Chỉ đạo của Bộ về tích hợp sách giáo khoa hiện hành chỉ làm giáo viên thêm rối
Việc dạy học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn dễ dẫn đến hiện trạng chồng chéo, trùng lặp nội dung của các môn học, hoạt động giáo dục.
LTS: Ngày 3/10/2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ ký văn bản số 4612/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 – 2018.
Theo đó, công văn yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo cơ sở giáo dục phổ thông điều chỉnh nội dung dạy học.
Vấn đề khiến các thầy cô dạy bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông quan tâm nhất chính là việc “lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn…” bởi lẽ toàn bộ giáo viên hiện đang dạy giảng dạy chỉ được đào tạo ra làm giáo viên đơn môn.
Vậy giáo viên tích hợp thế nào?
Về vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Đặng Danh Hướng – giáo viên trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) để hiểu rõ hơn khó khăn của đội ngũ giáo viên hiện nay.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả cuộc trao đổi này.
Phóng viên: Là giáo viên phổ thông lâu năm, thầy đánh giá thế nào về chương trình giáo dục phổ thông hiện nay?
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng: Tôi cho rằng, nội dung của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành là quá tải, quá nặng, không đảm bảo tính vừa sức đối với học sinh;
Thậm chí, nhiều thông tin cũ, lạc hậu không còn phù hợp; nội dung giữa các môn học có sự trùng lặp, hoạt động giáo dục…
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ví dụ: Môn Lịch sử bài 27, lớp 10 “Quá trình dựng nước và giữ nước” với môn Giáo dục quốc phòng – An ninh lớp 10 bài 1 “Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam” trùng lặp nội dung “Thời kì dựng nước đầu tiên, công cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc”;
Hay môn Giáo dục công dân: bài 14, lớp 10 “Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” với môn Giáo dục quốc phòng – An ninh lớp 11 bài 3 “Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia” trùng lặp nội dung “Trách nhiệm của công dân”.
Chương trình năm 2000 từ lúc ra đời đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần quyết định giảm tải nội dung dạy học nhưng đến nay học sinh, phụ huynh vẫn than thở chương trình học nặng. Thầy nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng: Đây là một vấn nạn của chương trình phổ thông hiện hành, vì học sinh vẫn phải học tới 13 môn học, giáo viên của 13 môn học đều đưa ra mục tiêu bài học, chương học là học sinh phải đạt chuẩn kiến thức – kĩ năng.
Cụ thể:
- Về kiến thức: Học sinh không chỉ dừng lại ở việc nhận biết, thông hiểu, vận dụng, mà còn phải biết phân tích, đánh giá và sáng tạo, thậm trí nhiều giáo viên còn đòi hỏi học sinh phải phát triển năng lực nhận thức ở mức độ cao hơn trong quá trình học tập.
- Về kĩ năng: Học sinh biết vận dụng tri thức đã được tiếp thu để trả lời câu hỏi, giải bài tập, làm thực hành, có kĩ năng tính toán, vẽ hình, dựng biểu đồ… sau mỗi bài hoặc mỗi chương đã học.
Chính mục tiêu đó đã làm chương trình phổ thông hiện hành vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng bởi nếu học sinh chú tâm học môn học này không còn thời gian học tập môn khác.
Từ đó gây áp lực đối với học sinh và làm chương trình vốn đã nặng, đã quá tải, nay lại càng nặng hơn.
Cho dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần ra quyết định giảm tải nội dung dạy học, thì học sinh, phụ huynh vẫn than thở là điều hiển nhiên.
Trong công văn hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu: “Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, lựa chọn các chủ đề, rà soát nội dung các bài học trong sách giáo khoa hiện hành tương ứng với chủ đề đó để sắp xếp lại thành một số bài học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn;…”.
Thầy đánh giá như thế nào về chỉ đạo này của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng: Việc dạy học tích hợp của từng môn học hoặc liên môn dễ dẫn đến hiện trạng chồng chéo, trùng lặp nội dung của các môn học, hoạt động giáo dục.
Vì tính đến nay chưa có văn bản hướng dẫn tích hợp nội dung của từng môn học, từng bài học cụ thể sẽ như thế nào?
Do vậy, nếu thực hiện tích hợp dễ xảy ra tình trạng nội dung kiến thức của môn học đã được giáo viên giảng dạy rồi lại được giáo viên môn khác tái sử dụng và giảng dạy lại ở bộ môn khác.
Với một phông kiến thức sâu 13 môn học đều thực hiện tích hợp làm chương trình đã nặng nay lại càng nặng hơn với học sinh, không vừa sức với học sinh, học sinh dần dần nhàm chán, không có hứng thú với môn học.
Video đang HOT
Theo thầy Hướng, nếu thực hiện tích hợp chương trình hiện hành dễ xảy ra tình trạng nội dung kiến thức của môn học đã được giáo viên giảng dạy rồi lại được giáo viên môn khác tái sử dụng và giảng dạy lại ở bộ môn khác. (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)
Tôi cho rằng, việc áp dụng dạy học tích hợp vào lúc này sẽ gây ra hệ lụy làm loãng kiến thức trọng tâm và thừa thãi các kiến thức không phù hợp.
Dạy học tích hợp đòi hỏi cao về phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa của học sinh để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập với học sinh ở vùng khó khăn chưa thể đáp ứng được yêu cầu này.
Đặc biệt, yêu cầu này không thiết thực và khó khả thi với các trường vùng nông thôn, miền núi, vì ở nhiều trường phổ thông dạy học tích hợp liên môn làm cho có lệ, thậm chí nhiều giáo viên chỉ thực hiện dạy học tích hợp khi có các kì thi giáo viên giỏi, trong các giờ thao giảng và hội giảng hoặc các giờ thanh tra.
Như vậy có nghĩa là chỉ đạo này gây nhiều khó khăn cho giáo viên. Thầy có thể nêu cụ thể những khó khăn đó là gì không, thưa thầy?
Thạc sĩ Đặng Danh Hướng: Tôi cho rằng, chỉ đạo này gây nhiều khó khăn đối với giáo viên, ví như:
Thứ nhất, chưa có văn bản hướng dẫn tích hợp nội dung của từng môn học, từng bài học cụ thể.
Giáo viên sẽ lúng túng khi tổ chức hoạt động học tập ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường, ở nhà và cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn. Đặc biệt là giáo viên giảng dạy ở vùng khó khăn.
Thứ hai, dạy tích hợp đòi hỏi cao về trình độ và năng lực của giáo viên tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho học sinh;
Yêu cầu giáo viên không ngừng tư duy và trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, bộ môn khác nhau để có một phông kiến thức sâu áp dụng vào môn học mình giảng dạy.
Thứ ba, giáo viên thấy khó khi tích hợp kiến thức liên môn để phù hợp với mục tiêu dạy học, phù hợp khả năng nhận thức của từng đối tượng học sinh.
Cách thức tổ chức các hoạt động dạy học có hiệu quả với từng học sinh, khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh…
Thứ tư, dạy học tích hợp liên môn đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị không chỉ đối với giáo viên mà cả học sinh.
Bởi lẽ, giáo viên muốn dạy tích hợp thì cần:
- Nắm vững các nguyên tắc dạy học tích hợp liên môn.
- Lựa chọn bài học phù hợp lồng ghép kiến thức các môn khác;
- Xây dựng kế hoạch dạy học tích hợp – liên môn cần theo mẫu chia ra các cột như:
Tên bài, địa chỉ (tích hợp vào nội dung nào của bài), nội dung tích hợp (những kiến thức, kỹ năng, chủ đề có thể tích hợp, lồng ghép), mức độ tích hợp…
Bảng mô tả quan hệ của nội dung chủ đề với các môn học có các cột: Nội dung chủ đề, môn 1, 2, 3, 4 (lớp nào, nội dung tích hợp gì).
- Xác định đối tượng dạy học; chuẩn bị các thiết bị dạy học, học liệu, thiết kế giáo án.
Ví dụ: Khi dạy học môn Lịch sử bài 27, lớp 10 “Quá trình dựng nước và giữ nước” học sinh học về quá trình tồn tại, phát triển nhân dân ta đã từng bước hợp nhất, đoàn kết xây dựng một quốc gia thống nhất, có tổ chức nhà nước hoàn chỉnh, có nền kinh tế đa dạng ổn định, có nền văn hóa tươi đẹp giàu bản sắc riêng.
Giáo viên tích hợp: Kiến thức môn Địa Lý bài 2, lớp 12 “Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ” học sinh sẽ: Biết được vị trí địa lí, giới hạn, phạm vi lãnh thổ Việt Nam; Kiến thức Giáo dục quốc phòng – An ninh bài 1 “Truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam”.
Học sinh biết được Lịch sử đánh giặc của dân tộc, truyền thống vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước;
Kiến thức môn Giáo dục công dân kiến thức bài 14, lớp 10 “Công dân với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”, bước đầu giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào về quê hương đất nước, học sinh biết rút ra các bài học về mục đích sống, vượt khó, có thái độ và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trân trọng cảm ơn thầy.
Theo GDVN
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mỗi trường sẽ có quyền chọn riêng bộ sách giáo khoa
Rút kinh nghiệm từ VNEN, chương trình mới sẽ được triển khai từng bước, vững chắc và phù hợp với điều kiện, năng lực của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục.
LTS: Thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh những ý kiến tán đồng, vẫn còn nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về các điều kiện để triển khai thực hiện như đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất.
Để giúp dư luận hiểu hơn về những việc ngành Giáo dục đã và đang làm để chuẩn bị cho lần đổi mới này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.
Phóng viên: Thưa ông, chương trình giáo dục phổ thông mới có thêm một số môn học mới. Ban soạn thảo chương trình có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng như thế nào để đội ngũ giáo viên trên cả nước được tiếp cận với những thay đổi của chương trình cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai trong thực tiễn?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Chương trình mới về cơ bản kế thừa chương trình hiện hành nhưng số lượng các môn học ở cả 3 cấp học đều giảm so với chương trình hiện hành.
Về môn học mới thì chỉ có 2 môn tích hợp ở Trung học cơ sở là: Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên, và một môn ở Trung học phổ thông là môn Nghệ thuật (Mỹ thuật và Âm nhạc).
Lãnh đạo Bộ đã giao cho Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục khảo sát đội ngũ cán bộ, giáo viên và phối hợp với Chương trình ETEP lên kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để chuẩn bị triển khai chương trình mới.
Các chuyên gia trong Ban phát triển giáo dục phổ thông mới sẽ chịu trách nhiệm viết tài liệu tập huấn và tham gia tập huấn.
Hiện kế hoạch, hình thức tập huấn đã có. Hình thức tập huấn bao gồm tập huấn trực tiếp và tập huấn trực tuyến.
Thông qua hình thức tập huấn trực tuyến, cán bộ, giáo viên ở cơ sở sẽ được trực tiếp nghe, trao đổi với chuyên gia ở trung ương.
Về vấn đề đào tạo giáo viên, trong thời gian tới, Bộ đã giao cho các trường sư phạm cụ thể là nhóm 8 trường sư phạm trọng điểm nghiên cứu để đổi mới chương trình đào tạo.
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, về vấn đề đào tạo giáo viên, trong thời gian tới, Bộ đã giao cho các trường sư phạm cụ thể là nhóm 8 trường sư phạm trọng điểm nghiên cứu để đổi mới chương trình đào tạo. (Ảnh: Giáo sư Thuyết cung cấp)
Theo tôi được biết, đến nay, chương trình của các trường đã sẵn sàng.
Khi chương trình giáo dục phổ thông được chính thức ban hành thì các trường sẽ bắt đầu đào tạo theo chương trình mới cho các lớp sinh viên mới và đào tạo văn bằng 2 cho đội ngũ giáo viên trẻ để dạy các môn học tích hợp.
Nếu Quốc hội đồng ý điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình mới ở cấp Trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 thì từ nay đến đó còn gần 3 năm, kịp đào tạo văn bằng 2 cho những giáo viên trẻ, có nguyện vọng đi học.
Trường nào chưa có giáo viên đảm nhiệm được các môn tích hợp, mỗi môn học tích hợp sẽ do 2 hoặc 3 giáo viên phối hợp thực hiện, mỗi giáo viên dạy một học phần phù hợp với chuyên môn của mình.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã đào tạo được giáo viên dạy các môn tích hợp, việc phân công giáo viên vẫn do từng trường quyết định phù hợp với đội ngũ cụ thể của mình.
Ngay ở Vương quốc Anh, cho đến năm 2014, nhiều trường vẫn phân công 2 hoặc 3 giáo viên phối hợp dạy các môn tích hợp.
Ở cấp Trung học phổ thông, Nghệ thuật là môn học mới. Tuy nhiên, đây là môn học mà học sinh được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp, chứ không phải môn học bắt buộc đối với tất cả học sinh.
Vì vậy, các trường sẽ bổ sung dần giáo viên, trường nào có điều kiện thì bổ sung trước, chưa đủ điều kiện thì bổ sung sau, không nhất thiết phải làm đồng loạt.
Còn những môn học khác thì các trường đều đã có giáo viên. Chỉ có điều, sĩ số trong lớp học ở nhiều đô thị quá đông.
Để bảo đảm sĩ số đúng như quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (không vượt quá 35 học sinh/lớp ở Tiểu học, 45 học sinh/lớp ở Trung học cơ sở, Trung học phổ thông), chắc chắn sẽ phải tăng số lượng giáo viên.
Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo Chính phủ và làm việc với các Bộ có liên quan như Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính để có hướng xử lý việc này.
Sách giáo khoa của chương trình hiện hành (chương trình 2000) phải mất 3-4 năm thử nghiệm rồi mới đưa vào đại trà mà vẫn còn bất cập, vậy với những nội dung và yếu tố lần đầu xuất hiện trong chương trình mới, lấy gì đảm bảo việc áp dụng sách giáo khoa mới sẽ diễn ra thuận lợi?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra, từ nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các trường dạy theo chủ đề tích hợp và vận dụng các phương pháp dạy học tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh.
Những nội dung và phương pháp dạy học này phù hợp với định hướng của chương trình mới. Do đó, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên đến với chương trình mới không phải từ số 0.
Về việc thực nghiệm chương trình thì ngay khi chuẩn bị các văn bản trình Quốc hội để Quốc hội ban hành Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo:
Theo cách thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa hiện hành, có rất nhiều nội dung không khó, không mới vẫn được thực nghiệm, mất nhiều thời gian, công sức mà không tập trung được vào những vấn đề mới, vấn đề khó của chương trình mới.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị và được Quốc hội chấp thuận chỉ thực nghiệm những nội dung mới, phương pháp dạy học mới, không cần thời gian thực nghiệm đến 3-4 năm.
Theo định hướng này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tiến hành thực nghiệm ngay trong quá trình xây dựng chương trình.
Mục đích thực nghiệm chương trình là để đánh giá tác động của chính sách, tức là tác động của những nội dung mới, phương pháp dạy học mới được đề xuất trong dự thảo chương trình.
Điều này cũng phù hợp với vị trí của chương trình giáo dục phổ thông.
Bởi vì chương trình giáo dục phổ thông là một văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, phải được xây dựng theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có bước đánh giá tác động của chính sách.
Nội dung thực nghiệm tập trung vào những nội dung mới, phương pháp dạy học mới so với chương trình hiện hành, đánh giá mức độ phù hợp của chương trình với trình độ nhận thức và điều kiện học tập của học sinh.
Chương trình mới được thực nghiệm bằng các phương pháp sau:
Thứ nhất, khảo sát thực tế trường phổ thông (đội ngũ giáo viên; nguyện vọng, khả năng và điều kiện của học sinh; cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học...).
Thứ hai, sử dụng phiếu điều tra cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh.
Thứ ba, phỏng vấn sâu cán bộ, giáo viên, phụ huynh học sinh và học sinh lớn.
Thứ tư, lấy ý kiến một số chuyên gia giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương thông qua hình thức hội thảo hoặc thư hỏi ý kiến.
Thứ năm, lấy ý kiến rộng rãi chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân.
Thứ sáu, dạy thực nghiệm một số nội dung mới, phương pháp mới.
Do không thực nghiệm toàn bộ chương trình nên đối với một số môn học có nội dung mới hoặc áp dụng phương pháp dạy học mới thì các nhóm xây dựng chương trình môn học biên soạn thành bài để dạy thử nghiệm, xem giáo viên thực hiện thế nào, học sinh học đạt hiệu quả ra sao,...
Bài học từ việc tập huấn các nội dung mới cho giáo viên tham gia mô hình trường học mới VNEN cho thấy, có rất nhiều tồn tại trong công tác tập huấn hiện nay, đặc biệt là tính hiệu quả.
Với thời gian gấp rút còn lại, Ban soạn thảo làm thế nào đảm bảo công tác tập huấn cho giáo viên các nội dung mới một cách hiệu quả, tránh vết xe đổ của VNEN?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Mô hình dạy học VNEN phù hợp với xu hướng phát huy năng lực tự học, tự chủ của học sinh nhưng cách triển khai có phần nôn nóng, cách chỉ đạo có lúc cực đoan nên ở một số địa phương không được hoan nghênh.
Rút kinh nghiệm từ VNEN, chương trình mới sẽ được triển khai từng bước, vững chắc và phù hợp với điều kiện, năng lực của từng địa phương, từng cơ sở giáo dục.
Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình mới.
Nếu được Quốc hội đồng ý thì chương trình mới sẽ được áp dụng theo hình thức cuốn chiếu ở tiểu học từ năm học 2019 - 2020, ở Trung học cơ sở từ năm học 2020 - 2021 và ở Trung học phổ thông từ năm học 2021 - 2022, chứ không áp dụng đồng thời ở cả ba cấp học từ năm học 2018 - 2019.
Thứ hai, chương trình mới bảo đảm những nội dung cốt lõi được thực hiện thống nhất trong cả nước, đồng thời có độ mở để những địa phương, cơ sở còn gặp khó khăn vận dụng phù hợp với điều kiện của mình và những nơi có điều kiện thuận lợi được phát triển ở mức tương xứng.
Ví dụ, chương trình tiểu học yêu cầu học 9 buổi/tuần (tức 2 buổi/ngày) nhưng những cơ sở giáo dục chỉ có điều kiện dạy 6 buổi/tuần cũng có thể thực hiện được nội dung giáo dục cốt lõi; còn những trường có điều kiện dạy hơn 6 buổi/tuần thì có thêm nhiều thời gian cho học sinh luyện tập thực hành, vui chơi giải trí.
Về ngoại ngữ, quy định chung là học từ lớp 3 nhưng những trường tiểu học có đủ điều kiện có thể dạy từ lớp 1 nếu phụ huynh học sinh có nhu cầu.
Đối với các môn học tự chọn, cơ sở giáo dục nào có đủ điều kiện thì học sinh được lựa chọn nhiều môn, còn cơ sở nào chưa đủ thì sự lựa chọn học sinh phải kết hợp với khả năng đáp ứng của nhà trường.
Cùng với chương trình giáo dục phổ thông mới, nhiều địa phương, nhiều trường còn phải tiếp tục tổ chức tập huấn phương pháp VNEN hay "công nghệ giáo dục" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Theo ông, việc triển khai những "đổi mới" này có quá tải đối với giáo viên?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Nghị quyết 88 của Quốc hội chủ trương thực hiện một chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Vì vậy, khi áp dụng chương trình mới thì tất cả cán bộ, giáo viên trong cả nước sẽ được tập huấn về chương trình mới; còn việc tập huấn dạy sách giáo khoa mới thì không phải tất cả các trường đều có nội dung giống nhau.
Mỗi trường đều có quyền chọn sách giáo khoa phù hợp và giáo viên sẽ được tập huấn để dạy sách giáo khoa đó.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo GDVN
4 lưu ý quan trọng trong thực hiện chương trình phổ thông 2017 - 2018 GD&TĐ - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ ký thay Bộ trưởng Bộ GD&ĐT văn bản số 4612/BGDĐT-GDtrH hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018. Theo văn bản này, ngày 1/9/2011, Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn số...