Chìa khóa để thay đổi quan niệm về văn mẫu
Chìa khóa để thay đổi lối tư duy, giảng dạy và học tập, lối viết và nói sao chép, lệ thuộc văn mẫu, tài liệu mẫu hiện nay chính là đề thi Ngữ văn.
Chấm dứt văn mẫu trong học đường là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, chiều ngày 12/8/2021 tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.
Không thể xóa bỏ văn mẫu học đường mà cần thay đổi quan niệm về văn mẫu.
Văn mẫu có cần thiết
Những người đi học ở bất cứ quốc gia nào cũng cần có những bài mẫu, sản phẩm mẫu, động tác mẫu hay tài liệu tham khảo. Sản phẩm mẫu thực chất là một công cụ quy chuẩn theo yêu cầu nào đó dùng để tham khảo, học hỏi và dựa vào sản phẩm mẫu để thực hiện công việc tiếp theo.
Văn mẫu cũng là sản phẩm mẫu và rất cần thiết cho người học, dù lớp 1 hay sau đại học. Dù văn mẫu được các chuyên gia, các nhà giáo có thâm niên và nghiệp vụ tốt hay học sinh viết thì văn mẫu đều được biên tập, in, phát hành và đảm bảo các yêu cầu chung của bộ môn (ngoại trừ các bài văn mẫu trên mạng internet).
Nhiều thế hệ học sinh đã thành công khi biết sử dụng văn mẫu. Những cuốn văn mẫu rõ ràng rất ý nghĩa với những người học văn, viết văn lâu nay.
Văn mẫu sẽ giúp người học – cả phổ thông và sau đại học – nhận thức vấn đề, kiến giải và định hướng tháo gỡ những khó hiểu, bế tắc, nhờ bắt chước và làm theo mẫu để có những sản phẩm mới đạt mục đích của mình.
Đọc nhiều tài liệu mẫu sẽ giúp chúng ta biết nhiều tri thức và kỹ năng, sẽ mở ra ý tưởng và sáng tạo, sẽ hoàn thiện tư duy và trưởng thành. Đôi khi, văn mẫu còn như khuôn vàng thước ngọc, như đỉnh cao cho người học mơ ước, phấn đấu.
Trái lại, nhiều người dựa văn mẫu, tài liệu mẫu để sao chép, đạo văn để qua bài, qua môn, lên lớp hay để đỗ đạt, thăng tiến. Văn mẫu với họ không liên quan gì nhiều đến học vấn, tư duy hay tri thức. Văn mẫu chỉ là phương tiện hữu ích sống còn với tương lai của họ.
Dù vì mục đích tích cực hay tiêu cực, văn mẫu xưa nay vẫn rất quan trọng trong học đường và cuộc sống. Người lao động cần sản phẩm mẫu thế nào thì người học cần văn mẫu, bài giải mẫu như vậy!
Ảnh minh hoạ: Sachhoc.com
Video đang HOT
Văn mẫu bị lên án
Người ta dễ dàng chấp nhận sách tham khảo giải bài tập các môn Toán, Lý, Hóa, Sử, Địa,… nhưng lại sôi sục lên án văn mẫu, nhất là sau ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn. Vì sao lại có nghịch cảnh này?
Ngẫm lại, thời bao cấp những năm 80-90 thế kỷ XX, tài liệu, văn mẫu không tràn lan ngập đầu như hai chục năm nay. Văn mẫu ngày đó là những tài liệu quý hiếm, chỉ thầy cô dạy cho học sinh giỏi mượn đọc tham khảo. Người nào cẩn thận thì ghi chép. Nhưng vì hiếm có khó tìm (do hạ tầng, vật tư, công nghệ in thấp kém lúc đó) cho nên thầy cô phải lặn lội tìm kiếm mới có tài liệu, văn mẫu kia.
Ngày nay, sản phẩm văn mẫu bung nổ đủ loại, đáp ứng tất tần tật nhu cầu của thượng đế miễn phí hay trả phí. Trong thi thì phao thi, trên mạng internet thì là tài liệu, nhờ công nghệ hiện đại, chỉ chớp mắt có liền.
Thi trắc nghiệm đã triệt tiêu phao thi mấy năm rồi. Chỉ còn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận và 50% điểm bài có thể dùng phao thi – tài liệu – văn mẫu.
Sự chùng chình cải cách giáo dục trong thời mở cửa phát triển kinh tế thị trường đã tạo nhiều hệ lụy giáo dục mà sau hàng chục năm mới lộ ra. Những thế hệ học trò học lệch bị cuốn theo căn bệnh yếu kém và thành tích của giáo dục. Môn Ngữ văn đã bị bỏ quên trong cặp sách học trò từ bao giờ.
Những con điểm, con số chỉ tiêu đã hạ gục tâm huyết của nhiều nhà giáo yêu tiếng Việt, yêu văn chương, lúc nào cũng tha thiết muốn dạy trò học văn và viết văn để làm Người.
Học Ngữ văn kiểu gì cũng lên lớp. Viết được hay không viết được bài, đúng sai không quan trọng bằng văn của cô và càng đúng văn mẫu điểm càng cao!
Giám khảo bài tự luận “chấm nương tay” từ lớp học đến trường thi, thành thử bài thi Ngữ văn gần đây đã bỏ qua mọi tiêu chí chuẩn mực ngôn ngữ và văn chương nên nhiều năm chỉ khoảng 10% điểm Văn thi tốt nghiệp THPT dưới 5, với rất nhiều điểm từ 7 trở lên.[1]
Mặt khác, đội ngũ thầy cô dạy Ngữ văn còn nhiều bất cập về năng lực Tiếng Việt, làm văn và đọc văn. Sản phẩm học lệch kiến thức phổ thông tạo nên không ít thầy cô không dám dạy thoát li văn mẫu, rồi chấm bài theo văn mẫu và tệ hơn, yêu cầu học sinh học thuộc và làm bài y như văn mẫu!
Học trò kể với người viết, cô giáo em dạy theo sách, chỉ dẫn tu từ ẩn dụ “Mặt trời trong lăng rất đỏ” (Bài Viếng lăng Bác – Viễn Phương)! Không ít bố mẹ 7X, 8X, 9X không thể trả lời con yêu, từ này là từ loại nào, câu này là câu đơn hay ghép, viết đoạn tả con vật thế nào… Mua cho con văn mẫu là thượng sách. Hoặc nhờ thầy cô dạy thêm, kèm thêm, nhưng lại không biết rằng, cô giáo của con cũng trung thành với văn mẫu từ khi còn học phổ thông.
Học trò được khuyến khích sử dụng văn mẫu. Em nào tự viết điểm thấp, em nào văn mẫu điểm cao, thậm chí viết càng dài, điểm càng cao.
Văn mẫu đã ít nhiều làm trầm trọng thêm hiện tượng người Việt không nói và viết đúng chuẩn tiếng mẹ đẻ; nhiều bạn trẻ không thể trình bày nói hay viết bài luận nhưng “chém gió”, “comment” – không theo quy chuẩn nào, thì rất thạo!
Văn mẫu chỉ dùng tham khảo
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến chấm dứt văn mẫu nhưng chúng ta không nên nghĩ tới đây sẽ xóa được văn mẫu. Chúng ta đã thấy rõ tác hại lâu dài của quốc nạn văn mẫu và lên án văn mẫu.
Ông Bộ trưởng cũng như đồng bào và giáo giới tâm huyết giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt muốn thay đổi cách dạy và học, thi và đánh giá môn Ngữ văn để học sinh được học thật, thi thật, chất lượng thật.
Chúng ta làm thế nào để từng bước làm cho văn mẫu hay tài liệu không còn là phao cứu điểm cho người học từ lớp 1 trở lên.
Chúng ta muốn văn mẫu chỉ còn là công cụ tham khảo đắc lực, trợ giúp người học để các thế hệ con em biết nói đúng, viết đúng rồi nói hay, viết hay tiếng Việt; biết thuyết trình, biết viết bài luận thể hiện quan điểm, tri thức và sự sáng tạo của cá nhân. Chúng ta muốn, văn mẫu chỉ là tài liệu tham khảo bổ ích, không thể thiếu của người học.
Hiện nay, đề bài môn Ngữ văn, phần Đọc hiểu và viết đoạn nghị luận xã hội đã loại bỏ được phao thi. Chỉ câu nghị luận văn học 5 điểm vẫn để cơ hội cho phao thi. Giới hạn các tác phẩm văn xuôi và thơ dùng nghị luận, từ khi bố mẹ thi rồi đến con thi. Dù hỏi cách nào thì vẫn dùng văn mẫu được, chỉ cần viết nhiều chữ là ổn.
Chúng ta có cần tìm hiểu, đánh giá và chấn chỉnh việc chấm bài Ngữ văn coi trọng văn mẫu và xem nhẹ yêu cầu hành văn, chính tả, dùng từ, và ngữ pháp của thầy cô lâu nay để kê đơn bốc thuốc?
Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sớm thay đổi cấu trúc đề thi Ngữ văn từ 45 phút theo cấu trúc đề Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mấy năm nay.
Chìa khóa để thay đổi lối tư duy, giảng dạy và học tập, lối viết và nói sao chép, lệ thuộc văn mẫu, tài liệu mẫu hiện nay chính là đề thi Ngữ văn. Đề thi thay đổi, cách dạy và học, cách kiểm tra và đánh giá môn Ngữ văn sẽ mau chóng thay đổi và thích ứng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/pho-diem-mon-ngu-van-thi-tot-nghiep-thpt-2021-759257.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Từ yêu cầu mới nhất của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần thẳng tay dẹp bỏ nạn văn mẫu !
"Văn mẫu" là một trong những thứ có sức tàn phá dữ dội nhất đối với chất lượng môn văn trong nhà trường phổ thông của Việt Nam nhiều thập kỷ qua. Việc "chấm dứt" nó là một yêu cầu đúng đắn và cấp thiết.
Ngay sau Hội nghị trực tuyến về Tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/8, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đăng tải quan điểm của mình trên trang Facebook cá nhân: " Vì có quá nhiều việc cần phải làm để cho giáo dục tốt hơn, nên những việc gì có thể thực hiện được ngay, thì đề nghị các thầy các cô chúng ta cùng điều chỉnh luôn. Một trong các việc đó là chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu, dẫn tới triệt tiêu sự sáng tạo của thầy và trò ".
Status này chuyển tải một trong những chỉ đạo của Bộ trưởng trong hội nghị nêu trên. Điều đặc biệt là việc ông đã sử dụng mạng xã hội (Facebook) để chia sẻ, lan tỏa những quan điểm và quyết sách quan trọng trong ngành giáo dục. Điều ấy tạo nên một cảm giác về sự "gần dân", về "tính quần chúng" và cả sự kịp thời trong việc nắm bắt thông tin, chia sẻ giải pháp nơi một chủ thể lãnh đạo luôn được nhân dân chú ý nhiều nhất - lãnh đạo ngành Giáo dục.
Nội dung status là đề cập trực tiếp tới "nạn" văn mẫu trong nhà trường phổ thông hiện nay, với yêu cầu mạnh mẽ và thẳng thắn bằng 2 chữ "chấm dứt" ngắn gọn mà quyết liệt. Chúng tôi nghĩ, việc Bộ trưởng sử dụng Facebook cá nhân để chuyển tải thông điệp này cũng đã là một biểu hiện của việc thay đổi "văn mẫu" trong phương cách điều hành và quản trị giáo dục. Nó là một trong những tín hiệu mang hy vọng về những sự cởi mở và tâm thế đổi mới nơi những yếu nhân của ngành.
Văn mẫu , đúng vậy, từ lâu đã góp phần không nhỏ vào việc tàn phá môn Văn trong nhà trường của chúng ta. Chữ "mẫu" có 2 nghĩa chính: là một thứ quy cách, khuôn khổ đại diện cho hàng loạt cái giống nó; là một thứ mực thước, tốt đẹp dùng để làm gương ( mẫu mực). Có lẽ, sự phê phán về nạn văn mẫu chủ yếu là nhắm vào nghĩa thứ nhất của từ này. Đúng, điều ấy cần được minh định để không gây ra những tranh cãi không cần thiết.
Nếu sự hiểu không đủ minh bạch, không phân ranh rạch ròi thì rất dễ sa vào một cực đoan khác: sổ toẹt mọi thứ "kinh điển", coi thường những áng văn chương mẫu mực, khinh bạc trước những lời hay ý đẹp vốn đã thành lý tưởng chung cho việc sử dụng ngôn từ trong một cộng đồng bản ngữ.
Đáng tiếc, không ít người đang có thái độ cho rằng chấm dứt nạn văn mẫu thì đồng nghĩa với việc không cần học thuộc lòng thi phú văn chương gì nữa. Nhận thức này hết sức sai lầm và nguy hại. Với trẻ thơ và con người nói chung, sự tiếp xúc đầu tiên là tiếp xúc ngôn ngữ, tâm hồn được nuôi dưỡng trong ngôn ngữ; việc học thuộc lòng những câu thơ, những bài văn tinh túy chính là một cách nuôi dưỡng tâm hồn và bồi đắp khả năng biểu đạt. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng sa sút của lời ăn tiếng nói nơi lớp trẻ ngày nay không phải chỉ là do sự nhồi nhét văn mẫu mà còn do sự không thuộc văn chương tinh tuyển. Không có nhiều học sinh đã tốt nghiệp THPT bây giờ mà thuộc lòng khoảng vài chục bài thơ hay ca dao truyền khẩu, đó thực sự là một tình trạng đáng báo động.
Cái "văn mẫu" cần tiễu trừ khỏi học đường chính là những thứ khuôn sáo, là những quy cách cứng nhắc, là những "cái mẫu" vô hồn vô cảm nhưng lại được cho là "chuẩn"; nó là những bài văn in nhan nhản trong các sách "bộ đề", "cẩm nang", "học tốt" v.v. do các các thầy cô giáo hoặc các giáo sư tiến sĩ soạn ra để bán lấy tiền.
Bộ trưởng đề nghị "thầy cô chúng ta cùng điều chỉnh", đúng vậy, nhà giáo phải là người đi tiên phong trong cuộc thay đổi này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu thêm rằng vấn nạn văn mẫu không phải là một sản phẩm tự phát nảy sinh trong học đường. Một trong những căn nguyên của nó là do cách thi cử nặng tính trói buộc, chủ yếu "tái hiện kiến thức" vốn đã tồn tại nhiều thập kỷ qua. Vì thế, chỉ có thể thay đổi triệt để tình trạng này khi đổi mới đề thi và cách chấm thi - mà việc ấy lại phụ thuộc nhiều hơn vào tư duy và cách làm của Bộ chủ quản trong việc đổi mới kiểm tra đánh giá.
Chúng tôi thiết nghĩ, đối với môn Văn, ngoài những thông tin đòi hỏi tính chính xác thì việc "đúng/sai" cần phải dần được giảm trừ trong tiêu chí đánh giá. Chấm văn là chấm cái quan điểm của học trò, chấm lập luận logic chặt chẽ, chấm cách sử dụng ngôn từ v.v., chứ không thể đứng trên tinh thần sai/đúng để "đếm ý cho điểm" được nữa. Vì rõ ràng, ngay trong Chương trình 2018 cũng đang theo đuổi việc dạy học phát triển năng lực, theo đuổi tư duy độc lập và đầu óc phản biện của người học chứ không phải để kiểm tra trí nhớ của học sinh!
Muốn "chấm dứt" nạn văn mẫu, hãy chấm dứt việc coi một quan điểm nào đó là chân lý tuyệt đối. Sai lầm là một trong những "quyền" của con người, và sự trưởng thành chính là một quá trình "thử và sai" liên tục không dừng nghỉ. Chúng ta phải chấp nhận cả những cái nhìn phiến diện, những nhận định non nớt của học trò đúng với lứa tuổi của các em; để từ đó, tham gia vào hành trình trưởng thành của người học.
Tư duy làm giáo dục này sẽ vừa cho chúng ta cơ hội để làm người dẫn dắt (chứ không phải người ra lệnh và quản thúc); vừa bảo lưu và phát triển được cá tính cho học sinh, đặng tạo nên những thế hệ tráng kiện về tinh thần và khí chất; từ đó mà dựng xây xã hội, kiến thiết quốc gia bằng chính những phẩm tính giàu có, khỏe mạnh và lành mạnh trong mỗi cá nhân.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu Với giáo dục Trung học, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tới tinh thần học thật, thi thật. Môn ngữ văn cần chấm dứt học theo văn mẫu, bài mẫu. Ảnh minh họa Trong 2 ngày (12, 13-8), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối...