Chọn học sinh như thế nào để vào Hội đồng trường tránh ngồi cho có
Điều băn khoăn nhất khi lựa chọn là về phía đại diện cho học sinh, bởi với độ tuổi đó thì cần phải lựa chọn thế nào để các em có thể đưa ra tiếng nói chung.
“Khi trên cương vị mới là hiệu trưởng, tôi có điều kiện sát sao hơn với mọi công việc của Hội đồng trường, những quyết sách, đường hướng phát triển của nhà trường được bàn và thực hiện một cách rất hiệu quả, mọi ý kiến đóng góp cũng như phản biện đều được các thành viên đưa ra nhận xét thấu đáo, lúc này ban giám hiệu nhà trường sẽ trực tiếp triển khai thực hiện.
Tham gia Hội đồng trường có cả nhà trường, lãnh đạo địa phương, đại diện cha mẹ học sinh, học sinh, như vậy là đầy đủ các thành phần của đời sống xã hội. Hơn nữa cha mẹ học sinh và học sinh là những người thụ hưởng trực tiếp những hiệu quả của Hội đồng trường nên sự có mặt của họ là hoàn toàn đúng đắn.
Một ưu điểm nữa, với thành phần như vậy đã giúp cho lãnh đạo nhà trường lắng nghe được những ý kiến góp ý, những tâm tư nguyện vọng,…để từ đó xây dựng phương hướng phát triển giáo dục gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Hội đồng trường có ảnh hưởng rất lớn đối với nhà trường, thông qua tất cả những quyết sách về mọi mặt, về kế hoạch giáo dục, về tài chính cũng như các hoạt động giáo dục khác, và hơn nữa còn định hướng phát triển nhà trường trong một thời gian dài”, nhà giáo Trần Thanh Hải – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Lung, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) đã cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nhà giáo Trần Thanh Hải – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Văn Lung, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Phóng viên đặt tình huống Hiệu trưởng đồng thời là chủ tịch Hội đồng trường nếu đưa ra phương hướng hoạt động nhưng không được đa số ý kiến thành viên tán thành thì cô Hải cho rằng: “Khi có nhiều ý kiến trái chiều với ý kiến của chủ tịch Hội đồng trường, lúc này dành thời gian để cá nhân và những thành viên trong hội đồng nghiên cứu đánh giá lại, xem kế hoạch đó đã thực sự ưu việt hay chưa.
Đôi lúc người hiệu trưởng cũng chưa thể nhìn bao quát hết mọi vấn đề, sau khi nghe phân tích và thấy được kế hoạch đó chưa được toàn diện đồng thời các thành viên chỉ ra được những điểm còn hạn chế, lúc này mình cần phải suy nghĩ lại. Sau khi đã cân nhắc, phân tích cho mọi người thấy được kế hoạch đó là tốt, có lợi cho học sinh nhà trường thì lúc này hiệu trưởng cũng nên thẳng thắn đưa ra, phân tích để mọi người thông qua.
Bản thân tôi cũng đã trải qua công việc là tổ trưởng chuyên môn, nên nhận thấy trước khi xây dựng những kế hoạch giáo dục trong một nhà trường, ngay từ ý tưởng thì bao giờ cũng có sự bàn bạc trong hội đồng giáo dục nhà trường gồm ban giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn,… và thường đã có biểu quyết sơ bộ chứ không đơn thuần là của riêng hiệu trưởng.
Khi đã đưa ra Hội đồng trường để có những quyết đáp cuối cùng thì lúc này kế hoạch đã gần như hoàn chỉnh, các thành viên đóng góp thêm ý kiến để hoàn thiện hơn và biểu quyết thông qua”.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Văn Lung, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Việc thêm thành phần là cha mẹ học sinh, học sinh trong Hội đồng trường liệu có phải chỉ cho “có” theo quy định, thực sự không giúp ích gì, cô Hải nhận định: “Về phía phụ huynh học sinh, đây có thể nói là một nguồn lực rất lớn hỗ trợ cho các hoạt động giáo dục trong nhà trường, cả về nguồn xã hội hóa lẫn nhân lực. Nếu như nhà trường không được các bậc phụ huynh học sinh đồng tình, ủng hộ thì một số hoạt động của nhà trường sẽ khó mà đạt được như mong muốn.
Khi nhà trường thực hiện bất cứ một việc gì mà phụ huynh học sinh phản đối, xét về mặt tinh thần thì cũng đã khó khăn rồi, giờ muốn xây dựng cơ sở vật chất trong khi điều kiện kinh tế còn khó khăn chung, không vận động được xã hội hóa thì nhà trường cũng không làm được. Chính vì vậy thành phần có đại diện cha mẹ học sinh là rất quan trọng.
Về phía đại diện học sinh, các em sẽ giúp Hội đồng trường nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của lứa tuổi đó, và trong nhà trường nếu có việc gì liên quan thì đây sẽ là đại diện cho học sinh đưa ra tiếng nói với các thầy cô, từ đó nhà trường sẽ có những điểu chỉnh phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học”.
Video đang HOT
Phát huy sức mạnh của “trụ cột” trong nhà trường
Cũng về vấn đề này, nhà giáo Phạm Thị Hồng Hương – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hà Thạch, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) đã chia sẻ: “Có thể nói, Hội đồng trường là nơi tập hợp lực lượng và phát huy sức mạnh của những “trụ cột” trong nhà trường, cùng lúc có nhiều góc nhìn và suy nghĩ về một vấn đề, như vậy sẽ tốt hơn rất nhiều.
Nhà giáo Phạm Thị Hồng Hương – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hà Thạch, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Hội đồng có từ 9 đến 11 thành viên theo quy định tôi thấy cơ bản là đủ các thành phần tham gia, tuy nhiên việc lựa chọn các thành phần tham gia cũng là một vấn đề phải quan tâm, làm sao phải phát huy được tất cả sức mạnh của tập thể. Các thành phần tham gia đã được quy định rõ, nhưng điều băn khoăn nhất của chúng tôi khi lựa chọn lại về phía đại diện cho học sinh, bởi với độ tuổi đó thì cần phải lựa chọn thế nào để các em có thể đưa ra tiếng nói về tâm tư, nguyện vọng đến với các thầy cô.
Mặc dù nói là khó, nhưng thực ra các em đã có tổ chức đại hội liên Đội, qua đó đã chọn ra được học sinh tiêu biểu nhất và thường là Liên đội trưởng của nhà trường. Các em tham gia sinh hoạt Đội, lại trong ban chỉ huy liên đội,…nên những tiếng nói của em học sinh này cũng đã đại diện cho một tổ chức Đội, chứ không phải là ý kiến của cá nhân đưa ra để thành nghị quyết của Hội đồng trường. Nó mang tính đại diện của các em học sinh đưa những mong muốn, kiến nghị đảm bảo quyền lợi của học sinh, từ đó hội đồng sẽ đưa ra những quyết sách phù hợp”.
Về sự đóng góp ý kiến của đại diện cha mẹ học sinh, có ý kiến cho rằng đó chỉ là ý kiến cá nhân của một phụ huynh chứ không thể đại diện cho phụ huynh toàn trường thì cô Hương cho rằng điều này không đúng, bởi phụ huynh này đã được lựa chọn từ cuộc họp phụ huynh các lớp, và cũng là đại diện phụ huynh của lớp thì cũng đã mang tiếng nói của cả lớp, rồi lại được bầu ra từ ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường, người đó phải có sự hiểu biết, nắm bắt bao quát nhất về nhà trường,…như vậy là tiếng nói đó thật sự có uy tín.
Thường các công việc trong nhà trường khi liên quan tới hội cha mẹ học sinh, bao giờ chúng tôi cũng có trao đổi với người đại diện, hơn nữa họ cũng là người luôn nắm bắt tâm tư, nghe sự phản ánh của các bậc phụ huynh đang sinh sống trên cùng địa bàn. Như vậy không thể nói là ý kiến đóng góp mang tính cá nhân của phụ huynh.
Cũng theo cô Hương, mỗi một thành viên khi đưa ra ý kiến xây dựng, hoặc phản biện,…có thể sẽ mang tính chủ quan, nhưng với tất cả các thành viên sẽ có cái nhìn mang tính khách quan hơn, và khi đã được biểu quyết thông qua đó sẽ là những kế hoạch, định hướng phù hợp nhất với con người, với nguồn lực hiện tại của nhà trường và địa phương, trở thành nghị quyết của Hội đồng trường, lúc này ý kiến đó mang suy nghĩ của tập thể.
Học sinh Trường Trung học cơ sở Hà Thạch, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) trong giờ học Ngoại ngữ. Ảnh: NVCC.
Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Một quyết sách đã được Hội đồng trường biểu quyết thông qua, hiệu trưởng là người thực hiện. Nhưng quá trình triển khai mọi chuyện chưa được như mong muốn, vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Về vấn đề này, cô Hương nêu quan điểm: “Khi đã xây dựng được một nghị quyết và thực hiện, thường đã bàn đến tất cả các giải pháp, phương án để nghị quyết đó được thực thi. Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều khi sẽ phát sinh những tình huống chưa được như mong muốn, lúc này người hiệu trưởng phải cùng các thành viên phải trao đổi họp bàn, tìm ra những giải pháp để tháo gỡ, khắc phục khó khăn để làm sao nghị quyết đó trở thành hiện thực, đúng với mong muốn của nhà trường”.
Còn việc nhiệm kì của Hội đồng trường là 5 năm, học sinh và cha mẹ các em cũng chỉ tham gia được 3 năm. Theo cô Hương: “Đó cũng không phải là cản trở gì nhiều bởi thế nào cũng có sự biến động của các thành viên tham gia, và hơn nữa cũng nên kiện toàn lại nhân sự sau một thời gian dài hoạt động, vừa là tìm kiếm nhân tố mới, cái nhìn mới,…những việc đó chỉ làm cho hoạt động của hội đồng tốt hơn mà thôi”.
Liệu có việc hiệu trưởng nhà trường quyết hết, trường học thiếu dân chủ thì cô Hương nêu quan điểm: “Khi đã thành lập Hội đồng trường thì không thể có chuyện hiệu trưởng quyết hết, nhưng hiệu trưởng cũng cần phải có tính quyết đoán, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.
Hiệu trưởng là người thực hiện nghị quyết của Hội đồng trường, tuy nhiên những sáng kiến của hiệu trưởng được đưa ra trong cuộc họp cần phải có sự chủ động, làm sao những ý kiến đó phải có đủ căn cứ, có tính khả thi và sức thuyết phục cao với các thành viên, và đó không thể gọi là chuyên quyền, quyết hết được bởi nếu không nhận được sự đồng thuận biểu quyết thông qua đa số thì ý kiến đó sẽ không được thực hiện trong nhà trường”.
Hội đồng trường phổ thông có vai trò rất lớn kết nối nhà trường-địa phương
Khi chưa có hội đồng trường thì hiệu trưởng là người lên kế hoạch với ban giám hiệu, lúc này tính quyết sách không cao và chưa mang tính toàn diện và đa chiều.
"Theo đánh giá của tôi, từ khi thành lập Hội đồng trường thì hiệu quả hoạt động của nhà trường rõ rệt hơn. Trước đây khi chưa có Hội đồng trường thì Hiệu trưởng là người xây dựng kế hoạch, cũng như quyết một số vấn đề, bàn với ban giám hiệu, hoặc hội đồng giáo dục nhà trường,...lúc này tính quyết sách không cao và chưa mang tính toàn diện. Chưa có góc nhìn đa chiều bên ngoài nhà trường.
Ví dụ: Hiệu trưởng và các thành viên trong nhà trường tự nhận thấy việc A, việc B,...trong năm tới chỉ xây dựng ở mức này thôi, mà chưa có sự tư vấn ở bên ngoài như của chính quyền địa phương, hoặc của phụ huynh học sinh, nhưng bây giờ đã có các thành phần đó nên có cái nhìn toàn diện hơn. Trước đây khi chưa có thành phần của chính quyền địa phương tham gia, nhà trường sẽ phải làm việc độc lập với địa phương mà không phải trong các cuộc họp của Hội đồng trường.
Bây giờ khi có Hội đồng trường, và các thành phần tham gia có đại diện chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh, học sinh trong nhà trường, như vậy có thể nói hội đồng trường mang tính toàn diện hơn. Sự góp mặt của các thành viên bên ngoài giúp nhà trường có góc nhìn đa chiều, thậm chí đại diện địa phương là thành viên Hội đồng trường có vai trò rất lớn trong việc kết nối giữa nhà trường với địa phương", đó là chia sẻ của nhà giáo Phùng Thị Cẩm Giang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Nhà giáo Phùng Thị Cẩm Giang - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Có phải hiệu trưởng sẽ quyết hết mọi vấn đề khi chưa có hội đồng trường, theo cô Giang: "Không phải mọi chuyện đều như vậy, nhưng nếu hiệu trưởng là người chuyên quyền, độc đoán sẽ không nghe góp ý của mọi người. Còn hội đồng trường là một tổ chức có quy định thành lập, có từ 9 đến 11 thành viên và đương nhiên trong một cuộc họp thì mọi chuyện sẽ khác hẳn so với việc chỉ có ban giám hiệu, hoặc chỉ một bộ phận lãnh đạo họp bàn với nhau".
Cùng một nội dung định hướng phát triển các hoạt động giáo dục được đem ra bàn, nhất trí và thông qua tại hội đồng giáo dục nhà trường, và một lần nữa vẫn nội dung này được người hiệu trưởng cũng đồng thời là chủ tịch hội đồng trường mang ra bàn và thông qua tại cuộc họp của hội đồng trường, như vậy có phải là chồng chéo? Về vấn đề này, cô Giang nêu quan điểm:
"Theo tôi không thể gọi là chồng chéo bởi trách nhiệm của người hiệu trưởng bao giờ cũng là người xây dựng dự thảo, trên cơ sở ý kiến của một số thành viên trong nhà trường, chứ không phải là hội đồng trường.
Nhưng hội đồng trường lại có quyền góp ý, phê duyệt kế hoạch giáo dục ấy. Tất nhiên lãnh đạo nhà trường sẽ có sự bàn bạc trước với nhau để xây dựng kế hoạch nhà trường phát triển thế nào, việc này chỉ gói gọn trong sự hiểu biết của nhà trường, hoặc trong ban giám hiệu, và có thể sẽ không đánh giá được hết vấn đề.
Cũng việc đó, đưa ra hội đồng trường thì các thành viên có quyền tham gia, góp ý, phản biện, phân tích được việc xây dựng kế hoạch này có khả thi hay không. Tất nhiên sẽ có những ý kiến trái chiều,...Nhưng ít nhất 2/3 số thành viên trong hội đồng trường đồng ý thì kế hoạch đó sẽ được thực hiện, và hiệu trưởng sẽ có trách nhiệm thực hiện theo đúng những gì đã được hội đồng thông qua. Như vậy không thể gọi là chồng chéo chức năng".
Khi phóng viên giả định một quyết định đã được ban giám hiệu nhà trường thông qua, nhưng khi bàn tại hội đồng trường lại không nhận được đa số sự đồng thuận thì cô Giang nêu quan điểm:
"Hội đồng trường có quyền phê duyệt, vậy nên kế hoạch được người hiệu trưởng xây dựng có những nội dung mà chưa được hội đồng trường đồng ý vào thời điểm này, thì hiệu trưởng vẫn có thể trình bày tại những cuộc họp sau, có thể đưa ra những quyết định trong giai đoạn sau phù hợp hơn. Chứ không nhất thiết là việc gì cũng phải thực hiện ngay.
Có thể hiệu trưởng muốn thực hiện việc A, việc B ngay, nhưng có thể giai đoạn 5 năm lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như con người, điều kiện kinh tế, điều kiện phát triển của địa phương, nguồn nhân lực,...Hoặc có thể chia nhỏ cho từng giai đoạn. Lúc này hội đồng trường sẽ có cái nhìn toàn diện hơn và không nhất thiết là phải thực hiện ngay như hiệu trưởng đang đề xuất, thậm chí có thể nghiên cứu thực hiện ở giai đoạn sau. Lúc này đương nhiên hiệu trưởng phải thực hiện theo nghị quyết của hội đồng trường, chứ không phải cứ tự ý làm".
Các em học sinh Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Các thành viên cũng cần có kế hoạch hoạt động
Hiệu trưởng là chủ tịch hội đồng trường, mọi quyết định đã họp bàn và biểu quyết hướng thực hiện. Vậy nếu xảy ra "sai sót" hoặc kết quả không được như mong muốn thì ai sẽ chịu trách nhiệm thì theo quan điểm của cô Giang: "Khi thực hiện kế hoạch, lúc này không phải là chủ tịch hội đồng trường, mà lúc này vai trò là người hiệu trưởng thực hiện, nếu xảy ra sai sót thì chắc chắn hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm".
Đánh giá vai trò của đại diện chính quyền địa phương khi tham gia hội đồng trường, cô Giang nói: "Tại trường nơi tôi công tác thì đại diện của chính quyền địa phương tham gia Hội đồng trường là Phó chủ tịch phường, nếu tính về phía chính quyền hay Hội đồng trường họ cũng đều có tiếng nói góp ý, như vậy sẽ hiệu quả hơn.
Kể cả việc triển khai, đôn đốc và khi hiệu trưởng thực hiện nghị quyết có khó khăn gì thì cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ, và mặc dù họ chỉ là thành viên nhưng về phía chính quyền địa phương họ là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.
Hơn nữa, không chỉ đơn thuần là phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường mà còn nằm trong Đảng ủy phường, như vậy tôi đánh giá vai trò cao hơn nhiều so với trước đây khi chưa có Hội đồng trường".
Chưa kể thành viên hội đồng trường còn có đại diện cha mẹ học sinh, đại diện học sinh tham gia. Theo cô Giang: "Về các thành phần như hiện nay là đạt, nhưng tất nhiên với số lượng khoảng 700 học sinh toàn trường và chỉ chọn 1 em đại diện thì đương nhiên cần phải cân nhắc rất kĩ trước, đặc biệt hiệu trưởng cũng phải cân nhắc kĩ để làm sao em học sinh đó có thể mạnh dạn, có tiếng nói đại diện cho quyền lợi của học sinh toàn trường, những vấn đề liên quan đến học sinh.
Còn về phía phụ huynh học sinh, đương nhiên cũng phải lựa chọn người nói được, làm được, xây dựng được và cũng có những ý kiến phản ánh đúng đắn để hội đồng trường thực hiện, tuy nhiên trong tất cả các mảng mà hội đồng đưa ra xin ý kiến thì không phải là mảng nào học sinh và phụ huynh cũng có thể đưa ra ý kiến một cách sâu sát nhất, mà chỉ những vấn đề liên quan đến mình thì phụ huynh mới tham gia góp ý, thể hiện tiếng nói.
Tất nhiên cũng có trường hợp một vài trường ở đâu đó họ lựa chọn những thành viên đó tham gia vào hội đồng trường nhưng chưa phát huy được thế mạnh, có thể những thành viên đó không có ý kiến gì, chỉ ngồi cho đủ thành phần và như vậy hoạt động của hội đồng trường sẽ không hiệu quả, không thực chất mà chỉ là hình thức".
Cô Giang nhấn mạnh: "Để một hội đồng trường hoạt động có hiệu quả, phát huy hết khả năng, nghĩa là vai trò phải ở tất cả các thành viên. Chủ tịch hội đồng trường là người đứng đầu có vai trò định hướng, quyết sách. Nhưng để quyết định được một vấn đề gì đó lại cần 2/3 thành viên biểu quyết đồng ý, đương nhiên khi đã được biểu quyết tán thành thì mỗi thành viên đều phải xây dựng cho mình một kế hoạch hoạt động cùng với kế hoạch chung của hội đồng trường.
Còn nếu chỉ một mình chủ tịch hội đồng trường đứng lên hô hào, và mọi người đã biểu quyết nhưng nếu các thành viên kia mỗi người vẫn làm 1 việc, không liên hệ gì hay hợp tác với nhau, không xây dựng kế hoạch riêng của bản thân,...thì một mình chủ tịch hội đồng trường cũng không thể nào làm được".
Đại hội liên Đội của các em học sinh Trường Trung học cơ sở Sa Đéc, thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC.
Mọi ý kiến của các thành viên hội đồng trường đều vì sự phát triển của giáo dục
Cũng về việc thành lập Hội đồng trường, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Ánh Hoàng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) chia sẻ: "Hiện tôi cũng đang tham gia với vai trò là thành viên hội đồng trường tại một trường trung học phổ thông. Với tư cách là đại diện cấp ủy địa phương tham gia, tôi sẽ phản biện và xem trường đó có định hướng phát triển theo đúng kì vọng của cấp huyện, đúng định hướng giáo dục hay không.
Dù đang giữ chức vụ nào đi nữa, nhưng khi đã là một thành viên trong hội đồng trường, mọi ý kiến đóng góp đều vì sự phát triển của giáo dục, chứ không phải tham gia trong vai Nhà nước để chỉ đạo. Mọi quyết định đều được các thành viên thông qua biểu quyết tán thành, và hội đồng giáo dục nhà trường sẽ là người trực tiếp thực hiện".
Đừng nghĩ học sinh thì biết gì mà vào hội đồng trường! Ý kiến của học sinh trong một số trường hợp cũng rất quan trọng, qua đó hội đồng trường xem xét các khía cạnh để quyết định điều chỉnh áp dụng cho phù hợp thực tế. "Hội đồng liên tịch và hội đồng trường với chức năng, nhiệm vụ, thành viên hoàn toàn khác nhau và thực hiện công việc cũng khác nhau....