là Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2015, một trong sáu sinh viên sẽ đến Google thực tập và làm việc vào tháng 6 tới. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Chọn ngành, nghề khi vào đại học
Việc xác định được ngành nghề khi thi đại học cũng rất quan trọng. Tại Việt Nam, nếu muốn làm ngành công nghệ, hãy chọn các khoa kỹ thuật máy tính, truyền thông và mạng máy tính, khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, công nghệ thông tin.
Một số trường đào tạo tốt lĩnh vực này như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Công nghệ Thông tin Gia Định, Đại học Công nghệ TP HCM, Đại học Quốc gia TP HCM…
Các trường đại học quốc tế có những chuyên ngành về Công nghệ thông tin mà Việt Nam chưa có hoặc chưa phát triển. Ví dụ như: Hệ thống an ninh Internet, Hệ thống máy tính, Hệ thống mô hình hóa, Kiến trúc mạng, Quản lý cơ sở dữ liệu, Thiết kế cơ sở dữ liệu, Thương mại điện tử, Xử lý giọng nói, lời nói, Điều khiển học máy tính, Môi trường phát triển trực quan, Trí tuệ nhân tạo, Tin học sinh học, Tin học y tế…
Nếu du học Mỹ, sinh viên có thể lựa chọn các chuyên ngành về máy tính được đào tạo ở nhiều trường, trong đó có Đại học Carnegie Mellon, Học viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Standford, Đại học California – Berkeley…
Ngoài ra, Canada, Anh, Hà Lan, Thụy Điển, New Zealand, Australia, Malaysia, Singapore… đều có các trường mạnh về đào tạo khoa học máy tính.
Đức Minh (sinh viên ngành khoa học máy tính tại Lansing Community College, tiểu bang Michigan, Mỹ), chia sẻ, cậu đã định hướng ngành học từ khá sớm và quyết định đến Mỹ. Cơ sở vật chất, cũng như việc giảng dạy chuyên ngành ở đây thực sự khiến nam sinh bất ngờ.
Chuẩn bị kỹ cho tuyển dụng
Lê Yên Thanh (Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2015, chuẩn bị tới Google thực tập) cho biết, bạn trẻ nên lập kế hoạch cho việc đi làm ngay từ khi là sinh viên năm thứ nhất, hãy tìm hiểu thật kỹ công ty, cũng như vị trí công việc mình muốn làm.
Yên Thanh thường tìm kiếm những công việc mà Google cần tuyển tại phần tuyển dụng của Google Careers, trong đó ghi rõ những yêu cầu cho công việc, mô tả kỹ hồ sơ cần nộp, yêu cầu đặc biệt của nhà tuyển dụng, kể cả quy trình phỏng vấn gồm bao nhiêu vòng, thời gian phỏng vấn…
Ứng viên có thể thỏa thuận với Google về thời gian phỏng vấn trực tuyến, cũng như kênh phỏng vấn phù hợp.
Nguyễn Đức Bình chia sẻ, để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, đầu tiên, bạn phải có điểm số tốt và bảng thành tích, hoạt động ngoại khóa nổi bật.
Hồ sơ cá nhân thường khiến nhà tuyển dụng chú ý nhất. “Đó là thứ tạo ra ấn tượng của bạn trước nhà tuyển dụng, vì vậy hồ sơ phải thật nổi trội, thu hút sự chú ý”, Đức Bình nói.
Trần Quang Hưng, Trưởng ban Tổ chức VietAbroader Business Conference (tổ chức của những người trẻ ở Mỹ về du học) cho hay, có nhiều cách trình bày CV. Với những công ty yêu cầu sự sáng tạo như Google, Facebook, Apple…, CV động được trình bày sáng tạo qua 3D, thể hiện phong cách riêng sẽ “ăn điểm”.
CV cần trình bày ngắn gọn, thể hiện rõ năng lực, tài năng của ứng viên. Yên Thanh đã lôi kéo sự chú ý của Google bằng cách để những bằng cấp lên đầu. Lý do là “nhà tuyển dụng thường đọc lướt thông tin nên ngoài tên, tuổi, mình chú trọng liệt kê những thành tích nổi bật, sau đó mới đến thành tích phụ”.
Đức Bình cho hay, tùy công ty nhưng phần lớn đều tuyển chọn qua 2 hoặc 3 vòng. Vòng đầu thường qua điện thoại, skype, hoặc ở trường (đối với du học sinh).
Với vòng phỏng vấn qua điện thoại hoặc skype, bạn hãy tự tin và bình tĩnh nhất có thể. “Coi đó như một cuộc gọi thông thường và người đầu dây bên kia đang hỏi mình một số kinh nghiệm về chuyên môn. Bạn nghĩ như vậy sẽ khiến cuộc phỏng vấn nhẹ nhàng và thoải mái”, Đức Bình tư vấn.
Sau đó, vòng phỏng vấn trực tiếp, hãy tự tin và trả lời những câu hỏi, nhìn thẳng vào mắt người tuyển dụng. Cần nhớ rằng, những câu hỏi phỏng vấn của Google thường không có đáp án. Cái họ muốn thấy là khả năng giải quyết vấn đề, sự tiếp thu, tính nhanh nhạy, sáng tạo của ứng viên.
Cuối cùng, tùy công ty sẽ có vòng thi viết. Đây mới là vòng thể hiện kiến thức chuyên môn của sinh viên.
Đức Bình khuyên: “Khi phỏng vấn, ứng viên hãy thể hiện sự hiểu biết về công ty, công việc mình làm. Thể hiện sự tự tin trong ăn nói, giao tiếp, từ cái bắt tay, ánh mắt, ngôn ngữ cơ thể. Mình thường tìm các câu hỏi ôn tập qua Google và Behavorial Questions”.
Theo Zing