Chủ nhân điểm lậu
Tôi vẫn cố thử hình dung về những gương mặt ấy. Những cô cậu sinh năm 2000 bị phát hiện gian lận điểm thi trong kỳ thi đại học vừa qua. Hà Giang 114 em, Hòa Bình 66, Sơn La 44… Trong số ấy nhiều thí sinh được cộng thêm hàng chục điểm. Thậm chí được “phết” thêm đến 28 điểm như ở Hà Giang.
Ảnh minh họa
Thi 3 môn điểm thật chỉ có 0,45, nhưng được sửa lên tới 27 điểm như ở Sơn La! Để chen vào các trường “đỉnh”. Kể cả Y khoa.
Những người sửa điểm đã lộ sáng, bị khởi tố điều tra hàng loạt. Còn những người được sửa điểm? Tôi nghĩ cơ bản biểu hiện bên ngoài của chúng chắc cũng không khác gì với những đứa con của tôi, của chúng ta. Cũng tí tởn, mê mẩn với K-pop, với các “thần tượng”, game, trà sữa cùng ba thứ nhăng nhít.
Khi biết bố mẹ, người thân sắp đặt cho một cuộc “lên ngôi” thủ khoa ở những ngôi trường hot nhất nước, có thể chúng thờ ơ. Không phản đối, không hăm hở, cũng chẳng thấy lo lắng điều gì. Tuổi ấy thường vậy. Và dám chắc chúng cũng chẳng mặn mà, mê mẩn gì với cái trường, cái nghề mà cha mẹ chọn cho. Một người trẻ nếu thực sự mê say thứ gì đó, sẽ không chịu để ai dẫn dắt. Không làm những thứ ngoài thực lực của mình.
Bây giờ thì những sinh viên trong danh sách “đen” lần lượt bị trả về. Riêng Hòa Bình, Bộ Công an vừa “trả” về 28 sinh viên. Không rõ những cô cậu điểm cao chót vót ấy, suốt năm qua học hành thế nào? Thông tin từ nhiều trường, thì kết quả học tập của các em hầu hết ở mức thấp.
Cũng có những trường hợp số điểm được nâng lại “may mắn” không rơi vào tổ hợp môn xét tuyển, theo quy chế vẫn được học tiếp. Nhưng hình dung áp lực của các em, cả về thực lực lẫn sự xấu hổ trước bạn trước thầy cô sẽ nặng nề ra sao. Có vượt qua nổi để làm người bình thường được không?
Tôi cũng cố hình dung về bố mẹ những cô cậu học trò ấy. Tên tuổi, chức vụ, gia thế… Những điều vẫn còn đang lờ mờ. Họ đau xót không? Giày vò không? Khi đẩy những đứa con đứt ruột yêu thương của mình vào cảnh ngộ ê chề?
Hạt giống nào, môi trường nào được cho là tốt, giữa thời buổi này?. Con nhà nòi, dư thừa điều kiện hay nhà nghèo vượt khó? Những cô cậu trẻ ấy chưa/chậm trưởng thành, có lẽ bởi chúng chưa bao giờ phải chịu đói khát, nhà chật, em đông, cha mẹ lam lũ chạy ăn từng bữa. Như số đông cùng lứa. Nên suy nghĩ cạn cợt, giản đơn hơn?
Hạt giống, gia thế nào được cho là tốt? Một cán bộ hàng lãnh đạo còn trẻ ở Đà Nẵng, có cha là một chính trị gia lão luyện, vừa bị đề nghị kỷ luật nặng, vì vi phạm Luật Hôn nhân gia đình, và những điều đảng viên không được làm.
Video đang HOT
Được biết theo quy chế, những thí sinh “lậu” điểm năm ngoái vẫn được tham gia kỳ thi năm nay. Đó là tin tốt. Bởi chắc không ít em đã tỉnh ngộ, tìm cách sửa lỗi lầm.
Còn gương mặt các em, ít “bị” nhiều người nhìn thấy, với riêng tôi đó là điều nhẹ nhõm…
TRÍ QUÂN
Theo GDTĐ
Gian lận thi cử: cần xử lý theo đúng bản chất là tham nhũng
"Với việc công bố danh tính của thí sinh gian lận, quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là phải tuân thủ Hiến pháp 2013 và tuân thủ Luật Dân sự 2016. Việc công bố danh tính vào thời điểm nào, đến đâu, phải dựa vào việc tiếp tục điều tra của Bộ Công an. Chúng ta không thể không tính đến tác động cực đoan đến thí sinh. Cơ quan điều tra sẽ tính thêm điều này", ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, nói tại buổi họp báo quí 1 của bộ.
Học sinh tại một kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Thành Hoa
Đồng thanh tương ứng, bà Đinh Thị Hường, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, phát biểu trước công luận rằng, không công bố danh sách gian lận điểm thi ở Hòa Bình vì sợ làm "tổn thương thí sinh". Còn Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La khẳng định với báo chí là sẽ không công khai danh sách thí sinh bị sửa điểm vì "tính nhân văn".
Bản chất là tham nhũng
Trước đó, theo công bố của Bộ GD&ĐT, ở Hòa Bình có đến 64 thí sinh (63 em của năm 2018 và một của năm 2017) được sửa điểm thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia. 56 thí sinh có bài thi trắc nghiệm được sửa điểm. Một thí sinh có bài thi hóa học được nâng 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng điểm cho 3 môn với tổng số điểm 26,45. Ở Sơn La có 44 thí sinh được sửa điểm. Có thí sinh được nâng 26,55 điểm/ba môn. Một bài thi môn toán của một thí sinh được nâng tới 9 điểm.
Điều đó cho thấy việc gian lận điểm thi không phải vài ba trường hợp lẻ tẻ, mà là hàng chục, thậm chí gần 100 trường hợp như ở Hòa Bình. Cộng chung cả hai tỉnh nói trên, số thí sinh được sửa điểm thi lên tới 107 trường hợp cho kỳ thi năm 2018. Qua đó cho thấy việc gian lận thi cử ở hai địa phương nói trên rất có thể là có tổ chức, có đường dây hẳn hoi. Vậy, không công bố danh tính những kẻ gian lận điểm thi, những kẻ chạy để sửa điểm, có phải vì tính nhân văn? Vì sợ làm tổn thương thí sinh? Vì phải tính đến tác động cực đoan đối với thí sinh? Có thực như thế? Có ai tin được như thế?
Trước tiên phải xác định bản chất vấn đề sửa điểm, gian lận điểm thi chính là hối lộ và đưa hối lộ để đạt mục đích là sửa điểm, nâng điểm. Là một dạng tham nhũng. Như GS. Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nói: "Đâu phải tự nhiên người ta lại đi sửa điểm, mà phải có ai đó đưa tiền, hoặc nhờ giúp đỡ, hoặc dùng quyền lực ép người ta làm. Cũng giống như đã có người nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ chứ?".
Có rạch ròi về bản chất việc mua điểm, gian lận điểm thi như vậy thì mới có giải pháp giải quyết rốt ráo được vấn đề, mới chống được triệt để vấn nạn gian lận thi cử.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả điều tra gian lận thi THPT 2018 ở Sơn La, nhiều giáo viên và chuyên gia cũng cho rằng phải công khai việc xử lý sai phạm.
Theo báo Zing, một giáo viên bình thường như thầy Nguyễn Thành Công, một trong những người tố cáo tiêu cực gian lận thi cử tại năm 2018, còn nói được rằng việc Bộ GD&ĐT và Bộ Công an công bố về hàng loạt tiêu cực tại Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La là thực sự cần thiết để chỉ ra những mảng tối trong giáo dục.
"Gia đình biết, thí sinh biết. Liệu khi học xong ra trường, những thí sinh này có trở thành người chính trực khi ngay ngưỡng cửa trưởng thành, các em đã chấp nhận điều bất lương?", thầy Công đặt câu hỏi.
"Dân chủ, công bằng, văn minh" ở đâu?
Những thí sinh và phụ huynh chạy để sửa điểm, nâng điểm thì không chỉ là vấn đề đạo đức cá nhân của họ, mà còn gây ra bất công xã hội. Nó là sự cướp đoạt chỗ ngồi vốn không thuộc về họ mà thuộc về người khác.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, cho rằng nếu như những thí sinh gian lận điểm đã "ngồi nhầm chỗ" thì chính bố mẹ của những em này đã cướp đi cơ hội của con em người khác. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Do vậy, những phụ huynh chạy điểm cũng cần phải bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, xử lý hình sự hoặc hành chính, tùy thuộc mức độ vi phạm.
Còn luật sư Đặng Văn Cường thuộc Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội, thì thẳng thừng bác bỏ quan điểm của Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh. Theo ông Cường, nại lý do công khai danh sách thí sinh gian lận khiến các em có tư tưởng cực đoan là không đúng, thiếu thuyết phục. Bởi lẽ, gian lận trong kỳ thi THPT vừa qua khiến rất nhiều em có điểm cao bị nghi ngờ. Công khai những thí sinh được nâng điểm là cách lấy lại công bằng cho những em có điểm thật.
Mặt khác, Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật Dân sự 2015 đều có quy định cụ thể về việc bảo vệ quyền tự do cá nhân, bí mật đời tư cá nhân và quy định mức độ giới hạn của quyền tự do cá nhân này. Nhưng pháp luật cũng quy định quyền bí mật đời tư cá nhân sẽ bị giới hạn bởi quyền lợi chung của cộng đồng, vì lý do an ninh quốc gia, lợi ích quốc phòng, lợi ích công cộng, an toàn công cộng...
Bởi vậy, đối với vụ việc nâng điểm ở một số nơi như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, cơ quan chức năng có đầy đủ cơ sở pháp lý để công khai danh tính những thí sinh được nâng điểm, đảm bảo tính khách quan, công bằng, để phòng ngừa chung và cũng là cơ sở để xem xét xử lý những hành vi sai phạm của những người có liên quan.
"Trường hợp thí sinh liên quan gian lận là con em cán bộ, lãnh đạo thì cần phải xem xét trách nhiệm của các vị phụ huynh này", luật sư Cường nói.
Khẩu hiệu "xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh" liệu còn có ý nghĩa gì nếu việc gian lận điểm thi không được xử lý rốt ráo, đến nơi đến chốn; nếu chấp nhận bất công không chỉ trong xã hội mà ngay từ trong trường học?
Có gì mà người ta đổ xô vào trường công an, quân đội, kể cả bằng gian lận điểm?
Thống kê dữ liệu điểm thi THPT quốc gia năm 2018 cho thấy số thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên của Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình chiếm đến 35% cả nước, trong khi ai cũng biết ba địa phương này trước nay chưa hề được biết đến như là "đất học", nổi tiếng với nhiều học sinh giỏi. Kết quả điều tra gian lận thi THPT quốc gia năm 2018 cũng khiến nhiều người quan tâm khi Sơn La có nhiều thí sinh trúng tuyển trường công an, quân đội và đại học y khoa. Liệu có liên quan gì giữa việc sửa điểm thi hàng loạt với việc thí sinh đổ xô vào trường công an, quân đội?
Tại Học viện An ninh Nhân dân, theo thống kê, có 10 thí sinh ở Sơn La trúng tuyển. Trong danh sách tổng điểm ba môn thi cao (không có điểm cộng), có hai thí sinh đến từ Sơn La (thi khối C03 và D01).
Nhiều người đặt câu hỏi những thí sinh ở Sơn La trúng tuyển vào ba trường trên có nằm trong số 44 người mới được kết luận nâng điểm thi?
Nếu đúng như vậy thì đã có một sự "lệch pha" trong việc thu hút nguồn nhân lực vào việc kiến tạo phát triển và bảo vệ quốc gia. Lẽ thường, trong một đất nước hòa bình và đang tập trung phát triển kinh tế, việc bảo vệ đất nước cũng rất cần thu hút nguồn nhân lực giỏi, nhưng nhân lực giỏi thường tập trung nhiều vào những ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn nhằm nhanh chóng đưa đất nước tiến lên. Đó cũng thường là những ngành mang lại thu nhập cao.
Đằng này, có hiện tượng thí sinh và người nhà của họ tìm mọi cách để vào các trường công an, quân đội, kể cả bằng cách gian lận điểm thi. Những trường này có điểm gì hấp dẫn đến vậy? Hay có những đặc lợi gì?
Đó là điều mà ở tầm vĩ mô những nhà quản lý giáo dục, quản lý nhà nước, quản lý nguồn nhân lực cần chú ý để tạo sự công bằng trong xã hội, giữa các ngành; để nguồn nhân lực chất lượng cao đến những nơi cần đến cho công cuộc phát triển đất nước và... để ngăn chặn nạn gian lận trong thi cử nhằm đạt bằng được một chỗ ngồi trong những ngôi trường thuộc những ngành được coi là có nhiều đặc lợi hơn những ngành khác.
Theo thesaigontimes.vn
Các trường liên tiếp xử lý các thí sinh gian lận điểm thi Con số thí sinh gian lận điểm thi để đỗ vào các trường đại học, học viện top trên trong năm 2018 tiếp tục tăng lên khi các trường công bố thông tin xử lý sinh viên liên quan đến gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La. Trường ĐH Ngoại thương cho biết đã nhận...