Chọn sách giáo khoa cho học sinh lớp 1: Giáo viên vừa mừng vừa lo
Nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm vừa mừng vừa lo trước thông tin nhà trường phải tự chọn SGK cho học sinh trong năm học 2020-2021.
Sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Vnexpress.
Ngày 22/11, bộ GD&ĐT công bố 32 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 1 được lựa chọn cho chương trình giáo dục phổ thông mới.
Sau đó, bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành dự thảo thông tư hướng dẫn chọn SGK cho năm học tới. Theo đó, số lượng thành viên hội đồng chọn SGK của các trường phải là số lẻ, tối thiểu là 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.
Dự thảo quy định việc quyết định SGK sẽ dựa trên hình thức bỏ phiếu kín. Trong đó, SGK được chọn phải có trên 50% số thành viên của hội đồng bỏ phiếu chọn.
Liên quan đến việc chọn SGK lớp 1, chia sẻ trên báo Vnexpress, thầy Nguyễn Thế Điệp, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hừa Ngài (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), cho biết phần lớn học sinh nhà trường là người Mông, nhận thức và hiểu biết về tự nhiên, xã hội rất hạn chế nên tiêu chí lựa chọn đầu tiên là sách có nhiều hình ảnh to, rõ ràng và bắt mắt. Trường sẽ ưu tiên chọn những sách sử dụng từ ngữ dễ hiểu, gần gũi với học sinh.
“Ngoài ra, tôi sẽ nghiêng về những sách xuất hiện một vài chi tiết vùng miền, có nét tương đồng với cuộc sống học sinh vùng cao để tạo sự gần gũi cho các em trong quá trình học tập”, thầy giáo nói.
Bên cạnh đó, thầy Hiệp bày tỏ sự lo lắng về kinh phí trong quá trình chọn sách. Tiền mua sách giáo khoa, trường Hừa Ngài được miễn phí do nằm ở vùng khó khăn, nhưng kinh phí mua sách để tham khảo, lựa chọn thì trường tự chủ. Ngoài ra, thầy băn khoăn trước việc trong hội đồng có đại diện phụ huynh học sinh.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) lại lo lắng là thành viên hội đồng chọn sách do trường thành lập. Việc đưa giáo viên vào hội đồng là hợp lý và trường hoàn toàn đáp ứng đủ do có tổ trưởng chuyên môn, giáo viên trực tiếp đứng lớp 1 và cả giáo viên của các khối lớp cao hơn. Nhưng việc đưa phụ huynh vào thành phần hội đồng là không khả thi bởi không phải ai cũng có chuyên môn để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn.
Trao đổi trên báo Tiền Phong, bà Phạm Thị Hải Yến, Hiệu trưởng trường tiểu học Jean Piaget (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng bày nhiều lo lắng liên quan đến việc chọn SGK: “Có nhiều bộ sách khác nhau nhưng mỗi bộ sách đều có ưu, nhược điểm chung. Để chọn được bộ sách đúng là quyền quyết định ở mỗi nhà trường thì phải có hội đồng chuyên môn tốt để ngồi lựa chọn, đánh giá các bộ sách này”.
Cũng theo bà Yến, việc đưa ý kiến đại diện cha mẹ học sinh vào là đúng nhưng vấn đề khó vì mỗi người một ý, vô hình chung tạo áp lực cho người đứng đầu nhà trường.
Video đang HOT
Thanh Tùng
Theo ĐS&PL
Lưu ý quan trọng với phụ huynh có con vào lớp 1 năm 2020, năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới
Bắt đầu từ năm 2020, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức được áp dụng cho học sinh lớp 1 với một số thay đổi lớn.
Theo lộ trình được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng như sau:
Năm học 2020-2021 đối với lớp 1
Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10
Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11
Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Như vậy, năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 sẽ bắt đầu áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các trường sẽ tự chọn bộ sách giáo khoa
Ngày 21/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, có 32 bản thảo sách giáo khoa của 3 nhà xuất bản: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Nhà xuất bản ĐHSP TP.HCM và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
Từ năm học 2020, các trường sẽ tự chọn SGK.
Các địa phương sẽ tiến hành quy trình chọn SGK để giảng dạy bắt đầu từ năm học 2020. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không quy định mỗi một tỉnh, thành phố chỉ chọn một bộ sách giáo khoa rồi sử dụng trong toàn tỉnh mà hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học. Căn cứ vào điều kiện của địa phương, UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí để lựa chọn được sách giáo khoa phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức dạy học tại địa phương mình.
Dự kiến các sách giáo khoa mới sẽ có giá cao hơn so với sách hiện hành.
Các môn học ít hơn
Nếu như trước đây học sinh lớp 1 phải học đến 10 môn thì trong chương trình giáo dục mới, các em sẽ phải học 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Cụ thể:
Cấp Tiểu học
- Các môn học bắt buộc: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
- Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).
- Môn học mới: Tin học và Công nghệ.
Học sinh được giảm số môn học nhưng lại tăng tiết học. Chương trình áp dụng cho học sinh tiểu học được quy định cứng là 2.838 giờ, trong khi chương trình hiện hành học sinh học 2.353 giờ (tăng 485 giờ). Điều này được lý giải, so với chương trình hiện hành, học sinh tiểu học áp dụng chương trình mới trên toàn quốc sẽ được học 2 buổi/ngày.
Trong chương trình mới, thời lượng môn giáo dục thể chất bậc tiểu học tăng lên 35 tiết so với hiện nay.
Học 2 buổi/ngày
Chương trình mới thống nhất thực hiện dạy học 02 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 07 tiết học; mỗi tiết học 35 phút; có điều kiện tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn.
Ngoài ra, còn được thiết kế theo hướng mở và trao quyền chủ động cho nhà trường, cho chính giáo viên. Thầy cô giáo sẽ có quyền trong việc xây dựng kế hoạch dạy học với mục tiêu là dạy học phát triển năng lực cho học sinh.
Những trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giảm kiến thức lý thuyết
Chương trình hiện nay thiên về trang bị kiến thức, do đó chứa đựng nhiều nội dung hàn lâm, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh. Chương trình mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp và giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
Ngay từ lớp 1, học sinh sẽ được học về các hoạt động trải nghiệm, và đây được coi là một hoạt động giáo dục bắt buộc. Cụ thể, học sinh được học một số việc tự chăm sóc bản thân; Sắp xếp nhà cửa gọn gàng; Làm quen với bạn mới; Thiết lập mối quan hệ với hàng xóm...
Theo Helino
Chương trình Giáo dục phổ thông mới có nhiều thay đổi Bộ GD&ĐT sắp công bố các bộ SGK đã được hội đồng thẩm định thông qua và bộ trưởng phê duyệt. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam áp dụng một chương trình, nhiều bộ SGK. Các địa phương được quyền lựa chọn bộ sách phù hợp. Chương trình bắt đầu áp dụng với học sinh lớp 1 cho năm học 2020-2021 với...