Chêch lệch lương vẫn rất lớn ở các nền kinh tế phát triển
Dữ liệu ngày 23/5 cho thấy mặc dù mức lương trung bình của người lao động Hàn Quốc đã đạt mức cao mới, vượt qua 90% mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sự chênh lệch giữa người lao động vẫn là một mối lo ngại, trong đó khoảng cách về lương theo giới là đáng kể nhất.
Công nhân làm việc trong nhà máy sản xuất ô tô ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo OECD, mức lương trung bình của người lao động Hàn Quốc ở mức 48.922 USD vào năm 2022, chiếm 91,6% mức trung bình của các thành viên OECD. Con số này lần đầu tiên vượt mốc 90% vào năm 2020, tăng từ 89,7% năm 2019 lên 90,4% và tiếp tục tăng lên 90,6% vào năm 2021.
Mức lương trung bình của người lao động Hàn Quốc khoảng 26.000 USD vào năm 1992, lần đầu tiên vượt mốc 40.000 USD vào năm 2011 và gần đây đã gần đạt mốc 50.000 USD, liên tục thu hẹp khoảng cách với mức trung bình của OECD. Điều này khiến Hàn Quốc đứng thứ 19/38 nước thành viên OECD. Iceland dẫn đầu với mức lương trung bình của người lao động là 79.473 USD và theo sau là Luxembourg với 78.310 USD.
Video đang HOT
Tiếp theo là Mỹ và Thụy Sỹ với lần lượt là 77.463 USD và 72.993 USD. Mexico có mức lương thấp nhất là 16.685 USD. Mức lương trung bình của Nhật Bản là 41.509 USD, xếp thứ 25. Hàn Quốc lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản vào năm 2014 và khoảng cách ngày càng gia tăng trong 10 năm qua.
Tính đến năm 2022, mức lương trung bình của Hàn Quốc cao gấp 1,2 lần so với Nhật Bản. Tuy nhiên, bất chấp sự gia tăng đáng chú ý, khoảng cách lương giữa các giới trong lao động Hàn Quốc vẫn còn lớn.
Năm 2022, Hàn Quốc ghi nhận mức chênh lệch lương theo giới tính cao nhất trong số các nước OECD ở mức 31,2%, cao gấp 26 lần so với Bỉ, quốc gia có mức chênh lệch thấp nhất là 1,2%. Israel (Ích-ra-en) có khoảng cách lớn thứ hai với 25,4%, tiếp theo là Latvia với 24,9% và Nhật Bản với 21,3%. Mỹ có khoảng cách là 17%. Sự khác biệt về lương dựa trên quy mô công ty và loại hình việc làm cũng rất nổi bật. Dữ liệu từ Thống kê Hàn Quốc công bố vào tháng 2/2023 cho thấy thu nhập trước thuế trung bình hàng tháng của người lao động tại các công ty lớn ở nước này là 5,91 triệu won (4.337,6 USD). Con số này cao gấp 2,1 lần so với thu nhập của người lao động ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một cuộc khảo sát khác do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc công bố vào tháng Tư cho thấy mức lương theo giờ của nhân viên chính thức là 24.799 won (18,2 USD), cao gấp 1,4 lần so với nhân viên không thường xuyên.
Các chuyên gia kêu gọi nỗ lực liên tục để giảm khoảng cách tiền lương ở những khu vực này, cảnh báo rằng sự chênh lệch như vậy có thể dẫn đến xung đột xã hội. Nhà nghiên cứu Kim Nan-jue thuộc Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cho biết kể từ khi OECD bắt đầu công bố dữ liệu về chênh lệch lương theo giới vào năm 2007 cho 21 quốc gia thành viên, Hàn Quốc luôn có khoảng cách về lương theo giới lớn nhất, ngay cả khi số quốc gia được khảo sát đã tăng lên 38.
Theo nhà nghiên cứu Kim Nan-jue, với số liệu thống kê về tỷ lệ việc làm và tiền lương, việc giải quyết tình trạng gián đoạn sự nghiệp mà phụ nữ Hàn Quốc ở độ tuổi 30 phải đối mặt được coi là ưu tiên hàng đầu để giải quyết sự chênh lệch giới tính trên thị trường lao động Hàn Quốc.
Hàn Quốc: Dự báo thiếu 900.000 việc làm trong 8 năm tới
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, một phân tích cho thấy thị trường lao động Hàn Quốc sẽ thiếu hụt nhân lực lên tới 900.000 người trong 8 năm tới do tác động ảnh hưởng mạnh mẽ từ tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa dân số.
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ô tô ở Pyeongtaek, Hàn Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Dân số trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc đã bắt đầu giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2019 và để ngăn chặn tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại do lực lượng lao động sụt giảm, việc đưa ra các chính sách cụ thể để đảm bảo không đủ nhân lực là điều cấp thiết đối với chính phủ nước này.
Ngày 15/3, Bộ Việc làm và Lao động (MOEL) cùng Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc (MOEF) đã tổ chức cuộc họp Nhóm đặc nhiệm việc làm (TF) lần thứ 15 giữa các bộ liên quan và thảo luận về các nhiệm vụ chính sách lớn dựa trên phân tích này. Tại cuộc họp, quy mô thiếu hụt lao động do thay đổi cơ cấu nhân khẩu học đã được trình bày chi tiết.
Trong báo cáo về 'Triển vọng Cung và Cầu Nhân lực Trung và Dài hạn (2022-2032), Dịch vụ Thông tin Việc làm Hàn Quốc (KEIS) cho biết, vào năm 2032, Hàn Quốc cần bổ sung tới 894.000 nhân lực vào thị trường lao động để ngăn chặn tình trạng suy thoái trong tăng trưởng kinh tế do lực lượng lao động giảm. Thứ trưởng MOEL Lee Seong-hee giải thích: "Khi quá trình chuyển đổi cơ cấu công nghiệp tiến triển, các ngành có số lượng người có việc làm ngày càng tăng và những ngành có số lượng người có việc làm đang giảm sẽ trở nên rõ ràng hơn".
KEIS phân tích rằng khi nhu cầu chăm sóc thực tế tăng lên và quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tăng tốc, số người có việc làm sẽ tăng lên trong các ngành dịch vụ, bao gồm y tế và phúc lợi, thông tin và truyền thông cũng như các ngành khoa học và công nghệ chuyên ngành.
Tuy nhiên, các ngành sản xuất ô tô, gia công kim loại và dệt may, những ngành đang chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường, bao gồm cả xe điện, được chọn là những ngành sẽ chứng kiến tình trạng việc làm giảm sút.
Hàn Quốc tiết lộ trung tâm sản xuất chip lớn nhất thế giới Hàn Quốc công bố kế hoạch trị giá 473 tỷ USD cho trung tâm bán dẫn lớn nhất thế giới vào năm 2047 do Samsung, SK Hynix dẫn đầu, nhằm thống trị ngành chip toàn cầu. Mới đây, Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm thành lập một "cụm siêu bán dẫn" ở phía nam Seoul vào năm 2047,...