Chi 3-4 tỉ USD đi du học, người Việt mất niềm tin giáo dục trong nước
Đó là nhận xét của nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung – viện trưởng Viện giáo dục IRED, về làn sóng du học của học sinh Việt Nam những năm gần đây.
Nhóm học sinh Việt Nam đang du học tiếng Anh tại Trung tâm HELP, TP Baguio, Philippines (ảnh chụp ngày 1-7-2018) – Ảnh: HÀ BÌNH
Ông Trung cho rằng điều đó cho thấy người dân rất quan tâm đầu tư giáo dục cho con cái, nhưng từ đây cũng có nhiều nỗi lo…
Không có đầu tư nào đáng giá hơn đầu tư cho giáo dục
* Ông suy nghĩ như thế nào về con số khoảng 3-4 tỉ USD mà phụ huynh Việt Nam bỏ ra hằng năm để con em mình đi du học?
- Tôi cho rằng trong tất cả các khoản tiền đi ra nước ngoài thì khoản 3-4 tỉ USD dành cho du học là số tiền khôn ngoan nhất và đáng để tiêu nhất. Vì trên đời này không có đầu tư nào đáng giá hơn đầu tư cho giáo dục. Việc cho con em đi du học không chỉ là hưởng thụ nền giáo dục tốt mà còn trải nghiệm nền văn minh mới.
Có thể thấy rõ một thực tế hiện nay là đang có một cuộc tháo chạy khỏi giáo dục trong nước, ai cũng muốn cho con mình ra nước ngoài học, chẳng qua không có điều kiện mà thôi.
Cho nên tôi nghĩ con số 3-4 tỉ USD cũng còn ít, nếu người ta có tiền, chắc chắn nó sẽ lên tới 30 tỉ hoặc hơn.
* Ông nói mừng nhưng vẫn lo, nghĩa là sao?
- Đúng là sau khi mừng xong thì sẽ ái ngại, vì tại sao người ta không để tiền ở lại mà tự nguyện chấp nhận để ngoại tệ ra đi và rồi sau khi con em đi du học thì không ít người không quay trở về.
Cần phải làm rõ rằng nỗi buồn không nằm ở hiện tượng (đầu tư tiền của cho con đi học rồi con không quay về) mà nằm ở bản chất, ở chính cái nguyên nhân vì sao phải du học và vì sao học xong không về nước. Đây có lẽ là chuyện đáng bàn nhất xoay quanh con số 3-4 tỉ USD.
Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung
* Vậy theo ông, nguyên nhân là gì?
- Nguyên nhân thì ai cũng có thể nhận ra ngay, rất đơn giản, đó là vì người ta mất niềm tin vào giáo dục trong nước. Như đã biết, dù hiện nay có làn sóng cho con em đi du học từ rất sớm, từ cấp THCS, nhưng chiếm số lượng đông đảo nhất vẫn là đi học đại học và sau đại học.
Tại sao vậy? Tại vì người ta ít tìm được trường đại học đúng nghĩa ở trong nước. Mà không tìm được ở trong nước thì phải tìm ở ngoài nước thôi.
Cần một triết lý giáo dục rõ ràng
* Cần phải làm gì để giữ chân người học, thậm chí có thể nghĩ tới kịch bản một ngày nào đó sinh viên thế giới tìm đến Việt Nam học tập, làm việc?
Video đang HOT
- Câu trả lời tôi nghĩ cũng đã có, đó là cần phải tạo ra những nhà trường mà phụ huynh không phải cất công ra nước ngoài tìm kiếm, vừa tốn kém, đắt đỏ, lại vừa không hẳn là lựa chọn tối ưu trong giáo dục.
Tôi cho rằng người Việt đã được khai phóng có thể giúp người Việt biết cách “tự lực khai phóng” tốt hơn cả người bên ngoài. Muốn vậy thì giáo dục phải ra giáo dục, trường phải ra trường và thầy phải ra thầy.
Trước hết, cần định nghĩa lại nhà trường, cụ thể là nhà trường phổ thông và đại học. Với học sinh phổ thông, nhà trường không chỉ là nơi để học, còn là nơi để sống, một cuộc sống vừa có hạnh phúc, vừa có đấu tranh.
Nhà tư tưởng giáo dục người Mỹ John Dewey có một câu nói nổi tiếng về giáo dục: “Giáo dục không phải là chuẩn bị cho cuộc sống, nó chính là cuộc sống!” (Education is not preparation for life, it’s life itself).
Có một điều quan trọng nhất trong việc cải tổ nhà trường hay cải tổ nền giáo dục mà chúng ta không thể né tránh, đó là làm rõ triết lý giáo dục, hay đích đến của giáo dục là gì.
* Vậy theo ông, chúng ta cần triết lý giáo dục như thế nào cho giáo dục ngày nay?
- Sau nhiều năm làm giáo dục, tôi nghiệm ra rằng con người với “nhân tính, quốc tính và cá tính” (con người “tam tính”) là đích đến của giáo dục.
Nhân tính là những đặc trưng văn hóa để phân biệt con người với “con khác”, phân biệt giống người với những giống loài khác; khiến con người trở nên khác với muông thú, cỏ cây và máy móc.
Đó phải là những giá trị có tính phổ quát và trường tồn, được nhân loại tiến bộ cùng chia sẻ, chứ không bị giới hạn hay chi phối bởi những góc nhìn của quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hay thời đại.
Cá tính là con người độc lập, tự do; là đạo sống, giá trị sống, cách sống và thái độ của mình; là “bề trong” (phẩm giá), “bề trên” (đức tin) và “bề ngoài” (tính cách) của riêng mình; là “chân thắng” và “chân ga” bên trong con người của mình nhằm ngăn chặn mình làm điều ác và thôi thúc mình làm điều đúng; là thứ để phân biệt mình với người khác; là cái mà chúng ta muốn đề cập đến khi thốt lên “Tôi muốn được là chính mình!”.
Quốc tính được cấu thành bởi “dân tính” và “tộc tính”. “Dân tính” tức là “trách nhiệm công dân”, là “năng lực làm dân”. Còn “tộc tính” có thể được hiểu là “hồn cốt dân tộc”, căn tính quốc gia; là cảm thức về gốc gác; là nếp sống của gia tộc, dòng tộc, sắc tộc; là “cái neo văn hóa” của mình trong “chốn năm châu”.
Với giáo dục đại học, đích đến không chỉ là cùng với giáo dục phổ thông tiếp tục tạo ra “con người tam tính” như trên mà còn tạo ra con người “có nghề” (nghề chuyên môn cao) và “có tầm” (tầm vóc văn hóa).
* Như vậy, dường như gánh nặng đang đặt hết lên vai ngành giáo dục, thưa ông?
- Một mình ngành giáo dục thì chắc chắn không thể giải quyết được, mà cần phải có sự tham gia của Nhà nước và “nhà mình” (gia đình).
Nhà nước thì cần phải thanh lọc lại nền giáo dục, ví dụ phải quyết liệt rà soát và chỉ chấp nhận tồn tại những trường học đích thực, phải cấm cửa các trường mở ra chỉ để kiếm tiền bằng cách bán bằng, bán điểm.
Còn “nhà mình” thì cần phải trở thành phụ huynh thông thái để biết đâu là nơi xứng đáng bỏ tiền cho con em học, tránh vừa mất tiền và nguy hiểm nhất là “mất người”.
Nếu giáo dục là giáo dục, nhà trường là nhà trường, đại học là đại học, nhà giáo là nhà giáo, được làm công việc của người thầy (chứ không phải làm công việc của “thợ dạy” hay “máy dạy”) thì phụ huynh và học sinh đâu phải tốn kém và ra đi nữa, vì tất cả đã có sẵn ở nhà rồi. Thậm chí, hữu xạ tự nhiên hương, một nền giáo dục với triết lý giáo dục tiến bộ và mang tầm nhân loại sẽ tự khắc thu hút người học từ năm châu bốn biển.
Ông Giản Tư trung
Đồ họa: N.KH.
TS Hà Thúc Viên (quyền hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức):
Cần đầu tư xây dựng các trường có chất lượng quốc tế
Nền giáo dục đại học Việt Nam hiện nay có cải thiện về chất lượng và điều kiện học nhưng chưa đạt đến tầm khu vực và thế giới. Hạn chế lớn nhất của đại học Việt Nam trong việc giữ chân sinh viên trong nước là do chất lượng không cao, phương pháp dạy và học, điều kiện học tập, thực hành chưa tốt, bằng cấp phần lớn chưa được quốc tế công nhận một cách rộng rãi.
Ngoài các nguyên nhân trên, ngôn ngữ là rào cản trong việc thu hút du học sinh đến học tập tại các trường đại học của Việt Nam. Chương trình đào tạo bằng tiếng Anh ở các trường đại học Việt Nam rất ít. Hiện một số trường đại học Việt Nam đào tạo các lĩnh vực khoa học xã hội và tiếng Việt đang thu hút một số sinh viên nước ngoài từ các quốc gia trong khu vực châu Á có đầu tư lớn tại Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đến học tập để tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Theo tôi, để giữ chân học sinh trong nước và thu hút học sinh nước ngoài, Chính phủ cần đầu tư xây dựng các trường đại học có chất lượng quốc tế, tăng cường giảng dạy bằng tiếng Anh, cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng đại học thế giới để bằng cấp của các trường đại học Việt Nam được công nhận toàn cầu… khi kinh tế Việt Nam có mức phát triển cao, thị trường lao động có tính quốc tế hóa cao. Đồng thời, cần tăng cường các hoạt động trao đổi sinh viên quốc tế để thu hút sinh viên nước ngoài đến Việt Nam.
Theo tuoitre.vn
Trường đại học mời cả... chuyên gia massage cho sinh viên thư giãn
Đó là một trong những sự quan tâm tuyệt vời từ ĐH Lincoln, nằm ở Christchurch - thành phố lớn nhất đảo Nam New Zealand) dành cho các sinh viên của trường vào mùa thi.
Cùng lắng nghe chia sẻ từ bạn Nguyễn Trường Gia Bảo, sinh viên trường Đại học Lincoln, thành phố Christchurch về cuộc sống du học tại đây cũng như tình yêu dành cho "thành phố vườn" Christchurch!
Khi Christchurch là nhà...
Khi quyết định học tiếp thạc sĩ kinh doanh, mình đã "lạc trôi" không ít bởi ngành học này được đào tạo ở rất nhiều quốc gia hàng đầu thế giới về giáo dục. Tuy nhiên, khi mình tìm hiểu kỹ thì New Zealand là lựa chọn tốt nhất và đến tận bây giờ mình vẫn cảm thấy đó là một trong những quyết định đúng đắn nhất của mình.
Mặc dù là quốc gia có diện tích thuộc hàng "em út", nhưng New Zealand có những thế mạnh đáng gờm không thua kém các "anh lớn" như Anh, Mỹ, Canada v.v... Cơ duyên đưa mình đến New Zealand, đặc biệt là "thành phố vườn" Christchurch là vì chất lượng giáo dục, phong cảnh yên bình và sự hòa hợp tuyệt vời giữa con người với thiên nhiên ở nơi này.
Thời gian đầu sống tại Christchurch, có lẽ mình đã vẫy tay hàng trăm lần để... chào những người lạ trên đường. Người dân ở đây vô cùng thân thiện, đặc biệt là họ luôn giúp đỡ du học sinh rất nhiệt tình. Có lần đi làm thêm, một khách hàng biết mình là người Việt đã rất vui vì cô ấy cũng từng đến Việt Nam nhiều lần. Cô còn cho mình xem hình những chuyến đi sang Việt Nam và thăm hỏi mình về cuộc sống New Zealand. Những lời động viên đó có ý nghĩa rất lớn để mình vơi bớt nỗi nhớ nhà khi sống ở đây.
Mình chọn học tại trường Đại học Lincoln, đó là ngôi trường tuyệt vời từ những quan tâm rất nhỏ đến sinh viên. Vào mùa thi, biết các bạn học hành vất vả nên không có thời gian ăn uống đầy đủ, trường đã chuẩn bị nhiều gian hàng cho sinh viên để cung cấp cà phê, milo và trà miễn phí mỗi ngày.
Không những vậy, Hội Sinh viên còn tổ chức các buổi BBQ burger hoặc sandwich vào buổi trưa và thức ăn nhẹ vào buổi chiều cho sinh viên. Có ngày trường còn mời cả chuyên gia massage để cho các bạn có nhu cầu thì ghé thư giãn.
Christchurch tuyệt vời ngay từ hệ thống giáo dục chất lượng cao.
Giảng viên ở Christchurch là những nhà tâm lí chính hiệu
Mình có một anh bạn người Trung Quốc từng góp ý về tốc độ nói của giáo viên khá nhanh khiến bạn ấy không theo kịp bài vở. Ngay hôm sau, giáo sư đã nói chậm hơn, thường xuyên hỏi thăm cậu ấy và còn ghi âm bài giảng để gửi lại cho anh bạn.
Ngoài ra, sinh viên có thể ghé văn phòng của thầy cô để được tư vấn về cả chuyện học tập lẫn bất cứ vấn đề nào mà họ cần hỗ trợ. Chính vì sự quan tâm đó nên giáo viên Kiwi rất dễ có được cảm tình của sinh viên, đặc biệt là những du học sinh xa nhà còn nhiều bỡ ngỡ như mình.
Điều làm mình "ưng" nhất ở thầy cô trường Lincoln chính là sự cởi mở và tâm huyết của họ trong việc chia sẻ kiến thức.
Ở New Zealand, kiến thức là để chia sẻ chứ không phải lối học buộc sinh viên chấp nhận mọi quan điểm của giáo viên. Bạn hoàn toàn có thể tranh luận, phản biện và bảo vệ quan điểm của mình quá trình học. Mình còn nhớ trong một giờ học về văn hóa doanh nghiệp, giáo sư đặt vấn đề về việc liệu nhân viên có nên ở lại công ty làm ngoài giờ để hoàn thành nốt công việc hay không?
Lúc đó có hai hướng quan điểm khác nhau giữa các bạn phương Tây - trả lời là không và các bạn Châu Á - ủng hộ việc làm ngoài giờ để thể hiện trách nhiệm của mình với công việc. Thảo luận công khai với quan điểm đa chiều giúp mình nhận ra được sinh viên từ các nền văn hóa khác nhau thì họ cũng có những góc nhìn rất hay mà mình có thể học hỏi.
"Thời gian học tập ở New Zealand giúp mình học hỏi được nhiều điều hay ho" - Nguyễn Trường Gia Bảo - ngoài cùng bên phải, tác giả bài viết chia sẻ.
Ngoài chuyện học, Christchurch giúp mình nhận ra được một cuộc sống chất lượng là khi bạn có cân bằng giữa chuyện học tập, làm thêm và thời gian cho cá nhân mình.
Cảm giác khi sống ở Christchurch như bước vào một thế giới yên bình, nhịp sống không vội vã bon chen và khung cảnh đẹp đến mức mình chỉ cần đưa máy ảnh để chụp là sẽ có ngay bức ảnh lung linh.
Thiên nhiên tươi đẹp ở Christchurch.
Các chuyến du lịch ngắn đến những địa danh nổi tiếng ở đảo Nam New Zealand là cách tuyệt vời để giúp bạn phục hồi năng lượng sau thời gian học hành vất vả.
Vào dịp cuối tuần hoặc khi rảnh rỗi, mình thường có những chuyến đi để khám phá vẻ đẹp ở nơi đây. Có rất nhiều hoạt động ngoài trời như chèo thuyền trên dòng sông Avon thơ mộng, thăm thú những vườn bách thảo rộng lớn với hệ thực vật đa dạng, hay đi công viên Hagley với hàng cây cổ thụ trăm tuổi.
Thành phố này rất nổi tiếng với hệ thống công viên, vườn tược khắp nơi, cuối tuần lại có những hoạt động như leo núi, cưỡi ngựa, nhảy dù. Ở Christchurch càng lâu, phong cách sống xanh sẽ dần thân quen với bạn.
Chúng ta yêu một vùng đất khi chúng ta thấu hiểu được con người và văn hóa của nơi đó. Mình không còn xem thành phố này là "một nơi để đi du học" mà nó thật sự như một mái nhà.
Thời gian học tại Christchurch, mọi thứ của nơi này dần thấm vào người mình như hơi thở. Cảm ơn Christchurch vì đã cho mình những trải nghiệm tuyệt vời ở vùng đất này.
Nguyễn Trường Gia Bảo
(Từ Christchurch, New Zealand)
Theo Dân trí
Chàng trai Hà Nội chứng minh không cần có học bổng vẫn được miễn phí học và có lương cao Nguyễn Việt Phát - Chàng trai 24 tuổi đến từ Hà Nội đã chứng minh với cả gia đình mình rằng: Dù lực học bình thường, anh vẫn có thể được đi học miễn phí. Đặc biệt, anh còn được nhận mức 'lương' cao ngất ngưởng chỉ nhờ xách cặp đi học. Câu chuyện có thật này đã bắt đầu từ năm 2014,...