Chủ biên sách giáo khoa khuyên giáo viên, phụ huynh ‘không áp lực’
Chủ biên các sách Tiếng Việt lớp 1 mới cho rằng giáo viên đang bị quá áp lực, tự nâng cao độ khó của bài học trong khi phụ huynh sốt sắng, ép con học nhiều.
Ngày 3/10, PGS Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo, cho biết đã rất “choáng, hoang mang” khi nhìn thấy những phiếu đọc chi chít chữ dành cho học sinh lớp 1 được đăng tải trên các diễn đàn. “Tôi khẳng định không sách giáo khoa nào đưa nhiều ngữ liệu cho học sinh trong những tuần đầu như vậy. Nó nhiều gấp mấy lần trong sách, ít nhất là trong hai cuốn do tôi làm tổng chủ biên”, ông Hùng nói.
Để thiết kế bài học trong sách giáo khoa, ông Hùng cho rằng các nhà soạn thảo sách đều dựa vào hai căn cứ chính là chương trình và quá trình thực nghiệm trong các trường ở những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau.
Với chương trình, tùy theo yêu cầu, sách giáo khoa sẽ được thiết kế phù hợp. Chẳng hạn, kết thúc lớp 1, học sinh phải đọc được văn bản có độ dài 130 chữ thì số chữ trong mỗi bài học sẽ được tính giật lùi. Với cuốn Tiếng Việt Kết nối tri thức với cuộc sống, bài đầu câu chỉ có 3-4 chữ, sau mỗi bài tăng 1-2 chữ để kết thúc học kỳ I là học sinh đọc được đoạn tầm 55-60 chữ, đầu kỳ II là 65-70 chữ và kết thúc kỳ II là 130 chữ đúng theo yêu cầu.
Bìa cuốn Tiếng Việt 1 Tập một bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (phải). Ảnh: Thanh Hằng.
Theo ông Hùng, tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cấp tiểu học trong chương trình cũ (năm 2000) và chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 không thay đổi. Tuy nhiên, số tiết cho lớp 1 và 2 tăng hai tiết một tuần so với chương trình cũ. Ngược lại số tiết cho lớp 3, 4, 5 trong chương trình mới lại giảm.
Việc tăng số tiết cho lớp 1, 2 nhằm giúp học sinh phát triển kỹ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó có được công cụ để học tốt các môn học khác. Nhưng cũng vì số tiết các lớp 3, 4, 5 giảm, yêu cầu cần đạt ở lớp 1, 2 sẽ tăng lên để đảm bảo học sinh đạt được chuẩn đầu ra môn Tiếng Việt cấp tiểu học. Như vậy, chuẩn đầu ra có nâng cao hơn chương trình cũ để tương thích với số tiết tăng thêm, điều kiện dạy học, môi trường phát triển và khả năng ngôn ngữ của trẻ hiện nay.
Trong giai đoạn học âm chữ, không phải sách giáo khoa Tiếng Việt mới nào cũng tăng nhiều kiến thức, kỹ năng như phụ huynh phản ánh. Sách Kết nối tri thức với cuộc sống dành nhiều thời gian cho việc học âm chữ hơn hẳn sách cũ với 10 tiết nhiều hơn.
Với cách thiết kế mới, mỗi bài học yêu cầu đọc số lượng tiếng và từ ngữ nhiều hơn, đọc câu và đoạn dài hơn, nhưng theo một trình tự được cân nhắc kỹ và không vượt nhiều so với Tiếng Việt 1 cũ. Ví dụ, sách cũ bài 7 học sinh đọc 8 tiếng/từ rời còn sách mới là 11 tiếng/từ rời. Độ lệch về khối lượng đọc không đáng kể. Số chữ học sinh cần viết trong mỗi bài cũng tương đương.
So với cấu trúc bài học trong Tiếng Việt cũ, sách mới dạy nói, nghe tương tự và có thêm hoạt động nhận biết. “Như vậy, với thời gian tăng thêm hai tiết mỗi tuần so với chương trình cũ, việc tăng cường rèn luyện kỹ năng thông qua thực hành trong sách giáo khoa Tiếng Việt 1 mới (bộ Kết nối) là cần thiết và phù hợp. Học sinh chỉ cần học ở lớp dưới sự hướng dẫn của thầy cô”, ông Hùng khẳng định.
Cho rằng chương trình và sách giáo khoa đều được thiết kế phù hợp, ông Hùng khuyên thầy cô chỉ nên dạy những gì trong sách giáo khoa, không nên tăng thêm ngữ liệu, bổ sung từ ngữ bên ngoài sách bằng cách đưa thêm phiếu đọc cho học sinh khiến các em bị áp lực.
Video đang HOT
Phụ huynh cũng không nên quá lo lắng và nên tin tưởng nhà trường cùng các thầy cô bởi nhà trường sẽ đảm bảo giúp trẻ học xong lớp 1 là có thể đọc, viết, nói và nghe theo đúng yêu cầu cần đạt. “Phụ huynh vẫn cần quan tâm, đồng hành cùng con khi ở nhà, có thể giúp con ôn lại bài 10-15 phút chứ không việc gì phải bắt các cháu học đến 10-11h đêm”, ông Hùng nhấn mạnh.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới và Chủ biên sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều, khẳng định chương trình và sách Cánh diều không gia tăng áp lực mà thậm chí còn giảm cường độ học cho học sinh. Tuy nhiên, ông nhận thấy giáo viên, phụ huynh đang bị quá áp lực.
Bộ sách Cánh diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM phối hợp biên soạn. Ảnh: Dương Tâm.
Theo sách cũ, trong một giờ dạy, thầy cô phải làm tới 6 việc: vừa dạy chữ (hoặc vần), vừa hướng dẫn học sinh tập đọc, luyện nghe – nói, tập viết chữ vào bảng con và vào vở.
Nhờ chương trình mới tăng số tiết, sách Tiếng Việt Cánh diều có thể dành thời lượng riêng cho hoạt động luyện nghe – nói và luyện viết vào vở. Mỗi tuần, học sinh có một tiết luyện nói dưới hình thức kể chuyện và hai tiết luyện viết vào vở. Trong hai tiết (70 phút) dạy chữ (vần), học sinh chỉ còn thực hiện bốn hoạt động: học chữ (vần), tìm chữ (vần) mới học trong bài, tập đọc và tập viết vào bảng con. “Sự thay đổi này tạo điều kiện để cô dạy, trò học thong thả hơn”, ông Thuyết nói.
Ngoài ra, theo chương trình mới, giáo viên được quyền quyết định thời lượng dạy học. Ví dụ, mỗi bài học chữ (vần) được dạy trong hai tiết. Nếu học sinh chưa nắm chắc bài, giáo viên có thể dạy ba tiết. Sách Cánh diều có “phần mềm” để co giãn là 64 tiết ôn tập. Đó là giải pháp để sách phù hợp với những học sinh khác nhau. Nơi nào học sinh học nhanh thì hoàn thành cả “phần cứng” là các bài học chính và “phần mềm” là các bài ôn tập. Nơi nào học sinh học chậm thì chỉ cần hoàn thành bài chính. Giáo viên hoàn toàn không phải vội “chạy” cho hết bài.
Tuy nhiên, khi giúp giáo viên một số nơi xây dựng giáo án chuyên đề, ông Thuyết thấy họ tự ý nâng cao chương trình. Trong lần đi khảo sát việc dạy và học ở Xuân Trường (Nam Định), ông lại thấy có giáo viên lo lắng khi lớp có 1-2 học sinh chậm cả đọc và viết. Ông Thuyết cho rằng đó là chuyện bình thường bởi năng lực mỗi người khác nhau. Giáo viên không nên coi việc đọc viết chậm là bị kịch mà cần kiên nhẫn hướng dẫn, có giải pháp riêng cho những học sinh đó.
Chủ biên sách Tiếng Việt Cánh diều nhận thấy phụ huynh có con học lớp 1 quan tâm con rất sát sao nhưng một số có nhận định chưa đúng rồi vô tình gây áp lực cho con. Chẳng hạn có người cho rằng ngày xưa học nhẹ vì học hết bảng chữ cái rồi mới học ghép vần, tập đọc; còn sách mới nặng vì học đến chữ nào thì ghép vần, tập đọc với chữ, vần ấy ngay. Nhưng chỉ cần mở sách Tiếng Việt 1 cũ ra sẽ thấy nhận xét này không đúng.
Theo ông Thuyết, không có sách nào không gắn việc học chữ với ghép vần, tập đọc, tập viết. Nếu chỉ dạy rời từng chữ, vần, buộc học sinh ghi nhớ thì vô ích vì học sinh không thể nhớ máy móc. Muốn học sinh nhớ chữ, vần để đọc, viết được thì phải đặt những chữ, vần ấy vào từ, câu, đoạn văn, bài văn. Người viết sách phải dựa vào vốn chữ rất ít ỏi của học sinh lúc ban đầu, soạn ra các bài đọc trong đó những chữ, vần mới học được lặp đi lặp lại nhiều lần để học sinh không cần học thuộc lòng mà cũng không quên mặt chữ. Đây là nguyên lý rất cơ bản của việc dạy ngôn ngữ.
Hay như việc phụ huynh kêu sách Tiếng Việt Cánh diều sử dụng từ địa phương ba, má. Ông Thuyết cho rằng có lẽ thầy cô chưa đủ thời gian để giải thích cho phụ huynh rõ sách này dùng cho học sinh cả nước nên xây dựng hai tuyến nhân vật. Nhân vật sống ở các tỉnh phía Nam thì gọi ba, má. Nhân vật sống ở các tỉnh phía Bắc thì gọi bố, mẹ. Các từ ngữ này không gây khó khăn gì cho học sinh vì sẽ được thầy cô giải thích.
“Phụ huynh đồng hành cùng con là rất cần thiết nhưng không cần làm thay thầy cô mà nên quan tâm dạy con ngoan ngoãn, sống có nề nếp, có ý thức tự học và cũng nên kiểm tra xem con đã hiểu bài chưa. Người nào có điều kiện hướng dẫn con học thì càng tốt”, ông Thuyết nói, khuyên phụ huynh nên bình tĩnh và hiểu việc trẻ mới học chữ quên chữ là bình thường. Nếu thấy con chậm biết đọc biết viết quá, phụ huynh cần trao đổi với thầy cô, tìm biện pháp nhẹ nhàng giúp đỡ, chứ không nên “ốp” con học đến đêm khuya, rồi la mắng, khiến con sợ hãi.
Từ năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 học sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa, của 3 nhà xuất bản biên soạn. Tuy nhiên, qua hơn ba tuần học, nhiều phụ huynh, giáo viên phàn nàn sách quá nhiều chữ, khó hiểu, thiết kế các bài học với tốc độ nhanh khiến học sinh không thể tiếp thu.
Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới Nguyễn Minh Thuyết cho rằng chương trình mới không nặng hơn cũ, việc thiết kế các bài học nhanh hơn, gây căng thẳng hơn cho học sinh là do một số bộ sách giáo khoa. Vụ trưởng Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Thái Văn Tài cho rằng chương trình lớp 1 được triển khai chưa đầy một tháng, chưa có căn cứ để đánh giá là “nặng”.
Chương trình sách giáo khoa lớp 1 có thực sự giảm tải?
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 1. Sau gần 1 tháng tổ chức dạy và học theo chủ trương "một chương trình, nhiều SGK", bên cạnh những ưu điểm của các bộ sách, còn có những băn khoăn của phụ huynh, giáo viên trước nhiều thay đổi.
Theo phản ánh của một số phụ huynh có con học bộ sách "Cùng học để phát triển năng lực" của NXB Giáo dục Việt Nam, nhìn chung cách trình bày của bộ sách này hấp dẫn, đẹp mắt hơn so với SGK hiện hành.
Tuy nhiên, SGK Tiếng Việt lớp 1 có phần hơi nặng. Lý do là ngay từ tuần thứ nhất, các bé đã học về thanh điệu, ghép vần. Các kiến thức khó như chữ in hoa, chữ nhỏ, kỹ năng đọc và đọc hiểu cũng được giới thiệu rất sớm, ngay trong nửa đầu học kỳ I. Đối với sách Toán, dù cách thức bày hiện đại, nhiều phần kiến thức đã được giảm tải phù hợp với học sinh nhưng vẫn còn nhiều bài toán "mẹo" tương đối khó so với học sinh lớp 1.
Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn xung quanh các bộ sách giáo khoa mới.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng băn khoăn khi thấy số lượng SGK các con phải sử dụng nhiều hơn so với mọi năm. Nếu như bộ SGK cũ chỉ có 6 quyển thì năm nay có từ 9 đến 10 quyển, chưa kể còn có thêm sách bổ trợ cho các môn học.
Cô Dương Ngọc Lan, giáo viên từng nhiều năm dạy lớp 1 tại trường Tiểu học Bình Minh (Hà Nội) cho biết, trường cô chọn bộ sách "Cánh Diều". Cảm nhận sau gần 1 tháng dạy học là học sinh hứng thú hơn với các bài học mới do hình thức, cấu trúc và nội dung của sách được thiết kế phù hợp với độ tuổi hơn so với SGK hiện hành. Đối với SGK Tiếng Việt có mô hình đánh vần giúp giáo viên dễ dạy, học sinh dễ học, phụ huynh cũng dễ dàng theo dõi và giúp đỡ con em trong việc học.
Về độ giảm tải, SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều cũng ít hơn số trang SGK Tiếng Việt 1 hiện hành. Tuy nhiên, lượng kiến thức không giảm hơn do chương trình yêu cầu học sinh lớp 1 phải biết đọc, biết viết.
Đối với SGK môn Toán, cô Lan cho rằng, giảm tải được gần 40% kiến thức so với SGK hiện hành. Trong đó, số lượng các bài tập yêu cầu học sinh phải làm giảm hẳn, các con được ghép hình, hoạt động nhiều hơn với các kiến thức gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Chẳng hạn như bài học đầu tiên trong SGK Toán 1 là giúp các con phân biệt được vị trí "phải, trái, trước, sau"...
Tuy vậy, cô Lan cũng thừa nhận, mọi năm, cô trò có trọn vẹn tháng 8 để "vỡ hoang" trước khi bước vào chương trình chính thức. Quãng thời gian này các cô thường rèn nếp, rèn từ thói quen cho đến cách ngồi, cách cầm bút cho các con.
Tuy nhiên, năm nay, dù thay SGK mới nhưng khai giảng xong các con mới học, mất hẳn 1 tháng "vỡ hoang" nên cả cô và trò đều vất vả hơn.
Cô Lê Thị Nếp, giáo viên Trường Tiểu học Bắc Sơn, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cũng cho rằng: Do năm nay học sinh được học các bộ SGK khác nhau nên độ khó cũng không đồng đều giữa các bộ sách. Trong đó, SGK Tiếng Việt Cánh Diều có phần nhẹ nhàng hơn các bộ SGK còn lại...
Nhận định chung về 5 bộ SGK lớp 1 mới, một số giáo viên cho rằng, cả 5 bộ SGK đều có thiết kế mới mẻ, hấp dẫn về hình thức, cấu trúc, kênh hình, kênh chữ đẹp, rõ ràng. Nội dung có sự phân hóa, sắp xếp theo trật tự chủ đề, cách dẫn dắt học sinh khám phá cái mới, cách tổ chức dạy học dễ tạo hứng thú cho học sinh. Các bài giảng được thiết kế gắn với khám phá, hoạt động, trò chơi và vận dụng trong thực tiễn, đạt được mục tiêu của chương trình dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh. Tuy vậy, bên cạnh những ưu điểm trên, các bộ sách cũng bộc lộ một số hạn chế.
Theo nhiều giáo viên, khuyết điểm chung một số bộ sách là lượng kiến thức đưa vào các bài học còn quá lớn với năng lực của học sinh lớp 1, nhất là sách Tiếng Việt. Bài tập đọc trong một số SGK Tiếng Việt có nội dung khá dài phần viết cũng có ngữ liệu là những đoạn văn, chính tả khá dài, trong khi học sinh lớp 1 đang học âm, vần và đọc tiếng, từ, câu ngắn nên chưa thật sự phù hợp. Sách tiếng Việt 1 của bộ "Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục" sang học kỳ II cho học sinh học viết hoa, trong khi ở độ tuổi này thì viết chữ thường còn nhiều khó khăn...
Năm học đầu tiên thực hiện chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa" đối với học sinh lớp 1. Ảnh minh họa
TS. Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đánh giá cao về những cải tiến trong các bộ SGK lớp 1 mới như khổ sách phù hợp hơn, chất lượng giấy tốt, giảm lượng chữ, hình ảnh thể hiện phù hợp với nhu cầu tiếp nhận và tâm lý học sinh lớp 1. Tuy vậy, cô Hương cũng thừa nhận, một số SGK Tiếng Việt có "tiết tấu" chưa đều so với khả năng tiếp nhận của học sinh, phần đầu hơi nhanh, phần sau lại hơi chậm.
Do đó, trong quá trình dạy, giáo viên cần phải chủ động điều tiết cho phù hợp, không nên quá máy móc vì mục tiêu cuối cùng là các con biết đọc, biết viết. Cô Hương cũng khuyến nghị các nhà trường và giáo viên cần sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt giữa các môn học, tăng cường tư vấn hợp lý cho phụ huynh để duy trì hào hứng học tập lâu dài đối với học sinh trong quá trình dạy và học. Phụ huynh cũng đừng quá lo lắng mà hãy dành nhiều thời gian hơn để đồng hành cùng con.
Trước những chia sẻ của phụ huynh về việc chương trình SGK lớp 1 có phần hơi nặng, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nhận địnhnàychưa đủ căn cứ xác đáng. Theo ông Tài, Bộ GD&ĐT chưa nhận được bất cứ một ý kiến phản ánh chính thức nào từ các giáo viên, cơ sở giáo dục hay các chuyên gia, nhà giáo dục tới Bộ về điều này.
"Hiện nay đang triển khai chương trình có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng cho một năm học. Trong chương trình của khối 1 có 9 môn học thì chương trình quy định chuẩn đầu ra cho từng môn học đó.
Đơn cử như đối với môn Tiếng Việt, để đạt được chuẩn đó thì chương trình quy định số tiết của môn Tiếng Việt là 420 tiết và tất cả 5 bộ SGK đều phải dựa trên chuẩn đầu ra và khung thời lượng đó, thiết kế bằng những con đường khác nhau để đi đến đích đó. Dù lượng kiến thức đã được tinh giản hơn so với chương trình hiện hành, song thời lượng được điều chỉnh tăng từ 350 tiết lên 420 tiết khiến tần suất học số tiết Tiếng Việt trong một tuần của học sinh tăng so với trước đây nên phụ huynh dễ tưởng rằng là chương trình nặng", ông Tài lý giải.
Chương trình SGK lớp 1 mới: Nặng là do chưa biết cách dạy? PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh cho rằng phụ huynh muốn biết chương trình lớp 1 nặng hay nhẹ cần phải có một sự hiểu biết nhất định chứ không phải "cứ nhắm mắt kêu". PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh là thành viên Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn; Chủ biên môn Tiếng Việt bộ sách giáo khoa Cùng...