Chơi hụi online, 3 chị em gái mất tiền tỷ, còn bị thách ‘kiện tưng bừng đi’
Với hình thức huy động góp phường (hụi) online trên mạng xã hội, hàng chục người ở Nghệ An bị chủ phường tuyên bố không có khả năng trả nợ, trong đó trường hợp đặc biệt là một gia đình có 3 chị em cùng tham gia.
Chị Đinh Thị Mỹ Vân (SN 1980), trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An cho biết, trong mấy năm qua, bản thân đã tham gia hàng chục bát góp phường online trên mạng xã hội, với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng.
Không những vậy, chị còn giới thiệu cho chị và em gái cùng tham gia với hàng trăm triệu đồng. Hiện, cả 3 chị em đều đang khốn khổ vì đến gần cuối kỳ bốc bát thì chủ phường “đập bệnh” không thể trả tiền gốc.
Tham gia hàng chục bát phường online
Chị Vân kể, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nghiêm trọng nhất ở TP Vinh, toàn thành phố thực hiện giãn cách xã hội thì cũng là lúc qua mạng xã hội, chị biết vợ chồng anh Long và chị Trang mở bát phường online vào tháng 5/2021.
Ban đầu, chị Vân chỉ tham gia một vài bát phường với hai vợ chồng này trên mạng xã hội. Nhiều tháng sau, chị tiếp tục góp hàng chục bát trên không gian mạng.
Vợ chồng Long và Trang – chủ phường đang viết giấy, ký cam kết trả nợ nhưng không thực hiện. Ảnh chụp từ video
“Hình thức góp phường theo từng ngày hoặc 3 ngày, 5 ngày hay 10 ngày. Số tiền góp ít nhất là 3 ngày 5 triệu đồng mỗi bát. Có bát lớn nhất là góp 10 triệu đồng/ngày. Ngày tôi tham gia số tiền nhiều nhất ở các bát là hơn 50 triệu/ngày. Do tin tưởng vợ chồng anh Long, chị Trang nên tôi chưa lấy tiền lời và tiền gốc. Số tiền lời để lại gối đầu cho bát của ngày hôm sau” – chị Vân kể hình thức góp vốn online.
Đến tháng 8/2022, lúc niềm tin dành cho vợ chồng Long – Trang đến độ chín, chị Vân đã gọi 2 chị em gái là H. và V. đang sống ở TP.HCM cùng tham gia góp vốn từng ngày theo bát phường khác nhau.
Số tiền mà chị H. bị chủ phường nợ là hơn 400 triệu đồng và chị V. là gần 100 triệu.
“Bản thân tôi tham gia với anh Long hơn 20 phường, lấy được 2 bát, còn lại là số tiền 865 triệu đồng. Sau 2 lần làm việc, ký giấy ghi nợ, vợ chồng Long – Trang cam kết sẽ trả 10 ngày là 30 triệu đồng cho đến khi hết nợ. Vậy nhưng chủ phường chỉ trả được 1 lần hơn 26 triệu đồng cho đến nay” – chị Vân kể.
Một điều khó tin, với hình thức mở bát góp vốn online, cả chủ phường và hàng chục người khác tham gia chưa một lần gặp nhau ngoài đời để bàn việc góp vốn này.
“Anh Long thách thức cho kiện ra toà và cương quyết không trả. Bản thân mình quá tin tưởng Long nên gọi 2 chị em gái vào phường, giờ làm khổ cả gia đình nội ngoại nhiều bên. Phía nhà chồng phải bán hết nhà cửa để trả tiền lãi vay. Chị và em gái dính vào phường khiến vợ chồng lục đục nhiều tháng qua” – chị Vân ngậm ngùi nói.
Cũng theo chị Vân, cả 3 chị em gái đã góp tiền chơi phường và vợ chồng Long, Trang chưa trả hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, một người em con cậu của chị cũng tham gia phường online và mắc kẹt hơn 100 triệu; một người bạn bị nợ hơn 400 triệu.
Video đang HOT
“Các bát phường có từ 10 – 12 người tham gia, số tiền tạm tính chủ phường chưa thể chi trả cho mọi người tham gia tiền gốc khoảng 20 đến 30 tỷ đồng. Do chủ phường không trả lại số tiền trên nên cả 3 chị em đã làm đơn khởi kiện ra toà án, tố cáo hành vi lừa đảo của 2 vợ chồng Long và Trang” – chị Vân khẳng định.
Chủ phường thách thức khởi kiện
Khi không có khả năng chi trả tiền, chủ nhóm phường online đã xoá mọi người ra khỏi nhóm, trong đó có chị Vân. Cụ thể ở nhóm tuyển phường Long Ka chat tuyên bố không trả tiền mà còn thách thức: “Kiện tưng bừng đi nha bà con…”.
Chủ phường lập nhóm online góp vốn trên mạng xã hội và xoá người chơi ra khỏi nhóm khi không thể trả lại tiền. Ảnh chụp màn hình
Trao đổi với PV, ông Lê Tuấn Anh – Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Anh (TP Vinh) cho biết, cả 3 chị em Vân, H. và V. đã đồng loạt làm đơn khởi kiện vụ việc ra TAND TP Vinh từ tháng 7, trong đó, đơn của chị H. đã được toà án thông báo nộp tạm ứng án phí từ ngày 25/9.
Theo đó, đơn của chị Đinh Thị Mỹ H., trú tại Tân Phú, TP.HCM khởi kiện ông Nguyễn Văn Long (SN 1988) và bà Hồ Thị Trang (vợ ông Long), trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh, Nghệ An, buộc phải trả lại tiền gốc và lãi đã nộp cho hai vợ chồng này.
“Vợ chồng anh Nguyễn Văn Long, chị Hồ Thị Trang đã không thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ như đã cam kết. Khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ, tôi đã nhiều lần yêu cầu vợ chồng trả nợ số tiền nói trên cho tôi. Hiện tại vợ chồng anh Long còn lớn tiếng thách thức coi thường pháp luật, nhằm chiếm đoạt tiền của tôi” – nội dung đơn tố cáo.
Tổng số tiền mà vợ chồng Long – Trang đang nợ chị H. theo đơn tố cáo là hơn 500 triệu đồng; Nợ của chị Vân hơn 800 triệu và chị V. hơn 100 triệu.
Ngoài ra, luật sư và chị Vân đã cung cấp cho PV nhiều tài liệu văn bản, sao kê chuyển khoản ngân hàng, hợp đồng vay nợ, clip về 2 vợ chồng Long – Trang chủ phường đang viết giấy cam kết sau 2 lần mất khả năng thanh toán.
Quy định của pháp luật về phường, họ, hụi
Luật sư Lê Tuấn Anh chia sẻ, họ, hụi, biêu, phường là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
Họ, hụi, biêu, phường thực chất chỉ là một hoạt động mà tùy vào từng vùng miền sẽ có những cách gọi khác nhau. Mục đích ban đầu là góp vốn giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau trong công việc làm ăn, buôn bán.
Khi chơi phường, họ, hụi, cần có một người đứng ra làm chủ (chủ phường, họ, hụi) và mời các thành viên khác cùng chơi (con phường, họ, hụi).
Ông Lê Tuấn Anh – Trưởng Văn phòng Luật sư Lê Anh. Ảnh: NVCC
Chủ phường, họ, hụi có trách nhiệm đi thu tiền (tài sản) của con phường, họ, hụi. Một “dây phường, họ, hụi” có thể không giới hạn người chơi. Các thành viên của dây thống nhất góp một loại tài sản có giá trị giao dịch như: tiền, vàng, gạo… Dây hụi cũng thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở phường, họ, hụi…
Bộ luật Dân sự đã công nhận hình thức họ, hụi, biêu, phường tại điều 471 như sau:
1. Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên.
2. Việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của bộ luật này.
4. Nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi.
Điều 2 nghị định 144/2006/NĐ-CP cũng quy định: “Quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của nghị định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan được pháp luật bảo vệ.
Nghiêm cấm việc tổ chức họ để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác”.
Như vậy, hoạt động chơi hụi bản thân nó không vi phạm pháp luật mà nó chỉ bị nghiêm cấm nếu người chơi lợi dụng để che giấu hoạt động cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… mà thôi.
Nếu việc chơi hụi nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, không vi phạm những điều cấm của pháp luật, thì hoạt động này pháp luật sẽ bảo vệ.
Pháp luật còn quy định cụ thể mức lãi suất của họ, hụi, biêu, phường phải tuân theo mức lãi suất được quy định trong luật dân sự là không vượt quá 20%/năm và cũng nghiêm cấm những hình thức cho vay nặng lãi (hay còn gọi là tín dụng đen) núp bóng dưới danh nghĩa các nhóm họ, hụi.
Các dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động phường, hụi, họ: Nhiều chủ họ, phường có thể lợi dụng uy tín, mối quan hệ hoặc sẽ trả lãi cao để thu hút nhiều người tham gia, thậm chí vượt quy định về trả lãi của bộ luật Dân sự.
Chủ phường, họ, hụi thường không thực hiện thỏa thuận bằng văn bản, thỏa thuận bằng miệng, gian dối trong việc cung cấp thông tin về dây phường, họ, hụi và không thực hiện báo cáo, quyền và nghĩa vụ theo các quy định pháp luật.
Thành viên phường, họ, hụi có thể lĩnh phường, họ, hụi nhận lãi một vài kỳ. Một số trường hợp chủ phường, họ, hụi có ý định lừa đảo thì có thể trả lãi rất cao, sau khi người tham gia họ đã đóng họ hoặc thậm chí lôi kéo người thân tham gia, khi thu được số tiền góp họ đủ lớn thì các đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền góp họ và bỏ trốn.
Do đó, cần khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến phường, họ, hụi như tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng), nắm rõ điều kiện của chủ phường, họ, hụi thành viên, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của chủ phường, họ, hụi thành viên góp phường, họ, hụi quy định tại nghị định số 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Nhiều người tham gia hụi, họ với mong muốn tích góp được khoản tiền lớn. Tuy nhiên, hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tham gia. Nhiều vụ vỡ họ, hụi xảy ra khiến không ít người có nguy cơ mất trắng tài sản, gia đình tan vỡ.
Người nước ngoài điều hành 3 công ty cho vay lãi suất đến gần 1.400%/năm
Đối tượng người ngoại quốc điều hành 3 cty cho vay với lãi suất từ 401,5% đến 1.379,7%/năm, gấp 20-68 lần mức lãi suất cao nhất cho phép theo quy định của Bộ luật dân sự.
Ngày 17/6, cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết, đang điều tra vụ án "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự" do đối tượng người nước ngoài cầm đầu điều hành.
Theo đó, đối tượng Aigars Plivčs (quốc tịch Latvia, 38 tuổi; trú tại căn hộ của Tòa nhà Precia, số 21 Nguyễn Thị Định, phường An Phú, TP Thủ Đức) bị lực lượng chức năng phát hiện từ tháng 4, khi đang điều hành hai trang web tamo.vn và findo.vn.
Lực lượng chức năng tống đạt quyết định tố tụng đối với đối tượng Aigars Plivčs. Ảnh: CATP cung cấp
Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, 2 trang web trên do tập đoàn Sun Finace (trụ sở tại Latvia) thiết lập, thông qua 3 pháp nhân là Cty Sofi Solutions, Digital Credit và Fincap VN để hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam.
Đây là các trang web cho vay tài chính tiêu dùng điện tử, đã cài đặt lập trình sẵn; khách hàng chỉ cần đăng nhập trang web điền thông tin họ tên, số điện thoại, địa chỉ email, thu nhập hàng tháng, chi tiêu hàng tháng, số CMND/CCCD, số tài khoản, hình ảnh căn cước, hình ảnh chính diện của bản thân là hệ thống tự động giải quyết cho vay mà không cần tiếp xúc trực tiếp với bất cứ nhân viên nào của bên cho vay.
Khách hàng sẽ được nhận tiền vay chuyển vào tài khoản ngân hàng, lúc này hệ thống tự động thành lập 3 hợp đồng điện tử gồm Hợp đồng cho vay cầm đồ và Hợp đồng cầm cố tài sản với Cty Digital Credit/ Công ty Fincap, hợp đồng dịch vụ tư vấn với Cty Sofi Solutions. Tất cả các hợp đồng này được lưu giữ trên hệ thống, các bên đều không ký kết gì trên hợp đồng. Mỗi khách hàng trong quá trình thao tác trên hệ thống vay tiền sẽ được hướng dẫn tạo 1 tài khoản trên "tamo", "findo".
Khách hàng có thể xem thông tin khoản vay của mình bằng cách đăng nhập trang web tamo.vn, findo.vn hoặc thông qua ứng dụng "tamo", "findo" trên điện thoại.
Làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra, Aigars Plivčs khai nhận là nhân viên Tập đoàn Sun Finance có trụ sở chính tại Latvia, tập đoàn quản lý điều hành mọi hoạt động cho vay qua 2 trang trên. Tuy không đứng tên đại diện pháp luật nhưng Aigars Plivčs là Giám đốc điều hành mọi hoạt động như cho vay, thu hồi nợ, quản lý chi phí, nhân sự thông qua các trưởng phòng, trưởng bộ phận của 3 Cty . Aigars Plivčs có 2% cổ phần trong Cty Sofi Solutions.
Aigars Plivčs thừa nhận cả 3 công ty đều hoạt động chung, cùng tham gia cho vay qua 2 trang web; trong đó Cty Sofi Solutions đóng vai trò đơn vị tư vấn, Digital Credit/Fincap VN cho vay tiêu dùng dù chưa được cấp phép.
Đối tượng cũng thừa nhận khi khách hàng vay qua 2 trang web trên thì Cty không có hoạt động tư vấn, cầm đồ gì; thừa nhận biết rõ lãi suất của các khoản vay đều cao hơn 100% năm nhưng vẫn đồng ý tiếp tục đứng ra tổ chức các hoạt động cho vay.
Aigars Plivčs thuê người đứng tên đại diện pháp luật để thành lập 3 công ty, để thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Lãi suất cho vay của các công ty này thấp nhất là 401,5%/1 năm; cao nhất là 1.379,7%/1 năm, gấp 20-68 lần mức lãi suất cao nhất cho phép theo quy định của Bộ luật dân sự.
Tổng số tiền thu lợi bất chính mà Cơ quan CSĐT Công an Quận 10 đã chứng minh được qua làm việc với 29 người vay tiền là hơn 780 triệu đồng.
Phát hiện nhiều sai phạm tại 21 cơ sở F88 ở Bình Dương Ngày 4/5, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, vừa đồng loạt ra quân, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tại chi nhánh và các điểm giao dịch của Công ty cổ phần kinh doanh F88 trên địa bàn thuộc tỉnh Bình Dương. Có tổng cộng 21/24 địa điểm kinh doanh của F88 bị kiểm và cơ quan chức năng phát hiện...