Chiến sự Dải Gaza: Những lằn ranh bị phá vỡ
Khi lệnh ngừng bắn kết thúc cũng là lúc những màn giao tranh mới bắt đầu. Quân đội Israel dồn dập triển khai đợt tấn công mới trong “ngày giao tranh ác liệt nhất” với phong trào Hamas.
Những đợt bom đạn liên tục dội xuống miền Nam Gaza có nguy cơ gây ra làn sóng di tản mới và khiến thảm họa nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn.
Các quan chức Israel cho biết quân đội nước này với sự hỗ trợ của máy bay chiến đấu đã tham gia vào các đợt giao tranh dữ dội ở Dải Gaza kể từ 5/12 (giờ địa phương), một ngày sau khi quân đội bao vây trung tâm thành phố Khan Younis trong giai đoạn tấn công mới.
Dải Gaza đang trở thành vùng đất nguy hiểm sau các đợt giao tranh khốc liệt giữa Israel và phong trào Hamas.Ảnh: UNRWA
Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Jonathan Conricus khẳng định, chiến dịch này không chỉ dừng lại ở việc xóa sổ phong trào Hamas, mà còn bao gồm việc loại bỏ mối đe dọa từ các nhóm vũ trang khác tại Gaza. Theo đó, mục tiêu của chiến dịch là phá hủy toàn bộ các hạ tầng quân sự tại Gaza có thể tạo ra mối đe dọa đối với người dân Israel, bất kể là của Hamas, nhóm thánh chiến Jihad hay lực lượng nào khác.
Tư lệnh miền Nam của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Yaron Finkelman tuyên bô, quân đội nước này “đang trong ngày căng thẳng nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch trên bộ”. Trong khi đó, cánh vũ trang của Hamas, Lữ đoàn Al-Qassam, cho biết các chiến binh của họ đã giao tranh với quân đội Israel và tấn công hàng trăm mục tiêu trong khu vực, bao gồm cả một đơn vị lính chiến của Israel. Cũng trong chiều 5/12, Hamas tiếp tục bắn nhiều loạt tên lửa và rocket vào miền Trung và miền Nam Israel, trong đó có ít nhất 15 quả bắn tới Tel Aviv và sân bay quốc tế Ben Gurion.
Quan chức cấp cao của Hamas Osama Hamdan đồng thời tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán hay trao đổi tù nhân cho đến khi Israel chấm dứt hành động quân sự ở Gaza. Kể từ khi lệnh ngừng bắn giữa hai bên sụp đổ hồi đầu tháng, Israel đã đăng một bản đồ trực tuyến thông báo những khu vực cần sơ tán cho người dân Gaza để tránh các cuộc tấn công, trong đó khu vực phía Đông Khan Younis được khoanh vùng rất đậm. Điều này đã đẩy hàng trăm nghìn cư dân lâm vào tình thế bị động, buộc phải chạy trốn dù không biết đi về đâu khi các thị trấn và nơi trú ẩn đã quá tải. Con đường chạy trốn của họ cũng không hề an toàn.
Video đang HOT
Các quan chức y tế Gaza cho biết nhiều thường dân đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel vào các ngôi nhà ở Deir al-Balah, phía Bắc Khan Younis. Theo số liệu do Hamas công bố, kể từ ngày 7/10 đến ngày 5/12, 16.248 người Palestine đã thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza, trong đó có tới 70% là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, giới chức Israel cho biết khoảng 1.200 người tại Israel đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, với hơn 130 con tin bị bắt giữ kể từ 7/10. Những lằn ranh tưởng chừng đã đạt được nhờ thỏa thuận ngừng bắn liên tục được gia hạn giữa Israel và Hamas đã dần bị phá vỡ.
Trong bối cảnh thương vong tiếp tục gia tăng sau những đợt giao tranh dữ dội tại Dải Gaza, Mỹ – đồng minh thân cận nhất của Israel – đã nhắc lại yêu cầu rằng Tel Aviv cần phải làm nhiều hơn để giảm thiểu thiệt hại cho dân thường. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller trong một cuộc họp báo ngày 5/12 nhận định rằng, Israel chưa hành động đủ để cho phép thêm nhiên liệu và viện trợ vào Gaza.
Trong khi đó, Ông Richard Peeperkorn, đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Dải Gaza cảnh báo tình hình tại nơi đây “đang trở nên tồi tệ hơn từng giờ”, khi các vụ đánh bom tăng cường đang diễn ra khắp nơi, bao gồm cả ở khu vực phía Nam, Khan Younis và thậm chí cả ở Rafah. Người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) James Elder cũng cho biết, các khu vực ở Gaza được Israel được cho là an toàn cũng chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, đồng thời cảnh báo rằng việc thiếu điều kiện vệ sinh và nơi trú ẩn đang khiến dịch bệnh bùng phát. Những nỗ lực nhân đạo cũng vì thế trở nên ngày càng mong manh hơn.
Đứng trước những diễn biến xung đột ngày một leo thang tại Dải Gaza, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 5/12 đã cảnh báo về tình hình xung đột giữa Israel và Hamas, đồng thời kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức. Trong Tuyên bố Doha được thông qua tại phiên họp thứ 44 của Hội đồng tối cao GCC ở Qatar, lãnh đạo các nước GCC cảnh báo về mối nguy hiểm của việc mở rộng đối đầu và xung đột lan rộng sang các khu vực khác ở Trung Đông. Lãnh đạo và đại diện của 6 nước GCC (gồm Qatar, Arab Saudi, Bahrain, Oman, Kuwait và UAE) cùng khách mời là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự hội nghị trên. GCC nhấn mạnh rằng khu vực Trung Đông đang phải đối mặt với những thách thức nguy hiểm do việc Israel ném bom vào Dải Gaza dẫn đến bạo lực leo thang.
Tuyên bố cũng kêu gọi đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và bền vững, đồng thời đảm bảo việc đưa tất cả hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza. Trong khi đó, Qatar – quốc gia trung gian cho quyết định ngừng giao tranh đầu tiên giữa Israel và phong trào Hamas – chia sẻ đang nỗ lực để đảm bảo đạt được một lệnh ngừng bắn mới. Tuy nhiên, Tiểu vương Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani nói rằng điều đó vẫn không thể nào thay thế cho lệnh ngừng bắn lâu dài.
Tình trạng hỗn loạn lan đến các bệnh viện ở Nam Gaza
Sau khi các bệnh viện ở miền Bắc Gaza tê liệt vì xung đột Israel-Hamas, đến lượt các cơ sở y tế tại miền Nam dải đất này cũng đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, đặc biệt kể từ khi lệnh ngừng bắn kết thúc.
Chuyển em nhỏ bị thương trong vụ oanh tạc của Israel xuống thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza ngày 1/12. Ảnh: AFP/TTXVN
Bên trong bệnh viện nêm chặt bệnh nhân tại phía Nam Gaza, một số hét trong đau đớn, có những người khác lại nằm im lặng, trắng bệch, thậm chí quá yếu để có thể kêu rên.
Ngày 1/12, Quân đội Israel (IDF) thông báo nối lại chiến dịch quân sự trên Dải Gaza. Thông báo này đã xóa tan mọi hy vọng lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ tiếp tục được gia hạn sau 7 ngày thực thi. Theo các nhân chứng và giới chức y tế tại Gaza, khu vực Khan Younis và Rafah ở phía Nam đã hứng chịu các vụ ném bom dữ dội kể từ khi lệnh ngừng ngắn kết thúc.
Các bệnh viện ở phía Nam Gaza cũng vào tình trạng hỗn loạn kể từ đó. Sau tám tuần xung đột, các bác sĩ đã kiệt sức. Dự trữ nhiên liệu gần như cạn kiệt do Israel phong tỏa, vì vậy các bác sĩ buộc phải lựa chọn thời điểm và địa điểm trong bệnh viện của họ để chạy máy phát điện.
Theo Liên hợp quốc (LHQ), hiện không một bệnh viện nào ở phía Bắc Gaza có thể phẫu thuật cho bệnh nhân. Những trường hợp bị thương nặng nhất được chuyển hàng ngày vào miền Nam bởi đoàn xe do Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tổ chức. Nhưng LHQ cho biết, ngay cả ở miền Nam, 12 bệnh viện còn lại chỉ "hoạt động một phần".
Abdelkarim Abu Warda và cô con gái 9 tuổi Huda vừa đến Bệnh viện Deir al-Balah trên một trong những đoàn xe của ICRC. Ngày 1/12, sau khi thỏa thuận ngừng bắn kết thúc, ngôi nhà của họ trong trại tị nạn Jabalia đã nằm dưới cuộc tấn công của Israel. Cô bé Huda bị thương ở đầu. Cha Huda nói với hãng thông tấn AFP (Pháp): "Con bé bị xuất huyết não và phải thở máy".
"Kể từ đó, con bé không phản ứng lại với bất cứ điều gì", Warda buồn bã chia sẻ và nâng cánh tay con gái lên. "Con bé không trả lời tôi nữa", anh nức nở.
Vào bình minh, buổi cầu nguyện đầu tiên cho người thiệt mạng được thực hiện. Vài chục người tụ tập trước những chiếc túi đựng thi thể màu trắng xếp thành hàng trên mặt đất. Giữa hai chiếc túi lớn hơn là tấm vải liệm nhỏ của một đứa trẻ. Nhiều phụ nữ rơi nước mắt cúi xuống chạm vào khuôn mặt người thân lần cuối trước khi thi thể được cẩn thận đưa lên phía sau xe bán tải. Một phụ nữ nghẹ ngào: "Adam đã ra đi... và cả Abdullah nữa".
Nhiều người an ủi một phụ nữ đang đau đớn ôm thi thể của con gái tại bệnh viện Al-Najjar. Ảnh: AFP
Tại bệnh viện Nasser ở Khan Yunis, cơ sở y tế lớn nhất miền Nam Gaza, câu chuyện cũng tương tự. Một nhóm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đến thăm và nhận thấy nơi này có tới 1.000 bệnh nhân, gấp ba lần sức chứa của nó.
Israel tuyên bố sẽ loại bỏ Hamas và cho biết hiện họ đang tập trung vào thành phố Khan Yunis ở phía Nam Gaza. Quân đội Israel thả tờ rơi cảnh báo tại các khu vực lân cận dự kiến là mục tiêu. Họ cảnh báo người dân rằng "một cuộc tấn công khủng khiếp sắp xảy ra" đồng thời ra lệnh cho họ rời đi. Mỗi ngày, những lời cảnh báo này lại đến gần bệnh viện hơn.
Với mỗi vụ nổ mới làm rung chuyển thành phố, lại có thêm nhiều trường hợp thương vong được chuyển đến các bệnh viện. Nhân viên y tế chạy ra ngoài với những chiếc cáng thường vẫn còn dính máu của bệnh nhân trước đó. Ở hành lang, các gia đình, người bị thương và nhân viên y tế chen lấn nhau.
Nhiều thành viên trong gia đình anh Ehab al-Najjar đang điều trị hoặc đã chết tại bệnh viện. Ehab al-Najjar tức giận nói: "Tôi thấy bom rơi xuống nhà mình. Phụ nữ, trẻ em thiệt mạng. Họ đã làm gì để phải chịu điều này?".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 3/12 nói ông không thể "tìm được từ ngữ đủ mạnh" để bày tỏ quan ngại của bản thân về tình trạng ở Gaza.
Ai Cập, Qatar thúc đẩy nỗ lực kéo dài lệnh ngừng bắn ở Gaza Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 29/11 cho biết Ai Cập và Qatar đang cùng nhau hợp tác để thúc đẩy gia hạn lệnh ngừng bắn nhân đạo tạm thời ở Dải Gaza. Người dân xếp hàng tại trạm xăng ở Khan Younis, Dải Gaza, ngày 28/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN Ông Shoukry đưa ra tuyên bố này...