Chủ tịch nước: ĐH Quốc gia Hà Nội cần phải đột phá mạnh mẽ
Làm việc với Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch nước đề nghị trường cần vươn tới tầm cỡ các trường tiên tiến ở khu vực để phục vụ hiệu quả sự phát triển đất nước.
Sáng 25/2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng đã tới thăm và làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nội, để nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) trong thời gian qua; cùng những ước nguyện của các thế hệ giảng viên nhà trường với sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm phòng truyền thống ĐHQGHN.
ĐHQGHN là trường đại học đầu ngành của nước ta với 6 trường đại học thành viên và 1 trường Đại học Việt Nhật vừa mới thành lập. Hiện trường có tổng quy mô đào tạo 36.600 sinh viên, tỷ lệ đào tạo sau đại học là 28%.
Báo cáo với Chủ tịch nước, Giám đốc ĐHQGHN Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong năm 2015, Nhà trường đã tổ chức thành công hai đợt thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh đại học chính quy.
Kỳ tuyển sinh năm 2015 đã đạt được các mục tiêu cơ bản đề ra: an toàn, chất lượng, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đúng quy chế. Kết quả của kỳ tuyển sinh đã khẳng định hướng đi đúng của ĐHQGHN, được xã hội thừa nhận và đánh giá cao.
Năm 2015 cũng là năm học sinh THPT chuyên ĐHQGHN ghi dấu ấn trên đấu trường Quốc tế với tổng số 8 huy chương vàng.
Trường cũng tiếp tục tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn AUN; công bố 564 bài báo quốc tế và nhiều công trình có ứng dụng trong đào tạo đại học và sau đại học gắn với bối cảnh hội nhập quốc tế đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của ĐHQGHN trong khu vực và thế giới.
Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo ĐHQGHN đã báo cáo với Chủ tịch nước về tình hình triển khai dự án trường Đại học Việt Nhật. Là trường đại học thành viên thứ 7 thuộc ĐHQGHN với mục tiêu xây dựng trở thành trường đại học đẳng cấp quốc tế và là biểu tượng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Kể từ khi có quyết định thành lập trường Đại học Việt Nhật, ĐHQGHN đã chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hữu quan của Việt Nam và Nhật Bản để triển khai xây dựng, phát triển Trường theo như yêu cầu của Chính phủ hai nước.
Video đang HOT
Đến nay, công tác chuẩn bị các điều kiện đảm bảo chất lượng cho trường đi vào hoạt động, tuyển sinh và tổ chức đào tạo đang diễn ra theo đúng kế hoạch; công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng trường tại Hòa Lạc đã có những tiến triển tốt đẹp.
Biểu dương những thành tựu của trường ĐHQGHN đạt được trong thời gian qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng những bước đi của ĐHQGHN vừa qua đã từng bước đáp ứng mô hình mới, tiên tiến, hội nhập với thế giới và thể hiện sự tiên phong trong đổi mới công tác giáo dục đào tạo.
Năm 2015 trường được xếp hạng trong khoảng 191/200 trường đại học hàng đầu châu Á là nỗ lực rất lớn, tuy nhiên Chủ tịch nước lưu ý cần phải có bước đột phá mạnh mẽ hơn nữa và để xây dựng trường thành trường đại học tiên tiến có tầm cỡ khu vực phục vụ hiệu quả cho sự phát triển của đất nước cần phải có quyết tâm cao, bởi một đất nước phát triển phải bắt nguồn từ nền giáo dục tiên tiến.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực ngày càng khe khắt. Với vai trò đơn vị giáo dục trọng điểm hàng đầu cả nước, ĐHQGHN bằng mọi cách, phải hết sức cố gắng, đổi mới phương pháp dạy và học; ứng dụng các mô hình giảng dạy tiên tiến; đem lại hiệu quả vượt bậc trong sự nghiệp trồng người.
Chủ tịch nước làm việc với lãnh đạo ĐHQGHN.
Giải đáp những kiến nghị liên quan đến nâng cấp cơ sở vật chất, đặc biệt là các dự án của nhà trường tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chủ tịch nước đề nghị ĐHQGHN kết hợp sử dụng cả những cơ sở hiện có trước đây, làm dứt điểm lần lượt từng trường một sao cho đảm bảo kết cấu đồng bộ, tiết kiệm, tránh đầu tư dàn trải không hiệu quả, trong điều kiện đất nước còn nghèo, kinh phí còn hạn hẹp. Với cách làm như vậy sẽ tạo điều kiện tốt nhất để giảng viên, sinh viên có điều kiện học tập nghiên cứu.
Về hướng phát triển của Đại học Việt Nhật, một thành viên mới của ĐHQGHN, mới đi vào hoạt động thông qua sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Chủ tịch nước đề nghị Ban giám hiệu nhà trường phải chú trọng tạo điều kiện giúp đỡ, xem đây là biểu tượng của quan hệ hữu nghị hai nước.
Về nguồn lực, Chủ tịch nước đề nghị ban lãnh đạo ĐHQGHN cùng các bộ ngành tìm thêm cơ chế hỗ trợ, xã hội hóa, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và Nhật Bản, khẩn trương tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ đáp ứng mục tiêu xây dựng thành trường tiên tiến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng sự phát triển của đất nước cũng như biểu tượng của mối quan hệ đối tác sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.
Chủ tịch nước đề nghị các Bộ ngành tạo điều kiện về cơ chế tài chính để ĐHQGHN ngày càng làm tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khẳng định vị thế và uy tín của ngôi trường trọng điểm, đồng thời có vị trí cao hơn nữa trong top các trường hàng đầu khu vực Châu Á và thế giới.
Theo Hoàng Dũng/VOV
Sẽ đình chỉ thí sinh 'sáng tạo' vào giấy nháp
Trong kỳ tuyển sinh theo đánh giá năng lực sắp tới vào Đại học Quốc gia Hà Nội, thí sinh viết, vẽ vào giấy nháp những nội dung không liên quan bài thi, sẽ bị đình chỉ.
Thí sinh làm bài thi trên máy tính. Ảnh: Giáo Dục Thời Đại.
Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, trong kỳ tuyển sinh theo đánh giá năng lực năm 2015, mọi vi phạm quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh.
Theo đó, khiển trách những thí sinh phạm lỗi một lần: Nhìn bài hoặc trao đổi bài với thí sinh khác. Hình thức này do cán bộ coi thi (CBCT) quyết định tại biên bản được lập.
Cảnh cáo thí sinh vi phạm một trong các lỗi:
Đối với bài thi ngoại ngữ: Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách; trao đổi bài làm hoặc giấy nháp với thí sinh khác; chép bài của thí sinh khác hoặc để thí sinh khác chép bài của mình.
Đối với bài thi đánh giá năng lực (ĐGNL): Đã bị khiển trách một lần nhưng trong giờ thi vẫn tiếp tục vi phạm lỗi đã khiển trách; tự ý đổi máy tính trong thời gian thi khi chưa được phép của CBCT; sử dụng chương trình khác chương trình thi ĐGNL đã cài đặt trên máy tính trong thời gian thi; tự ý đăng nhập, thoát khỏi chương trình, tắt máy tính khi chưa được CBCT cho phép; tự ý rời khỏi phòng thi khi chưa hết giờ thi hoặc khi đã hết giờ nhưng CBCT chưa thông báo cho phép thí sinh được rời khỏi phòng thi.
Đình chỉ thi thí sinh vi phạm một trong các lỗi:
Áp dụng chung với cả 2 bài thi: Đã bị cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi môn đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; mang vật dụng trái phép với Quy chế tuyển sinh vào phòng thi; đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; viết, vẽ vào tờ giấy nháp làm bài thi những nội dung không liên quan bài thi; có hành động gây rối trật tự, đe dọa cán bộ có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác.
Áp dụng riêng với bài thi ĐGNL: Sao chép đề thi; đổi Phiếu tài khoản với thí sinh khác; cố tình không nộp lại Phiếu tài khoản và giấy nháp thi sau khi đã ký xác nhận dự thi vào bản kết quả thi ĐGNL.
Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho CBCT và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết thời gian làm bài môn thi đó.
Trừ điểm bài thi được Đại học Quốc gia Hà Nội quy định như sau: Thí sinh bị khiển trách trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 25% tổng số điểm bài thi của môn thi đó.
Thí sinh bị cảnh cáo trong khi thi môn nào sẽ bị trừ 50% tổng số điểm bài thi của môn thi đó.
Những bài thi có đánh dấu bị phát hiện trong khi chấm sẽ bị trừ 50% điểm toàn bài đối với môn thi ngoại ngữ. Thí sinh bị đình chỉ thi môn thi nào sẽ bị điểm 0 (không) môn thi đó.
Cho điểm 0: Bài thi được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; một môn thi có hai bài thi; bài thi có chữ viết của hai người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định.
Huỷ bỏ kết quả thi đối với những thí sinh có hai bài thi trở lên bị điểm 0 do phạm lỗi bị cho điểm 0 như quy định nêu trên;
Viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp;
Tước quyền vào học ở các trường thành viên trong Đại học Quốc gia Hà Nội ngay trong năm dự thi và tước quyền tham dự kỳ thi trong hai năm tiếp theo đối với những thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp; để người khác thi thay, làm bài thay dưới mọi hình thức; có hành động gây rối, phá hoại kỳ thi; hành hung cán bộ hoặc thí sinh khác.
Trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi
Ngoài các quy định tại Quy chế tuyển sinh, thí sinh dự kỳ thi ĐGNL vào Đại học Quốc gia Hà Nội phải thực hiện đúng các quy định sau:Không sao chép đề thi dưới bất kỳ hình thức nào; không đổi Phiếu tài khoản với thí sinh khác; không tự ý đổi máy tính trong thời gian thi khi chưa được phép của CBCT;Không sử dụng bất cứ một chương trình nào khác ngoài chương trình thi ĐGNL đã cài đặt trên máy tính trong thời gian thi kể cả để làm nháp bài thi;Không tự ý đăng nhập, thoát khỏi chương trình, tắt máy tính khi chưa được CBCT cho phép;Không tự ý rời khỏi phòng thi khi chưa hết giờ thi hoặc khi đă hết giờ thi nhưng CBCT chưa thông báo cho thí sinh được phép rời khỏi phòng thi;Nộp lại Phiếu tài khoản và giấy nháp thi sau khi đã ký xác nhận dự thi.
Theo Hiếu Nguyễn/Giáo Dục Thời Đại
Tiếng hát sinh viên ĐH Quốc Gia chào mừng ngày thành lập Đoàn Tiếng hát sinh viên Khoa Quốc tế IStar 2015 là sân chơi bổ ích dành cho những sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội có sở thích, đam mê ca hát. Cuộc thi đã thu hút được sự tham gia của rất nhiều thí sinh tài năng. Ngay 26/3 vưa rôi, Đoàn Thanh niên Khoa Quốc tế - Đại...