Chọn trường để không thất nghiệp
Học sinh chọn trường có điểm chuẩn cao để thử sức hay theo đám đông bạn bè… là thực tế được nhiều trường phản ánh. Một số thầy, cô cho rằng, điều này sẽ gây bất lợi cho thí sinh.
Chỉ còn 4 tháng chuẩn bị để học sinh bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2016. Theo lãnh đạo nhiều trường THPT tại Hà Nội, công tác tư vấn chọn nghề nghiệp đã và đang được đẩy mạnh. Tuy nhiên, nhiều học sinh lớp 12 vẫn chọn nghề theo cảm tính.
Thi trường top để thử sức
Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại – Hiệu trưởng trường THPT Wellspring, Hà Nội, bày tỏ: “Tôi rất buồn vì những em có học lực không tốt nhưng dứt khoát chọn trường top đầu. Các em nói thi để thử thách, nhưng như vậy chỉ mang lại rối loạn”.
Sự rối loạn sẽ diễn ra khi thí sinh nộp NV1 không được sẽ chuyển sang NV2 và những nguyện vọng khác. Đó là chưa kể mỗi nguyện vọng còn có sự lựa chọn khác nhau. Có em đợi đến giai đoạn gần chốt hồ sơ mới nộp, kéo dài thêm thời điểm mệt mỏi.
Vị hiệu trưởng này cho biết, trường đã tổ chức những buổi tư vấn chọn ngành nghề dựa trên nguyện vọng không chỉ của học sinh, mà cả gia đình. Ví dụ, trong một gia đình có truyền thống theo ngành Y, bố mẹ mong muốn con theo ngành này, nhà trường sẽ tư vấn thêm.
Tuy nhiên, nhà giáo Đặng Đình Đại cho hay, một số học sinh không nghe theo tư vấn. “Nhiều em muốn thi cùng trường với bạn mình. Đây là thực tế mà không phải lúc nào thầy cô và cha mẹ cũng tham gia góp ý được”, thầy Đại nói.
Học sinh trao đổi thông tin về kỳ thi đại học. Ảnh: Hoàng Hà.
Tại trường THPT Sóc Sơn, Hà Nội, Hiệu trưởng Nguyễn Tu Tập cho biết, việc hướng nghiệp được giao cho bộ phận chuyên nghiệp, trong đó thầy cô chủ nhiệm là người sát sao và hiểu rõ nhất về khả năng của học sinh.
Ngay từ đầu năm học, trong mỗi buổi chào cờ, trường THPT Sóc Sơn đã định hướng cho học sinh về việc chọn trường, nghề. Trong đó, các em căn cứ sở thích cá nhân, bàn bạc với gia đình, người thân.
Ông Tập thông tin, chủ nhật tuần này, Huyện đoàn Sóc Sơn sẽ phối hợp một số đơn vị khác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, trường cũng tạo điều kiện cho một số công ty chuyên tư vấn làm việc tại trường để giúp đỡ các em có nhiều thông tin hơn, trước khi cân nhắc, lựa chọn.
Video đang HOT
Phân luồng học sinh và thống kê nhân lực
Báo cáo của Viện Khoa học Lao động và Xã hội tháng 12/2015, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp chung đã giảm nhưng số lượng người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng cao: 225.500 người.
“Tư vấn nghề nghiệp phải làm sao để học sinh chọn ngành sau này không hụt hẫng” là trăn trở của Hiệu trưởng trường THPT Sóc Sơn. Còn thầy Đặng Đình Đại nêu quan điểm: “Việc đào tạo của nước ta hiện nay không theo nhu cầu định hướng của xã hội. Điều này không phải lỗi của học sinh hay phụ huynh”.
Thầy Đại đề xuất, những người làm quản lý trong ngành giáo dục cần đưa ra được thống kê cụ thể. Ví dụ, đến năm 2020, Việt Nam cần đội ngũ nhân lực như thế nào? Học sinh dựa trên số liệu đó để chọn ngành. Thời gian đại học chiếm 4-5 năm, nếu bây giờ học sinh chỉ chạy theo ngành hot sẽ dẫn đến hàng vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp trong tương lai.
Đồng tình ý kiến này, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, kiến nghị, trước mùa tuyển sinh, Bộ GD&ĐT phải công bố số nguồn nhân lực của từng ngành nghề đang thừa hay thiếu trong tương lai.
Theo đề xuất của PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng GD&ĐT, cần cải thiện sự phân luồng học sinh. Hết bậc THCS, chúng ta phải chia luồng học sinh sao cho số theo đại học chiếm khoảng 40-50%, còn lại theo trung học nghề, vừa học văn hóa vừa đào tạo công nhân lành nghề.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM, Công nghệ thông tin đang là ngành đòi hỏi nhu cầu nhân lực lớn. Năm 2015, trường tuyển sinh ngành này với 300 chỉ tiêu, các chuyên ngành gồm Hệ thống thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Quản trị mạng. Trường dự kiến mở thêm chuyên ngành An ninh mạng để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này.
Nhóm ngành Công nghệ và Kỹ thuật dự kiến cũng có nhu cầu nhân lực cao trong những năm tới. Sự kết hợp giữa nhóm ngành trên dẫn đến sự xuất hiện các ngành: Kỹ thuật thương mại, Quản trị viên của các ngành kỹ thuật.
Những ngành này đòi hỏi tính ứng dụng cao, do đó ngoài mặt lý thuyết, học sinh cần rèn luyện khả năng thực hành, kỹ năng làm việc nhóm và quản lý thời gian hiệu quả.
Một ngành học khác dự kiến cũng có nhu cầu nhân lực cao trong vài năm tới là Tâm lý học. Theo tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Bộ GD&ĐT đang dự thảo đề án đưa cán bộ tâm lý học đường vào các trường phổ thông.
Theo đó, mỗi trường đều phải có cán bộ chăm sóc tâm lý cho học sinh. Đây là cơ sở để nhu cầu nhân lực ngành Tâm lý học tiếp tục tăng và đi sâu vào các chuyên ngành Tâm lý học tham vấn, Tâm lý học trị liệu.
Thí sinh có thể học ngành này tại các trường lớn như Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa tâm lý Đại Sư phạm Hà Nội, Đạị học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Zing
Nhiều cách tuyển sinh mới: Thí sinh lợi nhưng thêm nỗi lo
Tuyển sinh bằng bài luận, phỏng vấn, thư giới thiệu... là những thay đổi đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh 2016. Để thích ứng, thí sinh cần học thực chất và mở rộng kiến thức xã hội.
Kỳ thi "ba chung" - chung đề, chung đợt và ngày thi, chung kết quả - do Bộ GD&ĐT tổ chức từ năm 2002. Trước đó, mỗi trường tự tổ chức thi tuyển, tự ra đề và chấm thi.
Năm 2014, một mặt Bộ GD&ĐT tổ chức "ba chung" cho các trường chưa kịp xây dựng phương án tuyển sinh riêng, mặt khác cho các trường tự chủ tuyển sinh. Đến 2015, Bộ GD&ĐT lần đầu tiên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Hình thức tuyển sinh mới
Năm nay, các trường triển khai nhiều cách tuyển sinh đa dạng. Trong đó, hình thức tuyển sinh mới được Đại học Quốc gia TP HCM thử nghiệm là đánh giá bằng bài luận, thư giới thiệu của thầy cô.
Đại học Hoa Sen cũng áp dụng hình thức viết luận để tuyển thí sinh có nguyện vọng và quyết tâm theo đuổi ngành nghề. Đối với nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng (thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất), trường cho phép thí sinh nộp tuyển tập tác phẩm nghệ thuật (từ 7 đến 10 tác phẩm) do chính bản thân sáng tác thay vì tham gia thi 3-4 tiếng đồng hồ.
Thí sinh dự thi đại học. Ảnh: Anh Tuấn.
Trong khi đó, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức thi năng khiếu trong năm 2015 và tiếp tục áp dụng trong năm nay. Trường sẽ tổ chức thi bổ sung môn Năng khiếu báo chí gồm 2 phần trắc nghiệm (3 điểm), tự luận (7 điểm), cho nhóm ngành Báo chí.
Đặc biệt, trường sẽ xét tuyển bằng phỏng vấn trực tiếp thí sinh dự tuyển vào chuyên ngành Quay phim truyền hình, Báo ảnh. Đây là lần đầu tiên trường tổ chức phỏng vấn thí sinh dự thi hai chuyên ngành này.
Không chỉ ở lĩnh vực Báo chí - Truyền thông tuyển sinh dưới hình thức phỏng vấn, khoa Y, Đại học Quốc gia TP HCM cũng mới bổ sung phần sơ tuyển bằng phỏng vấn hoặc trắc nghiệm. Điều này hạn chế tình trạng thí sinh có điểm cao là nộp vào trường, bất chấp có yêu nghề hay phù hợp không?
Năm nay, một mô hình mới cũng được áp dụng: Các trường liên kết tuyển sinh theo nhóm. Theo đó, một số trường kỹ thuật khu vực Hà Nội như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Đại học Thủy lợi, Đại học Mỏ địa chất, Đại học Giao thông Vận tải... dự kiến tạo thành nhóm tuyển sinh theo đúng quy chế của Bộ GD&ĐT.
Ngoài ra, lãnh đạo Đại học Quốc gia TP HCM cũng cho biết, trường dự kiến tuyển sinh theo nhóm, ban đầu gồm 7 đơn vị thành viên: Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc tế, Đại học Công nghệ Thông tin, Khoa Y.
Một nhóm 5 trường đại học khác cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội làm căn cứ tuyển sinh là Đại học Thủ đô, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Đại học Nguyễn Trãi, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và Đại học Tài Nguyên Môi trường.
Những trường là thành viên của nhóm sẽ tạo một kho dữ liệu xét tuyển và dùng chung một phần mềm xét tuyển. Từ kho dữ liệu chung và căn cứ tiêu chí xét tuyển của từng trường, mỗi trường sẽ tự tính để xác định điểm chuẩn cho mình.
Thí sinh cần cân nhắc lựa chọn
Theo nhận định của nhiều chuyên gia giáo dục, việc các trường đại học tự chủ tuyển sinh giúp học sinh có nhiều lựa chọn hơn. PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho rằng, sự tự chủ tuyển sinh của các trường thời điểm hiện tại không giống trước kỳ thi "ba chung". Trước đây, số lượng trường còn ít, tự lo tuyển sinh. Hiện tại, những hình thức mới được áp dụng thể hiện sự tiến bộ trong giáo dục đại học.
Nguyên Thứ trưởng GD&ĐT đánh giá, Việt Nam đã hội nhập quốc tế và khu vực, vì vậy giáo dục cũng phải mở cửa, học tập các nước tiên tiến. Trong đó, tự chủ đại học và sự mở rộng về mô hình tuyển sinh là xu thế tất yếu. Điều này đòi hỏi các trường phải có kinh nghiệm chuyên môn, tinh thần sáng tạo.
Trong đó, nhiều hình thức thi tốt, đặc biệt là kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thí sinh chỉ thi một buổi, 140 câu hỏi bao quát chương trình, làm bài thi trên máy tính... Đó là bước tiến bộ, làm giảm áp lực cho thí sinh và người nhà. Sự đa dạng trong đề thi của Đại học Quốc gia Hà Nội giúp học sinh không học lệch, học tủ.
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, học sinh có nhiều lợi thế nhưng cũng thêm nỗi lo. Để thành công trong những kỳ thi, xét tuyển theo mô hình mới, các em cần học thật, thi thật, tránh tình trạng học tủ hay trông chờ số phận.
Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh phải liên tục cập nhật kiến thức xã hội, rèn luyện kỹ năng giao tiếp để hoàn thành những bài thi trắc nghiệm đa dạng hay vượt qua vòng phỏng vấn.
Đặc biệt, học sinh cần xác định sớm ước mơ, nghề nghiệp để có sự chuẩn bị tốt. Suy nghĩ "thi liều" sẽ khiến các em mất cơ hội trong những mô hình thi, xét tuyển mới.
Trước những đổi mới trong tuyển sinh năm nay, ông Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ chia sẻ, về hình thức nộp hồ sơ xét tuyển, Bộ GD&ĐT nên giữ nguyên ba cách để học sinh đa dạng chọn lựa: Trực tiếp, trực tuyến và đường bưu điện. Bởi nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, thậm chí ngay cả ngoại thành Hà Nội không phải ở đâu cũng phổ cập Internet.
Trong khi đó, các em có thể nhờ người nộp trực tiếp. Nhiều thí sinh ở gần trường cũng không nhất thiết phải sử dụng hai cách online và qua đường bưu điện.
Theo Zing
Hệ trung cấp liên tiếp nhận hung tin Hiệu trưởng các trường trung cấp dự báo 2016 là năm khó khăn trong tuyển sinh, bởi theo dự thảo quy chế tuyển sinh, ngưỡng đầu vào hệ CĐ chỉ cần tốt nghiệp THPT. Trong dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ trên cơ sở sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ...