Check phản ứng của bạn khi đối mặt với điểm kém
Là học sinh, ít nhiều trong đời bạn đã phải có lúc đối mặt với những điểm số không mong muốn.
Cùng chúng tớ xem thử biểu hiện của teen với “điều không mong muốn nhất” sẽ như thế nào nhé.
Hoảng sợ, không chấp nhận
Đối tượng: Các bạn có lực học tốt.
Phản ứng: “Tại sao lại thế, tại vì sao, sao không thế này mà lại là thế kia?”. Đầu tiên, phản ứng của các bạn là… lật đật đem máy tính ra bấm xem cô có cộng nhầm điểm không. Nếu cộng nhầm thì đương nhiên là a-lê-hấp, bàn giáo viên thẳng tiến rồi.
Còn chẳng may mà không cộng nhầm thì các đối tượng này bắt đầu toát mồ hôi hột ngồi tập trung dò lại, hỏi han linh tinh những đứa bên cạnh, rồi tùy tình hình sau đó mà phán tiếp.
Nhận xét của các đối tượng xung quanh: Tùy trường hợp mà các bạn có thể phán “Ăn thua quá!” hoặc ngồi thì thầm với nhau “Ê, bài thế mà nó chỉ có ngần ấy điểm”.
Im lặng
Đối tượng: Ai cũng có thể.
Phản ứng: Im lặng, giấu nhẹm bài kiểm tra đi. Ai hỏi thì cười cho qua loa hoặc bịa con điểm không-đến-nỗi-tệ để mọi người ồ à. Sau đấy len lén lôi bài kiểm tra ra… đọc lại.
Tệ hơn có bạn còn nổi cáu hoặc phát khùng lên vì có ai đó hỏi điểm của mình. Nguồn nguy hiểm cao độ, teen ghi nhớ để tránh xa ra nhé.
Video đang HOT
Nhận xét của các đối tượng xung quanh: Đoán biết ngay bài kiểm tra bị điểm kém, tránh xa ra trước khi nó nổi khùng với mình.
Mỗi bạn đều có kiểu phản ứng khác nhau khi thấy điểm kiểm tra của mình ngoài mong đợi. (Ảnh minh họa)
“Makeno”, trước sau cũng thế thôi
Đối tượng: Hoặc là học không khá lắm, hoặc là quá quen với điểm kém, hoặc là… chưa phát bài mà biết trước kết quả rồi.
Phản ứng: Phát bài kiểm tra – nhìn điểm – đậy bài kiểm tra lại (hoặc nhét vào góc sách nào đó) – đi chơi luôn. Ai hỏi điểm thì trả lời, cũng chẳng hỏi điểm của ai.
Nhận xét của các đối tượng xung quanh: Cao thủ! Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Ngộ cái, thường thì những bạn có tâm lý thoải mái như thế này khi chơi với bạn bè cũng rất được lòng mọi người đấy nhé.
Làm loạn trong lớp để hỏi điểm
Đối tượng: Ai cũng có thể.
Phản ứng: Loay hoay, quay ngang quay ngửa hỏi điểm bài kiểm tra. Cá biệt có trường hợp giật bài kiểm tra của bạn coi điểm trước. Mồm bàn tán xôn xao, mắt dáo dác nhìn lên bảng (sợ thầy cô cho vào sổ đầu bài tội gây mất trật tự đây mà).
Nhận xét của các đối tượng xung quanh: Vô duyên!
Thế đấy teen ạ, những con điểm kém trong đời ai mà chẳng một lần mắc phải và dù cho bạn có phản ứng thế nào thì điều quan trọng là bạn phải cố gắng để lần sau không phải gặp lại “anh bạn không mời mà tới” này nữa teen nhé.
Theo TTVN
Những chiêu "thủ tiêu" bằng chứng mắc lỗi của teen
Teen đi học chắc khó tránh được những lỗi như đi học trễ, điểm kém hay mặc sai đồng phục,... Nhưng thay vì đối mặt với sự thật thì nhiều teen lại tìm cách "thủ tiêu" bằng chứng mắc lỗi của mình để không bị thầy cô phát hiện.
"Thủ tiêu" sổ đầu bài
Chuyện mất sổ đầu bài ở lớp đã không còn mới lạ. Bên cạnh lý do bất cẩn của người giữ sổ thì cũng có những lần quyển sổ "không cánh mà bay".
Như trường hợp của M.Thắng (lớp 10, trường NT), lập kỷ lục với số lần bị ghi vào sổ đầu bài như đi học muộn, nói chuyện trong giờ, mặc sai đồng phục, không làm bài tập, bị điểm kém, cãi lời thầy cô, làm việc riêng trong giờ học,... Có thể nói, không một hôm nào mà không có tên Thắng trong sổ. Tuy vậy, Thắng lại rất sợ bị bố mẹ biết vì như vậy sẽ bị cắt tiền tiêu vặt hàng tháng. Lợi dụng lúc lớp trưởng bất cẩn, Thắng lén lấy quyển sổ đầu bài nhét vào cặp đem về "thủ tiêu", làm hại cô bạn lớp trưởng phải chịu phạt. Cứ thế, Thắng hí hửng tin rằng sẽ chẳng ai biết và mình vẫn "nằm" trong vòng an toàn.
Tương tự như Thắng, rất nhiều vụ "thủ tiêu" sổ đầu bài nhằm giấu tội khác diễn ra. Bích Hằng (lớp 11, trường NTT) là lớp phó nên Hằng có trách nhiệm giữ sổ đầu bài. Nhưng có một lần, cô nàng bất cẩn xem lộn thời khóa biểu nên học nhầm bài của hôm trước, dẫn tới việc bị điểm kém kiểm tra miệng. Là học sinh giỏi, được thầy cô yêu quý nên Hằng rất xẩu hổ. Sợ cô chủ nhiệm và cha mẹ biết nên Hằng giả vờ đổ cà phê vào quyển sổ để che tội. Vụ việc trót lọt, cô chủ nhiệm cũng không hề biết về sự tồn tại của con điểm kém đó. Hằng chỉ bị nhắc nhở lần sau phải cẩn thận hơn.
Sửa sổ liên lạc, giả mạo chữ ký
Sổ liên lạc là phương tiện trao đổi qua lại giữa giáo viên và học sinh. Mọi ý kiến, nhận xét của thầy cô đều được phản ánh thông qua đó. Trung bình mỗi tháng sẽ được gửi về cho gia đình nhận xét và ký tên xác nhận. Tuy nhiên, nhiều teen do không muốn bố mẹ biết về tình hình học tập của mình nên đã tự động nhận xét rồi giả mạo chữ ký hay nhờ một ai đó nhận xét dùm.
Xuân Tùng (lớp 10, THPT ĐĐ) là một chuyên gia trong việc này. Người được Tùng tín nhiệm trong trường hợp này là bác xe ôm đứng ngay cổng trường. Cứ mỗi lần cần, Tùng chỉ cần chi ra 20 nghìn là có ngay lời nhận xét cũng như chữ ký giả mạo. Bạn bè trong lớp ai cũng biết hành vi sai phạm này của Tùng, nhưng đối với Tùng, chỉ cần giáo viên không biết là được!
Sửa điểm, khai gian
Mặc dù nói, điểm số không quan trọng nhưng điểm số trên lớp phần nào đánh giá khả năng học tập của học sinh. Nên nhiều thầy cô, phụ huynh nhìn vào đó để biết được trình độ cũng như thái độ học tập của con em mình ra sao.
Áp lực từ việc cha mẹ quá mong đợi vào con cái nên T.Dũng lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi. Mỗi lần trả bài kiểm tra là một lần Dũng thấy bất an, lo lắng. Chỉ cần nhìn thấy khuôn mặt cha mẹ thở dài thôi là Dũng không còn biết phải làm gì nữa. Không muốn cha mẹ buồn, thay vì cố gắng học tập tốt, Dũng lại tìm cách sửa điểm trong sổ liên lạc hay khai khống điểm với cha mẹ. Lúc đầu, Dũng còn thấy áy náy nhưng sau thấy không bị phát hiện và cha mẹ cũng vui nên Dũng ngày càng "lấn sâu". Nói dối hết lần này đến lần khác.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều teen còn sử dụng những mánh khóe, chiêu thức mạo hiểm hơn rất nhiều. Với những thầy cô dễ tính và ngại vào điểm thì thường trả bài cho học sinh xong, từng người sẽ đọc điểm của mình để cô vào sổ. Nhiều teen do ngại với bạn bè về điểm số cũng như sợ tổng kết điểm kém nên liều mình khai khống điểm lên. Chẳng hạn, được 5 nhưng lại khai là 7. Thầy cô chấm nhiều bài nên sẽ không thể nhớ hết điểm của từng người. Sau đó chỉ cần giữ bài kiểm tra thật kỹ, không để ai thấy điểm thật của mình là được!
Những điều bạn mất khi thực hiện mánh khóe "thủ tiêu"
Cái lợi trước mắt thì ai cũng thấy nhưng cái hại đằng sau thì chỉ khi bị phát hiện teen mới nhận ra sai lầm của mình. Như trường hợp của Thắng, một lần vô tình bị bạn cùng lớp phát hiện lúc đang cầm quyển sổ đầu bài cho vào cặp thì vụ việc lập tức lan rộng khắp trường, khiến Thắng lâm vào hoàn cảnh khốn đốn. Bị kỉ luật và hơn hết là bị bạn bè xa lánh.
Còn cô bạn lớp phó Bích Hằng, tuy không ai biết về hạnh động sai trái của mình, nhưng bản thân luôn có cảm giác áy náy, có lỗi. Thậm chí lúc nào cũng nơm nớp sợ rằng một ngày nào đó việc làm sai của mình sẽ lộ ra.
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra nên vụ việc của Dũng cũng sớm bị phát giác. Nếu như trước đây Dũng làm cha mẹ buồn một thì giờ họ lại buồn mười vì sự dối trá, không dám đối diện với cha mẹ của con mình. Một bài học đáng buồn cho Dũng.
Và điều cuối cùng, đó thực sự là những hành động gian dối xấu xí. Bạn không học bài, tất nhiên sẽ không thể được điểm cao. Bạn phải chịu trách nhiệm về điều đó. Khắc phục lỗi sai phải bằng sự cầu tiến để không bao giờ lặp lại lỗi đấy, chứ không thể bằng cách "thủ tiêu" bằng chứng phạm lõi của mình.
Theo PLXH
Vào mùa thi, căng thẳng nhất là lúc khảo bài Nhiều bạn đâm ra sợ đến trường đấy...! Để có một nền tảng vững chắc cho kì thi tốt nghiệp thì không một trường THPT nào bỏ qua việc khảo các môn thi học bài như Văn, Sinh, Địa có khi cả Lý của kì thi năm nay. Tất nhiên sẽ có rất nhiều tình huống, cũng như áp lực xảy ra đối...