Chiến lược làm thêm giúp nam sinh tự lập thời đại học
Bước vào năm cuối, Minh Trung có khoản tiết kiệm khoảng 30 triệu đồng nhờ chiến lược làm thêm và tiết kiệm tiền theo nguyên tắc ‘cất trước, tiêu sau’.
Phan Nhật Minh Trung hiện là sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng, Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP HCM. Trung từ Đà Lạt lên TP HCM học đại học, ở cùng nhà trọ với mẹ và không có chu cấp hàng tháng. Ba mẹ ly hôn, lại không muốn xin tiền người lớn, Trung đi làm thêm, vừa để trau dồi kinh nghiệm, vừa kiếm thu nhập và học cách tự lập. Suốt ba năm qua, nam sinh có nguồn thu nhập ổn định nhờ 5 công việc làm thêm.
Trung bắt đầu năm nhất với nghề gia sư vì so với những việc khác, dạy kèm có thu nhập ổn, đều đặn và tốn ít thời gian hơn. Từng học chuyên Toán và có khả năng sư phạm, nam sinh nhận dạy Toán cho một em lớp 6 và ba môn Toán – Lý – Hóa cho học sinh lớp 9 với thù lao lần lượt 40.000 đồng và 75.000 đồng một giờ.
Minh Trung hiện giảm khối lượng công việc làm thêm, chỉ nhận viết nội dung cho các Fanpage và dành thời gian tập trung học để ra trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ở tháng cao điểm, Trung có thu nhập trung bình 4 triệu đồng cho 72 giờ dạy một tháng. Cậu nhẩm tính, so với một công việc bán thời gian 8 tiếng mỗi ca, 4 ca mỗi tuần (tương đương 128 tiếng mỗi tháng), nếu lấy trung bình 20.000 đồng một tiếng thì lương nhận được chỉ 2,5 triệu. Vì vậy, dạy kèm mang tới mức thu nhập tốt hơn. Gia sư cho học sinh khối trung học phổ thông sẽ có thù lao cao hơn, tuy nhiên để làm được, sinh viên cần thời gian ôn lại kiến thức.
“Nếu có khả năng, bạn đừng bỏ qua công việc gia sư, nhưng phải thực sự có tâm vì bạn đang mang trên vai sứ mệnh của nghề giáo. Nhờ trải nghiệm dạy học này, em rèn được sự kiên nhẫn và bình tĩnh”, Trung nói.
Nếu gia sư là công việc cố định xuyên suốt trong năm, chạy bàn lại là việc bán thời gian đầu tiên của Trung ở đại học. Nghỉ Tết, cậu xin phụ việc tại một quán hủ tiếu nam vang lớn ở Đà Lạt và làm trong 5 ngày cao điểm (mùng hai đến mùng sáu).
Hàng ngày, Trung làm việc từ 6h đến 14h, thời gian còn lại dành cho gia đình, đi thăm ông bà, họ hàng. Tại đây, cậu được lăn lộn bếp núc, cải thiện kỹ năng giao tiếp khi trò chuyện với người lạ. Gặp khách Tây, Trung còn có cơ hội trau dồi tiếng Anh.
Video đang HOT
Suốt hai mùa Tết, Trung đều xin làm tại quán, với mức lương gấp ba ngày thường (60.000 đồng mỗigiờ). Chỉ trong năm ngày, cậu kiếm được hơn 3 triệu đồng cả thưởng. Sau mùa Tết năm ngoái, khi vào lại Sài Gòn, Trung đã mua được một chiếc laptop để tiện cho việc học.
Khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, các ngành nghề đóng băng, công việc làm thêm bị ảnh hưởng khiến Trung gặp áp lực về tài chính. Cậu tìm thử các công việc làm tại nhà và có duyên với viết nội dung cho các Fanpage, kênh Instagram với mức lương khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Có Fanpage Trung làm theo dự án và nhờ vậy, cậu trụ được qua giai đoạn dịch khó khăn.
Nam sinh cũng thử sức với công việc về marketing tuyển dụng (Recruitment Marketing) cho một công ty. Ngoài cơ hội được học thêm nhiều kiến thức, việc tiếp xúc thực tế với môi trường doanh nghiệp còn rèn cho Trung kỹ năng mềm, xử lý tình huống, chịu áp lực, thích ứng nhanh với sự thay đổi… Cậu cũng mở rộng mối quan hệ cho bước đầu sự nghiệp.
Công việc tiếp theo của Trung là thiết kế. Cậu bắt đầu tập tành thiết kế khi hoạt động Đoàn – Hội. Nằm trong đội truyền thông nên Trung có 1-2 năm mày mò với Photoshop, Illustrator, hay biên tập video.
Cậu nhận thiết kế cho các Fanpage có yêu cầu không quá cao, phù hợp với năng lực của mình với thu nhập 50.000-150.000 đồng tùy ấn phẩm. “Việc này thú vị ở chỗ là vừa làm, vừa tìm tòi, vừa học được rất nhiều. Nhưng cũng mất nhiều thời gian, chưa kể phải sửa theo yêu cầu của khách hàng”, Trung cho biết.
Khi đã tích lũy được chút vốn, hồi tháng 5, Trung bán hàng online đặc sản của Đà Lạt. Công việc đang tiến triển thuận lợi thì tái bùng dịch buộc cậu phải dừng lại.
Bên cạnh công việc làm thêm từng trải qua, Trung còn tích lũy thu nhập bằng cách “săn” học bổng ở trường, trở thành đại sứ thương hiệu. Để không rơi vào tình cảnh khó khăn tài chính, Trung luôn theo nguyên tắc tiết kiệm trước tiêu sau.
Khi nhận được lương, cậu dành 10-20% để cất đi, còn lại mới dùng cho chi tiêu. Tiền tiết kiệm cậu để mua vàng hoặc gửi ngân hàng, thay vì cất trong tài khoản dễ tiêu xài. Nhờ cách này, hết năm thứ ba, Trung có số vốn khoảng 30 triệu đồng, sau khi đã dành một khoản đầu tư vào các khóa học nâng cao bản thân.
“Hiện em giảm các công việc làm thêm, tập trung học để ra trường. Em có khoản tiết kiệm và mức lương cao hơn do đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực viết content nên không còn áp lực về tài chính nữa”, Trung nói.
Theo Trần Thị Thúy Hằng, bí thư lớp Ngân hàng K18, Trung là bí thư Đoàn trường và sinh viên năng động. Cậu cũng là một blogger được người trẻ biết tới với những chia sẻ về kinh nghiệm học tập, hoạt động ngoại khóa và làm thêm.
“Hoạt động công tác Đoàn, xã hội tích cực nhưng kết quả học tập của Trung luôn trên 7,5. Bạn ấy còn làm gia sư suốt những năm qua và tham gia đội văn nghệ ở trường”, Hằng chia sẻ về nam sinh quê Đà Lạt.
Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP.HCM mong sinh viên dám tư duy khác biệt
PGS Mai Thanh Phong cho rằng không phải tất cả sinh viên ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đều phải giống nhau, có năng lực như nhau.
Phát biểu trong lễ khai giảng online sáng 4/10, PGS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), đánh giá đại dịch Covid-19 có lẽ là thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua, kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.
Đại dịch gây ra nhiều tổn thất to lớn về sinh mạng con người, kinh tế, xã hội ở nhiều quốc gia. Ngay ngưỡng cửa đại học, tân sinh viên đã phải đối diện những thách thức mà đại dịch Covid-19 gây ra. Đây là thiệt thòi, nhưng bạn trẻ có thể biến khó khăn đó thành cơ hội, thích ứng với những thay đổi quanh mình.
Tại lễ khai giảng online, hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP.HCM gửi đến các bạn sinh viên 4 lời khuyên trên bước đường đại học.
Hiệu trưởng ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) chào mừng tân sinh viên. Ảnh: ĐH Bách khoa TP.HCM.
Lời khuyên đầu tiên, thầy hiệu trưởng mong sinh viên tự lập. Bước vào môi trường đại học, phần lớn bạn trẻ phải rời gia đình, một mình đến sinh sống và học tập ở nơi xa lạ.
"Tôi mong rằng các em sẽ tự lập và trách nhiệm hơn với học tập, cũng như trong cuộc sống. Chắc chắn không ít sinh viên vẫn sống cùng cha mẹ tại thành phố. Tôi biết nhiều cha mẹ vẫn cư xử với sinh viên của chúng ta như những đứa trẻ. Tôi cũng kêu gọi các bậc cha mẹ hãy thấu hiểu và hỗ trợ các con, nhưng không nuông chiều", PGS Mai Thanh Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phong, ở ĐH Bách Khoa TP.HCM, sinh viên luôn nhận được hỗ trợ, hướng dẫn từ thầy cô, đoàn, hội, nhưng các em hoàn toàn có đủ không gian để tự lập, tự quyết định mọi việc cho chính mình.
Thứ hai, tân sinh viên nhanh chóng thích ứng với môi trường mới, hoàn cảnh mới. Rất nhanh, các bạn sẽ nhận ra phương pháp dạy và học cũng như khối lượng kiến thức được trang bị ở trường đại học là rất khác so với ở bậc phổ thông. Có thể, nhiều bạn sẽ than phiền sao thầy cô không chỉ bảo một cách chi tiết?
"Không, ở bậc đại học nói chung và ĐH Bách khoa TP.HCM nói riêng, thầy cô sẽ không phải là người cầm tay chỉ việc. Trường đại học sẽ trang bị cho sinh viên khả năng tự học, tư duy phản biện để giúp sinh viên khám phá đam mê và khuyến khích sinh viên theo đuổi những mục tiêu xa hơn", Hiệu trưởng Mai Thanh Phong nói.
Thầy hiệu trưởng còn khuyên sinh viên hãy chấp nhận sự khác biệt và dám suy nghĩ, hành động khác biệt. Ở ĐH Bách khoa TP.HCM, mỗi khóa có khoảng 5.000 và cả trường có 20.000 sinh viên đến từ nhiều vùng miền với hoàn cảnh gia đình khác nhau, học ngành nghề khác nhau.
Ngoài chương trình học chuyên môn, bạn trẻ còn có thể tham gia rất nhiều khóa học, hoạt động bổ ích khác như câu lạc bộ sinh viên, chương trình tình nguyện, cuộc thi học thuật, hoạt động nghiên cứu khoa học, các chương trình thực tập/kiến tập, chương trình trao đổi sinh viên với trường nước ngoài.
Tất cả điều này thể hiện tính đa dạng và phong phú của môi trường mới. Không phải tất cả sinh viên bách khoa đều phải giống nhau, có năng lực như nhau. Không phải tất cả sinh viên đều cần tham gia hết hoạt động, các bạn sẽ bị quá tải và thiếu hiệu quả nếu như không tìm được đam mê và xác định rõ mục tiêu phù hợp cho riêng mình. Do đó, PGS Phong khuyên sinh viên hãy biết lắng nghe nhưng dám khác biệt để theo đuổi đam mê và mục tiêu của mình.
Ông biết nhiều sinh viên đang suy nghĩ học kỳ này học ra sao? Thi cử liệu có kết quả tốt không? Có thể tốt nghiệp được bách khoa trong 4-5 năm tới không? Những suy nghĩ đó có thể rất thực tế, thiết thực trong giai đoạn này và tất nhiên sẽ đưa các bạn hướng tới mục tiêu trước mắt.
"Các em đừng quên suy nghĩ về những mục tiêu xa hơn cho sự nghiệp của mình. Nếu sớm xác định mục tiêu phù hợp, các em sẽ xây dựng được cho mình kế hoạch, thái độ và hành vi phù hợp để đạt được mục tiêu đó", ông Phong khuyên tân sinh viên.
Giáo dục không phạt: Nếu còn chạy theo thành tích, lợi ích... Muốn một nền giáo dục không phạt, trước tiên phải thay đổi quan điểm, phải hướng tới một nền giáo dục hạnh phúc, không nặng thành tích.... Khi giáo dục chạy theo thương mại Quan điểm giáo dục "bằng khuyên nhủ không phạt đang dần hủy hoại trẻ" của một chuyên gia giáo dục đang gây nhiều tranh cãi. Theo lập luận của...