Chọn ngành yêu thích hay ngành hot?
Chọn ngành hot để dễ kiếm việc làm, có thu nhập tốt trong tương lai hay chọn ngành mình yêu thích để hiện thực hóa đam mê, gắn bó với nó trong cuộc đời sau này? Băn khoăn này sẽ được các chuyên gia lý giải.
Chọn ngành theo sở thích năng lực hay chọn ngành hot vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều sĩ tử.
Hãy tìm hiểu kỹ ngành mình định chọn để có quyết định đúng.
“Cãi bố” để chọn ngành yêu thích
Sinh viên Lê Ngọc Hải, hiện đang theo học năm cuối ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội. Hải kể, ở thời điểm chọn ngành khi thi đại học 4 năm trước, bố Hải có tư vấn em chọn ngành khác hot hơn do ngành của Hải chọn là kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có thể khó xin việc. Hải đã phải thuyết phục gia đình cho mình được theo học ngành tự động hóa, vốn là ngành mà Hải yêu thích từ lâu.
“Giờ đây khi đang là sinh viên năm cuối, nếu được hỏi lựa chọn lại, tôi sẽ vẫn chọn ngành này. Sau gần 5 năm theo học ngành, tôi đã trau dồi được nhiều kiến thức chuyên ngành, các kỹ năng mềm, các mối quan hệ trong ngành. Trong quá trình học, tôi được trải nghiệm nhiều hoạt động liên quan đến ngành tự động hóa. Nhờ yêu thích, đam mê nên mình không ngại mày mò, tìm hiểu, khám phá ngành học trong suốt thời gian ở trường để có hành trang tốt nhất đi làm sau này”, Hải chia sẻ.
Chọn ngành theo sở thích năng lực hay chọn ngành hot vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều sĩ tử.
Chọn sai ngành nghề dẫn đến nhiều hậu quả như lãng phí thời gian, tiền bạc, thậm chí có thể dẫn đến những hậu quả tâm lý. Việc cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn ngành nghề là rất quan trọng. Theo PGS.TS Vũ Duy Hải, Phó Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nay các trường đai học top trên, khi nhà trường mở chương trình đào tạo nào cũng phải khảo sát kỹ nhu cầu việc làm, định hướng trung và dài hạn của nhà nước. Do vậy, các chương trình mới mở đều có nhu cầu rất lớn về việc làm. Còn học sinh nên chọn ngành nào thì cần phải tìm hiểu kỹ, dựa trên 4 điều kiện gồm sở thích, năng lực, điều kiện của gia đình và nhu cầu thị trường. Các em có thể tự lập một bảng để điền các tham số định lượng vào từng điều kiện, từ đó chọn ra giải pháp tối ưu nhất.
“Ưu tiên số một phải là niềm yêu thích, đam mê của mình. Thích công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học… thì quyết tâm theo đuổi nó. Sau đó mới cân nhắc năng lực của mình. Nếu mình không cẩn thận, tỉ mỉ thì nên chọn ngành học có yêu cầu độ chính xác, tỉ mỉ vừa phải thôi. Trước khi chọn ngành nghề thì nên tìm hiểu thêm học phí của ngành nghề đó thế nào, xem khả năng tài chính của gia đình có đáp ứng được trong 4 năm học không. Có như thế mới chọn được ngành học phù hợp nhất”, TS Hải khuyên.
Video đang HOT
Nên chọn ngành theo sở thích
Cô Phạm Thị Hằng, cán bộ phòng tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trường Đại học Bách khoa có rất nhiều ngành, bám sát nhu cầu thực tế. Gần đây đa phần học sinh cho rằng ngành hot trong trường là công nghệ thông tin, tự động hóa, kỹ thuật ô tô, cơ điện tử… Các khối ngành như logictic và quản lý chuỗi cung ứng, ngành phân tích kinh doanh cũng có sức hút rất mạnh so với nhu cầu thực tế. Nhiều em cho rằng lựa chọn ngành hot để có nhiều cơ hội việc làm sau khi ra trường. Cô Hằng khuyến cáo, các em nên chọn ngành theo sở thích và năng lực của mình sẽ tốt hơn là chỉ chọn ngành hot.
“Nếu lựa chọn ngành hot mà mình không yêu thích thì rất khó để đam mê, sáng tạo”, cô Hằng nói.
Theo thống kê những năm gần đây, 98,6% sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội ra trường có việc làm sau 6 tháng. Đây là con số rất ấn tượng cho các bạn muốn theo học Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngoài công tác đào tạo, nhà trường còn có nhiều hoạt động ngoại khóa cho các em có thể kết nối, phát huy được khả năng, thế mạnh của mình. Nhà trường có kết nối với doanh nghiệp để sinh viên dễ dàng tiếp cận việc làm sau tốt nghiệp.
Hãy tìm hiểu kỹ ngành mình định chọn để có quyết định đúng.
Theo TS Vũ Duy Hải, chọn ngành theo sở thích, đam mê song cũng cần có một số tư duy, kỹ năng, tinh thần ham học học với lĩnh vực mà mình chọn. Các em hãy học tốt các môn học gắn liền với ngành học định chọn. Ví dụ định học ngành tự động hóa thì hãy học tốt môn Toán, các môn về tư duy logic, các kỹ năng cần rèn luyện như cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác…
Ngoài ra, khi chọn ngành, thí sinh cần phải lưu ý vấn đề tài chính giữa các ngành học, giữa các hệ đào tạo trong cùng một ngành. Việc cân nhắc này là cần thiết vì cần phải có kế hoạch chuẩn bị kinh phí cho 4 – 5 năm học, thậm chí là 6 – 9 năm đối với khối y dược.
TS. Hoàng Kim Huệ – Giảng viên khoa Quản lí Giáo dục Đại học Sư phạm Hà Nội nhắn nhủ với các em thí sinh đang bước vào giai đoạn chọn ngành, chọn trường, việc chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích sẽ gia tăng sự thỏa mãn của người đó trong công việc. Do đó, các em nên chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, tính cách của bản thân, xem xét yếu tố năng lực. Ngoài ra, các em cũng nên tìm hiểu xu hướng phát triển của nghề nghiệp trong tương lai, tại môi trường làm việc em mong muốn để có định hướng phù hợp.
Dự báo biến động điểm chuẩn đại học năm nay
Chỉ tiêu xét điểm thi ít, điểm chuẩn đại học được dự báo sẽ ở mức cao, nhất là những ngành hot.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã kết thúc, đề thi năm nay được nhiều giáo viên, thí sinh (TS) đánh giá ở mức "dễ thở", phù hợp với điều kiện dạy học trong khó khăn vì dịch bệnh. Tuy nhiên, với chỉ tiêu xét tuyển dành cho điểm thi ngày một giảm, điểm chuẩn xét tuyển vì thế cũng được dự báo sẽ biến động ở mức cao.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: HOÀNG GIANG
Điểm xét tuyển ĐH sẽ tăng?
Đánh giá tổng quan về kỳ thi năm nay, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng với năm bài thi, nội dung đề ở chín môn thi đều cơ bản để xét tốt nghiệp THPT. Những phần để phân hóa năng lực TS, xét tuyển đại học (ĐH) cũng không quá khó hay đánh đố học trò. Theo ông Phú, phổ điểm năm nay sẽ dao động nhiều từ 5 đến 6,5. Những em học chuyên hoặc những em giỏi, học có đầu tư và nghiêm túc sẽ dễ dàng đạt điểm 9, 10. Do đó, điểm xét tuyển vào ĐH năm nay sẽ rất cao.
Chưa kể, theo ông Phú, năm nay các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, riêng phương thức dùng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ ở mức trung bình, thậm chí một số trường xét dưới 50% chỉ tiêu. Nhiều em đi thi với tâm thế chỉ cần đậu tốt nghiệp vì đã có suất vào ĐH bằng những phương thức khác. Điều này sẽ càng đẩy điểm chuẩn ĐH tăng lên rất cao.
"Về lâu dài tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu giải pháp để kỳ thi này trở nên nhẹ nhàng hơn vì áp lực thi cử hiện nay vẫn rất nặng nề. Nếu kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp thôi sẽ đơn giản. Hãy để việc xét tuyển ĐH cho các cơ sở đào tạo tự quyết, tự lo bằng nhiều hình thức khác" - ông Phú góp ý.
TS cần xem xét đến chỉ tiêu của từng ngành và số lượng hồ sơ nộp vào ngành đó để có những chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng thông minh.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng với đề thi năm nay, nhiều em sẽ làm được bài, mức bình quân là 8-9 điểm cho mỗi môn. Vì thế, tính toán mức điểm năm nay và với nhiều phương thức xét tuyển khác, các trường ĐH sẽ lấy điểm cao hơn (bình quân) năm ngoái khoảng 0,5 điểm.
Những trường ĐH có mức điểm cao như Y Dược, Bách khoa, Kinh tế... sẽ có mức điểm dao động trong khoảng 22-28,5 điểm, tùy theo ngành. Mức trúng tuyển vào các ngành hot vì nhiều TS giỏi quan tâm như y đa khoa, công nghệ thông tin, logistics, truyền thông đa phương tiện... của các trường sẽ cao hơn năm 2021 khoảng 0,5-1,5 điểm.
Còn ông Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), lại cho rằng qua ghi nhận khi làm nhiệm vụ kiểm tra thi tại Bình Dương, nhiều giáo viên đánh giá đề thi tốt nghiệp năm nay có độ phân hóa cao hơn những năm trước, phổ điểm sẽ biến động nhưng điểm chuẩn vào các trường ĐH có thể sẽ không thay đổi nhiều.
Tuy nhiên, ông Quỳnh cho rằng năm nay Bộ GD&ĐT yêu cầu lọc ảo ở tất cả phương thức, vì thế tỉ lệ xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT dự đoán sẽ tăng. Đồng thời với nhiều phương thức xét tuyển như hiện nay, trường sẽ chủ động để giữ ổn định điểm chuẩn bằng cách xác định tỉ lệ trúng tuyển ở mỗi phương thức.
Thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm nay, cả nước có hơn 1 triệu TS đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, gần 88% số TS dự thi vừa để xét tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH. Tổng chỉ tiêu ĐH năm nay chỉ hơn 550.000 TS và có đến 20 phương thức xét tuyển.
Thí sinh cẩn trọng khi đặt nguyện vọng
Theo kế hoạch mà Bộ GD&ĐT đã công bố, việc xét tuyển ĐH năm nay có nhiều thay đổi lớn khi TS được đăng ký xét tuyển ĐH sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời bộ sẽ tiến hành lọc ảo ở tất cả phương thức xét tuyển ở đợt 1, do đó các TS cũng cần lưu ý nhiều điểm mới để không bị nhầm lẫn, sai sót trong quá trình xét tuyển.
Về vấn đề này, ông Phạm Thái Sơn lưu ý rằng sau khi thi xong, TS cần theo dõi trên cổng thông tin của Bộ GD&ĐT để biết thời gian đăng ký các nguyện vọng của mình, theo thời gian đã công bố.
Đặc biệt với phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, TS cần liệt kê ra các ngành, trường mà các em thấy phù hợp để đăng ký, bởi nếu không liệt kê thì TS sẽ khó khăn hơn trong khâu đăng ký của mình.
ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - Truyền thông (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM), lưu ý TS sau khi thi xong cần tìm hiểu về những ngành đã đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức mà các trường đã công bố để lựa chọn nguyện vọng ưu tiên khi đăng ký tại cổng thông tin của Bộ GD&ĐT.
Nếu TS mong muốn xét tuyển theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các phương thức kết hợp thì cần theo dõi phổ điểm để đánh giá đúng tình hình và lựa chọn các ngành có mức điểm năm ngoái phù hợp với điểm số. Cũng trên nguyên tắc ngành nào muốn chọn nhất thì đặt nguyện vọng 1.
"Các vấn đề về tuyển sinh của từng trường, TS nên hỏi bộ phận tư vấn của các trường để tránh nhiễu thông tin và cũng được cập nhật tin chính xác hơn, tránh tâm lý hoang mang lo lắng ảnh hưởng đến sức khỏe" - ThS Vũ khuyên.
Ông Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), cho biết từ ngày 22-7 đến 20-8, TS sẽ đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
"TS cần xem xét đến chỉ tiêu của từng ngành và số lượng hồ sơ nộp vào ngành đó để có những chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng thông minh. TS cần thận trọng tìm hiểu kỹ về các ngành, về trường sẽ giúp các em không rơi vào hoàn cảnh "mọi chuyện đã rồi" hoặc phải bỏ học giữa chừng vì không phù hợp" - ông Quỳnh nhắn gửi.
Các mốc thời gian thí sinh cần lưu ý
Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, ngày 24-7, các sở GD&ĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT.
- Trước 17 giờ ngày 15-7: TS nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo mẫu (không giới hạn số nguyện vọng) về các cơ sở đào tạo.
- Từ ngày 1-7 đến 18-7, TS phải sử dụng tài khoản đã được cấp để rà soát kết quả điểm học tập (học bạ) cấp THPT trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Nếu sai, TS báo lại để được chỉnh sửa.
- Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 20-8, TS đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hoặc trên cổng dịch vụ công quốc gia.
- Từ ngày 21-8 đến 17 giờ ngày 28-8: TS phải xác nhận số lượng, thứ tự và nộp lệ phí trực tuyến các nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống.
- Từ ngày 22-7 đến 17 giờ ngày 20-8: TS trúng tuyển thuộc đối tượng xét tuyển thẳng có thể xác nhận nhập học trên hệ thống.
- Từ ngày 4-9 đến 17 giờ ngày 15-9: Thực hiện lọc ảo trên hệ thống.
- Trước 17 giờ ngày 17-9: Các cơ sở đào tạo xác nhận điểm trúng tuyển và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1.
Điểm thi thấp, điểm chuẩn năng lực nhiều ngành hot vẫn cao Điểm chuẩn cao nhất năm nay ở một số trường vẫn là những ngành hot như trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính, ngôn ngữ Anh... Sau thời gian dài thấp thỏm chờ đợi, hai ngày qua, các trường đại học (ĐH) thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM đã lần lượt công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi đánh giá...