Chín điều khác biệt giữa đại học Mỹ xưa và nay
Tỷ lệ trúng tuyển giảm mạnh, học phí và tiền sách giáo khoa tăng cao, sinh viên đối mặt với nhiều áp lực hơn trước.
1. Nhiều người vào đại học hơn
Lượng sinh viên trúng tuyển đại học ở Mỹ tăng gấp đôi từ năm 1970 đến 2009. Theo Bộ Giáo dục, mùa thu năm 2017, các đại học Mỹ chào đón tổng cộng 20,4 triệu tân sinh viên, nhiều hơn mùa thu năm 2000 khoảng 5,1 triệu người.
Richard Vedder, tác giả và giáo sư danh dự nổi tiếng ở Đại học Ohio nhận xét, do nhu cầu tăng cao, ưu đãi dành cho đại học trong thập kỷ qua đã giảm dần.
Ảnh: Getty Images
2. Tính cạnh tranh cao hơn
Năm 1988, tỷ lệ chấp nhận của Đại học Columbia là 65% nhưng năm 2014 chỉ là 7%, theo US News & World Report. Tương tự, tỷ lệ chấp nhận của Đại học Michigan giảm từ 52% xuống còn 33% trong cùng khoảng thời gian.
Tuy nhiên, tác giả Jacoba Urist của The Atlantic nhận định: “Thực ra, ngày nay vào đại học không khó hơn thập kỷ trước. Chỉ là tỷ lệ trúng tuyển vào trường đại học mà bạn chọn có thể đã giảm”.
3. Học phí đắt hơn
Từ cuối thập niên 80 đến năm học 2017-2018, chi phí của một tấm bằng cử nhân ở đại học công lập tăng 213%, điều chỉnh theo lạm phát.
Lúc trước, học phí trung bình hàng năm cho đại học công lập chỉ là 1.490 USD (hoặc 3.190 USD ngày nay), nhưng hiện là 9.970 USD, theo Student Loan Hero.
Trong cùng giai đoạn, học phí ở đại học tư thục tăng 129%, điều chỉnh theo lạm phát. Cuối những năm 1980, sinh viên đại học tư thục phải bỏ ra 7.050 USD (15.160 USD ngày nay) cho một tấm bằng cử nhân. Hiện chi phí trung bình là 34.740 USD.
4. Sách giáo khoa cũng đắt hơn
Số liệu từ cơ quan kiểm toán tối cao GAO của Mỹ cho thấy, so với 30 năm trước, sách giáo khoa đại học hiện nay đắt hơn 812%. Một cuốn có thể có mức giá lên đến 300 USD và trung bình mỗi sinh viên sẽ phải chi hơn 1.200 USD mỗi năm để mua sách.
Video đang HOT
Trong bối cảnh đó, sách giáo khoa điện tử ngày càng phát triển, nhằm tiết kiệm đến 1,42 tỷ USD mỗi năm, theo Huffington Post.
5. Áp dụng công nghệ
Thế hệ Y (sinh năm 1981 đến 2000) được hưởng nhiều tiện ích về công nghệ hơn bố mẹ, nhất là so với khi Internet chưa ra đời. Thiết bị di động và máy tính xách tay đang thống trị giảng đường, nhưng chúng cũng gây xao nhãng trong nhiều trường hợp.
Ảnh: Getty Images
Sinh viên ngày nay có thể nhận bài giảng qua Power Point nếu không thể đến lớp. Nhiều trường đại học cấp quyền truy cập vào các bài giảng của giáo sư nhằm hỗ trợ việc học tốt hơn, theo NBC News.
Việc ghi chép truyền thống cũng bị thay thế bởi laptop. Sinh viên cũng có thể đánh giá giáo sư bằng cách xếp hạng trực tuyến và sử dụng mạng xã hội để giữ liên lạc với bạn cùng lớp.
6. Hình thức học trực tuyến
Ngày càng nhiều sinh viên đăng ký các khóa học trực tuyến, điều mà bố mẹ họ không có cơ hội trải nghiệm.
Mùa thu năm 2015 và 2016, tỷ lệ ghi danh khóa học trực tuyến tăng so với ba năm trước đó, theo kết luận của nhóm nghiên cứu khảo sát Babson. Đặc biệt, tỷ lệ này ở nhóm trường công lập tăng đến 7%.
Một cuộc khảo sát trước đây của Business Insider chỉ ra 69% thế hệ Y đánh giá hình thức học qua mạng hiệu quả hơn học trực tiếp, trong khi chỉ 50% người trả lời trên 45 tuổi cảm nhận tương tự.
7. Sinh viên đa dạng hơn
Theo dự án nghiên cứu sinh viên năm 2018 của công ty công nghệ giáo dục Chegg, lấy mẫu hơn 1.000 người học đại học ở Mỹ, số sinh viên thiểu số hiện tại chiếm 42% – khác biệt rõ rệt so với mức 15% của năm 1970.
Nữ giới hiện chiếm hơn nửa số sinh viên; năm 1970, nhóm này chiếm chưa đến một nửa. 40% sinh viên đại học ngày nay trên 25 tuổi, trong khi năm 1970 là 28%.
8. Sinh viên không sùng đạo như trước
Số lượng tân sinh viên không theo tôn giáo tăng từ khoảng 16% năm 2005 lên 25% năm 2014, theo chương trình nghiên cứu của UCLA, khảo sát hơn 150.000 sinh viên năm nhất toàn thời gian ở hơn 200 trường đại học.
Sinh viên tại các trường cao đẳng Công giáo không theo tôn giáo tăng hơn 4% trong cùng khoảng thời gian.
9. Áp lực hơn
Từ năm 2005 đến 2015, tỷ lệ sinh viên năm nhất nói rằng “đôi khi hoặc thường xuyên cảm thấy bị quá tải” tăng 10%, Huffington Post thông tin. Denise Hayes, chủ tịch Hiệp hội Đại học từng trả lời báo chí rằng điều này có thể liên quan đến tài chính và áp lực thành công.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Giáo dục và Lực lượng lao động tại Đại học Georgetown, 70 đến 80% sinh viên có việc làm khi đi học. 40% trong số đó làm việc hơn 30 giờ một tuần.
Thùy Linh
Theo Business Insider
Thương hiệu quyết định học phí của đại học Mỹ
Mức niêm yết học phí của các đại học Mỹ tỷ lệ thuận với thứ hạng trên bảng xếp hạng và top đầu đều là trường tư.
Theo The Atlantic, người Mỹ có xu hướng nghĩ về đại học như một hệ thống phân cấp rộng lớn chủ yếu dựa trên vị thế và mức độ nhận biết thương hiệu. Ở top đầu là những trường như Harvard hay Stanford, với đội ngũ giảng viên nổi tiếng và những nghiên cứu mang tính đột phá. Ở top cuối là những trường cao đẳng cộng đồng thiếu kinh phí tài trợ và đại học công lập ít tiếng tăm, nơi có những tòa nhà buồn tẻ và nhiều sinh viên đăng ký học bán thời gian.
"Hệ thống phân cấp uy tín" này không chỉ tồn tại ở nước Mỹ. Một minh chứng cho xu hướng này là sự gia tăng của các bảng xếp hạng đại học toàn cầu, gồm bảng xếp hạng công bố hàng năm bởi tờ Times Higher Education (THE) có trụ sở ở Anh. Trong đó, việc đánh giá cao một trường đồng nghĩa với việc khẳng định tầm cỡ của nó.
Để lập bảng xếp hạng cho năm 2018, nhóm nghiên cứu đã khảo sát hơn 10.000 cơ sở giáo dục bậc cao trên 138 quốc gia, đánh giá thông qua những câu hỏi về nghiên cứu và giảng dạy. Bảng xếp hạng THE cũng có những sai sót, nhưng được cho là có sức ảnh hưởng lớn nhất, mục đích chính là so sánh đại học ở các quốc gia khác nhau.
Đa số đại học uy tín nhất nước Mỹ là cơ sở tư thục, không nhận được tài trợ của chính phủ. Ảnh: The Atlantic
Xét 105 trường đầu tiên của danh sách, chỉ có 21 trường là cơ sở tư thục, trong đó 19 trường thuộc Mỹ. Như vậy, ở hầu hết quốc gia ngoài Mỹ, các đại học uy tín nhất đều là trường công lập.
"Có sự phân chia rõ rệt về đại học công lập và đại học tư thục ở Mỹ", cựu nhà báo Phil Baty, người biên tập bảng xếp hạng THE gần một thập niên cho biết. Theo ông, sự phân chia này có thể lý giải tại sao đại học Mỹ sở hữu mức học phí cao nhất thế giới.
Chẳng hạn, trong số trường được liệt kê ở top 10, Mỹ chiếm 8 vị trí, gồm Đại học Harvard, MIT và Stanford, nơi có "giá niêm yết" trong năm học 2018-2019 cho sinh viên đại học lần lượt là 76.650 USD, 70.240 USD và 71.587 USD (gồm học phí, sách, ăn ở, sinh hoạt). Về mặt pháp lý, tất cả đại học ở Mỹ đều được yêu cầu công bố tổng chi phí lên website riêng.
Tính riêng học phí, sinh viên Harvard tốn khoảng 50.000 USD trong năm học này. Trong khi đó, học phí tại Đại học Oxford (xếp thứ 5) khoảng 12.000 USD một năm, chỉ bằng một phần tư.
Princeton, Yale và Đại học Chicago cũng lọt vào top cao nhất, ở vị trí thứ 7, 8, 9. Chỉ hai trong 8 trường Mỹ thuộc top 10 là trường công lập, gồm UC Berkeley (xếp thứ 6) và UCLA (đồng hạng 9). Đây đều là những trường chọn lọc gắt gao và có mức giá ngang ngửa đại học tư thục. Cư dân trong bang California sẽ phải bỏ ra khoảng 35.000 USD cho một năm học 9 tháng ở các trường này.
Baty so sánh, ở các nước châu Âu, đại học và cao đẳng tư thục là các trường "làng nhàng" nhất, cơ sở giảng dạy là những tòa nhà ọp ẹp, cung cấp chương trình đào tạo nghề với chi phí thấp. Do vậy, trúng tuyển vào trường công lập hàng đầu như Đại học Oxford không phải chiến tích dễ dàng đạt được. Tỷ lệ chấp nhận vào ngôi trường tồn tại gần một thiên niên kỷ này chỉ khoảng 17%.
Danh tiếng đẩy học phí tăng vọt
Là cơ sở tư thục, phần lớn đại học hàng đầu nước Mỹ theo bảng xếp hạng THE không nhận được tài trợ từ cơ quan lập pháp tiểu bang. Thay vào đó, các trường chủ yếu dựa vào học phí của sinh viên, các khoản trợ cấp cho hoạt động nghiên cứu, hay hưởng lợi từ khoản quyên góp từ thiện khổng lồ mỗi năm từ các tổ chức, cá nhân, phụ huynh, cựu sinh viên.
Khoảng cách về uy tín giữa đại học công lập và tư thục không phải là hiện tượng mới, nhưng nó trở nên tồi tệ hơn trong những thập niên gần đây. Báo cáo năm 2017 của Trung tâm về Ngân sách và Ưu tiên Chính sách cho thấy, mặc dù có một khoản tài trợ nhỏ trong những năm qua, chi tiêu của tiểu bang cho giáo dục đại học công lập "vẫn thấp hơn mức lịch sử". Trong năm học 2017-2018, mức tài trợ thấp hơn năm 2008 gần 9 tỷ USD. Sự cắt giảm này buộc đại học công lập tìm cách xoay xở bằng cách giảm số lượng giảng viên và khóa học.
Xét từ lịch sử, hệ thống giáo dục đại học của Mỹ hình thành vào những năm 1600 như mạng lưới cơ sở giáo dục dành cho giới thượng lưu. Chính sách được tạo ra đầu những năm 1800 khẳng định sự tự do của các trường đại học, hạn chế sự can thiệp của chính phủ, giúp củng cố quan niệm giáo dục bậc cao là của doanh nghiệp tư nhân.
Đại học công lập chỉ bắt đầu mở cửa đồng loạt vào những năm 1860, khi chính quyền liên bang dành nguồn lực để thành lập những cơ sở giáo dục được quốc gia cấp đất.
Vốn ít danh tiếng hơn đại học tư thục, đại học công lập đang vướng vào vòng luẩn quẩn: Rất khó để thuyết phục cơ quan lập pháp tài trợ cho những tổ chức đang trong tình cảnh chật vật, và cũng rất khó để thu hút sinh viên đến học khi cơ sở còn thiếu thốn. Sự bành trướng của các bảng xếp hạng, liên quan đến khả năng tài chính và uy tín của các trường đại học càng khiến vấn đề thêm trầm trọng.
Trong năm 2016, 65% sinh viên năm nhất của Mỹ cho biết danh tiếng là "rất quan trọng" khi xem xét lựa chọn một trường đại học. Đó là tỷ lệ gần cao nhất từ trước đến nay, theo cuộc khảo sát sinh viên trên toàn quốc được Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học UCLA thường xuyên thực hiện từ năm 1967.
Khoảng cách lớn về uy tín, theo Baty, khiến một số đại học công lập không thể cạnh tranh để giành giảng viên ưu tú, bởi mức lương thấp hơn và môi trường giảng dạy kém hơn đại học tư thục.
Trên thực tế, hầu hết sinh viên đại học tư thục ở Mỹ không trả toàn bộ "giá niêm yết". Chẳng hạn, một báo cáo gần đây cho thấy, trong năm học 2017-2018, chỉ 11% sinh viên năm nhất toàn thời gian tại các trường tư thục ở Mỹ trả nguyên giá, nhờ hỗ trợ tài chính và các khoản trợ cấp khác. Mức hỗ trợ trung bình lên đến hơn một nửa học phí.
Tuy nhiên, "giá niêm yết" cao chót chót đã tô đậm một trong những nét riêng biệt của giáo dục Mỹ: Các trường đại học hàng đầu được tài trợ thông qua học phí của sinh viên, chứ không phải chính phủ. Điều này góp phần đẩy học phí ngày càng tăng vọt, không có điểm dừng.
Thùy Linh
Theo VNE
Chi phí đại học ở nơi đắt đỏ nhất thế giới Học phí đắt đỏ, sinh viên ngoài bang và người không cư trú tại Mỹ phải trả nhiều gấp đôi, gấp ba so với sinh viên trong bang. Học phí ở đại học Mỹ là bao nhiêu? Nếu quan tâm đến việc học tập tại xứ sở cờ hoa, một trong những yếu tố quan trọng nhất để cân nhắc là bạn sẽ...