Chín điều phụ huynh nên xem xét để giúp con tự tin
Bố mẹ cần xem lại cách bảo vệ, khen ngợi hay động viên con và có những thay đổi kịp thời để giúp con tự tin, trưởng thành hơn.
Dưới đây là những cách hiệu quả giúp trẻ tự tin được tạp chí Parents đưa ra.
1. Xem xét cách khen ngợi con
Trẻ nhỏ cần rất nhiều sự khích lệ, cho dù đang học bò, ném bóng hay vẽ một vòng tròn. Tuy nhiên, con có thể quá quen với những lời khen như “Tốt lắm”, “Giỏi lắm”. Con sẽ cảm nhận được khi bạn đưa ra lời khen phóng đại kiểu “Đó là hình vẽ đẹp nhất mẹ từng thấy” và có thể bắt đầu phớt lờ lời khen của bạn.
Bạn cũng không nên khen ngợi nếu con làm những điều mà chúng vốn dĩ phải làm, ví dụ đánh răng hay bỏ áo vào giỏ đựng đồ giặt. Những lúc như vậy, một câu “cảm ơn” đơn giản là đủ.
Thay vì những lời khen không cần thiết, bạn nên cố gắng đưa ra phản hồi cụ thể trước việc làm của con. Ngừng nói “Bức vẽ của con thật đẹp”, hãy chỉ ra rằng việc con sử dụng màu tím để tô là phù hợp.
2. Xem xét việc bảo vệ, can thiệp vào hành động, cảm xúc của con
Thật tự nhiên khi bạn muốn bảo vệ con khỏi những tổn thương, khỏi những cảm giác nản lòng hay khi con mắc lỗi. Thế nhưng, sự bảo vệ của bạn sẽ phản tác dụng khi can thiệp quá sâu.
“Trẻ cần biết thất bại cũng không sao và cảm giác buồn, lo lắng hay tức giận là bình thường. Trẻ học cách thành công bằng vượt qua những trở ngại chứ không phải bằng cách bạn giúp chúng loại bỏ những trở ngại đó”, TS Robert Brooks, đồng tác giả cuốn Raising Resilient Children (Nuôi dạy trẻ kiên cường) nói.
Còn theo giảng viên tâm lý học Kathy Hirsh – Pasek của Đại học Temple (Philadelphia, Mỹ), điều quan trọng đối với trẻ nhỏ là có cơ hội chơi và chấp nhận rủi ro mà không bị cha mẹ chỉ trích. Bà thậm chí khuyến khích phụ huynh tạo ra những lỗi nhỏ một cách có mục đích để trẻ không cảm thấy quá thất vọng khi chúng làm điều gì đó không tốt.
Ảnh: M&T Group
3. Xem xét việc cho con tự quyết định
Khi con có cơ hội đưa ra sự lựa chọn từ lúc còn nhỏ, chúng sẽ tự tin vào khả năng phán đoán của mình hơn. Tuy nhiên, việc cho con làm mọi thứ theo ý muốn cũng không phải là tốt. Vì vậy, cách hiệu quả nhất là bạn nên cho con hai hoặc ba lựa chọn để chúng có thể quyết định. Ví dụ, đừng hỏi đứa con 3 tuổi của bạn những gì bé muốn cho bữa trưa mà hãy hỏi con lựa chọn thứ gì trong ba thứ mì ống, bơ đậu phộng và thạch.
Tất nhiên, bạn vẫn có thể không trao quyền tự quyết cho con ở một số trường hợp nhất định mà bạn cảm thấy con chưa đủ năng lực để quyết định.
4. Xem xét cách động viên con mỗi khi chúng thất vọng
TS Karen Reivich, đồng tác giả cuốn The Optimistic Child (Đứa trẻ lạc quan) chia sẻ nếu con có xu hướng cảm thấy bị đánh bại bởi sự thất vọng, hãy giúp chúng lạc quan hơn. Thay vì đưa ra những lời trấn an chung chung như “hãy nhìn vào mặt tươi sáng”, hãy khuyến khích con nghĩ về những cách cụ thể để cải thiện tình hình và đưa chúng đến gần hơn với mục tiêu của mình.
Ví dụ, nếu con đứng sau bạn cùng lớp trong việc đọc, bạn có thể giải thích rằng mọi người đều học theo tốc độ riêng và đề nghị dành thêm thời gian để đọc với bé. Nếu con buồn chán bởi không giành được vai diễn chính trong vở kịch ở trường, đừng nói “Mẹ vẫn nghĩ con là một ngôi sao” mà hãy nói “Mẹ có thể thấy con thất vọng như thế nào. Hãy đưa ra kế hoạch để con có thể tăng cơ hội được vào vai nhân vật mong muốn trong lần tới”.
5. Nuôi dưỡng những sở thích đặc biệt của con
Bạn hãy cố gắng để con tham gia nhiều hoạt động và khuyến khích, ủng hộ khi chúng tìm ra thứ thực sự yêu thích. Bởi những đứa trẻ có đam mê thường tự hào về chuyên môn của mình và có nhiều khả năng thành công hơn trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Bạn cũng có thể giúp con tận dụng sở thích của mình để kết nối với những đứa trẻ khác. Ví dụ, nếu con trai thích vẽ nhưng hầu hết cậu bé trong lớp lại thích thể thao, hãy khuyến khích bé vẽ tranh thể thao hoặc gợi ý con tập hợp tác phẩm nghệ thuật của mình thành một cuốn sách và đưa cho cả lớp xem.
6. Xem xét lời nói để thúc đẩy con giải quyết vấn đề
“Trẻ em tự tin khi có thể đàm phán để có được những gì chúng muốn”, bà Morra Shure, chuyên gia về nuôi dạy trẻ, nói.
Nếu con đến gặp bạn và phàn nàn về việc một đứa trẻ khác đã lấy chiếc xe tải đồ chơi của chúng ở sân chơi, hãy hỏi cô bé về cách để lấy lại. Khi con trả lời rằng sẽ “giật lại chiếc xe”, bạn tiếp tục hỏi liệu hành động đó sẽ khiến điều gì xảy ra tiếp theo. Hãy để con suy nghĩ và đưa ra câu trả lời. Sau đó, bạn lại đặt câu hỏi “Vậy con có nghĩ ra cách khác để lấy lại đồ chơi mà không để những chuyện con vừa nghĩ xảy ra không”?
Video đang HOT
Một trong những nghiên cứu của TS Morra Shure về tình huống này cho thấy đứa trẻ 4 tuổi đã nảy ra ý tưởng tốt hơn ở mức đáng ngạc nhiên như nói với người đã lấy chiếc xe rằng “Bạn sẽ vui hơn nếu chơi cùng tớ thay vì tự chơi một mình”.
7. Tìm cách để trẻ giúp đỡ người khác
Khi trẻ cảm thấy như mình đang làm việc tốt, cho dù đó là những việc rất nhỏ như lấy cốc giúp bạn ở trường mầm non hay đem bánh quy cho các cụ già ở viện dưỡng lão, chúng cũng cảm thấy tự tin hơn.
Vì vậy, bạn có thể để trẻ giúp đỡ mình trong công việc nhà hay cho trẻ tham gia vào một dự án đòi hỏi chúng cần nỗ lực. Khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ tự tin vào bản thân hơn và điều này rất tốt cho công việc trong tương lai.
8. Tìm kiếm cơ hội để con dành nhiều thời gian hơn với người lớn
Trẻ thường thích đi chơi với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng là phụ huynh, bạn cần biết rằng xung quanh con là rất nhiều người trưởng thành. Việc dành thời gian cho những người lớn tuổi sẽ làm mở rộng thế giới của con, cho con những cách nghĩ khác nhau.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng con có mối quan hệ thân thiết với một người trưởng thành cụ thể như giáo viên, người chú hay cha mẹ của bạn khác sẽ làm con trở nên kiên cường hơn.
9. Gợi ý con tưởng tượng về tương lai
Nếu trẻ có thể hình dung đang làm mọi thứ vì một điều gì đó quan trọng cần hoàn thành khi chúng lớn lên, chắc chắn chúng sẽ cảm thấy tự tin hơn ở hiện tại. Nói chuyện với con về việc bạn và những người lớn khác đã chọn nghề nghiệp như thế nào để con sớm xây dựng mục tiêu cho bản thân.
Ước mơ của con có thể quá cao và chúng thường xuyên đổi ý định. Điều đó cũng không sao, quan trọng là con đang nghĩ về mục tiêu của mình.
Dương Tâm
Theo VNE
25 kỹ năng trẻ cần học trước khi vào mẫu giáo
Cởi giày và đeo giày, tập viết chữ cái chỉ bao gồm nét thẳng, cầm bút đúng cách là kỹ năng phụ huynh có thể dạy trẻ từ sớm.
Tác giả Ashley Thurn chia sẻ trên Helping Hands OT 25 hoạt động rèn kỹ năng để trẻ tự tin hơn khi bước vào trường mầm non, được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó. Trẻ có thể bắt đầu luyện tập trong giai đoạn 2-4 tuổi.
1. Học cách định hướng và giữ kéo một cách chính xác
Đây là bước đầu tiên trước khi học cách cắt bằng kéo. Tôi thường nhắc con bằng những câu hỏi như: "Có phải ngón tay cái của con đặt trong lỗ nhỏ không?" hay "Ngón cái của con đang đặt trên đầu kéo ư?". Thông thường, trẻ cần được hướng dẫn liên tục khi mới bắt đầu, vì cổ tay thường bị tréo. Bạn hãy để con thử ba lần liên tiếp cho đến khi đầu kéo hướng xuống dưới.
2. Cắt sáp nặn, ống hút hoặc giấy bìa
Trẻ rất thích hoạt động này và cảm nhận rõ ràng từng mảnh bị cắt ra. Để cắt đúng ý, trẻ phải thực sự tập trung vào từng thao tác. Những chất liệu dày yêu cầu khả năng kiểm soát kéo ít hơn.
3. Cắt trên một đường thẳng
Một tay cầm kéo, một tay giữ giấy và bắt đầu cắt theo hàng lối là yêu cầu nâng cao so với trước. Mặc dù đây là mục tiêu cuối cùng của kỹ năng sử dụng kéo, bố mẹ không nên ép buộc nếu trẻ chưa sẵn sàng. Trẻ có thể tiếp tục luyện tập hoạt động 1 và 2.
4. Xác định hình dạng, màu sắc và chữ cái cơ bản
Không chỉ dạy cách nhận diện, bạn hãy hướng dẫn trẻ đọc to.
5. Tô màu
Ảnh: Motherly
Trẻ bắt đầu bằng cách tô vào những hình vẽ nhỏ như ngôi sao trên bầu trời, rồi dần chuyển sang hình vẽ lớn hơn. Lưu ý là bố mẹ nên chọn sách tập tô đơn giản, chỉ có một vật thể ở giữa, tránh hậu cảnh phức tạp gây mất tập trung cho trẻ ở độ tuổi này.
6. Vẽ nét thẳng theo chiều ngang và chiều dọc
Để trẻ hào hứng học kỹ năng này, bạn hãy vẽ trước để trẻ bắt chước theo.
7. Vẽ hình tròn, chữ thập, hình vuông
Sau khi trẻ thành thạo vẽ đường kẻ, bạn hãy chuyển sang hình tròn. Vẽ hình vòng cung trước cũng là cách hiệu quả để giúp trẻ hoàn thiện dần. Tiếp theo, yêu cầu vẽ chữ thập giúp trẻ học cách căn chỉnh để tạo đường giao nhau. Nếu trẻ hoàn thành tốt, bạn hãy thử sử dụng hình vuông.
8. Nối các dấu chấm
Đầu tiên, bạn vẽ hai dấu chấm và bảo trẻ nối hai điểm đó, rồi vẽ nhiều dấu chấm liên tiếp thành hàng hoặc vẽ bức tranh bằng dấu chấm. Việc nối các dấu chấm giúp luyện chuyển động của mắt, cải thiện kỹ năng trước khi học đọc.
9. Lần tay theo đường thẳng và đường cong
Phụ huynh không cần mua bất kỳ cuốn sách đắt tiền nào để giúp con thực hành kỹ năng này. Việc bạn cần làm là ngồi cạnh, để trẻ lần tay theo hình vẽ của bạn. Điều này sẽ cải thiện sự chú ý trực quan và kỹ năng theo dõi bằng mắt của trẻ.
10. Viết các chữ cái dễ như L, E, F, H, T và I
Nguyên tắc là luôn tập viết chữ in hoa trước chữ in thường. Hầu hết chữ cái trong bảng chữ cái (in hoa) quá khó đối với trẻ ở độ tuổi trước khi vào mẫu giáo. Đường chéo và đường cong là khó viết nhất, vì vậy bạn hãy bắt đầu bằng các chữ cái sử dụng đường thẳng.
11. Luyện viết tên của trẻ
Kỹ năng này bắt đầu từ việc nhận diện, đọc toàn bộ chữ cái trong tên, bắt đầu viết từng chữ một cho đến khi hoàn thành toàn bộ tên. Bạn hãy nhớ sử dụng chữ in hoa, không hối thúc khi trẻ chưa sẵn sàng. Thay vì dùng bút và giấy, bạn có thể sử dụng phương pháp đa giác quan, như viết tên trẻ trong hộp cát, dùng sáp nặn thành từng chữ cái...
12. Thực hành cầm bút chì, bút dạ đúng cách
Trước độ tuổi 3,5-4, việc không biết cầm bút để tạo thành "giá ba chân" (3 điểm tì) là bình thường và bạn hãy thoải mái để trẻ thao tác sai cách lúc ban đầu, chỉnh sửa dần dần với sự kiên nhẫn.
13. Vẽ trên cửa sổ, bảng hoặc giá vẽ
Góc và vị trí mà cánh tay đặt vào trên những mặt phẳng này sẽ giúp củng cố độ chắc chắn của vai, cổ tay và cẳng tay. Đây là cơ sở để điều khiển các chuyển động nhỏ của bàn tay.
14. Dùng bút màu/phấn ngắn hoặc bị gãy để học cách cầm
Những vật dụng này giúp tăng cường sức mạnh của các ngón tay tạo "giá ba chân" (ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái). Vì có rất ít chỗ để bám vào, ba ngón tay này buộc phải xử lý mọi thứ, thay vì nhờ vào cả bàn tay.
15. Dùng kẹp phơi quần áo
Kẹp phơi quần áo cũng giúp tăng cường sức mạnh của ba ngón tay kể trên, tạo cơ ở ngón tay cái và phát triển khung bàn tay. Bạn hãy sử dụng dụng cụ này để kẹp bất cứ thứ gì, từ áo quần của trẻ cho đến các mảnh giấy.
16. Dùng kẹp trong nhà bếp
Chiếc kẹp nhà bếp thường dùng để gắp rau, gắp đá sẽ giúp trẻ tập kỹ năng gắp đồ. Bạn có thể dùng một số vật dụng quanh nhà để con luyện tập là ôtô đồ chơi, bút màu, quả bóng nhựa... Bạn chỉ cần lấy một chiếc thau, đặt chúng vào cùng một đống đồ khác và yêu cầu trẻ gắp đúng mục tiêu. Cơ của bàn tay và cánh tay sẽ phát triển dựa trên hoạt động này.
17. Chơi sáp nặn
Sáp nặn giúp phát triển hoạt động của vòm tay, đặc biệt là khi bạn nặn hình con rắn hay quả bóng nhỏ. Trẻ cũng trở nên sáng tạo hơn khi nghịch sáp, chẳng hạn nặn hình bánh kem và cắm que tăm vào thay cho nến, nặn từng chữ cái trong tên mình...
18. Trò chơi đổi lượt
Nếu trẻ có anh chị em, bạn có thể bày trò chơi để chúng đổi lượt với nhau. Nếu không, bạn hãy cùng chơi với trẻ hoặc chuẩn bị một số ứng dụng trò chơi điện tử có luật chơi luân phiên.
19. Dọn dẹp và cất đồ
Khi trẻ chơi xong ôtô nhựa hoặc búp bê, bạn hãy tập cho trẻ thói quen dọn dẹp trước khi chọn món đồ chơi mới.
20. Hoàn thành trọn vẹn một nhiệm vụ
Trẻ nhỏ nên học cách ngồi tập trung ít nhất 5 phút để hoàn thành một nhiệm vụ thuộc sở thích của chúng như tô xong màu một bức tranh đơn giản, xây một tòa nhà bằng các khối Lego...
21. Học cách yêu cầu giúp đỡ
Nếu không học cách yêu cầu giúp đỡ ở nhà, trẻ sẽ không thể nhờ giáo viên giúp mở hộp sữa hay chai nước khi ở lớp.
22. Giao tiếp bằng mắt
Bạn hãy dạy trẻ cách giao tiếp bằng mắt khi đang nói chuyện hoặc chào ai đó nhằm thể hiện sự tôn trọng.
23. Tập cởi giày và đeo giày, cởi quần và mặc quần
Trẻ có thể phải cởi giày khi vào lớp và đi giày khi ra về, do đó kỹ năng này rất quan trọng. Trong khi đó, việc kéo quần lên, tụt quần xuống là bước cần thiết để sử dụng bô.
24. Sử dụng thìa và nĩa
Ở lớp, trẻ cần chủ động trong nhiều việc hơn khi ở nhà với bố mẹ.
25. Rửa tay
Bạn hãy chia thành các bước đơn giản và yêu cầu trẻ lặp lại.
Bước 1: Lấy xà phòng.
Bước 2: Xoa hai tay vào nhau.
Bước 3: Rửa tay.
Bước 4: Tắt vòi.
Bước 5: Lau khô tay.
Thùy Linh
Theo VNE
Mắng gì thì mắng, bố mẹ nhất định phải tránh những câu nói này bởi nó sẽ làm tổn thương con đấy! Trẻ sẽ mặc định bản thân thật ngốc nghếch và không đủ tự tin thể hiện sở trường trước mặt bố mẹ. Những câu không nên nói khi trách mắng con 1. "Tại sao con ngốc thế?" Khi bố mẹ thường xuyên nói câu cửa miệng: "Tại sao con ngốc thế?", sẽ ảnh hưởng đến lối tư duy và phát triển của trẻ....