Chiến sự Trung Đông: Thương vong tại dải Gaza đã lên tới gần 100.000 người
Xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tiếp tục diễn biến phức tạp khi số thương vong tại dãi Gaza đã lên tới gần 100.000 người, trong bối cảnh Hamas đe dọa dừng đàm phán trao đổi con tin.
Cơ quan Y tế Palestine tại dải Gaza hôm nay (11/2) công bố số liệu cho thấy, kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch tại dải Gaza, số thương vong đã lên tới gần 100.000 người. Xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas tiếp tục diễn biến phức tạp trong bối cảnh Hamas đe dọa dừng đàm phán trao đổi con tin.
Theo đó, kể từ khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas leo thang ngày 7/10/2023, đã có 28.176 người đã thiệt mạng và 67.784 người bị thương. Bên cạnh đó, khoảng 8.000 người khác cũng đang thuộc diện mất tích và có khả năng đã tử vong.
Trong vòng 24 giờ qua, cuộc xung đột đã khiến 112 người Palestine thiệt mạng và 173 người khác bị thương. Đáng chú ý, hầu hết thương vong là dân thường, trong đó trẻ em và phụ nữ chiếm tới 70%.
Người Palestine chuyển nạn nhân bị thương sau cuộc oanh kích của Israel xuống Dải Gaza – Ảnh: AFP/TTXVN
Video đang HOT
Trong một diễn biến liên quan, kênh truyền hình Aqsa do lực lượng Hamas điều hành, dẫn lời một chỉ huy cấp cao của Hamas hôm nay (2/11) nhấn mạnh bất kỳ chiến dịch trên bộ nào của quân đội Issrael nhằm vào thành phố Rafah sẽ “hủy hoại” các cuộc đàm phán trao đổi con tin.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 9/2 ra lệnh cho quân đội nước này, lên kế hoạch kép nhằm vừa sơ tán dân thường Palestine khỏi thành phố Rafah, vừa tiến hành chiến dịch trên bộ để tiêu diệt các tay súng cuối cùng của Hamas ở thành phố này.
Hiện hơn 1 triệu người dân Palestine đang trú ẩn trong những căn lều tạm bợ tại thành phố Rafah, trong đó nhiều người bị dồn vào hàng rào biên giới với Ai Cập. Trong khi đó, Ai cập tuyên bố không cho phép bất kỳ sự di dời ồ ạt nào của người dân Palestine vào vùng lãnh thổ của mình.
Giải pháp hòa bình cho Gaza còn xa vời
Cơ quan Y tế Palestine ngày 21/1 công bố báo cáo, theo đó, tổng số thương vong trong chiến dịch quân sự vào dải Gaza của Israel bắt đầu từ ngày 7/10/2023 đã vượt 95.000 người, trong đó hơn 25.000 người chết, hơn 7.000 người mất tích và gần 63.000 người bị thương.
Đáng chú ý, hầu hết thương vong rơi vào đối tượng dân thường, trẻ em và phụ nữ chiếm khoảng 70%. Giới phân tích cho rằng, tỷ lệ thương vong về phía dân thường Palestine theo công bố của Cơ quan Y tế tại Gaza là đáng tin cậy và khá tương đồng với số liệu do phía Israel công bố. Cụ thể, quân đội Israel khẳng định các cuộc tấn công vào Gaza đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 9.000 chiến binh Hamas, tương đương khoảng 35% số người chết tại Gaza theo con số do phía Palestine công bố.
Một cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến Gaza ở Bỉ ngày 21/1. Ảnh AP.
Trong bối cảnh thương vong không ngừng tăng, Israel đang chịu sức ép ngày càng lớn từ cả trong nước nhằm đảm bảo an toàn cho các con tin bị Hamas bắt giữ, lẫn quốc tế liên quan đến việc ngừng bắn tại Dải Gaza và thúc đẩy giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột rộng lớn hơn giữa Israel và Palestine. Các cuộc tuần hành kêu gọi chính phủ Israel đảm bảo an toàn cho các con tin đang diễn ra ở nhiều địa điểm trong nước và cả một số nước có công dân bị bắt.
Bộ trưởng Nội các Israel Gadi Eizenkot thừa nhận, một cuộc đột kích chớp nhoáng, nhằm giải thoát các con tin Israel ở Gaza khó có thể thành công vì các con tin bị giam giữ ở nhiều nơi dưới đường hầm. Nếu muốn các con tin được thả còn sống, cần sớm có một thỏa thuận.
Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné mới đây khẳng định người dân Palestine xứng đáng có một nhà nước có chủ quyền và Pháp sẽ không thay đổi lập trường về giải pháp hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại. Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh điều cấp thiết tại Gaza giờ đây là hỗ trợ nhân đạo và quốc tế cần phải hành động mạnh mẽ để tránh thảm họa tại khu vực. Pháp kêu gọi Israel cần tôn trọng luật pháp quốc tế và việc cưỡng bức người dân Palestine phải rời Gaza sẽ là "lằn ranh đỏ" đối với Pháp.
Tuy nhiên, theo Ngoại trưởng Pháp, nước này sẽ nỗ lực duy trì quan điểm cân bằng để có thể tiếp cận được các bên liên quan bao gồm Israel, Palestine, Mỹ hay các quốc gia trong khu vực. Ngoại trưởng Pháp cũng bày tỏ quan ngại xung đột Israel và Hamas có nguy cơ lan rộng với sự tham gia của lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen, nhất là sau những diễn biến gần đây trên Biển Đỏ.
Cũng liên quan đến về vấn đề này, Ngoại trưởng Arab Saudi ngày 21/1 nhấn mạnh không thể bình thường hóa quan hệ với Israel nếu không giải quyết được vấn đề Palestine. Hoàng tử Faisal bin Farhan Al Saud, người giữ vị trí Ngoại trưởng Arab Saudi, cho rằng việc giảm leo thang xung đột ở Gaza và ngăn chặn thương vong với dân thường là trọng tâm chính của nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller trước đó cũng tuyên bố "không có cách nào" để giải quyết các thách thức an ninh lâu dài của Israel trong khu vực và những thách thức ngắn hạn trong việc tái thiết Gaza mà không thành lập một nhà nước Palestine. Biện pháp này cũng được Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ và đã đề cập đến trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel hôm 19/1.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 21/1 đã lên án Israel về những cái chết thương tâm của dân thường Palestine ở Gaza và gọi việc phản đối một nhà nước độc lập cho người dân Palestine là điều "không thể chấp nhận được".
Trong phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh nhóm G7 và Trung Quốc diễn ra tại thủ đô Campala của Uganda, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp hai nhà nước cho cả Israel và Palestine: "Trung Đông là một mồi lửa, chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn xung đột bùng phát trên toàn khu vực và cần bắt đầu bằng lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức để giảm bớt đau khổ cho người dân ở Gaza, tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo đến với mọi người và tìm cách giải thoát con tin ngay lập tức và vô điều kiện".
Ông Guterres khẳng định, việc từ chối quyền thành lập một nhà nước của người dân Palestine sẽ "kéo dài vô thời hạn cuộc xung đột vốn đang trở thành mối đe dọa lớn đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, làm trầm trọng thêm sự phân cực và khuyến khích con đường cực đoan hóa ở khắp mọi nơi".
Bất chấp áp lực từ quốc tế, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kiên quyết phản đối giải pháp lâu dài về một nhà nước Palestine độc lập và đòi hỏi Israel được đảm nhận vấn đề an ninh của Gaza. Ông Netanyahu ngày 21/1 bác bỏ các điều kiện do Hamas đưa ra nhằm chấm dứt chiến tranh và thả con tin, trong đó có điều kiện Israel rút quân hoàn toàn và để Hamas nắm quyền ở Gaza. Quan chức cấp cao của Hamas, Sami Abu Zuhri, đáp lại rằng việc nhà lãnh đạo Israel từ chối chấm dứt chiến dịch tấn công quân sự ở Gaza "đồng nghĩa không có cơ hội trở về cho những con tin người Israel".
Tháng 11/2023, một thỏa thuận do Mỹ, Qatar và Ai Cập làm trung gian đã dẫn tới việc Hamas thả hơn 100 trong số khoảng 240 con tin bị bắt giữ ở Gaza trong vụ tấn công ngày 7/10. Kể từ đó, Thủ tướng Netanyahu đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để đảm bảo hơn 130 con tin vẫn đang bị giam giữ được thả.
Thủ tướng Israel cũng có lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề nhà nước Palestine so với trước đây với tuyên bố sẽ không thỏa hiệp trong việc kiểm soát an ninh toàn diện của Israel đối với tất cả lãnh thổ phía Tây sông Jordan. Ông khẳng định sẽ tiếp tục các cuộc tấn công ở mọi mặt trận, từ Gaza, Lebanon, Syria và bất kỳ nơi nào có khủng bố
Đã đến lúc giảm quy mô cuộc chiến tại Dải Gaza Chiến sự Israel - Hamas bước qua mốc 100 ngày kể từ khi bùng nổ hồi tháng 10/2023 với hàng chục nghìn người thương vong, chủ yếu tại Gaza, tuy nhiên, bất chấp lời kêu gọi của quốc tế, Israel chưa có dấu hiệu ngừng tấn công cho đến khi hoàn thành mục tiêu "quét sạch phiến quân Hamas". Cuộc xung đột kéo...