Chọn trường, chọn nghề phù hợp
Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 đang bước vào thời điểm quan trọng nhất, khi các trường đại học bắt đầu công bố ngưỡng điểm bảo đảm chất lượng đầu vào và các thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.
Quy chế tuyển sinh như hiện nay mang lại nhiều cơ hội đỗ đại học cho thí sinh. Tuy nhiên, con số gần 50% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển năm 2018 cho thấy, việc chọn ngành học vẫn còn dựa vào cảm tính, chạy theo số đông. Dường như nhiều thí sinh lựa chọn ngành học theo mức điểm sàn mà các trường công bố nhận hồ sơ xét tuyển, chứ không phải theo khả năng, sở trường của mình. Bởi thế, những năm học trước đã có một số sinh viên chán nản sau khi nhập học, thậm chí có những trường hợp bỏ học giữa chừng vì lựa chọn sai ngành học.
Ngày đầu tiên của thời gian quy định điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019 đã có hơn 44.000 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Tuy nhiên, điều thí sinh cần hết sức lưu ý là điều chỉnh nguyện vọng không phải là chọn đại một ngành để học, cũng không nên chạy theo số đông chọn ngành “hot”, dù đỗ đại học là ước mơ của bất kỳ thí sinh nào.
Ảnh minh họa/qdnd.vn.
Video đang HOT
Theo quy chế tuyển sinh năm nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mỗi thí sinh chỉ được điều chỉnh đăng ký xét tuyển một lần, trong thời gian từ nay đến ngày 31-7 và chỉ được sử dụng một trong hai phương thức là đăng ký trực tuyến hoặc bằng phiếu đăng ký xét tuyển. Thời điểm này, thí sinh cần hết sức thận trọng, cân nhắc, lựa chọn kỹ các phương án để đưa ra quyết định.
Năm nay, nhìn chung, điểm chuẩn ở từng nhóm ngành cao hơn từ 1 đến 3 điểm so với năm ngoái. Thí sinh cần dựa trên cơ sở tương quan lực học, điều kiện, hoàn cảnh gia đình và các yếu tố khác để có sự lựa chọn ngành học, trường học phù hợp. Một điều cần nói là đại học không phải con đường duy nhất để học sinh có một tương lai tươi sáng. Thực tế cho thấy, không ít người thành công dù không sở hữu tấm bằng đại học nào. Trong trường hợp không đưa ra được lựa chọn tốt nhất, thí sinh có thể học nghề hoặc theo học các trường cao đẳng có chương trình đào tạo gắn với thực tiễn sản xuất và doanh nghiệp. Một công việc phù hợp sẽ giúp các em phát huy hết khả năng và gặt hái được thành công trong tương lai, thay vì vào một trường đại học mà mình không hề yêu thích.
Trong vài năm trở lại đây, công tác hướng nghiệp, tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng được Bộ GD&ĐT và các cơ sở giáo dục đại học chú trọng. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học cần tích cực, năng động, sáng tạo trong công tác thông tin, truyền thông tới người học về các chương trình đào tạo, đặc điểm đào tạo của từng ngành nghề cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường để thí sinh nắm bắt, hình dung mức độ phù hợp của bản thân với ngành nghề mà nhà trường đào tạo. Làm được như vậy, các trường mới có được nhiều sinh viên tốt, phù hợp với chương trình đào tạo chứ không phải phụ thuộc điểm số đầu vào cao hay thấp.
NGUYỄN HOÀI
Theo QĐND
Năm 2019: Sắp xếp lại các trường đào tạo sư phạm
"Theo kế hoạch 2019 tới quý 2 năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, theo đúng Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua"
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An chia sẻ điều này tại hội nghị trực tuyến Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng các trường đại học và trường sư phạm năm 2018 diễn ra vào ngày 28/12.
Tại hội nghị này, lãnh đạo nhiều trường đại học đã đề nghị năm 2019, Bộ GD-ĐT cần đẩy mạnh việc sắp xếp lại các trường đào tạo sư phạm, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học trên cả nước, sao cho trở thành những trường đại học lớn, mạnh để tham gia xếp hạng đại học, phù hợp xu hướng chung của thế giới.
Hội nghị Chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng các cơ sử giáo dục ĐH và trường Sư phạm năm 2018 tại điểm cầu TPHCM
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhấn mạnh, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học phải là nhiệm vụ hàng đầu: "Hiện nay chúng ta có trên 230 trường đại học là quá nhiều. Trong khi có nhiều trường đại học nhỏ, lẻ, đơn ngành, không phù hợp với điều kiện thế giới thay đổi nhanh chóng về việc làm, xếp hạng. Cho nên, tôi nghĩ quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học là hết sức cần thiết, mà trước hết là các trường đào tạo sư phạm. Vì hiện nay, có tầm 100 cơ sở tham gia đào tạo sư phạm là quá nhiều. Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ trong năm 2019 mà Bộ cố gắng hoàn thành"
GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên chia sẻ, năm ngoái, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sư phạm cao hơn ngưỡng chung 2 điểm, tức 17 điểm. Kết quả, các trường sư phạm trong cả nước không tuyển nổi 50-60% chỉ tiêu, ít trường tuyển đủ. Thế nhưng, theo ông Quang, trong khi chúng ta muốn đầu vào sư phạm tốt, nhưng đó chỉ là một trong những điều kiện vì ở người học còn có phẩm chất, đam mê nghề nghiệp. Thực tế hiện nay tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này mâu thuẫn với nhu cầu tuyển giáo viên, thiếu giáo viên từ nay đến năm 2021 của các Sở GD-ĐT tỉnh này. Vì vậy, cần phải có chính sách đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa để đảm bảo vấn đề giáo viên, đặc biệt là cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.
Trở lại vấn đề sắp xếp mạng lưới các trường đại học, GS Quang nhắc lại đề xuất của mình từ năm 2017, đó là chỉ những cơ sở đào tạo giáo viên đã được kiểm định chất lượng quốc gia thì mới được tuyển sinh, chỉ như vậy chúng ta mới có được những cơ sở đào tạo giáo viên có chất lượng: "Nếu từ trong 114 cơ sở đào tạo giáo viên, chúng ta lựa chọn theo một bộ chuẩn mà chúng ta xây dựng, sẽ còn khoảng 18-19 cơ sở đào tạo giáo viên. Trên cơ sở này, chúng ta mới đảm bảo chất lượng. Còn nếu không thì công tác đào tạo giáo viên của chúng ta rất manh mún, không đảm bảo được chất lượng theo chương trình giáo dục phổ thông mới".
Trước những ý kiến của lãnh đạo các ĐH, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Lê Hải An thông tin thêm: "Trong kế hoạch năm 2018, trong quý 2 và quý 3 trình Thủ tướng Chính phủ hai đề án: Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm. Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 19. Theo kế hoạch 2019 tới quý 2 - 2020, Bộ sẽ xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, theo đúng Luật Quy hoạch đã được Quốc hội thông qua".
Lan Phương
Theo Dân trí
Nếu sai phạm, trường đại học sẽ bị tước quyền tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm Đó là phát biểu của bà Nguyễn Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019. Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học diễn ra ngày 17/7, bà...