“Chê” SV dân lập là đi ngược lại với sự phát triển
Trước việc UBND tỉnh Nam Định thông báo không tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức, nhiều lãnh đạo trường ĐH cho rằng quy định như vậy đi ngược với sự phát triển, là tư duy lỗi thời.
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thành Tây: Đứng về tư duy hội nhập là không ổn
Nam Định phân biệt đối xử với sinh viên (SV) dân lập như vậy không đúng vì Luật Giáo dục đã công nhận bằng cấp của các loại hình đào tạo công lập, tư thục, dân lập đều như nhau. Nếu không tuyển SV tốt nghiệp trường tư thục thử hỏi trên thế giới như Mỹ toàn trường tư thục thì có tuyển không. Cách nhìn nhận như vậy nếu đứng về tư duy hội nhập là không ổn, lỗi thời và định kiến.
Nam Định đưa ra cách tuyển như thế nào thì quyền của Nam Định nhưng đưa ra quy định không nhận SV dân lập, tại chức là không đúng gây nên sự hiểu lầm đối với xã hội và kể cả đường lối giáo dục xã hội hóa cũng bị hiểu nhầm. Đường lối của Nhà nước là tạo điều kiện cho mọi người được học.
Về chất lượng giáo dục các trường ngoài công lập, công nhận là chỗ này chỗ kia có vấn đề chưa theo kịp yêu cầu nhưng đó là thời kỳ ban đầu. Trong 5 năm đầu phải chấp nhận chất lượng mức này mức kia nhưng nhà nước có quy chế thật chặt để đảm bảo chất lượng tối thiểu và nâng dần chất lượng lên.
Nếu nói SV dân lập không bằng công lập thì không đúng. Trong ảnh: Đặng Xuân Nam, sinh viên trường ĐH Duy Tân, nhận bằng khen của Bộ GD-ĐT.
Hoàng Thị Lan Phương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD-ĐT: Nam Định quy định như vậy không đúng!
Video đang HOT
Nam Định làm như vậy không đúng. Đối với Luật Giáo dục đã không phân biệt trường công lập và dân lập. Ngay cả Luật Giáo dục đại học sắp tới cũng không có sự phân biệt. Khi xây dựng Luật Giáo dục đại học, đã có ý kiến cho 1 Chương riêng cho trường dân lập nhưng chúng tôi nghĩ không cần thiết vì đã công nhận bằng cấp thì luật như nhau.
Biết rằng mục tiêu tuyển dụng phụ thuộc vào nhà tuyển dụng nhưng nếu nói SV dân lập không bằng công lập thì không đúng. Hiện nay có nhiều trường dân lập tốt như ĐH Thăng Long, ĐH Văn Lang, ĐH FPT…, không nên đánh đồng chung như vậy.
Nguyễn Xuân Phong, phó hiệu trưởng Trường ĐH FPT: Không nên lấy chất lượng đầu vào làm thước đo chất lượng giáo dục đại học
Nam Định quy định như vậy là không đúng với Luật vì các phôi bằng đại học đều do Bộ GD-ĐT quy định. Luật giáo dục cũng đã ghi không phân biệt trường công và trường tư. Cơ quan nhà nước mà từ chối như vậy là không hợp lý.
Nhà tuyển dụng chọn SV trường nào để tuyển cũng là chuyện bình thường nhưng mà phân biệt rất thô giữa khối công lập và dân lập như vậy không được. Trên thực tế hiện nay rất nhiều trường dân lập đã vượt trường công. Với trường ĐH FPT, tôi tự tin là chất lượng đào tạo đã vượt được một số trường công tốp đầu.
Về phía trường ĐH FPT, chúng tôi không lo ngại về việc tuyển dụng vì đối tượng SV trường tôi rất ít khi vào công chức mà chủ yếu vào doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp thì không sợ vì họ không quan tâm việc SV tốt nghiệp trường nào ở Mỹ hay Việt Nam mà quan trọng người đó có đáp ứng yêu cầu họ đưa ra hay không.
Lý giải như lãnh đạo Nam Định do chất lượng đầu vào các trường dân lập thấp. Tuy nhiên, chất lượng đầu vào cũng quan trọng nhưng nó không phải tất cả vì các em học sinh ngoài việc học trong trường thì điều quan trọng nhất các em học ngoài nhà trường, do vậy không nên lấy chất lượng đầu vào làm thước đo chính cho chất lượng giáo dục đại học.
Việc xã hội đánh giá không cao các trường ngoài công lập tất nhiên cũng có lý do vì nhiều trường cũng làm không tốt trong những năm đầu. Để khôi phục được hình ảnh trong xã hội, các trường ngoài công lập sẽ phải nỗ lực hơn trong việc chuẩn đầu ra, việc làm của SV và đánh giá của xã hội. Vấn đề này không phải ngày một ngày hai làm được mà phải có thời gian.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
"Chê" SV dân lập: Nam Định không thực hiện đúng Luật GD
Nam Định đã đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước Không thực hiện theo đúng tinh thần của Luật giáo dục Bộ Tư pháp cần nghiên cứu xem văn bản UBND tỉnh Nam Định ra đã đúng luật...
Đó là nhiều ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH ngoài công lập về sự kiện UBND tỉnh Nam Định vừa thông báo chủ trươngkhông tuyển dụng công chức là những người tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức.
Không thực hiện Chủ trương của Đảng và Nhà nước!
Bức xúc trước quyết định của UBND tỉnh Nam Định, GS.TSKH Đặng Ứng Vận, Nhà giáo nhân dân, nguyên Ủy viên, Chánh văn phòng Hội đồng quốc gia về giáo dục, hiện là hiệu trưởng Trường ĐH Hòa Bình cho rằng: "Nam Định làm như vậy không nên, đã đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước và làm việc phi lý. Cần xem xét lại trách nhiệm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước. Luật Giáo dục đã quy định bằng cấp của các trường ĐH công lập, dân lập có giá trị như nhau, tại sao Nam Định làm vậy. Trường đại học nào chẳng có phần kém chất lượng. Trong lớp học có sinh viên giỏi, sinh viên yếu, tại sao lại quy đồng như nhau".
Đồng quan điểm, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, bức xúc: "Nam Định không thực hiện theo đúng tinh thần của Luật Giáo dục". Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng Trường ĐH Phương Đông, kiến nghị: "Nam Định cần nghiên cứu lại quy định của mình. Bộ Tư pháp cần nghiên cứu lại xem văn bản đó có đúng Luật hay không?".
Ông Nguyễn Viết Hải, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Chu Văn An, cho rằng: "Nam Định ra quyết định không nhận sinh viên trường dân lập là không ổn lắm. Khi nhà nước đã công nhận các loại hình đào tạo thì cần phải đối xử công bằng. Hiện các trường ngoài công lập đang cố gắng nâng cao chất lượng chuẩn đầu ra. Nếu Nam Định cần người giỏi thì nên tổ chức thi tuyển, ai mạnh thì người đó thắng. Cần có sự sòng phẳng trong thi tuyển".
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cũng không đồng tình với quan điểm của tỉnh Nam Định, ông cho hay: "Đảng và Nhà nước đang cố gắng thực hiện xã hội hóa giáo dục và kêu gọi các doanh nghiệp, tư nhân, tổ chức xã hội cùng giúp sức. Nam Định "nói không" với sinh viên dân lập và tại chức thì chủ trương của Đảng và Nhà nước sẽ không thực hiện được". Sức ép lại dồn vào các trường ĐH công lập".
Sinh viên Trường ĐH tư thục FPT trong lễ tốt nghiệp. Luật Giáo dục quy định bằng cấp của các trường ĐH công lập, dân lập có giá trị như nhau.
Cần có biện pháp xử lý!
Lãnh đạo của một trường đại học có ý kiến: "Nếu Nam Định "chê" sinh viên dân lập, tại chức, thử hỏi trong khối lãnh đạo tỉnh có ai không học tại chức?".
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp Hội các trường ĐH,CĐ ngoài công lập, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã dẫn giải: "Nghị quyết ĐH Đảng IX đã khẳng định việc xây dựng Xã hội học tập, theo đó phải khuyến khích mọi người dân phải học tập suốt đời. Giáo dục trong nhà trường có giới hạn do vậy Nhà nước khuyến khích mở các loại hình trường để mọi người dân được đi học. Bên cạnh đó, Luật Giáo dục cũng đã quy định bằng cấp chính quy và không chính quy đều có giá trị như nhau. Như vậy, Nam Định nói không với sinh viên dân lập là sai, làm nhiều em sinh viên và phụ huynh có con đang học ở các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập chán nản. Điều đó đã là cản trở tới sự phát triển giáo dục của nước nhà và vi phạm Luật giáo dục".
PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng: "Nam Định đưa lý do chất lượng sinh viên các trường dân lập yếu là không phải. Trong hàng trăm sinh viên ngoài công lập cũng phải có em giỏi và sinh viên trường công lập có phải em nào cũng giỏi hết đâu. Nhiều lãnh đạo TƯ, địa phương cũng từ học tại chức, dân lập mà ra. Mục tiêu muốn có chất lượng, thì Nam Định nên đề ra tiêu chí lựa chọn, ai đạt được yêu cầu đó thì tuyển"
PGS Trần Xuân Nhĩ kiến nghị: "Nhà nước cần xem xét và quy định cấm các địa phương từ chối không nhận sinh viên dân lập và tại chức vì đây là việc làm sai trái với pháp luật. Nếu địa phương nào tiếp tục làm như vậy cần có biện pháp xử lý".
Trả lời báo chí, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng: "Quy định của UBND tỉnh Nam Định không đúng luật. Theo GS Đào Trọng Thi, đối với các loại văn bằng nằm trong hệ thống văn bằng của Nhà nước thì đây là quy định không thể chấp nhận được. Người đứng ra tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp có thể tuyển dụng với những điều kiện riêng theo yêu cầu của mình. Nhưng cơ quan Nhà nước mà ra hướng dẫn như thế thì trái thẩm quyền, không đúng tinh thần trong công tác quản lý Nhà nước. "Như vậy, tỉnh đã tự tạo nên sự phân biệt đối xử với những đối tượng được thừa nhận là có sự công bằng như nhau".
Theo DT
Cần đối xử công bằng với người học "Cần đối xử công bằng với những người có bằng đại học theo đúng pháp chế của nhà nước ta. Bằng tốt nghiệp của công lập hay ngoài công lập đều do Nhà nước quyết định..." - GS.VS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết như vậy. Bằng đại học công lập và ngoài công lập đều có giá trị...