Chưa thể dẹp trường mầm non không phép
Dù các địa phương nắm rõ thực trạng tồn tại nhiều lớp mầm non độc lập, tư thục không phép nhưng vẫn phải chấp nhận bởi các trường mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu
Tại hội thảo “Quản lý các nhóm, lớp mầm non (MN) độc lập, tư thục”, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 27/2, các sở GD-ĐT phía Nam đều nêu thực tế hiện các nhóm trẻ độc lập, tư thục mọc lên không đếm xuể.
Nở rộ nhóm trẻ gia đình
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, toàn tỉnh chỉ có 239 trường MN vừa công lập và tư thục, trong khi số trẻ trong độ tuổi đến trường là 76.793. Hiện vẫn còn 347 cơ sở MN chưa được cấp phép, nuôi giữ 7.959 trẻ, trong đó có 148 nhóm trẻ gia đình quy mô dưới 10 trẻ.
TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai chỉ có 32 trường MN công lập và 29 trường MN tư thục, trong khi số trẻ MN lên tới 45.233. Trong số 456 nhóm lớp MN độc lập, tư thục thì vẫn còn hơn 50 nhóm đang hoạt động không phép.
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, toàn TP chỉ có 903 trường, trong khi tổng số trẻ là 321.722. Đến nay, TP HCM vẫn còn 453 nhóm lớp không phép và hầu hết các trường MN đều không nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi.
Video đang HOT
Học sinh Trường Mầm non Tư thục Thỏ Trắng (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM) trong giờ học
Theo ThS Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình xã hội Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên nhân khiến nhiều gia đình chấp nhận gửi con vào những nhóm trẻ chưa được cấp phép vì đó là nơi thu học phí thấp và linh hoạt thời gian đưa, đón.
“Theo khảo sát tình hình gửi trẻ tại 5 tỉnh, thành có nhiều KCX, đến 72% gia đình cho biết họ gửi con vào các nhóm trẻ độc lập, tư thục do gần nhà, tiện đường đưa đón; 41% là do nhóm trẻ đáp ứng được thời gian đón, trả. Trong khi đó, chỉ có 34,4% gia đình quan tâm đến cơ sở vật chất của nhóm trẻ, 32% quan tâm đến chất lượng giáo viên. Có nghĩa là chất lượng giáo viên xếp cuối cùng” – bà Mai nhận xét.
Biết sai vẫn không thể giải thể
Lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Biên Hòa cho biết TP này hiện còn 78 nhóm trẻ nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, giữ khoảng 5-10 bé/nhóm. Đa phần chủ của các nhóm trẻ tự phát này thường lớn tuổi, không có trình độ chuyên môn; do ghép nhiều độ tuổi khác nhau nên không thực hiện giảng dạy, chuyên môn vì thế không đủ điều kiện để được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, giải thế những nhóm này thì cha mẹ các cháu không có chỗ để gửi con.
Bà Trần Thị Kim Thanh cho biết các nhóm MN độc lập, tư thục thu phí thấp nên sử dụng mặt bằng thuê mướn, dạng nhà phố, cơ sở vật chất nhỏ hẹp khó cải tạo, thiếu sân chơi, phòng học diện tích dưới 50 m2. Việc cải tạo cơ sở vật chất nhóm lớp theo yêu cầu chuyên môn rất khó khăn…
“Điều này ảnh hưởng đến hoạt động ổn định của cơ sở và ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động cho trẻ. Một số cơ sở nằm trong khuôn viên nhà dòng, có sân chơi nhưng phòng học nhỏ và sĩ số cao” – bà Thanh nhìn nhận.
Bà Thanh cho biết trong thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung kiểm tra 956 nhóm lớp, trường MN tư thục không phép, trong đó giải tán 642 nhóm, lớp, trường MN tư thục không đủ điền kiện về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM thừa nhận các cơ sở MN ngoài công lập tăng quá nhanh, đặc biệt là các nhóm trẻ thành lập ồ ạt, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Sở GD-ĐT TP HCM đề nghị bộ ban hành bổ sung quy chế quản lý trường lớp MN ngoài công lập cho phù hợp thực tế tại các thành phố lớn, như: điều kiện tiêu chuẩn chủ nhóm, số trẻ tối thiểu của nhóm lớp, quy định xử phạt… Đồng thời, giao quyền cho địa phương có những quy định đặc thù trong quản lý nhóm lớp MN ngoài công lập.
Xây dựng đề án hỗ trợ giáo viên
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó GĐ Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết sở đang xây dựng đề án về chế độ chính sách hỗ trợ cho giáo viên ở các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo. Với đề án này, giáo viên, nhân viên trường công lập và cả ngoài công lập đều được hỗ trợ. Ngoài ra, TP HCM cũng đầu tư hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/trẻ/năm đối với các cháu trong độ tuổi nhà trẻ (6-36 tháng tuổi) và khoảng 6,5 triệu đồng/trẻ/năm đối với trẻ MN (3-5 tuổi) để giải quyết khó khăn cho bậc học MN hiện nay.
Theo TTVN
TP.HCM: Đóng cửa 866 cơ sở mầm non không phép
866 nhóm, lớp trẻ mầm non không phép đã bị đóng cửa do không đáp ứng được những yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập...
Thành ủy TP.HCM vừa có buổi làm việc với đại diện 24 quận, huyện về các nhóm, lớp, trường mầm non tư thục không phép trên địa bàn thành phố. Theo đó, hiện toàn thành phố có 419 trường mầm non công lập, 2.987 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục. Trong đó có 1.959 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục có phép và 1.028 nhóm, lớp, trường mầm non tư thục không phép. Trong quá trình làm việc, đoàn kiểm tra đã đóng cửa 866 nhóm, lớp, trường không đủ điều kiện về nuôi dạy trẻ. Theo thống kê, lỗi vi phạm của những cơ sở này hầu hết là thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, không đảm bảo vệ sinh môi trường...
Về số lượng người giữ trẻ, chỉ tính riêng các nhóm, trường không phép đã có 1.060 giáo viên, bảo mẫu. Trong đó, 284 người tốt nghiệp sư phạm, 153 người có tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, 286 người có trình độ học vấn 12/12 và 337 người không có chuyên môn, không qua đào tạo....
Đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập là cơ sở cho trẻ mầm non phát triển
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, với những giáo viên, bảo mẫu tại các nhóm trường mầm non tư thục không phép đang hoạt động chưa đạt trình độ, không qua trường lớp, SởGiáo dục & Đào tạo có thể phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ, UBND quận, huyện mở những lớp nghiệp vụ mầm non ngắn hạn để đào tạo kiến thức cơ bản về chăm sóc, giáo dục trẻ nhỏ, từ đó nâng cao ý thức cho người nuôi dạy trẻ để không xảy ra những vụ việc đau lòng như thời gian qua.
Với các cơ sở không đủ tiêu chuẩn hoạt động, nếu cơ sở nào có nhu cầu, các quận, huyện cũng nên xem xét việc cho vay vốn để cải tạo, mua sắm thêm trang thiết bị cho đạt yêu cầu. Như vậy, thành phố sẽ có thêm các cơ sở mầm non tư thục đủ điều kiện hoạt động, giảm áp lực cho các sơ sở công lập cũng như tình trạng khan hiếm nhà trẻ trong nhân dân.
Tại buổi làm việc, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cũng kiến nghị các quận, huyện cần quan tâm đầu tư xây dựng trường mầm non ở 11 phường chưa có trường mần non công lập. Đồng thời xin thí điểm việc nhận giữ trẻ từ 6 tháng tuổi tại 8 cơ sở công lập ở các quận, huyện tập trung đông người lao động như Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè...
Theo TNO
'Sở GD-ĐT Hà Nội không để học sinh bị thất học vì thiếu hộ khẩu' "Sẽ không để cho học sinh nào phải thất học, không học trường này thì sẽ học trường khác", ông Nguyễn Hiệp Thống PGĐ, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định. Liên quan đến thông tin học sinh Đỗ Hồng Sơn bị đình chỉ học vì thiếu hộ khẩu Hà Nội, chiều 19.2, ông Nguyễn Hiệp Thống - PGĐ Sở GD-ĐT Hà Nội cho...