Chua xót phát hiện lấy thuốc bảo hiểm y tế cho cá ăn
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam chia sẻ, ông rất chua xót khi phát hiện có nhà dùng thuốc BHYT được lĩnh về cho cá ăn.
Ông Phạm Lương Sơn lo lắng về tình trạng trục lợi quỹ BHYT
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cảnh báo, nếu không có các biện pháp quyết liệt, quỹ BHYT có thể bội chi đến 5.000 tỉ đồng.
Thông tin được đưa ra tại toạ đàm “Giải pháp để quản lý hiệu quả quỹ BHYT, BHXH” vừa diễn ra.
Ông Sơn cho biết, tính đến tháng 6/2016, cả nước đã có trên 80% dân số tham gia BHYT, vượt kế hoạch Chính phủ giao.
Trong 6 tháng, quỹ BHYT đã chi trên 30.300 tỉ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ 2015. Trong đó qua xác minh có 37 tỉnh, thành bội chi quỹ BHYT hơn 3.400 tỉ đồng.
Tính chung cả nước, từ nay đến cuối năm có thể bội chi thêm hơn 1.600 tỉ nữa, nâng tổng bội chi BHYT 2016 lên 5.000 tỉ đồng.
Theo ông Sơn có 3 nguyên nhân chính làm bội chi quỹ BHYT: Thứ nhất tăng cơ học về số người tham gia BHYT, thứ 2 là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế, khiến quỹ tăng thêm khoảng 3.000 tỉ đồng, thứ 3 là do thực hiện thông tuyến, dẫn đến tăng 1.400 tỉ đồng.
Ngoài ra có nhóm nguyên nhân khác tăng 1.000 tỉ đồng như sử dụng dịch vụ kỹ thuật mới, đưa vào một số thuốc bất hợp lý.
Ông Sơn chỉ rõ, tình trạng trục lợi quỹ BHYT thời gian qua đến từ cả 3 phía gồm người bệnh, cơ sở y tế và từ chính cán bộ ngành BHYT.
Cụ thể, về phía người bệnh, người chưa tham gia BHYT nhưng mượn thẻ người khác đi khám chữa bệnh hoặc chỉ tham gia khi đã có bệnh hoặc bệnh nặng.
Trường hợp nữa là sử dụng giấy tờ không đúng quy định, thực tế đã phát hiện thẻ BHYT giả, giấy tờ tuỳ thân giả với mục đích tránh đóng các chi phí đáng ra phải trả.
Video đang HOT
Thứ ba, người bệnh tận dụng thẻ BHYT bằng cách đi khám rất nhiều lần để lấy thuốc về nhưng sử dụng thuốc không đúng mục đích.
“Câu chuyện chỉ xảy ra với một vài cá nhân, nhưng cũng rất chua xót khi phát hiện có nhà dùng thuốc BHYT được lĩnh về cho cá ăn”, ông Sơn chia sẻ.
Về phía cơ sở khám chữa bệnh trục lợi có cả bệnh viện công và tư. Tuy nhiên phát hiện cơ sở y tế tư nhân dễ hơn do hoạt động theo doanh nghiệp, phổ biến nhất là tình trạng lạm dụng xét nghiệm, thuốc, lập bệnh án khống…
Bày tỏ thái độ kiên quyết, ông Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam sẽ có những biện pháp quyết liệt để ngăn chặn đối với những hành vi trục lợi BHYT.
Dùng “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” dễ gây hiểu nhầm
Tại toạ đàm, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của QH cho biết, nếu vẫn giữ nguyên cơ chế và mức đóng – hưởng hiện nay và tính đúng tính đủ “đầu vào” của Quỹ Khám chữa bệnh, khả năng mất cân đối với quỹ BHYT sẽ xảy ra vào năm 2019, quỹ BHXH vào năm 2037.
Ông Lợi chỉ ra việc đóng ít, hưởng nhiều là nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân đối quỹ BHXH.
“Hiện người lao động đóng BHXH đủ được chế độ trong 14 năm kể từ khi nghỉ hưu nhưng thực tế người lao động sống trung bình tới 23,5 năm sau khi nghỉ hưu. Như vây Nhà nước phải bù thêm 8%”, ông Lợi phân tích.
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định quỹ BHYT, BHXH không thể vỡ
Chưa kể, khi tham gia BHXH trong 15 năm, mức hưởng tương ứng chỉ khoảng 37% lương trung bình nhưng thực tế nâng lên tới 45% để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân.
Do đó tổng mức chi trả lương hưu như hiện nay lớn hơn tổng mức đóng khiến kết dư quỹ BHXH đang giảm dần.
“Nếu không nâng tuổi hưu thì đến năm 2037 mức thu, bao gồm cả kết dư quỹ sẽ bằng mức chi”, ông Lợi lo lắng.
Tuy nhiên ông nhấn mạnh, quỹ BHXH không thể vỡ: “Cả 2 quỹ BHYT và BHXH đều do Nhà nước bảo hộ và điều chỉnh. Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý của Nhà nước. Chúng ta không nên dùng khái niệm “vỡ quỹ”, “thủng quỹ” bởi dễ làm dư luận hiểu nhầm”.
Để giải quyết tình trạng mất cân đối quỹ, ông Lợi cho rằng cần tính tới phương án người đóng ít sẽ hưởng ít và ngược lại. Đồng thời cần có thêm các chính sách khác như hưu trí bổ sung, khi về hưu có 2 lớp lương hưu.
Theo Veietnamnet
Trong vòng 2 năm nữa sẽ xem xét lại tuổi nghỉ hưu?
Trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ sẽ nghiên cứu trình Quốc hội điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. "Năm 2016 - 2017 nên tổng kết 3 năm thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012, sau đó tiến hành sửa đổi, bổ sung để điều chỉnh tuổi nghỉ hưu", TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Năm 2012, khi sửa đổi Bộ luật Lao động, nhiều ý kiến không đồng tình kéo dài tuổi nghỉ hưu. Tại sao ông lại cho rằng cần phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu?
Có nhiều lý do cần thiết phải điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu.
Thứ nhất, đời sống vật chất, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân càng ngày càng được cải thiện, vì thế tuổi thọ bình quân của người dân mỗi năm một tăng, hiện nay tuổi thọ bình quân của người dân đã trên 73,2 tuổi.
Thứ hai, chúng ta sắp qua giai đoạn dân số vàng và bước vào thời kỳ già hóa dân số, nếu không có bước chuẩn bị sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, làm công tác quản lý và một số trường hợp khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Thứ ba, hiện tại, chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng lại rất thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn tới lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ tư, khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, một bộ phận người dân có cơ hội kéo dài thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), nên khi nghỉ hưu, họ có mức thu nhập cao hơn, tránh tình trạng như hiện nay, đại bộ phận người làm công ăn lương sau khi nghỉ hưu vô cùng khó khăn về tài chính do mức lương hưu thấp hơn nhiều so với thu nhập khi còn đi làm.
Một lý do không thể không kể đến khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là để tránh vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội?
Đây cũng là một lý do quan trọng. Bởi như tôi nói, tuổi thọ bình quân của người dân mỗi năm một tăng, thời gian hưởng lương hưu ngày càng kéo dài, cộng với việc điều chỉnh lương tối thiểu theo lộ trình cải cách tiền lương thì Quỹ Bảo hiểm xã hội sẽ mất cân bằng và có khả năng bị vỡ nếu không có các chính sách khác để tăng thu, giảm chi.
Vậy tại sao không dùng từ tăng tuổi nghỉ hưu, mà lại là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, thưa ông?
Chúng ta không tăng tuổi nghỉ hưu, vì tăng là tăng với mọi đối tượng làm việc trong khu vực chính thức, cả khu vực nhà nước lẫn khu vực ngoài nhà nước. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tức là có đối tượng kéo dài, có đối tượng giữ nguyên và có đối tượng được rút ngắn tuổi nghỉ hưu.
Tôi rất lấy làm tiếc là khi xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012, nếu Chính phủ có đủ cơ sở khoa học lẫn thực tiễn để thuyết phục thì Quốc hội đã chấp thuận việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp, chứ không phải đợi đến bây giờ mới tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
Theo quan điểm của ông, nên điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng nào?
Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người làm công việc đặc thù như giáo viên mầm non chẳng hạn, có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 1 đến 5 năm so với quy định, nhưng cho phép họ lựa chọn có nghỉ hưu trước hay không, nghỉ hưu trước bao nhiêu năm. Còn người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có năng lực, kinh nghiệm, trình độ, làm công tác quản lý và một số trường hợp khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 5 năm so với quy định.
Thưa ông, nếu chỉ cho phép người có năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, đặc biệt là người quản lý, sẽ gây ra phản ứng trong xã hội là Nhà nước kéo dài tuổi hưu cho quan chức?
Những người có kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ đủ 60 tuổi mà phải nghỉ hưu, còn sức khỏe, chắc chắn sẽ không "ngồi nhà", mà sẽ tìm chỗ khác để làm việc. Khi người ta có nhu cầu làm việc, tại sao không cho người ta tiếp tục cống hiến, bởi khi được tiếp tục làm việc thì người lao động tiếp tục đóng BHXH. Kéo dài thời gian đóng BHXH và bảo hiểm y tế còn giúp giảm gánh nặng cho Quỹ BHXH.
Vấn đề là phải có tiêu chí rõ ràng, minh bạch về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ để tránh tình trạng khi sắp "về vườn", nhiều người tìm mọi cách để "giữ ghế" thêm một thời gian nữa. Nếu không có tiêu chí rõ ràng, minh bạch thì kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với người làm công tác quản lý còn kéo lùi sự phát triển của xã hội.
Nhưng vấn đề là mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bổ sung vào thị trường lao động, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ gây áp lực lên tình trạng thất nghiệp?
Chúng ta sắp qua thời kỳ dân số vàng, nên áp lực về tạo việc làm sẽ giảm. Hơn nữa, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn với kinh tế thế giới, đặc biệt là AEC (Cộng đồng Kinh tế ASEAN) đã có hiệu lực kể từ ngày 31/12/2015, theo đó, lao động ở 8 ngành nghề trong khu vực được làm việc tự do trong khu vực ASEAN.
Hiện tại, rất nhiều người Việt có trình độ, kinh nghiệm, năng lực đã và đang làm việc ở khắp nơi trên thế giới. Vì vậy, nguồn nhân lực trình độ cao không lo bị thiếu việc làm nếu đối tượng này được kéo dài tuổi nghỉ hưu. Còn đối với những người chưa qua đào tạo, không có chuyên môn nghiệp vụ, không có kỹ năng, thì không cứ gì ở Việt Nam, mà ở bất cứ nước nào trên thế giới cũng vậy, họ rất dễ rơi vào tình cảnh không có việc làm, dù kéo dài hay rút ngắn tuổi nghỉ hưu, kéo dài hay rút ngắn thời gian lao động.
Theo Mạnh Bôn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Vì sao hàng trăm hồ sơ xin việc nhưng chỉ chọn được 1 người? Tình trạng lao động đã qua đào tạo nhưng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường về lao động chất lượng cao hiện nay rất phổ biến. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm cả nước tạo việc làm cho gần 1,6 triệu lao động, dạy nghề cho trên 1,8 triệu...