Cho bé ăn dặm đúng cách để tránh suy dinh dưỡng thấp còi
Bé cần bú mẹ đến 2 tuổi, chỉ ăn dặm khi tròn 6 tháng, bữa ăn đa dạng thực phẩm, bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ.
Sai lầm khi cho bé ăn dặm
Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, có 23,8% trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi. Nguyên nhân chủ yếu do khẩu phần ăn chưa đa dạng, cân đối và không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị về một số vi chất quan trọng cho những năm đầu đời như vitamin A, vitamin D, canxi, sắt, kẽm…
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mẹ chỉ nên cho bé ăn dặm từ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, thực tế nhiều phụ huynh lại cho con ăn dặm quá sớm với suy nghĩ trẻ sẽ cứng cáp, dễ nuôi hơn.
Trước 6 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của trẻ rất non nớt và không có khả năng chuyển hóa những thức ăn dạng đặc hoặc phức tạp hơn sữa mẹ. Khi ăn quá sớm sẽ làm trẻ bú ít đi, bỏ phí nguồn dinh dưỡng và kháng thể tốt nhất, làm sự tiết giảm sữa giảm dần. Lúc này hệ tiêu hóa của trẻ còn yếu, dễ bị tiêu chảy và các bệnh khác.
Một sai lầm khác là cho bé ăn quá nhiều bữa trong ngày vì sợ đói hay “ăn càng nhiều càng bổ dưỡng”. Khi không có cảm giác thèm ăn nhưng mẹ vẫn cố ép dễ dẫn đến bệnh biếng ăn, đầy hơi, ợ nóng, nôn trớ do hệ thống tiêu hóa của con không sản xuất đủ enzym để tiêu hóa khối lượng thực phẩm quá lớn.
Nhiều mẹ lại sợ trẻ béo phì nên không cho trẻ ăn dầu mỡ, tuy nhiên mỗi bữa ăn trẻ cần 5-10ml dầu ăn tùy theo độ tuổi để cung cấp năng lượng và các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K.
Video đang HOT
Sai lầm của mẹ có thể khiến trẻ sợ ăn.
Ăn dặm đúng cách phòng suy dinh dưỡng thấp còi
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng, hầu hết các trường hợp suy dinh dưỡng thấp còi xảy ra trước khi trẻ 3 tuổi là hậu quả của việc không nhận đủ thức ăn và chất lượng thức ăn không đảm bảo. Để có hiệu quả tốt nhất, các can thiệp phòng chống tình trạng này cần được tiến hành sớm, tốt nhất là trong giai đoạn trong bụng mẹ và 2 năm đầu đời, đặc biệt là giai đoạn ăn dặm.
Giai đoạn 6-12 tháng tuổi, sữa mẹ chỉ cung cấp 60% năng lượng mỗi ngày cho bé, vì vậy bên cạnh việc bú mẹ, trẻ cần được ăn bổ sung. Khẩu phần ăn bổ sung mỗi ngày gồm bữa chính và bữa phụ; đủ 4 nhóm chất: đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất; chế biến phù hợp theo nhu cầu cũng như độ tuổi. Bữa chính gồm bột, cháo cơm…; bữa phụ là bánh quy, hoa quả, sữa chua, trứng (chiếm 5-10% năng lượng trong ngày).
Bữa ăn dặm khuyến nghị cho trẻ. Nguồn: Viện Dinh dưỡng.
Khi lên thực đơn, mẹ cần đảm bảo bữa ăn cho trẻ đa dạng các loại thực phẩm, nên sử dụng các thức ăn giàu đạm động vật như thịt, trứng, tôm, cua, cá… Tăng năng lượng, hóa lỏng bữa ăn bổ sung bằng cách thêm dầu, mỡ; giá đỗ hoặc men tiêu hóa. Cho bé ăn nhiều các loại quả tươi giàu vitamin và thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua (nấu nhừ để ăn cả xương hoặc giã vỏ lọc lấy nước sẽ hấp thu được nhiều canxi).
Ngoài ra, nhóm các vi chất dinh dưỡng cũng rất cần thiết và có tác động tích cực đến chiều cao, thể chất của trẻ. Các vi chất dinh dưỡng tác động đến sự phát triển của trẻ là vitamin A, sắt, acid folic, kẽm, iốt, canxi… Bổ sung đa vi chất sẽ giúp trẻ bắt kịp đà tăng trưởng và tăng hệ miễn dịch, phòng chống bệnh tật. Viện Dinh dưỡng khuyến cáo trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cần được bổ sung vitamin A (6-59 tháng tuổi) và kẽm (12-59 tháng tuổi).
Duy trì niềm vui ăn uống sẽ giúp bé hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Nếu quá bận rộn và không có nhiều thời gian để chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, phụ huynh có thể tham khảo các bí quyết như lên thực đơn cho một tuần, chủ động chuẩn bị nguyên liệu và sơ chế sẵn. Bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, rã đông trong ngăn mát để giữ lại đầy đủ chất dinh dưỡng. Lưu ý, mẹ nên nấu sẵn cháo trắng rồi mới thêm các nguyên liệu khác vào sau, tránh việc cho bé ăn một loại cháo nấu đi nấu lại nhiều lần vì lúc này dưỡng chất đã bị mất đi, trẻ cũng không cảm nhận được vị ngon và giảm sự thèm ăn.
Mẹ cũng có thể xen kẽ thực phẩm tự nấu với sản phẩm ăn dặm chế biến sẵn khi cần bữa ăn nhanh chóng, tiện lợi. Cần chú ý lựa chọn các sản phẩm đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng với 4 nhóm đường bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất; đầy đủ thành phần rau củ, hoa quả tự nhiên nhằm cung cấp chất xơ, giúp trẻ không bị táo bón.
Hoài Nhơn
Theo VNE
Trẻ em dễ thiếu hụt canxi do ăn quá mặn
Thói quen ăn mặn, nhiều đạm và đồ uống kích thích khiến trẻ thiếu hụt canxi dẫn đến còi xương, thấp còi.
Tiến sĩ Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam trong ba thập kỷ từ 1985 đến 2014 đã được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi đã giảm nhưng tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng vẫn còn cao, đặc biệt là thiếu canxi. Khẩu phần của trẻ chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu canxi và gần 11% nhu cầu vitamin D của cơ thể theo mức khuyến nghị.
Bác sĩ Nga cho rằng trẻ thiếu canxi là do cha mẹ thiếu kiến thức nuôi con, dẫn đến những cách chăm sóc sai lầm, cung cấp dinh dưỡng không hợp lý. Trẻ không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, ăn dặm quá sớm hoặc không đúng cách, thức ăn không đa dạng, lựa chọn thực phẩm chưa phù hợp. Cha mẹ cho trẻ ăn nhiều đạm và quá mặn dẫn đến kém hấp thụ canxi.
"Trẻ ăn mặn, ăn nhiều đạm, đồ ăn có chất kích thích hoặc quá nhiều chất xơ, ngũ cốc sẽ dẫn đến hụt canxi", tiến sĩ Nga nhấn mạnh.
Những thực phẩm giàu canxi. Ảnh: Drsherry.
99% canxi trong cơ thể nằm ở xương và răng, 1% còn lại lưu thông trong máu để giữ đều nhịp tim, giãn cơ, dẫn truyền xung động thần kinh, tham gia vào yếu tố đông máu... Trẻ thiếu canxi sẽ bị còi xương, chậm lớn, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Trẻ sơ sinh thiếu canxi có thể quấy khóc về đêm, nếu nặng thì khó thở, co cứng toàn thân, mặt tím tái, thở nhanh. Trẻ từ một đến 11 tháng tuổi sẽ đổ mồ hôi trộm, rụng tóc vành khăn, chậm mọc răng, chậm vận động, chậm phát triển chiều cao. Lớn dần, nếu vẫn thiếu canxi, trẻ nguy cơ bị chân vòng kiềng, lồng ngực nhỏ, thấp còi.
"Canxi có nhiều trong đậu, trứng, rau màu xanh đậm, cam quýt, hải sản, sữa và chế phẩm từ sữa. Chế độ ăn hàng ngày chỉ đáp ứng được trung bình 50% nhu cầu canxi của trẻ. Vì vậy phải bổ sung thêm lượng canxi còn thiếu", bác sĩ Nga nói.
Chuyên gia cho biết, cách bổ sung canxi đúng cách là cha mẹ nên chọn chế phẩm canxi dễ hấp thu cho trẻ, bổ sung thêm vitamin D3, vitamin K2, uống nhiều nước và kết hợp vận động, tắm nắng, ngủ đủ giấc.
Lê Nga
Theo VNE
Chế độ ăn của trẻ suy dinh dưỡng thấp còi Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng cơ thể thiếu hụt về protein - năng lượng và các vi chất dinh dưỡng gây ra do giảm tiêu thụ thực phẩm và/hoặc do bệnh tật. Thuật ngữ Suy dinh dưỡng thấp còi được sử dụng để mô tả tình trạng trẻ em không đạt được chiều cao theo độ tuổi, giới. Đây là thể...