Chưa nhận bằng tốt nghiệp, tân Thủ khoa đầu ra PTIT đã gia nhập Công ty Dasan Zhone Solutions
Nguyễn Hồng Đức, Thủ khoa đầu ra khóa 2014-2019 (khóa D14) các ngành khối kỹ thuật của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) đang là Kỹ sư phần mềm nhúng tại Công ty Dasan Zhone Solutions – công ty mà Đức vào làm từ khi thực tập.
Tân Thủ khoa đầu ra PTIT Nguyễn Hồng Đức chia sẻ tại Lễ tổng kết và trao bằng hệ đại học chính quy các ngành khối kỹ thuật khóa 2014 -2019 (Ảnh: Đình Dũng)
“Các bạn sẽ làm gì với tấm bằng Đại học nhận được hôm nay? còn với tôi, hôm nay tôi sẽ về cất bằng Đại học này vào trong tủ kính tại một nơi trang trọng. Tôi coi đây là kỷ vật vô giá gợi nhớ lại 5 năm tuổi trẻ, là quãng thời gian chúng ta khám phá bản thân, hiểu được ước mơ, mong muốn thực sự của mình là gì.
Chúng ta ra trường cùng một nơi, cùng cầm tấm bằng kỹ sư trên tay nhưng sẽ có những hướng đi khác nhau cho riêng mình. Điều quan trọng nhất ta nhận được từ trường đại học không phải là kiến thức chuyên môn nhiều bao nhiêu, mà là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “ta thực sự muốn trở thành ai?”", đó là lời chia sẻ của Thủ khoa ngành Kỹ thuật điện tử Viễn thông khóa 2014 – 2019 (D14) PTIT Nguyễn Hồng Đức cũng là Thủ khoa đầu ra toàn khóa D14 tại lễ trao bằng tốt nghiệp năm 2019.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại Hà Nội, bố mẹ đều công tác trong ngành giáo dục, đây chính là động lực để Nguyễn Hồng Đức phấn đấu và lựa chọn hướng đi cho mình trong tương lai.
Với thành tích học tập xuất sắc trong 3 năm học THPT chuyên Khoa học tự nhiên cùng với thành tích giải ba tại kỳ thi học sinh giỏi Lý Quốc gia THPT năm 2014, Nguyễn Hồng Đức đã được tuyển thẳng vào ngành Kỹ thuật Điện tử Truyền thông của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Không ngủ quên trên “niềm vui chiến thắng” ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào cổng trường đại học, Nguyễn Hồng Đức đã luôn tự nhủ phải cố gắng, cố gắng thật nhiều, bởi theo Đức “Với đam mê, niềm tin và sự kiên trì, sẽ không có con đường nào là ngõ cụt”.
Video đang HOT
Với quan điểm và phương châm đó, trong hơn 4 năm ngồi trên ghế giảng đường đại học, cậu sinh viên Nguyễn Hồng Đức đã không ngừng nỗ lực học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng đạt được nhiều thành tích cao trong học tập và nghiên cứu khoa học. Hồng Đức đã đạt giải trong kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc năm 2015 và sở hữu bảng thành tích học tập ấn tượng khi tất cả các kỳ học Hồng Đức luôn là sinh viên Giỏi và Xuất sắc, với điểm tổng kết toàn khóa 3,85. Liên tục trong các năm học Đức đều được nhận học bổng cùng giấy khen của Giám đốc Học viện.
Ngoài thành tích học tập xuất sắc, bạn bè còn nể phục Hồng Đức bởi bạn rất tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Hồng Đức đã có 1 bài báo được đăng trên hội nghị Quốc tế ATC năm 2017, 1 bài báo được đăng trên hội nghị Quốc tế IEEE lần thứ 3 về hệ thống thông tin và truyền thông (ICCIS 2018), tại cuộc thi nghiên cứu khoa học được hỗ trợ bởi dự án Motorola Solutions 2018 sản phẩm “Aten tiểu hình ứng dụng trong IoT” đã được tặng giấy khen.
Chia sẻ bí quyết để có được bảng thành tích học tập đáng nể trên, Nguyễn Hồng Đức cho biết: “Đối với mỗi môn học Đức dành khá nhiều thời gian để đọc sách, đặc biệt với các môn chuyên ngành của Viễn thông nặng về lý thuyết thì đây là việc rất quan trọng”. Không chỉ chú ý nghe giảng và ghi chép trên lớp, Đức còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu chuyên ngành bằng tiếng Anh.
Ngoài ra, Đức cũng tích cực sử dụng Internet và các phần mềm hỗ trợ học tập, đặc biệt, Hồng Đức rất chú trọng đến việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và lập trình. Theo Đức, việc tham gia các Câu lạc bộ của sinh viên Học viện như: CDA, Lập trình… cũng là môi trường tốt để mỗi sinh viên học tập và rèn luyện”.
Không chỉ sở hữu bảng thành tích học tập đáng “mơ ước”, Nguyễn Hồng Đức còn là sinh viên tiêu biểu của PTIT trong các chương trình trao đổi sinh viên, Hồng Đức đã được tham gia chương trình “Hạt giống Viễn thông tương lai 2018″ do Tập đoàn Huawei tài trợ diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc; chương trình trao đổi sinh viên “Global ProJect Based Learning 2018″ tại trường Đại học SIT, Tokyo, Nhật Bản; và tham gia diễn đàn APIGA 2016 diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc; tham gia chương trình trại hè RS2018 “Enabling Technologies for Smart City” do Đại học Công nghệ Sydney của Úc và trường đại học Bách khoa TP.HCM tổ chức. Đây là những trải nghiệm quý báu mà không phải sinh viên nào cũng có được.
Nguyễn Hồng Đức chia sẻ: “Em rất thích những chương trình trao đổi sinh viên ngắn này, vì đây là cơ hội tốt để em được gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kiến thức với nhiều bạn sinh viên cũng như chuyên gia nước ngoài. Sau mỗi chuyến đi, em thấy mình học hỏi thêm được nhiều kiến thức mới và được mở rộng tầm mắt, được trải nghiệm những nền văn hóa của các nước mà em được đặt chân đến”.
Nguyễn Hồng Đức, cựu sinh viên khóa D14 không chỉ là Thủ khoa đầu ra ngành Kỹ thuật Điện tử Truyền thông mà còn là Thủ khoa toàn khóa D14 các ngành kỹ thuật của Học viện (Ảnh: Đình Dũng)
Thời điểm hiện tại, Nguyễn Hồng Đức đang là kỹ sư phần mềm nhúng tại Công ty Dasan Zhone Solutions, là công ty mà Đức theo làm ngay từ khi thực tập. Cựu sinh viên PTIT này cho biết, đây thực sự là môi trường lý tưởng cho các bạn sinh viên, đặc biệt là những bạn sinh viên theo học ngành Viễn thông muốn phát triển khả năng về mạng, lập trình và hệ điều hành nhúng. “Môi trường “Global” ở Dasan Zhone Solutions còn giúp em có cơ hội làm việc trực tiếp và học hỏi kinh nghiệm từ những chuyên gia đến từ Mỹ. Đã có nhiều sinh viên xuất sắc của PTIT đang làm việc và giữ những vị trí quan trọng trong Công ty”, Hồng Đức chia sẻ.
Tháng 9 năm nay, Nguyễn Hồng Đức sẽ tiếp tục học Thạc sĩ về mảng “Bảo mật trong IoT” tại trường Đại học hàng đầu Nhật Bản – Đại học Tokyo với học bổng toàn phần. Đây là ước mơ Hồng Đức ấp ủ ngay từ những ngày đầu bước chân vào cổng trường đại học.
Trở thành Thủ khoa toàn khóa của PTIT, với Hồng Đức là kết quả của những cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi trên chặng đường dài học tập. Trong giây phút chia tay mái trường, thầy cô và bạn bè, chia tay ngôi nhà thứ 2 của mình trong suốt 5 năm qua, Hồng Đức chia sẻ suy nghĩ về mái trường PTIT: “Với góc nhìn của sinh viên ngành kỹ thuật, em thấy sinh viên PTIT thực sự có “giá” và được đánh giá cao tại các Công ty và doanh nghiệp. Em muốn nhắn nhủ với các bạn sinh viên khóa sau các bạn hãy luôn tự hào khi là sinh viên và cầm trên tay tấm bằng của PTIT, các bạn hãy nỗ lực cho những đam mê và khát vọng của mình”.
Như Ý
Theo infonet
Nhà giáo nhân dân Dương Thanh Liêm qua đời
Người được nhiều thế hệ sinh viên xem là tấm gương về thanh liêm, chính trực đã từ trần tối 1/12 tại TP HCM, hưởng thọ 81 tuổi.
PGS Dương Thanh Liêm, nguyên Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm TP HCM, là chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y.
PGS Dương Thanh Liêm. Ảnh: Đại học Nông Lâm TP HCM.
Sinh năm 1938 tại huyện Giồng Trôm (Bến Tre), 17 tuổi ông Liêm tập kết ra Bắc và học trường Học sinh miền Nam trước khi vào Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội. Ông là sinh viên giỏi toàn diện, luôn đạt điểm tuyệt đối tất cả các môn và ra trường với vị trí thủ khoa.
Ông Liêm được cử sang nghiên cứu sinh tại Hungary với đề tài về thức ăn cho gà công nghiệp. Năm 1974, ông bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ tại Hungary rồi về công tác tại Đại học Nông Lâm TP HCM. Ông được phân công làm hiệu trưởng từ năm 1994 đến 1998, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2004.
PGS Liêm là tác giả của nhiều công trình, đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao như Hợp chất iôt hữu cơ kích thích gia súc tiết sữa, gia cầm đẻ trứng; Nuôi dê sữa theo lối công nghiệp; Bột cỏ làm thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm...
Trong cuộc sống cá nhân, ông có nhiều thăng trầm. Chỉ ba tháng sau khi hạ sinh con trai đầu lòng, vợ ông phát bệnh nặng. Sau giờ lên lớp, ông tất tả về lo chợ búa, nấu cơm, chăm sóc con nhỏ và thuốc thang cho vợ. Năm 1990, con trai duy nhất 13 tuổi của ông tử vong do đuối nước ở hồ cạnh trường học.
Với nhiều thế hệ sinh viên và giảng viên Đại học Nông Lâm, thầy Liêm là tấm gương về thanh liêm chính trực, sống hết lòng vì người khác. Hình ảnh ông đọng lại trong họ là người thầy chạy xe máy cà tàng đến trường suốt mấy chục năm.
TS Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo Đại học Nông Lâm TP HCM) có nhiều năm làm việc bên PGS Liêm kể, thầy Liêm luôn nghĩ và lo cho người khác. Bao thế hệ sinh viên rất ngưỡng mộ thầy về lòng nhân ái, tâm, tài và đức của ông. "Thầy chưa bao giờ được thanh thản, nhưng ai cũng mong thầy được thanh thản ra đi lần này", ông Lý chia sẻ.
Mạnh Tùng
Theo VNE
Doanh nghiệp đến tận trường đại học 'săn' sinh viên giỏi Sáng 17-5, 90 doanh nghiệp với hàng ngàn cơ hội việc làm đã thu hút hơn 7.000 lượt sinh viên tham gia Ngày hội việc làm - Job Fair năm 2019 tại Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tại đây, các doanh nghiệp lớn như Unilever Việt Nam, Liên Hiệp hợp tác xã thương mại TP.HCM (Saigon Coop), Heineken Vietnam, ILA...