Chiêu “săn” học bổng ở nước ngoài
Những năm gần đây số lượng xin học bổng thành công tại Mỹ tăng lên đáng kể. Trong đó, học sinh các trường chuyên như THPT Hà Nội – Amsterdam, chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM)… chiếm đa số
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn du học, lượng hồ sơ “săn” học bổng của học sinh Việt Nam ngày căng tăng, đồng nghĩa với việc cuộc đua giành học bổng trở nên khốc liệt hơn. Sự cạnh tranh này đòi hỏi học sinh phải có chiến lược cụ thể, khôn ngoan và nhắm trúng đích.
Điểm nhấn về kỹ năng, ngoại khóa
Hiện nay, những thông số điểm của các kỳ thi chuẩn hóa được các ĐH tại Mỹ yêu cầu như TOEFL, IELTS, SAT, ACT ngày càng được cải thiện, điểm cao đã rất phổ biến. Vậy, điều gì làm hội đồng tuyển sinh của các trường ĐH Mỹ quan tâm? Đó là hồ sơ phải có điểm nhấn.
Ngô Minh Anh, học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, đã nhận học bổng của Trường ĐH Pennsylvania, cho biết yếu tố quan trọng để xây dựng bộ hồ sơ tốt là chuẩn bị toàn diện. Ứng tuyển vào ĐH Mỹ có rất nhiều khía cạnh từ học thuật đến các hoạt động ngoại khóa và bài luận nên những bạn có nhu cầu học ĐH Mỹ thì nên chuẩn bị hồ sơ từ sớm.
Ngoài giấy chứng nhận các loại điểm thi chuẩn hóa, hội đồng tuyển sinh của các trường ĐH Mỹ luôn chú trọng và hay nhắc trong thư báo đậu là yếu tố toàn diện. Tức là, học sinh nên ghi vào hồ sơ chi tiết những hoạt động đã thực hiện trong thời gian dài. Những giá trị bản thân học được trong quá trình làm dự án. Tất cả thể hiện trong bài luận về bản thân. Nhưng hạn chế tham gia những dự án chỉ để cho đẹp hồ sơ, vì khi phỏng vấn hội đồng trường sẽ hỏi lại những điều bản thân đã phát triển được trong quá trình làm dự án.
Trúc Linh, cựu học viên Summit Vietnam. đã đạt học bổng Trường ĐH Colby cũng thông tin, trong suốt quá trình ứng tuyển sẽ có 3 phần chính: điểm số các kỳ thi chuẩn hóa, hoạt động ngoại khóa, hoạt động cá nhân.
Video đang HOT
Theo Trúc Linh, điểm đặc biệt nhất trong bộ hồ sơ là bài luận cá nhân. Ban đầu Linh cũng gặp khó khăn khi phát triển ý tưởng bài luận, nhưng sau đó xâu chuỗi lại, chiêm nghiệm và tìm cách thể hiện bản thân. Không thể hiện những ý tưởng vĩ mô, Linh quyết định viết hành trình tự thấu cảm về bản thân. May mắn đã mỉm cười, Linh được trao học bổng vì sự chân thật trong bài luận.
“Đối với bài luận về bản thân trong hồ sơ ứng tuyển học bổng, nên nhìn nhận lại giá trị của bản thân để đưa ra bài luận chân thật nhất. Hội đồng tuyển sinh của các trường ĐH Mỹ luôn đề cao những học sinh hiểu về bản thân mình, vì như thế bạn sẽ hiểu mình cần học ngành nào và sẽ làm gì tiếp theo trên đất nước của họ” – Trúc Linh chia sẻ.
Đối với Nguyễn Nhật Quang, cựu học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, bài luận rất quan trọng trong quá trình nộp hồ sơ cũng như xin học bổng vào các trường ĐH Mỹ, chiếm 50% tỉ lệ thành công. Nhật Quang đã nhận được học bổng toàn phần của Trường ĐH Rice, ngay từ vòng nộp hồ sơ sớm.
Theo Nhật Quang, các nhà tuyển sinh ĐH tại Mỹ rất ấn tượng với sự thể hiện hành trình của bản thân ngay trong bài luận. Trong bài luận nên tạo ra một hành trình phát triển liên tục của bản thân, kèm theo đó là những dự án liên quan lẫn nhau, liên quan đến ngành mong muốn học tại Mỹ.
Học sinh nghe tư vấn các chương trình học bổng của ĐH Mỹ
Ưu thế nếu tham gia dự án cộng đồng
Tham gia “săn” học bổng khá trễ, Phạm Bá Tuấn Huy, học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), không có nhiều thời gian nhiều cho các kỳ thi chuẩn hóa nên điểm không cao. Vì vậy, Tuấn Huy đã đẩy mạnh các yếu tố khác trong hồ sơ, như trong bài luận Tuấn Huy đã nhấn mạnh rõ niềm đam mê vật lý của mình. Chứng minh qua các dự án Tuấn Huy thực hiện, những nỗ lực để thực hiện đam mê. Ngoài ra, Tuấn Huy cũng cố gắng duy trì điểm trung bình trong lớp cao, đạt nhiều giải thưởng quốc gia và thành phố. Đó là yếu tố để Tuấn Huy được nhận học bổng của Trường ĐH Case Western Reserve.
Ngô Minh Anh cũng đã bắt đầu chuẩn bị hồ sơ từ lớp 10, lên lớp 11 từng bước hoàn thiện các bài thi chuẩn hóa, thiết kế các hoạt động ngoại khóa để phù hợp với sở thích và ngành học của mình. Sau đó, viết những bài luận thể hiện con người của mình. Việc chuẩn bị sớm hồ sơ và các yếu tố xung quanh sẽ làm mình nổi bật hơn so với các ứng viên khác. Ngoài ra, hội đồng tuyển sinh các trường ĐH Mỹ cũng chú trọng đến những dự án cộng đồng, dự án bảo vệ môi trường, phát triển xã hội.
“Nên đặt ra những cột mốc mình phải thực hiện để không làm nhiều việc cùng lúc. Đồng thời, phải chú ý đến những thành phần khác nhau của bộ hồ sơ, tất cả các yếu tố bao trùm, nên tìm đến những lời khuyên, hướng dẫn của những người có kinh nghiệm trong việc đưa học sinh đến với các trường danh giá” – Minh Anh nhìn nhận.
Chuẩn bị hồ sơ sớm
Nguyễn Nhật Quang khuyên những bạn có nhu cầu “săn” học bổng phải chuẩn bị hồ sơ sớm, nên có lộ trình thực hiện hồ sơ, quyết định thi các kỳ thi chuẩn hóa vào thời điểm phù hợp với bản thân. Đặc biệt, tìm hiểu các trường có ngành mình muốn theo học và lựa chọn trường phù hợp. Nếu không thể tự chuẩn bị hồ sơ, học sinh nên lựa chọn những đơn vị tư vấn du học uy tín để giúp hoàn thành hồ sơ, xử lý những phát sinh trong quá trình du học.
Cạnh tranh cần lành mạnh
Mùa tuyển sinh những năm gần đây, để thu hút thí sinh, các trường ĐH, CĐ, trường phổ thông ngoài công lập đã quan tâm đến công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh đối với công chúng và người học, tăng năng lực cạnh tranh.
Ảnh minh họa/INT
Không chỉ đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy, nhiều trường còn tăng cường tiếp thị, quảng bá qua việc lập kênh truyền hình, YouTube để tư vấn trực tuyến, livestream, cam kết đầu ra, thực hiện những chính sách đặc biệt về học bổng, học phí, giới thiệu việc làm...
Việc cạnh tranh lành mạnh giữa các trường là tín hiệu tốt, thể hiện sự năng động, sáng tạo của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích cho người học và xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh bức tranh chung khá tích cực vẫn còn tồn tại những chiêu trò cạnh tranh trong tuyển sinh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức, ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị khác hoặc người học.
Vài tháng trước, dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa diễn ra nhưng một số trường ĐH ở khu vực phía Nam đã in và phát giấy báo trúng tuyển cho học sinh, nhằm tận thu nguồn tuyển. Trước đó, cũng có hiện tượng một số trường xét tuyển học bạ yêu cầu thí sinh xác nhận trúng tuyển trước ngày xét tuyển chung. Nhiều thí sinh phải đứng trước lựa chọn: Xác nhận trúng tuyển thẳng theo học bạ hay là lấy kết quả thi để đăng ký xét tuyển.
Chuyện có trường ĐH, để thu hút thí sinh đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí 50% - 100% cho con em của hiệu trưởng trường THPT, con em lãnh đạo sở GD&ĐT ở các tỉnh, thành phố trúng tuyển vào trường, cũng từng râm ran trong giới làm công tác tuyển sinh. Thậm chí có thông tin vài trường còn mạnh tay chi hoa hồng cho ban giám hiệu trên mỗi học sinh lớp 12 đăng ký theo học tại trường!
Gần đây nhất, cộng đồng mạng miền Trung tỏ ra khá bức xúc trước việc một số trường ĐH trong khu vực bị bôi bẩn bởi những thông tin trên một số fanpage. Thoạt nhìn các thông tin này là hình thức tư vấn tuyển sinh về học phí, ngành học nhưng đọc kỹ thì thấy tác giả "tâng" một trường và "hạ" một số trường ở địa phương.
Hiện vụ việc chưa có kết luận của cơ quan chức năng nhưng nhiều ý kiến khẳng định biết rõ "trường đó là trường nào" và cho rằng đấy là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Nghi án kiểu truyền thông "bôi bẩn" liên quan đến cạnh tranh trong tuyển sinh trước đó cũng đã xảy ra tại một số trường phổ thông ngoài công lập ở Hà Nội, khi dấy lên loạt thông tin trên mạng xã hội về sự hà khắc ở trường này, thông tin trường "ma" ở đơn vị khác, hay có việc rải 'truyền đơn" khu vực gần trường.
Tự chủ tài chính khiến các trường không thể không tính đến nguồn thu, chỉ tiêu tuyển sinh phải đạt được. Bởi nếu tuyển không đủ chỉ tiêu, các trường sẽ khó cân đối tài chính, vì nguồn thu lớn nhất vẫn nằm ở học phí. Thế nên việc đẩy mạnh các biện pháp cạnh tranh nhằm thu hút thí sinh là điều dễ hiểu và cũng là cần thiết đối với các trường, nhất là khối công lập tự chủ tài chính, tư thục. Trong cuộc cạnh tranh này, đơn vị nào mạnh sẽ tiếp tục tiến về phía trước, đơn vị yếu sẽ bị đào thải theo quy luật.
Tuy nhiên, việc cạnh tranh nhất thiết phải lành mạnh, công khai minh bạch, trong một sân chơi bình đẳng, tạo dựng uy tín cho giáo dục, chứ không phải bằng các chiêu trò. Môi trường học đường là nơi cần chuẩn mực, nêu gương cao. Mọi hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong giáo dục không chỉ làm tổn hại đến người học và đơn vị khác, mà còn là con đường ngắn nhất để nhà trường tự phá bỏ hình ảnh, thương hiệu của chính mình. Bởi, không ai muốn gửi niềm tin, hi vọng, tương lai của mình cho những cơ sở giáo dục có cách hành xử không đẹp, thậm chí phản giáo dục.
ĐH Đức trao học bổng cho sinh viên lười biếng Các ứng viên cần cho biết mình chọn "không làm gì ở lĩnh vực nào" và chứng minh khả năng lười biếng của bản thân để làm hội đồng tuyển sinh ấn tượng. Đại học Mỹ thuật ở thành phố Hamburg (Đức) cung cấp học bổng cho những ứng viên cam kết "sẽ lười biếng, không làm gì" khi tham gia vào dự...