Chủ tịch Hội Bỉ – Việt kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Chủ tịch Hội Bỉ – Việt Pierre Gréga cho biết sẽ vận động chính quyền Bỉ và Liên minh châu Âu kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông.
Đại sứ Vũ Anh Quang trao Huân chương Hữu nghị cho Hội Bỉ – Việt tại Bỉ và Chủ tịch Hội, ông Pierre Gréga. Ảnh: TTXVN
Thừa ủy quyền của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, mới đây tại Brussels, Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại công quốc Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh EU Vũ Anh Quang đã trao Huân chương Hữu nghị cho Hội Bỉ – Việt tại Bỉ và Chủ tịch của Hội, ông Pierre Gréga.
Thay mặt cho Hội Bỉ – Việt, ông Pierre Grega bày tỏ vinh dự và vui mừng được nhận phần thưởng cao quý của nhà nước Việt Nam. Theo ông, đây là sự ghi nhận của Nhà nước Việt Nam đối với những đóng góp của Hội Bỉ – Việt dành cho Việt Nam và đây là huân chương cao quý dành tặng cho tất cả các thành viên của Hội Bỉ – Việt.
Ông Pierre Grega cho biết, Hội hiện có rất nhiều dự án, tiêu biểu trong số đó là dự án hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam, tiếp tục trao học bổng cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam.
Theo TTXVN, chia sẻ tại buổi lễ, ông Grega cho biết trước việc Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền Việt Nam tại khu vực Biển Đông, Hội Bỉ – Việt sẽ vận động chính quyền Bỉ và Liên minh châu Âu kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền, lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại khu vực biển này.
Video đang HOT
Hội Bỉ – Việt đã tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam. Ảnh: TTXVN
Hội Bỉ – Việt đã tích cực đóng góp vào cuộc đấu tranh vì hòa bình và thống nhất của dân tộc Việt Nam, vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam kể từ khi được thành lập vào năm 1973.
Hội Bỉ – Việt và ông Pierre Gréga đã dành nhiều tâm huyết cho Việt Nam thông qua các hoạt động hỗ trợ người nghèo và nạn nhân chất độc màu da cam; xây dựng lòng tin, hiểu biết và thúc đẩy tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Vương quốc Bỉ.
Bày tỏ cảm ơn những tình cảm và nỗ lực của Hội Bỉ – Việt và cá nhân ông Pierre Gréga dành cho Việt Nam, Đại sứ Vũ Anh Quang hy vọng Hội Bỉ – Việt và ông Pierre Gréga tiếp tục có đóng góp nhiều hơn nữa cho Việt Nam trong những năm sắp tới.
Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Bỉ cam kết sẽ đồng hành cùng Hội Bỉ – Việt để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Bỉ.
Huân chương Hữu nghị là một trong những phần thưởng cao quý nhất của nước CHXHCN Việt Nam dành cho những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Theo Thoidai
Đại sứ Nguyễn Trường Giang: Dân tộc ta đứng trước thời điểm lịch sử quan trọng bảo vệ chủ quyền biển
Theo ông Giang, dân tộc đang đứng trước một thời điểm lịch sử rất quan trọng, phải đối mặt với một thách thức rất nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển.
" Bảo vệ chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông chính là bảo vệ sinh mệnh của dân tộc Việt Nam và của mỗi người Việt Nam", ông Nguyễn Trường Giang, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Brunei, nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), khẳng định tại tọa đàm " Vùng biển Bãi Tư chính và Luật pháp quốc tế", do Viên Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển cùng Viện Quản trị Doanh nghiệp phối hợp tổ chức ngày 6/10 tại Hà Nội.
Trong bối cảnh Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, ngang nhiên tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán tại quần đảo Trường Sa (mà nước này gọi là Nam Sa) và các khu vực lân cận bãi Tư Chính, các nhà nghiên cứu và chuyên gia khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam, đồng thời đưa ra một số phương án đối phó với các hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc.
Đại sứ Nguyễn Trường Giang.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, " sự hiện diện thực tế của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và một số bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tạo ra bằng vũ lực là sự hiện diện bất hợp pháp không có tác dụng gì trong việc khẳng định chủ quyền hay củng cố danh nghĩa chủ quyền đối với hai quần đảo này".
Theo vị nguyên Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, dân tộc ta đang đứng trước một thời điểm lịch sử rất quan trọng, chúng ta phải đối mặt với một thách thức rất nghiêm trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển của Việt Nam.
Ông cho rằng, biển đảo Việt Nam là không gian sinh tồn cho những thế hệ người Việt Nam tương lai, con đường duy nhất của người Việt Nam là tiến ra biển và làm chủ không gian biển.
Ông Giang cũng khẳng định rằng hồ sơ pháp lý của Trung Quốc về cái gọi là chủ quyền lâu đời của họ đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà họ ngang ngược gọi là Tây Sa và Nam Sa, là mơ hồ và không có căn cứ. Đó là những cuốn sách mà họ gọi là sách cổ để cập đến một số địa danh ở Biển Đông.
Đồng quan điểm này, luật sư, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao cho rằng Trung Quốc hiện diện ở Biển Đông từ trước tới nay mà đặc biệt là hiện nay ở bãi Tư Chính thực chất là một hành vi sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và dùng vũ lực bằng các tàu hải cảnh, lực lượng dân quân... Điều này đã bị quốc tế phản ứng, coi đây là hành vi đe dọa hòa bình và an ninh khu vực.
" Như vậy, với những hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và bãi Tư Chính không chỉ nằm trong phạm vi quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc mà đe dọa, thách thức an ninh khu vực và vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao khẳng định.
Vì vậy, ông Giao cho rằng cần phải đưa hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông của Trung Quốc ra trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.
Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Chu đề xuất một số biện pháp Việt Nam có thể thực hiện để bảo vệ bãi Tư chính, trong đó có biện pháp pháp lý (xem xét khả năng khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế), biện pháp ngoại giao, biện pháp tuyên truyền.
Biện pháp pháp lý và ngoại giao được nhiều chuyên gia nhấn mạnh. Các chuyên gia khẳng định Việt Nam có đủ chứng cứ và năng lực để áp dụng luật pháp quốc tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Bên cạnh giải quyết vấn đề trước mắt, các chuyên gia nhận định Việt Nam về lâu dài cần cảnh giác với những hành động tương tự, xây dựng nội lực tự cường, phát huy sức mạnh của mình.
Biển Đông là vùng biển giàu tài nguyên với vị trí địa chính trị quan trọng. Trong khoảng 3 tháng gần đây, Trung Quốc liên tục có những hành vi như dùng tàu thuyền hải cảnh, vũ trang đe dọa, tiến vào xâm phạm vùng biển Việt Nam, bất chấp sự lên án của cộng đồng quốc tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần lên tiếng khẳng định có đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền trên Biển Đông, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi xâm phạm.
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Hạ nghị sĩ Mỹ: ASEAN cần có tiếng nói thống nhất về vấn đề Biển Đông Hạ nghị sĩ Mỹ Ted Yoho bày tỏ quan ngại sâu sắc với những diễn biến hiện nay trên Biển Đông. Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Hà Kim Ngọc trong tuần đã có cuộc gặp và trao đổi với Hạ nghị sĩ Cộng hòa Ted Yoho, Thành viên cao cấp Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Đối...