‘Chết’ dưới áp lực bạn bè
Do sợ bị bạn bè cô lập, cho ra rìa nếu không “ cùng hội cùng thuyền”, nhiều teen bấm bụng “nhúng chàm” để bằng bạn bằng bè…
Giao tiếp và cùng làm việc nhóm giúp teen định hình nhân cách.
Sống, chết có nhau
Trong chuyến đi Bình Dương mới đây, chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Hoa được một học sinh lớp 9 xưng là “người Sài Gòn” đến làm quen. Bạn trẻ tên Phúc này kể từng đạt học sinh giỏi suốt 6 năm, lên lớp 7 thì học hành sa sút do nhóm bạn thân cứ rủ trốn học đi thụt bida, chơi game. Biết mình sai và muốn sửa, nhưng do nhóm bạn dọa “nghỉ chơi” nên Phúc “chơi luôn”. Chuyển sang trường khác, Phúc lại rơi vào nhóm bạn hay quậy phá, đánh nhau và chơi ma túy. Bị đuổi học, cha mẹ đành cho Phúc được tiếp tục học ở quê ngoại Bình Dương.
Một chuyên viên tham vấn kể có lần được một bà mẹ tìm đến nhờ hỗ trợ cách xử trí khi cô con gái học lớp 6 cứ lấy cắp tiền của mẹ. “Mỗi lần mất vài triệu, vài bữa lại mất một lần, tôi theo dõi và bắt được quả tang. Bị đánh đau nhưng con bé cứ chứng nào tật nấy”, bà mẹ nói. Sau lần gặp chuyên viên tham vấn, bà mẹ này bỏ công tìm hiểu và biết con gái dùng tiền ấy bao bạn bè ăn để được nhóm bạn cho chơi chung. “Nhóm ấy toàn con nhà khá giả nên cô bé sợ bị cho ra rìa”, chuyên viên kể.
Khi cô chủ nhiệm gọi điện thoại về nhà báo tin cậu con trai học lớp 9 bị nhà trường kỷ luật vì nhiều lần mang dép lẹp xẹp đến trường, cha mẹ N. Tân (ngụ quận 5) cứ chưng hửng, vì hằng ngày Tân vẫn mang giày đi học đàng hoàng. Theo dõi và lục soát cặp con trai, họ mới biết cậu đem theo đôi dép để trong cặp, khi vào trường mới mang vào. Thì ra Tân chơi chung với một nhóm bạn thích “chơi nổi” bằng cách cùng nhau chống lại quy định nhà trường “phải mang giày đến trường”. “Nó làm thế do sợ bị nhóm tẩy chay”, bà mẹ nói.
Nghịch ngợm hơn nữa phải kể đến nhóm “ngũ hiệp” ở một huyện ngoại thành TP.HCM. Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, nhóm này có 5 nam sinh lớp 10 cùng “thấy ghét” một cô giáo nên định bày trò chơi khăm cô. Có 2 cậu trong nhóm phản đối do sợ bị kỷ luật, nhưng 3 cậu còn lại nêu lý lẽ “chơi chung phải sống chết có nhau, 2 thắng 2, không được cãi”. Cả bọn nghĩ ra cách đổ mực lên ghế nệm vải, cô giáo ngồi lên bị dính mực tèm lem nên cô đã khóc ngay trên lớp. Và nhóm teen này thật sự bất ngờ và ân hận khi chính cô giáo đó, với lòng vị tha của một nhà giáo, đề nghị cô chủ nhiệm cho ngưng việc “điều tra” thủ phạm.
Lấy “độc” trị “độc”
Video đang HOT
Theo các chuyên gia tâm lý, tuổi mới lớn được xem như giai đoạn chuyển tiếp trước khi chính thức bước ra xã hội một cách độc lập. Và nhóm bạn là một “xã hội thu nhỏ”, giúp trẻ học cách giao tiếp, cư xử với nhau. Đó vừa là nơi tâm sự, sẻ chia những băn khoăn của tuổi mới lớn, vừa là nơi giúp trẻ định hình cái tôi và cá tính. Trong giai đoạn này, bạn bè giữ vị trí cực kỳ quan trọng và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Thạc sĩ Khắc Hiếu nói: “Cha mẹ nói có thể không nghe, nhưng bạn bènói thì dễ tiếp thu hơn hẳn. Bị bạn bè tẩy chay là một hình phạt đáng sợ nhất”.
Vậy phải ứng xử ra sao? Thạc sĩ Hiếu cho rằng khi bị bạn bè dùng áp lực ép làm một việc mà mình không muốn, bạn trẻ hãy từ chối thẳng thắn nhưng bằng thái độ chân thành. Song song đó, bạn trẻ hãy bày tỏ sự lo lắng cho “ sức khỏe” của nhóm, gợi ra những hậu quả không đáng có mà cả nhóm có thể sẽ phải gánh chịu nếu tiếp tục những hành vi “bất thường” đó, đồng thời có thể đề xuất một ý tưởng khác hay hơn nhưng lành mạnh hơn.
“Nếu nhóm cứ lôi kéo rủ rê làm chuyện xấu, bạn trẻ cần bí mật báo cho giáo viên biết để kịp thời ngăn chặn”. Theo thạc sĩ Hiếu, bạn bè tốt không phải lúc nào cũng “xuôi theo chiều gió” mà đôi khi phải biết đứng về phía ngược lại để cảnh tỉnh bạn mình. Khi đó, giáo viên có thể dùng tập thể lớn hơn để giáo dục “tập thể nhỏ”, cụ thể hơn là sử dụng dư luận của cả lớp để điều chỉnh hành vi lệch lạc của nhóm nhỏ. Thạc sĩ Hiếu cho rằng đôi khi giáo viên cũng cần can thiệp, thâm nhập vào nhóm để kịp thời ngăn chặn những hành vi lệch lạc.
Theo một chuyên viên tâm lý, người lớn cần trang bị cho trẻ “chiếc khiên tự phòng vệ” bằng cách dạy trẻ biết phân biệt tốt – xấu ngay từ nhỏ, biết cách nói “không” với người khác một cách chân thành, biết tìm kiếm sự can thiệp của “bên thứ ba” khi bị bạn bè đưa vào tình huống khó xử. Còn thạc sĩ Trần Thị Ái Liên lưu ý dạy trẻ cách khẳng định bản thân trước bạn bè một cách lành mạnh như học giỏi, làm việc tốt, giúp đỡ cha mẹ…
Không nên tách rời hay xé lẻ nhóm Theo thạc sĩ Hiếu, khi xử lý các vụ việc do nhóm bạn gây ra, người lớn (giáo viên, phụ huynh) nên tránh lên án trẻ chơi theo nhóm mà chỉ nên phê phán hành vi sai của nhóm. “Nếu phạt hãy phạt cả nhóm, vì các thành viên không biết cảnh tỉnh lẫn nhau. Tuyệt đối không xúc phạm tình bạn giữa chúng. Còn việc tách rời hay xé lẻ nhóm chỉ là biện pháp cuối cùng”. Thạc sĩ Hiếu nói thêm nhà trường cần quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng ứng xử học đường, đặc biệt là ứng xử bạn bè. Riêng với các nhóm trong lớp, giáo viên cần “nắm” được thủ lĩnh nhóm để tác động và định hướng các thành viên còn lại. Ngoài ra, giáo viên cần biết cách sử dụng các nhóm khác để giám sát và cảnh tỉnh những nhóm “có vấn đề” hoặc kịp thời ngăn chặn những “ý đồ đen tối”.
Theo Tuổi Trẻ
Giáo viên "sẩy miệng", học trò trầm cảm
Thay vì giúp đỡ, chia sẻ với học sinh, có những giáo viên chỉ chăm chăm bắt lỗi, chửi mắng làm học trò phải sống trong tâm trạng lo lắng. Đặc biệt, những lời lẽ xúc phạm của người làm nghề "gõ đầu trẻ" rất dễ làm tổn thương học trò.
Ví học sinh là ma, là quỷ
Một vị lãnh đạo ngành giáo dục kể rằng, ông đã từng xử lý vụ việc liên quan đến nữ sinh tên Yến đang theo học tại một trường THPT ở TPHCM. Em này đòi chuyển sang lớp khác, nếu không sẽ bỏ học. Khi hỏi han sự tình mới hay, một lần trong giờ học, em bị rơi chiếc bút nên cúi xuống tìm. Khi em đang lom khom tìm bút thì trên bục giảng, giáo viên (GV) nói vọng xuống: "Ủa, lớp mình có nuôi chó à?".
Từ đó, các bạn đặt cho em này biệt danh là Yến "chó" làm em mất hết tự tin. Sang năm học mới, thấy cô giáo nọ vẫn dạy lớp mình, Yến nhất quyết đòi chuyển.
Ở độ tuổi mới lớn, học trò rất dễ bị tổn thương bởi những lời lẽ thiếu tôn trọng từ người lớn.
Em N.T.T, theo học tại một trường THPT ở Gò Vấp, TPHCM cho hay, em chứng kiến không ít GV thường xuyên dùng những lời lẽ nặng nề với HS. Như việc HS bị chửi ngu, dốt, dở hơi... là thường, một số GV còn lôi cả phụ huynh vào để "đay nghiến" HS như: "Ba mẹ các người không biết dạy", "Nòi anh chị ngu nên có thế mà không biết"...
Bản thân T. trước khi chưa chuyển trường em cũng bị sốc trước lời lẽ của một cô giáo trẻ. T. hoạt động Đoàn rất năng nổ, được nhiều thầy cô trong trường quý mến nhưng riêng GV này rất khó chịu với T., luôn gây khó dễ trong việc học của em. T. phán đoán do có lần tham gia hoạt động Đoàn trùng với tiết dạy của cô nên T. xin nghỉ, có thể vì thế mà cô cho rằng T. không coi trọng môn mình dạy.
Trong tiết dạy ở lớp bên cạnh, cô giáo này đã thẳng thừng nói về T.: "Nó tưởng làm Đoàn là ngon à? Nhìn cái mặt đeo kính xấu ớn, đen như quỷ mà tưởng ta đây đẹp lắm, giỏi lắm!". T. đã suy sụp tinh thần hoàn toàn bởi theo em khẳng định cô không "lỡ miệng" lúc tức giận mà nói như bêu rếu học trò một cách ác ý.
GV thiếu tâm huyết
Nhiều HS cho rằng, việc GV xúc phạm học trò thường xảy ra trong hai trường hợp. Có những GV thường xuyên buông những lời khó nghe nhằm xúc phạm làm tổn thương học trò cũng như để hả cơn giận nhưng có GV la mắng xuất phát từ sự lo lắng, mong các em tiến bộ hơn. Học trò ít nhiều đều cảm nhận được mục đích la mắng của các cô là vì thương hay vì ghét.
Nhưng dù bất cứ trường học nào thì GV đều đánh mất hình ảnh của mình trong mắt HS. Chưa kể, có GV mắng HS sai mười mươi nhưng lại né tránh việc xin lỗi nên nhiều khi sự việc nhỏ lại thành ra trầm trọng.
Một HS ở Q.5, TPHCM kể rằng, trong giờ học thêm môn Sử, thấy nhóm bạn nữ đang ngồi nhâm nhi me chua, cô giáo buông lời: "Các chị ốm nghén à?". Các bạn nữ sinh đỏ mặt vì xấu hổ còn những HS khác trong lớp cũng lặng người vì quá bất ngờ trước câu nói của một GV lớn tuổi nổi tiếng chuẩn mực, được nhiều thế hệ học trò kính trọng.
"Sau khi dạy được nửa tiết, bất ngờ cô dừng lại và nói: "Lúc nãy cô lỡ lời với các em, cô xin lỗi". Thế là mọi thứ được giải tỏa, bọn mình lại càng thêm kính trọng cô. Nhưng những GV dám xin lỗi HS thế này em nghĩ là rất hiếm", HS này nói.
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM mới đây, nhiều HS THPT cũng phản ánh tình trạng có những GV thay vì giúp đỡ, chia sẻ với HS lại chỉ chăm chăm bắt lỗi, chửi mắng làm HS luôn phải sống trong tâm trạng lo lắng, đến mức có em còn bị trần cảm, học hành sa sút cũng như ảnh hưởng đến quan hệ thầy trò.
Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Sở TPHCM cho rằng môi trường sư phạm là nơi gắn kết HS với gia đình, nhà trường giúp các em vượt qua những khó khăn trong học tập, cuộc sống. GV dạy học mà sử dụng những lời lẽ la mắng, chửi bới HS là đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Đứng ở góc độ quản lý, hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm đối với những GV làm tổn thương học trò.
Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM bày tỏ chưa nói đến việc mạt sát, hạ nhục học trò mà nhiều khi chỉ câu nói đùa, vô tình không ác ý nhưng không đúng chuẩn sư phạm của GV cũng có thể ảnh làm hưởng đến HS. Bởi ở độ tuổi này các em rất nhạy cảm, dễ tổn thương.
Theo ông Đỗ Quốc Anh, biết rằng GV chịu rất nhiều áp lực công việc, nhưng chỉ có thể thông cảm khi họ có thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng. Còn khi đã chọn nghề giáo họ phải hiểu rằng trước hết phải có tình thương, tâm huyết đối với học trò.
Hoài Nam
Theo dân trí
Rụt rè với tư vấn học đường Hoạt động tư vấn học đường được đưa vào trường phổ thông từ nhiều năm nay nhằm gỡ rối tơ lòng cho học sinh (HS) tuổi mới lớn. Tuy nhiên, HS lại luôn từ chối. Chỉ đến khi giáo viên yêu cầu! Thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ về số lần tham vấn tự nguyện đối với 10 HS tại Trường THPT...