Chiều Sài Gòn bên dĩa gỏi khô bò quốc tế
Món gỏi đu đủ xanh khô bò chở ta về những không gian trước cổng trường. Ở đó có một ông già người Hoa với thùng gỏi đu đủ xanh khô bò sau porte-bagage và tiếng nhấp chiếc kéo lớn kêu “xấp xấp” trên tay ông.
Sài Gòn một số loại hàng rong có một thứ tiếng rao không cần đến ngôn ngữ. Gỏi đu đủ xanh khô bò là tiếng nhấp kéo. Cà rem là tiếng chuông rung nhanh – khác với tiếng chuông chậm của các ông thầy bói dạo…
Bí quyết của một dĩa gỏi khô bò ngon là những cọng đu đủ vừa dòn theo bề ngang, vừa dai theo bề dài và cái nước xốt pha chế theo bí quyết riêng của từng xe gỏi.
Bí quyết của một dĩa gỏi khô bò ngon là những cọng đu đủ vừa dòn theo bề ngang, vừa dai theo bề dài và cái nước xốt pha chế theo bí quyết riêng của từng xe gỏi. Ngon cũng còn phải rẻ nữa mới hấp dẫn học trò. Nhiều đứa còn nhỏ đã ăn cay có cỡ càng khoái món này, có lẽ vì ớt là một thứ kích thích hiếu động cho bọn nhỏ. Thật vậy, ớt được phương Tây xếp vào hàng kích động (aphrodisiac food) có khi trên có khi dưới bậc thịt hàu sống, do cơ địa của từng người.
Còn những miếng khô bò là thứ đồ bỏ đi của con bò – lá mía, phổi, được “son phấn” rất kỹ lưỡng bởi người bán bằng các thứ gia vị cũng rẻ tiền như đường táng đen. Có khi không có bò thì dùng lá mía heo thế vào. Vậy nên dĩa gỏi bằng nhôm ngày ấy mới rẻ. Mà ngon ác!
Bây giờ những ông bán gỏi người Hoa đã biệt tăm như những ông đồ già ngồi viết chữ bên đường những ngày cận tết. Nhưng khác với chữ ế, món gỏi đu đủ xanh khô bò vẫn sống dài, góp phần tạo ra một thứ văn hoá. Ẩm thực đường phố là thứ văn hoá Sài Gòn chịu lắm phong ba, chìm nổi nhưng vẫn sống nhăn vì luật cung cầu. Bây giờ có người còn nghiệm ra không biết nó là quà vặt, hay là một suất ăn trưa hay mồi.
Đu đủ xanh làm gỏi là món khoái khẩu của nhiều dân tộc từ Thái Lan, Lào, Campuchia đến Việt Nam. Nhưng trái đu đủ theo sự du nhập được gọi tên là “Columbia Exchange” – sự trao đổi các thứ bản địa giữa châu Mỹ và châu Âu sau chuyến du hành của Christopher Columbus, vào Xiêm (Thái Lan ngày nay) qua ngả eo biển Malacca. Món gỏi này có lẽ phát nguyên từ người dân tộc Lào và Hoa định cư ở vùng đồng bằng sông Chao Phraya, miền Trung Thái Lan. Nhưng ban đầu do gốc của dân tộc Lào vốn không chủ lực vị cay, nên không có cay như món som tam của Thái. Cay từ ớt cũng là loại gia vị gốc Mỹ du nhập sớm vào Bangkok.
Nhưng gỏi đu đủ xanh khô bò có lẽ là sáng chế của người Hoa định cư ở Chợ Lớn, khi loại trái cây này du nhập qua ngả giao thương đường thuỷ dưới Chợ Lớn, cũng như trường hợp trái sầu riêng. Phải đợi đến khi cây được trồng nhiều có trái, giá rẻ, món ăn mới ra đời dụ khị những cái lưỡi đi học thời chúng tôi chỉ có năm cắc đến một đồng ăn vặt.
Cách đây chưa lâu, một ông bạn bên Mỹ về, chiều muộn uống bia trong một cái quán sang chảnh ở bên hông Nhà hát thành phố, chợt than: “Tự nhiên sao thèm gỏi khô bò quá chừng!”. Tôi nói với nó muốn ăn gỏi đu đủ khô bò, phải ngồi ở mấy cái quán cóc vỉa hè bên bờ kè Nhiêu Lộc. Khi đó gặp những xe gỏi đi qua mới kêu vài dĩa diệt cái nỗi thèm món ăn “thị hồn” của đường phố Sài Gòn này. Nhưng nếu ta đặt tên nó là gỏi xấp xấp như cách người Thái gọi tên som tam – som là chua, tam là tiếng chày giã, tên ấy bây giờ chỉ còn là vỏ ngữ âm. Vì nó không còn tiếng nhấp kéo để rao hàng như ngày xưa nữa. Vì vậy mà bớt ngon ru…
Chủ nhật hôm 10.12, tình cờ một ông bạn khi đến quán bia Hai Cây Bàng bên quận 4 đã mang theo gói khô bò của người quen mua từ Mỹ về để dành ăn tết. Ông bạn khoe: “Khô bò này ngon lắm. Gu Việt, nồng mùi sả và cay dữ”. Đúng là thịt bò Mỹ mềm thật mềm. Tẩm ướp y chang gu Việt, khác với loại khô bò phổ biến của Mỹ. Miếng thịt lại không quá khô như các loại khô thường làm ở Việt Nam. Có điều đáng chán là ngọt quá. Tình cờ một chiếc xe gỏi khô bò đổ bên gốc cây bàng. Tôi gọi hai suất gỏi không lấy khô bò. Rồi nhờ người bán gỏi trộn đu đủ xanh với khô bò Mỹ. Một món gỏi đu đủ khô bò quốc tế cho một vị hương xa. Cái ngọt biến mất. Gỏi ngon thiệt. Cái ngon làm nhớ thằng bạn Việt kiều thèm gỏi đu đủ khô bò. Thôi thì chụp một tấm ảnh gởi cho nó. Thằng bạn nhắn lại: “2018 về tao sẽ ăn. Và kiếm món phá lấu nữa nha mày!”.
Tiếp tục cách ly xã hội, người Sài Gòn nhớ món ăn vặt cả thời thanh xuân
Người Sài Gòn ngoài ăn sáng cũng hay ăn vặt. Ăn vặt Sài Gòn có rất nhiều món mà lâu không ăn sẽ "phát điên" vì nhớ. Với tình trạng tiếp tục cách ly thì tín đồ của phá lấu, bột chiên, gỏi khô bò, bánh bèo Huế, chè tiếp tục ở nhà thèm quay quắt.
Phá lấu lòng bò, món ăn vặt đậm chất Sài Gòn. - Giang Vũ
Chiều đến là thời gian người Sài Gòn bắt đầu nghĩ tới các món ăn vặt huyền thoại đã tồn tại vài chục năm qua như một thói quen thật khó bỏ.
Nhớ phá lấu lòng bò chấm bánh mì
Video đang HOT
Bánh mì chấm phá lấu lòng bò là một món ăn vặt gây thương nhớ mỗi khi chiều đến. Giờ đây các hàng quán bán món này chỉ bán mang đi, nhưng cái thú ngồi quán xá ăn món này vẫn thích hơn nhiều, vì bánh mì mới ra lò còn nóng hổi, giòn tan, chấm vào chén phá lấu lòng bò các loại gồm lá mía, tổ ong (dạ dày bò), khăn lông (lá sách), phèo (ruột) vừa mềm vừa giòn, béo ngậy vị cốt dừa, thơm nức mùi cà ri và ngũ vị làm cho những ai ghiền món này lâu lâu phải ăn kẻo nhớ.
Quận 4 là một trời phá lấu bò với rất nhiều quán ngon - Giang Vũ
Bánh mì nóng giòn chấm với phá lấu lòng bò
Phá lấu là món ăn gốc Hoa, do người Hoa mang tới Sài Gòn. Nếu tới khu Chợ Lớn, bạn sẽ thấy món phá lấu khá phổ biến và giữ được cách nấu gốc mang từ Trung Hoa sang. Món phá lấu ở đây thường nấu từ lòng heo hoặc lòng vịt, tai heo, ruột heo, có màu đen đen do nấu với nước tương, thậm chí nấu chung cả trứng, thơm mùi quế, hồi, thảo quả, lá nguyệt quế.
Tuy nhiên, món phá lấu lòng bò nấu sệt sệt chấm với bánh mì cùng tên gọi mà vị khác hẳn, có mùi và màu của gia vị cà ri, có nước cốt dừa béo ngậy. Lòng bò các loại được xắt ra từng miếng nhỏ, chấm với nước mắm chua ngọt (tắc hoặc me) ăn kèm cùng bánh mì. Nhiều người cho rằng, món phá lấu kiểu này sinh ra ở Sài Gòn nhờ sự pha trộn của hai nền văn hóa người Hoa Chợ Lớn và người miền Tây?
Phá lấu quận 4 người Việt nấu, nước dừa béo ngậy
Phá lấu người Hoa ở quận 11
Nhờ không gian Youtube, giờ đây người ta thỏa thích tìm thấy món phá lấu gốc nơi quê nhà của món này hay ở Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, tuy nhiên, không thể tìm thấy hình ảnh chén phá lấu vàng cam đẹp mắt nấu cùng cốt dừa, với nước mắm ớt đi kèm kiểu Sài Gòn.
Phá lấu lòng bò ở Trung Quốc, không nấu với nước dừa - Chụp màn hình blogger Trung Quốc, Youtube
Món quà vặt buổi chiều là chén nhỏ phá lấu chấm bánh mì, cay xuýt xoa, vị béo ngậy, phá lấu hầm kỹ hoặc chiên vàng ngon ám ảnh. Nhưng thú lê la ăn hàng giờ còn đâu.
Bột chiên gây nghiện
Người Sài Gòn ăn bột chiên bữa sáng, chiều và tối. Tuy nhiên, bột chiên ăn buổi chiều lúc đi làm về đói bụng là thú vị nhất. Bột chiên cũng là một món gốc Hoa, càng ở gần khu Chợ Lớn thì càng giữ nguyên vị gốc. Nét Hoa đặc trưng của món bột chiên là nằm ở cải xá bấu rắc lên món bột chiên và vị hắc xì dầu. Nếu ở khu người Hoa, bột chiên sẽ có cả thành phần khoai môn, còn những nơi khác, chỉ là bột gạo bình thường.
Xe bột chiên gần bưu điện quận 5
Bột chiên (giòn hoặc mềm), đập thêm một hai quả trứng gà, cho tỏi phi thơm lựng và xá bấu xào sơ với hành lá, chan nước tương với ớt bằm và ăn kèm đu đủ bào. Chỉ vậy thôi mà sao vô cùng hấp dẫn. Giờ này chỉ còn cảnh bán mang đi, nhưng ngồi tại quán ăn ngon hơn nhiều vì giữ được độ giòn của miếng bột, ngửi được mùi thơm phức của món ăn này. Mang về, vị ngon chỉ còn một nửa.
Bột chiên Đức Hoa, chung cư Ngô Gia Tự, quận 10
Bánh bèo Huế kiểu miền Nam
Bún bò Huế và bánh bèo Huế là hai món ăn cực kỳ hợp khẩu vị người Sài Gòn. Chiều đến, rất nhiều người sẽ tìm ăn món này lót dạ trước bữa tối vì một đĩa bánh bèo thì không thể no quá, nước nắm ngòn ngọt, mằn mặn đã là kiểu Sài Gòn, chan vào đĩa bánh gồm bánh bèo, bánh bột lọc, bánh nậm, bánh mì cắt nhỏ chiên giòn, ớt Ba Tri cay xé, miếng chả gói lá chuối thơm lựng.
Bánh bèo Huế hẻm chợ Bàn Cờ cực kỳ độc đáo với nem nướng (51/88 Cao Thắng, quận 3)
Nem chua nướng kiểu Huế do chủ quán nghĩ ra khi vào Sài Gòn sinh sống, độc nhất vô nhị
Gỏi khô bò, ngon không chịu được
Sài Gòn có hai nơi có món gỏi khô bò đông người ăn nhất, đó là công viên Lê Văn Tám và gỏi khô bò Nguyễn Văn Thủ. Tín đồ của món này chịu nhất cái nước giấm chan gỏi khô bò chua chua, ngòn ngọt, thơm mùi hoa hồi phảng phất. Vì chua ngọt và thơm nên chỉ cần nghĩ đến đã tứa nước miếng vì thèm.
Gỏi khô bò vẫn bán mang đi, nhưng người Sài Gòn vẫn thích ngồi lê la ở công viên ăn món này, hay chạy vào con hẻm ở Nguyễn Văn Thủ để tìm ăn món gỏi đã bán từ trước 1975, uống kèm nước mía ngọt đã đời cơn khát.
Gỏi khô bò công viên Lê Văn Tám thời chưa cách ly xã hội - Giang Vũ
Gỏi khô bò 76 Nguyễn Văn Thủ (Q1) có từ trước 1975
Chè lạnh, chè nóng, chè sầu riêng, nhớ quá
Trong "cảnh giới" sung sướng đã đời của món ăn vặt thì món chè được người Sài Gòn rất ưa thích. Chè ai cũng nấu được, nhưng người Sài Gòn nấu ở nhà cảm thấy mất công và chưa chắc ngon hơn hàng.
Đặc biệt, những món chè đã trở thành "huyền thoại" thì đố ai mà làm ngon bằng như chè Thái ở Nguyễn Tri Phương (Q.10) hay chè nóng hẻm Võ Văn Tần (quận 3), chè thạch Hiển Khánh.
Chè Thái sầu riêng quán Ý Phương, đường Nguyễn Tri Phương (Q10)
Món chè bà ba huyền thoại của quầy chè nóng hẻm 239 Võ Văn Tần (Q3)
Chè thạch long nhãn, hạt sen, nhãn nhục của tiệm chè Hiển Khánh (718 Nguyễn Đình Chiểu, Q3)
Giang Vũ
Những quán ăn phù hợp để tán gẫu ở Sài Gòn Bạn đã từng đến Coco Kem, gỏi khô bò Lê Văn Tám hay Thế giới tàu hủ...? Đây là những địa điểm bạn có thể ngồi hàn huyên với bạn thân cho thỏa cơn "tám". Một nơi ăn vặt lý tưởng đối với giới trẻ Sài Gòn thường phải đáp ứng được ba yếu tố ngon, rẻ, mát mẻ. Có rất nhiều quán...