Chủ động, linh hoạt các hình thức dạy học trong điều kiện dịch bệnh
Với phương châm “tạm dừng đến trường không dừng việc học”, các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã chủ động, linh hoạt nhiều hình thức dạy học trong điều kiện dịch bệnh.
Nhiều trường học tại Quảng Ninh đã triển khai dạy học trực tuyến cho HS từ 1/2
Linh hoạt các hình thức dạy học
Bà Nguyễn Thị Thúy- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh cho hay, phương án dạy học khi xuất hiện dịch bệnh trong cộng đồng đã được Sở GD&ĐT xây dựng và hướng dẫn các địa phương triển khai chi tiết, đầy đủ ngay từ năm học 2019-2020 và trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021. Căn cứ vào Hướng dẫn của Sở, khi tình huống xuất hiện, các cơ sở GD trong tỉnh cơ bản đã có thể chủ động, sẵn sàng chuyển phương thức dạy học cho HS. Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động triển khai theo kế hoạch của Sở.
Tuy nhiên, trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh lần này, để đảm bảo hiệu quả và sự thống nhất trên toàn tỉnh, ngay sau khi HS tạm nghỉ học được một ngày, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở GD toàn tỉnh sẵn sàng, kích hoạt ngay việc dạy học trong điều kiện phức tạp nhất: có ca nhiễm trong cộng đồng .
Cụ thể, các cơ sở GD trong tỉnh chủ động rà soát, đánh giá tình hình để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch dạy học cho phù hợp tình hình và đặc điểm của địa phương.
Sở GD&ĐT yêu cầu tất cả các cơ sở GD trong tỉnh có đủ điều kiện dạy học trực tuyến khẩn trương chuẩn bị, triển khai ngay việc dạy học trực tuyến cho học sinh, bắt đầu từ thứ 2 ngày 1/2.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT khuyến khích các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục phối hợp xây dựng bài giảng qua internet, trên truyền hình để nâng cao chất lượng bài giảng và chia sẻ để làm tư liệu tham khảo cho các cơ sở giáo dục trong tỉnh.
Với những cơ sở GD không đủ điều kiện dạy trực tuyến thì các nhà trường chủ động đa dạng hóa hình thức dạy học cho phù hợp
Bà Thúy đánh giá, việc dạy học trực tuyến đòi hỏi nhiều điều kiện liên quan như đường truyền internet, máy tính hoặc điện thoại thông minh, đòi hỏi cả khả năng ứng dụng công nghệ của GV và HS… nên việc này chỉ áp dụng được ở những nơi có đủ điều kiện, chưa thể triển khai ở tất cả các trường, cho tất cả HS.
Video đang HOT
Do vậy trong chỉ đạo lần này, lưu ý những trường chưa đảm bảo điều kiện dạy học trực tuyến, thì nhà trường cần chủ động, tích cực phối hợp với gia đình, các tổ chức chính trị, XH ở địa phương đa dạng hóa các hình thức dạy học khác như giao các phiếu học tập; giao bài tập qua điện thoại; thu và sửa bài tập định kỳ, sửa và gửi lại cho HS…
“Với những giải pháp như vậy, chúng tôi sẽ cố gắng để tất cả học sinhtuy phải tạm dừng đến trường nhưng không phải dừng việc họcvà sẽ cố gắng cao nhất để hoàn thành Kế hoạch năm học; đặc biệt sẽ cố gắng để tất cả các em học sinh lớp 9 và lớp 12 hoàn thành chương trình học tập, đáp ứng tốt yêu cầu của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021″, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ.
Nỗ lực hết mình
Bắt đầu từ hôm nay (1/2), nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dạy học trực tuyến.
Thầy giáo Phạm Xuân Tùng- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Cốc cho hay, nhà trường có trên 500 HS với 17 lớp. Ngay từ cuối tuần trước, nhà trường yêu cầu GV rà soát phương tiện học trực tuyến của HS và lên kế hoạch dạy học. Ngay từ tuần đầu tháng 2, trường đã triển khai dạy học trực tuyến cho HS với những môn: Toán, Tiếng việt, tiếng Anh. Kết quả, 17/17 lớp đều học trực tuyến. Hơn 90 % HS có máy tính, điện thoại thông minh phục vụ việc học tập tại nhà.
“Từ tháng 3/2020 nhà trường đã triển khai dạy học trực tuyến nên các cô rất thành thạo. Qua Zalo nhóm lớp, GV gắn kết với phụ huynh chủ động hẹn giờ học, nhưng các lớp học đều diễn ra trong giờ hành chính”, thầy giáo Tùng chia sẻ.
Thị xã Quảng Yên có 100% các trường tiểu học, THCS triển khai dạy học trực tuyến
Bà Nguyễn Thị Thủy- Phó trưởng phòng phụ trách Phòng GD&ĐT thị xã Quảng Yên cho hay, khi có những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phòng GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND thị xã chuyển hình thức dạy học từ trực tiếp trong trực tuyến. Đồng thời, phòng GD hướng dẫn các trường lên phương án, kế hoạch dạy học để nhà trường chủ động. Sau khi có kế hoạch dạy học, các nhà trường gửi báo cáo lãnh đạo phòng và chủ động các phương án dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của trường, lớp và phụ huynh.
Qua khảo sát, tại thị xã Quảng Yên, 100% các trường tiểu học, THCS đều tổ chức dạy học trực tuyến cho HS.
Bà Thủy cho biết, việc dạy học trực tuyến các trường đã có kinh nghiệm và rất chủ động. Buổi sáng ngày 1`/2, qua rà soát, bậc tiểu học có 89,9% HS, THCS có 97,6% HS tham gia học trực tuyến.
Với những HS không học trực tuyến, GV giao bài cho HS qua các kênh: Zalo, hẹn phụ huynh đến trường, những trường hợp khó khăn GV giao bài tận nhà.
Trường hợp GV giao cho HS làm tại nhà, phòng GD yêu cầu các cô giáo phải nhắc phụ huynh nộp bài lại cho GV để các cô đánh giá, nhận xét. Vừa dạy trực tuyến vừa kiểm tra bài HS, GV khá vất vả nhưng với tinh thần ngừng đến trường không ngừng học nên các thầy cô luôn cố gắng, khắc phục, bà Thủy khẳng định.
Quảng Ninh: Ghi nhận ngày đầu học trực tuyến
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT: "Học sinh tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học", hôm nay, 1/2, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh.
Ở những nơi chưa đảm bảo điều kiện dạy học trực tuyến, nhiều giáo viên phải đến tận nhà để giao các phiếu học tập cho học sinh.
Cô giáo Ngô Thị Châm, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, dạy trực tuyến cho học sinh.
7 giờ 30 phút hôm nay, cô giáo Ngô Thị Châm đã có mặt tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, để sẵn sàng cho việc dạy học trực tuyến. Nếu như một tiết học trên lớp, cô dạy 40 phút, thì nay, với tiết dạy trực tuyến, thời gian rút ngắn xuống còn 35 phút. Để đảm bảo chương trình học trong thời gian rút ngắn đi, cô Châm phải bỏ phần thảo luận của học sinh.
Cô giáo Ngô Thị Châm chia sẻ: Với tiết học Toán hôm nay, tôi đã tổ chức một số trò chơi khởi động tiết học vừa giúp các em ôn lại kiến thức cũ, giúp các em hứng thú với tiết học ngay từ đầu. Qua 1 năm thường xuyên dạy học trực tuyến, đến nay, chúng tôi đã thành thạo hoạt động này. Vì thế, tôi không mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị trước mỗi tiết học.
Em Phạm Trần Phương Anh, học sinh lớp 4A5 chia sẻ: Được bố mẹ quan tâm, em được trang bị máy tính bảng để học trực tuyến. Em thấy cô dạy khá dễ hiểu, nội dung nào không hiểu, chúng em có thể hỏi cô và được giải đáp ngay.
Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám, TP Hạ Long tham gia trò chơi trong khi học trực tuyến.
Tại Trường Mầm non Hạ Long, ngày hôm nay, dù không phải trực tiếp dạy học cho trẻ nhưng các cô giáo của trường vẫn tích cực xây dựng các video clip để gửi phụ huynh, hướng dẫn về việc chăm sóc con tại nhà.
Cô Vũ Thị Trang, giáo viên dạy lớp 3 tuổi, Trường Mầm non Hạ Long cho biết: Sáng nay, tôi thực hiện quay nội dung hướng dẫn bố mẹ dạy trẻ gấp quần áo, tập thể dục cho các con. Các bài học khá đơn giản và dễ thực hiện theo. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với phụ huynh qua nhóm lớp ở zalo, hỗ trợ, giải đáp kịp thời thắc mắc của phụ huynh khi chăm sóc con tại nhà. Dù việc quay hình mất khá nhiều thời gian tuy nhiên chúng tôi vẫn cố gắng thực hiện.
Bà Vi Bích Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT TP Hạ Long, cho biết: Tỷ lệ học sinh được học trực tuyến của thành phố đạt từ 83%-85%. Phòng đã chỉ đạo các trường triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh bằng nhiều công cụ, phần mềm hỗ trợ khác nhau, phải có kế hoạch triển khai phù hợp đối với từng lớp, đảm bảo có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, gia đình học sinh.
Giáo viên Trường Mầm non Hạ Long quay video clip để gửi cho phụ huynh.
Cùng với đó, trong các tiết học trực tuyến, nhiều phụ huynh đã tranh thủ thời gian đồng hành, kèm cặp con em mình. Chị Nguyễn Thị Nga, phụ huynh học sinh lớp 8A7, Trường THCS Lê Văn Tám chia sẻ: Chúng tôi luôn cố gắng dành nhiều thời gian để bên cạnh, theo sát con, tránh việc các con vừa chơi game, hoặc làm việc riêng nhưng vừa học trực tuyến.
Ghi nhận của phóng viên, các địa phương trong tỉnh đều tích cực, cố gắng triển khai hình thức dạy học trực tuyến ở các khu vực thuận lợi, trên cơ sở phù hợp với điều kiện từng trường, từng cấp học, không mang tính ép buộc. Đối với một số huyện vùng cao, hải đảo, nơi chưa đảm bảo điều kiện dạy học trực tuyến, cơ bản, các nhà trường đều đã tích cực phối hợp với gia đình cũng như một số tổ chức chính trị ở địa phương để có giải pháp phù hợp như giao các phiếu học tập cho học sinh.
Bà Hoàng Thị Oanh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ cho hay: Ba Chẽ là huyện vùng cao, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên hiện nay, toàn huyện chỉ có 5 trường có cấp tiểu học, THCS có thể tổ chức cho học sinh học trực tuyến. Tuy nhiên, trong 5 trường này, cũng chỉ có một số học sinh ở các thôn thuận lợi là có triển khai nội dung này. Một số thôn, bản xa xôi, các thầy cô vẫn phải đến tận nhà giao phiếu học tập cho học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Suối Khoáng, TP Cẩm Phả, học trực tuyến tại nhà. Ảnh gia đình học sinh cung cấp.
Thầy giáo Lâm Quý Ngân, dạy lớp 2, cơ sở Khe Lò, Trường PTDTBT TH-THCS Thanh Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, chia sẻ: Dù nhà của các em xa xôi, nhiều đoạn đi lại khó khăn, có nơi cách trường hơn chục cây số nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đến giao phiếu học tập, giải đáp các bài tập khó cho các em, để các em không bị hổng kiến thức.
Theo Sở GD&ĐT, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh của tỉnh sẽ tiếp tục dừng đến trường đến khi tỉnh có thông báo mới. Hiện, các cơ sở giáo dục đều thực hiện hiệu quả chỉ đạo "Học sinh tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học" cho tất cả các đối tượng học sinh. Nhiều trường đã khai thác tối đa, hiệu quả nguồn học liệu của tỉnh và Bộ GD&ĐT đã được xây dựng từ những năm học trước, nhất là các bài giảng trực tuyến, bài giảng qua truyền hình từ đầu năm 2020 khi học sinh phải nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19.
Thầy giáo Lâm Qúy Ngân, cơ sở Khe Lò, Trường PTDTBT TH-THCS Thanh Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, đến nhà phát phiếu học tập cho học sinh. Ảnh Phòng GD&ĐT huyện Ba Chẽ cung cấp.
Có thể thấy, giáo dục Quảng Ninh đang đối mặt với không ít thách thức khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời điểm sát Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm từ năm trước, các trường đã kích hoạt kịp thời, linh hoạt các hình thức dạy học. Bên cạnh việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh, nhiều trường vẫn đang tích cực vệ sinh, khử khuẩn, để thực hiện hiệu quả phòng, chống dịch trong trường học. Tin rằng, với những nỗ lực của thầy cô, việc học của học sinh vẫn được đảm bảo theo kế hoạch đã đề ra trong năm học.
Dấu ấn thành công kép của ngành giáo dục Năm vừa qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ngành giáo dục đã có những nỗ lực và sáng tạo trong dạy và học. Kết quả của ngành GD-ĐT trong dạy học an toàn song song với phòng chống dịch Covid-19 đã được đánh giá cao. Công tác phòng chống dịch được đẩy mạnh trong các nhà trường (Ảnh: THUỶ NGUYÊN) Đầu...