Chọn SGK tại Nghệ An: Không để nhà trường đơn độc
Thời điểm này, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An tập trung nghiên cứu bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đã công bố. Về phía Sở GD&ĐT đang xây dựng dự thảo hướng dẫn các Phòng GD&ĐT, hiệu trưởng đơn vị, trường học lựa chọn SGK.
Đồng thời tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, giáo viên đáp ứng dạy học Chương trình mới.
Cán bộ phòng chuyên môn Sở GD&ĐT Nghệ An trao đổi với giáo viên về SGK lớp 1 mới.
Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ
Theo quy định của Luật Giáo dục 2019, “UBND cấp tỉnh quyết định việc chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn”. Tuy nhiên, Luật Giáo dục 2019 – 7/2020 mới có hiệu lực. Ông Đào Công Lợi – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Thời điểm đó mới chọn sách sẽ không kịp cho các nhà trường, giáo viên chuẩn bị, áp dụng triển khai giảng dạy Chương trình phổ thông mới từ năm học 2020 – 2021. Vì vậy, việc lựa chọn SGK lớp 1 mới tại Nghệ An đang được thực hiện theo hướng dẫn tại thông tư 01 Bộ GD&ĐT và Nghị quyết 88 của Quốc hội, do các nhà trường quyết định. Còn việc lựa chọn SGK từ lớp 2 – 12 sẽ thực hiện theo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, việc chọn SGK lớp 1 đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn có nhiều khó khăn, áp lực. Có trường quy mô lớn, số lượng giáo viên đông, nhưng cũng có những trường quy mô nhỏ, giáo viên ít, điều kiện để trao đổi chuyên môn hạn chế. Ngành Giáo dục tỉnh phải có trách nhiệm trong việc hướng dẫn các trường lựa chọn theo các tiêu chí cụ thể. Không để nhà trường đơn độc trong việc chọn sách.
Sở GD&ĐT đã chỉ đạo phòng GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu các bộ SGK đã công bố. Cụ thể, nhà trường lập tổ chuyên môn đọc, nhận xét, so sánh các bộ sách trên cơ sở đã được tập huấn về chương trình phổ thông tổng thể nói chung và lớp 1 nói riêng. Đồng thời, Sở đang làm dự thảo công văn hướng dẫn lựa chọn SGK lớp 1 và sẽ ký ban hành trong thời gian sớm nhất. Từ đó tạo hành lang cho các trường lựa chọn sách phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương cũng như đối tượng học sinh của mình.
“Đề xuất chọn sách của các trường sẽ gửi về cho phòng, sở GD&ĐT tổng hợp. Thực tế, việc lựa chọn SGK mang tính chiến lược chứ không thể tách riêng từng khối lớp. Đối với SGK khối lớp 1 do cơ sở giáo dục quyết định nhưng cần phải đồng bộ, xuyên suốt và có tính hệ thống với các khối lớp sau này trong toàn bộ 12 lớp phổ thông”, ông Đào Công Lợi – Phó GĐ Sở GD&ĐT Nghệ An nói.
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, Nghệ An nghiên cứu SGK lớp 1 mới
Video đang HOT
Trao quyền chủ động cho trường
Hiện, bản cứng 3 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới gồm: Cánh diều, Kết nối tri thức với cuộc sống, Cùng học để phát triển năng lực đã đưa về các trường tiểu học trên toàn tỉnh Nghệ An. Các nhà trường đang triển khai cho giáo viên nghiên cứu sách theo khung chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình lớp 1.
Thầy Nguyễn Hữu Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quán Hành (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết: Chúng tôi chia nhóm giáo viên theo từng môn học để đọc, viết nhận xét, đưa ra so sánh trên cơ sở phù hợp với đặc điểm học sinh của trường mình. Mỗi nhóm đều có tổ trưởng bộ môn, giáo viên cốt cán đã được bồi dưỡng, tập huấn về Chương trình GD phổ thông 2018 và chương trình lớp 1 nói riêng. Hiện, chúng tôi chưa có nhiều so sánh giữa các bộ sách và so với chương trình hiện hành. Song đây cũng là việc làm cần thời gian, thận trọng, lấy ý kiến tập thể mới đưa ra quyết định.
Trước đó, để chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và sách giáo khoa mới, Sở GD&ĐT Nghệ An đã tổ chức bồi dưỡng năng lực cho hiệu trưởng các trường tiểu học. Tập huấn chuyên môn cho hơn 2.300 giáo viên dạy lớp 1 trên địa bàn. Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng trao đổi: Sở sẽ tổ chức buổi gặp mặt giữa các nhà xuất bản SGK và quản lý, giáo viên trường tiểu học toàn tỉnh. Tại đây, các vấn đề còn khúc mắc, hay chưa hiểu sẽ được trao đổi, giải đáp thẳng thắn, rộng rãi. Qua đó, giúp nhà trường có thêm căn cứ để chọn lựa SGK cũng như triển khai dạy – học trên thực tế.
Trong thời gian này, Sở GD&ĐT Nghệ An tiến hành xây dựng chương trình địa phương với đội ngũ nhà giáo, chuyên gia có trình độ, kinh nghiệm. Dự kiến trong tháng 4 sẽ có sản phẩm chương trình giáo dục địa phương hoàn chỉnh cho lớp 1 để giáo viên trong tỉnh tiếp cận. Sách giáo dục địa phương vừa có những kiến thức chung, cố định nhưng cũng được viết theo hướng mở để giáo viên các vùng miền linh hoạt ứng dụng.
Đối với SGK lớp 1, các nhà trường sẽ là người quyết định trên cơ sở thống nhất ý kiến của giáo viên, và hướng dẫn của phòng, sở GD&ĐT. Còn từ khối lớp 2 trở lên, thực hiện theo Luật Giáo dục sửa đổi, UBND tỉnh sẽ quyết định dựa vào tham mưu của ngành Giáo dục. Hai quy trình này trên thực tế không mâu thuẫn nhau, đều qua tổng hợp đề xuất từ cơ sở giáo dục, ý kiến cán bộ giáo viên và phù hợp với điều kiện địa phương.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An
Hồ Lài
Theo giaoducthoidai
Chọn sách giáo khoa lớp 1 cũng cần phải tính đến việc mua sách của phụ huynh
Liệu việc lựa chọn sách của nhà trường có gây ra những khó khăn cho phụ huynh khi mua sách giáo khoa cho con em mình trong năm học tới đây hay không?
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ năm học 2020-2021 tới đây thì Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu được thực hiện ở lớp 1. Điều đáng lưu ý là sách giáo khoa lớp 1 trong năm học đầu tiên này sẽ do các trường Tiểu học lựa chọn và Hiệu trưởng sẽ là người quyết định trường mình chọn sách nào.
Chọn bộ sách nào trong 5 bộ sách hay là chọn các đầu sách phù hợp? Liệu việc lựa chọn sách của nhà trường có gây ra những khó khăn cho phụ huynh khi mua sách giáo khoa cho con em mình trong năm học tới đây hay không? Đây là điều mà các trường, các địa phương cũng cần phải tính đến.
Nếu chọn nhiều đầu sách khác nhau sẽ khó cho phụ huynh khi mua sách (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định và phê duyệt cho 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được phép sử dụng trong năm học tới đây. Trong 5 bộ sách này có 4 bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Sư phạm kết hợp với Nhà xuất bản Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì là năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới nên các trường chưa thể khẳng định bộ sách nào hay hơn, phù hợp hơn. Bởi, hiện tại thì khi giới thiệu sách, mỗi bộ đều hướng tới một triết lý riêng và đương nhiên bộ sách nào cũng được quảng bá là có nhiều ưu điểm, dễ dạy.
Trong khi đó, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường học nên chọn từng cuốn sách giáo khoa phù hợp với đơn vị mình chứ không nên chọn theo từng bộ sách.
Những gợi ý này có thể giúp các trường chọn được những cuốn sách tốt nhất nhưng nếu điều này thành hiện thực sẽ gây ra những khó khăn cho phụ huynh khi mua sách giáo khoa lớp 1 vào năm học tới đây.
Phụ huynh sẽ mua sách như thế nào?
Lâu nay, phụ huynh thường mua sách giáo khoa ở các Công ty thiết bị trường học, các nhà sách, cửa hàng sách nên những phụ huynh ở khu vực đô thị có phần dễ dàng mua hơn những phụ huynh ở các khu vực còn lại.
Bởi vì đa phần sách giáo khoa lâu nay đều được các nhà sách gói theo từng bộ với nhau và thường ít khi bán lẻ.Những phụ huynh ở nông thôn thường phải đi xa mới có thể mua được sách giáo khoa cho con mình. Vì vậy, nếu xảy ra trường hợp nhà trường chọn các cuốn sách giáo khoa khác nhau trong 5 bộ sách thì đương nhiên là phụ huynh sẽ gặp một số khó khăn nhất định.
Trong khi đó, với hệ thống trường tiểu học hiện nay, có những xã (phường) chỉ có 1 trường tiểu học nhưng cũng có xã (phường) ở khu vực đô thị và các tỉnh phía Nam thì lại có nhiều trường tiểu học trên cùng một địa bàn.
Điều này có thể dẫn đến tính trạng rối rắm nếu mỗi trường lựa chọn một bộ sách hay nhiều đầu sách khác nhau bởi phụ huynh chưa quen với cách làm mới này. Từ hàng chục năm nay, ngành giáo dục chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất.
Giờ đây, Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện có tới 5 bộ sách mà năm học 2020-2021 thì các trường chủ động lựa chọn sách riêng.
Chính vì thế, nếu phụ huynh mua rồi mà không đúng sách của nhà trường chọn thì lại lãng phí và phải đi lại nhiều lần để đổi trả. Nhưng, nếu nhà trường đứng ra đặt mua cho học trò thì lại vướng nhiều quy định và không phải phụ huynh nào cũng đồng tình với cách làm này.
Trường chọn hay Sở chọn sách sẽ có ưu điểm hơn?
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì các trường sẽ lựa chọn sách giáo khoa nhưng kể từ tháng 7/2020, khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì quyền lựa chọn sách lại thuộc về các Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố).
Bởi vì mỗi trường mỗi bộ sách hay chọn nhiều cuốn sách khác nhau trong 5 bộ sách thì đương nhiên các trường tự làm khó cho mình. Năm nay, giáo viên quen với sách này, sang năm nếu tỉnh chọn sách khác thì giáo viên lại phải làm lại từ đầu.Vì vậy, dù năm học 2020-2021 tới đây là các trường lựa chọn sách nhưng an toàn nhất là các tỉnh hướng tới việc cùng thực hiện chung một bộ sách giáo khoa để thuận tiện cho kế hoạch các năm học sau nữa và cũng là cách tiết kiệm cho ngân sách nhà nước và đỡ lãng phí cho phụ huynh.
Việc đầu tư mua sách giáo khoa cho thư viện cũng sẽ lãng phí và những bộ sách phụ huynh mua cũng không thể tận dụng vào các năm học sau. Hơn nữa, nếu xảy ra tình trạng mỗi trường chọn một bộ sách thì việc mua sách giáo khoa ở các nhà sách cũng không phải là việc dễ dàng.
Bởi, những đơn vị kinh doanh họ cũng phải tính toán đến lợi nhuận, trong khi năm học đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới thì chắc chắn các nhà sách họ cũng sẽ thận trọng và tính toán kĩ nhu cầu của học sinh để nhập các đầu sách giáo khoa.
Chính vì vậy, các địa phương, các trường học cần tính toán cẩn thận để thuận lợi cho công tác chỉ đạo, thực hiện và cả việc phụ huynh sẽ mua sách như thế nào trong năm học tới đây được thuận tiện nhất.
THANH AN
Theo giaoduc.net.vn
Minh bạch và dân chủ trong lựa chọn SGK Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn SGK có quy định rõ thành phần lựa chọn SGK. Trong đó đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở GD phổ thông là thành viên có vai trò quyết định. Ảnh minh họa/INT Điều này cho thấy tính minh bạch, dân chủ và đòi hỏi phát huy...