Chiến dịch quân sự trên bộ mới nhất của Israel ở Liban: Từ sai lầm quá khứ đến hiện tại
Cuộc tấn công trên bộ vào Liban lần này không phải là một chiến dịch dễ dàng, nhưng có thể thấy rằng xuất phát điểm của quân đội Israel về cơ bản đã được cải thiện so với năm 2006.
Lực lượng Hezbollah phóng hàng loạt rocket vào trại tị nạn al-Mutla trên vùng đất do Israel chiếm đóng. Ảnh: IRNA/TTXVN
Vào đầu tháng 10/2024, Israel đã bắt đầu một cuộc tấn công quân sự mới vào Liban, đánh dấu sự khởi đầu của Chiến tranh Liban lần thứ 3. Theo tờ Jerusalem Post (Israel) ngày 8/10, cuộc chiến diễn ra trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng giữa Israel và Hezbollah, phong trào đã có những mâu thuẫn lâu dài với quốc gia này. Những ký ức đau thương từ hai cuộc chiến trước, Chiến tranh Liban lần thứ nhất (Chiến dịch Hòa bình cho Galilee 1982) và lần thứ hai (Chiến dịch Đổi hướng 2006), vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân, do đó cuộc tấn công lần này gợi lại nhiều mối lo ngại về khả năng Israel có thể mắc lại những sai lầm trong quá khứ.
Khi Sư đoàn 98 của Israel tiến vào miền Nam Liban, sự chuẩn bị và chiến lược của Lực lượng Phòng vệ Israel ( IDF) đã được cải thiện rõ rệt so với các cuộc chiến trước. Năm 1982, Chiến dịch “Hòa bình cho Galilee” đã khởi đầu tốt đẹp với mục tiêu đánh bật Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) ra xa 40 km khỏi biên giới. Tuy nhiên, tham vọng của Bộ trưởng Quốc phòng Ariel Sharon khi đó đã khiến Israel sa lầy vào một cuộc chiến kéo dài 18 năm tại Liban. Cuối cùng, Hezbollah đã nổi lên như một thế lực thống trị trong khu vực, khiến Israel phải rút lui mà không đạt được các mục tiêu chiến lược của mình.
Đến năm 2006, Chiến tranh Liban lần thứ hai nổ ra sau khi Hezbollah thực hiện các cuộc tấn công liều chết dọc biên giới, dẫn đến việc Israel phản ứng bằng một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn.
Tuy nhiên, sự thiếu chuẩn bị của IDF đã dẫn đến nhiều khó khăn trong cuộc chiến này. Vấn đề huy động lực lượng dự bị và thiếu hụt trang thiết bị đã khiến quân đội không thể hoạt động hiệu quả. Hơn nữa, không có một chiến lược rõ ràng từ trước đã khiến IDF không thể đạt được các mục tiêu của mình.
Lần này, khi IDF tiến vào Liban, những bài học từ cả hai cuộc chiến trước đã được rút ra. Các chỉ huy quân sự đã thận trọng xác định mục tiêu của cuộc chiến là “khu vực hóa” và “có giới hạn”, nhằm giúp 60.000 cư dân miền Bắc trở về nhà. Điều này cho thấy rằng, khác với năm 1982, không có bất kỳ kế hoạch nào về việc tạo ra một trật tự mới ở Liban. Đồng thời, các binh sĩ đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, không chỉ về mặt chiến thuật mà còn về trang thiết bị và chiến lược.
Video đang HOT
Sự chuẩn bị này được thể hiện qua việc IDF đã duy trì một lực lượng quân sự sẵn sàng chiến đấu mạnh mẽ với 4 sư đoàn, tương đương khoảng 15.000 quân, cùng với một năm kinh nghiệm chiến đấu tại Gaza. Năm 2006, IDF chỉ có 5 lữ đoàn chiến đấu ngay khi chiến tranh bắt đầu và các lữ đoàn này đã tham gia vào các hoạt động ở Bờ Tây và Dải Gaza trong nhiều năm, không chuẩn bị cho chiến tranh ở Liban.
Cùng với đó, sự phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng đã được cải thiện rõ rệt, giúp nâng cao khả năng tác chiến của quân đội. Ngoài ra, các vấn đề về hậu cần đã được giải quyết tốt hơn so với trước đây, với trang bị đầy đủ và sự chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ.
Hiện tại Hezbollah cũng không còn là mối đe dọa lớn như trước. Sau khi phong trào này bắn tên lửa vào Israel vào tháng 10/2023, Israel đã tiến hành các hoạt động quân sự để tiêu diệt cơ sở hạ tầng của Hezbollah. Điều này đã làm suy yếu khả năng chiến đấu của họ, khiến Hezbollah trở thành “cái bóng” của chính mình. Năng lực tên lửa và rocket của Hezbollah đã bị suy yếu đáng kể. Nhiều chỉ huy quân sự của Hezbollah đã bị tiêu diệt, dẫn đến sự hỗn loạn trong cơ cấu chỉ huy và tổ chức, như nhận định của Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant.
Rõ ràng cuộc tấn công trên bộ vào Liban lần này không phải là một chiến dịch dễ dàng, nhưng có thể thấy rằng xuất phát điểm của Israel về cơ bản đã được cải thiện so với năm 2006. Các cuộc tấn công lần này diễn ra trong một bối cảnh đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, không chỉ về mặt quân sự mà còn về chiến lược. Những bài học từ quá khứ đã được áp dụng, tạo nên một nền tảng vững chắc cho những hành động quân sự hiện tại.
JP: Israel sẽ không tấn công cơ sở hạt nhân của Iran, tập trung vào mục tiêu quân sự
Một số quan chức cấp cao của Israel cho rằng thay vì phá hủy chương trình hạt nhân của Iran, Israel sẽ tập trung tấn công các căn cứ tên lửa đạn đạo và cơ sở tình báo của Iran, đồng thời tiếp tục mục tiêu chính là tiêu diệt Hamas.
Lực lượng Hezbollah phóng hàng loạt rocket vào căn cứ quân sự của Israel ở Nimra, phía Tây thành phố Tiberias. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo tờ Jerusalem Post ngày 8/10, Israel dự kiến sẽ không tấn công những địa điểm nằm trong chương trình hạt nhân Iran mà sẽ tập trung vào các căn cứ quân sự và địa điểm tình báo khác nhau của Tehran. Trước đó, tờ New York Times của Mỹ cũng đưa tin tương tự về vấn đề này.
Sau thông tin của tờ New York Times, các nguồn tin Israel không phủ nhận nội dung, vốn dự đoán rằng hành động trả đũa của Israel đối với Iran sau cuộc tấn công lớn vào đêm 1/10 sẽ nằm trong kịch bản tấn công ở mức trung bình.
Tuy nhiên, theo New York Times, cuộc tấn công đáp trả của Israel vào Iran - mà hầu như tất cả các quan chức cấp cao của Israel đều đã công khai tuyên bố - sẽ có quy mô lớn hơn nhiều so với cuộc trả đũa hẹp hơn vào ngày 19/4, khi hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Iran bị hư hại.
Tờ Jerusalem Post lưu ý, mặc dù có ý tưởng cho rằng bối cảnh hiện tại có thể là cơ hội "50 năm có một lần" để tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, các nguồn tin trong chính quyền Israel cho biết việc tấn công chương trình hạt nhân của Iran không nhất thiết phải phù hợp với "mục tiêu của cuộc chiến" do nội các an ninh Israel đặt ra.
Ví dụ, trong khi mục tiêu được nêu rõ nhất của cuộc chiến là đánh bại Hamas, và việc đưa cư dân phía Bắc Israel trở lại khu vực biên giới giáp với Liban (Lebanon), thì một mục tiêu chính thức khác là không bị kéo vào một cuộc chiến tranh khu vực, đặc biệt là với Iran.
Lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực với Iran
Nói cách khác, việc bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh khu vực với Iran - điều mà nội các an ninh, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Mỹ và phần lớn phương Tây lo ngại có thể xảy ra nếu Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran - có thể làm mất tập trung và làm suy yếu đáng kể khả năng của IDF trong việc tiêu diệt Hamas và đảm bảo an ninh tốt hơn với Hezbollah ở Liban.
Cũng theo Tờ Jerusalem Post, một số quan chức cấp cao của Israel coi cuộc tấn công thứ hai của Iran vào ngày 1/10 (sau cuộc tấn công đầu tiên vào ngày 13-14/4) không phải là dấu hiệu cho thấy Tehran đã sẵn sàng tham gia vào một cuộc chiến tranh lớn hơn mà là một nỗ lực nhằm cân bằng lại khả năng răn đe của nước này đối với Israel sau khi IDF đã nỗ lực loại bỏ đáng kể hai "công cụ chính sách" lớn nhất của Tehran: Hezbollah và Hamas.
Theo học thuyết an ninh của Iran trước ngày 7/10, Tehran luôn có thể sử dụng Hezbollah và Hamas làm mối đe dọa để kiểm soát Israel trong trường hợp Tel Aviv cân nhắc tấn công các địa điểm hạt nhân của Tehran hoặc thực hiện các hành động khác để ngăn chặn mục tiêu của Iran trong khu vực vượt quá mức mà họ có thể chịu đựng được.
Tuy nhiên, ý tưởng rằng Israel sẽ không "tận dụng" cơ hội này - rằng Iran đã tấn công trực tiếp vào Israel lần thứ hai trong sáu tháng, lần này bằng hơn 180 tên lửa đạn đạo gây thiệt hại cho nhiều căn cứ không quân của Israel và một số địa điểm nhạy cảm khác - để tấn công vào chương trình hạt nhân của Tehran sẽ là không tuân theo tuyên bố nhiều thập kỷ của một số nhà lãnh đạo cấp cao Israel.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đều coi việc "loại bỏ mối đe dọa hạt nhân" của Iran là một trong những mục đích lớn nhất trong nhiệm kỳ của họ.
Nếu những quan chức cấp cao và các thành viên khác của IDF từ bỏ lựa chọn như vậy để chuyển sang tấn công các căn cứ quân sự và tình báo của Iran, chẳng hạn như các cơ sở tên lửa đạn đạo, cơ sở thiết bị máy bay không người lái và các chỉ huy đã điều phối những cuộc tấn công vào Israel, thì đây sẽ là một sự thay đổi đáng kể theo hướng nhấn mạnh trực tiếp vào Gaza và Liban là những vấn đề an ninh lớn hơn Iran.
Mặc dù nội các an ninh Israel đã ám chỉ điều này ngay từ khi xung đột nổ ra ở Gaza, nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc tấn công ngày 1/10 của Iran vào Israel, sau cuộc tấn công vào tháng 4, đã thay đổi cục diện, buộc Iran phải trở thành tâm điểm, giống như trước ngày 7/10/2023.
Nhiều quan chức Mỹ và phương Tây cho biết Israel không thể tự mình phá hủy chương trình hạt nhân của Iran nếu không có sự giúp đỡ của Washington, do Israel không có bom phá boongke cỡ lớn để phá hủy các cơ sở hạt nhân ngầm của Tehran tại Fordow và Natanz.
Israel mở rộng chiến dịch trên bộ tại Liban Ngày 8/10, Israel thông báo đang tiến hành các hoạt động nhắm mục tiêu, cục bộ và có hạn chế bên ở Tây Nam Liban. Binh sĩ Israel được triển khai gần biên giới với Liban, ở miền bắc Israel, ngày 27/9. Ảnh: THX/TTXVN Quân đội Israel xác nhận đã cử sư đoàn dự bị 146 đến Liban để tham gia chiến dịch...