Chè không tên khiến người Sài Gòn thấy ‘như ở nhà’
Nằm trước số 335A Lê Văn Sỹ (P.13, Q.3, TP HCM), quán chè của bà Đỗ Thị Thúy đã trở thành món ăn quen thuộc đối với nhiều người Sài Gòn bởi hương vị qua 12 năm vẫn không thay đổi.
Bánh flan hay rau câu là món ăn yêu thích của giới trẻ đặc biệt là học sinh, sinh viên
Quán nhỏ nuôi hai con ăn học
Quán chỉ vỏn vẹn một tủ kính nhỏ đặt trên bàn và vài cái ghế nhựa, thậm chí không có thêm một cái bàn nào khác nếu khách muốn ngồi lại ăn ở quán. Thế nhưng nơi đây lại không ngớt khách ra vào suốt 12 năm và mỗi ngày bán được hơn 300 ly/phần (chè , bánh plan và rau câu).
Hầu hết thực khách nếu đến lần đầu đều vô cùng ngạc nhiên khi biết quán đã mở được 12 năm và còn là nguồn thu nhập chính của một gia đình.
Bánh flan hay rau câu là món ăn yêu thích của giới trẻ đặc biệt là học sinh, sinh viên
Bà Đỗ Thị Thúy (50 tuổi, chủ quán) chia sẻ: “Những món này mình tự làm rồi bán, đơn giản mà lại không kén khách người lớn hay trẻ con đều ăn được. Hồi trước chị mở quán này một phần cũng vì muốn dành thời gian chăm sóc con tốt hơn, con đi học về thì có mình đây. Chị có hai đứa con, một đứa học đại học sắp ra trường và một đứa đang học lớp 8. Một mình nuôi con cũng khổ lắm, nhưng thu nhập từ quán cũng đủ để trang trải cho cuộc sống và nuôi con ăn học”.
Dù những ngày trời mưa thì quán cũng không vắng khách
Điểm khiến không ít người tò mò là quán không có biển tên, khách truyền tai nhau quán này là quán cô Thúy. Nơi đây có độc một tấm biển nhỏ ghi thực đơn. Mấy năm đầu, tấm biển còn được treo lên để khách biết quán bán gì. Nhưng vì quán dần trở nên quen thuộc rồi nên tấm biển này cũng không phát huy tác dụng.
Video đang HOT
Chị Lê Dạ Thảo (29 tuổi) bộc bạch: “Mình là khách quen ở đây 10 năm rồi. Cái thích nhất là ngồi ở quán mà y như ở nhà, không hề có cảm giác xa lạ. Chủ quán nhìn nghiêm vậy thôi chứ rất dễ thương, cô nhớ rõ sở thích của khách không sót một người nào. Có người đến ăn bánh flan thường không bỏ đá, còn riêng chị thì chỉ ăn bánh flan với nước cafe chứ không bỏ nước cốt dừa. Vậy mà cô nhớ hết, nhiều khi không cần phải nói”.
Bà Thúy chia sẻ: “Những món này mình tự làm rồi bán, đơn giản mà lại không kén khách người lớn hay trẻ con đều ăn được”
12 năm hương vị không đổi
Quán mở từ 15 giờ chiều đến 21 giờ. Ở gần trường tiểu học nên nhiều phụ huynh chọn ghé quán nhâm nhi ly chè đậu xanh trong lúc chờ trống đánh tan trường, sau đó lại dẫn con qua ăn bánh flan trước khi ra về. Vì lý do này mà giờ quán đông khách nhất là khoảng 16 giờ 30 đến 18 giờ.
Thực đơn của quán rất đơn giản chỉ gồm bốn món là chè đậu xanh, chè nhãn nhục, bánh flan và rau câu. Tất cả đều được chủ quán lựa chọn nguyên liệu và tự tay nấu.
Giá của một phần bánh flan hoặc rau câu là 12.000 đồng, chè là 10.000 đồng. Món chè đậu xanh và chè nhãn nhục là món ăn quen thuộc được nhiều người lớn lựa chọn trong khi bánh flan hay rau câu là món ăn yêu thích của giới trẻ đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Quán chè nhỏ đã tồn tại 12 năm mà vẫn giữ hương vị cũ
Món chè nhãn nhục có vị ngọt thanh, sương sa được cắt sợi nhỏ, ăn vào vị ngọt nhẹ và rất mát. Nhãn nhục vẫn dữ được độ dai mà không bị mềm quá.
Bánh flan được nấu từ trứng, sữa, cà phê và được đựng trong hộp nhựa nhỏ. Khi khách gọi, chủ quán sẽ lấy phần bánh flan trong hộp cho ra đĩa, thêm đá bào, nước cafe và nước cốt dừa vào. Bánh flan rất mềm, béo vừa ăn miếng đầu tiên là lập tức cảm nhận ngay được mùi thơm của trứng, cafe, nước cốt dừa.
Bé Gia Huy (12 tuổi) vui vẻ cho biết bé là khách quen của quán nhiều năm. “Lần con ăn nhiều nhất là 7 cái, con chưa ăn chỗ khác nhưng con thích chỗ này”, Huy nói.
Chè đậu xanh ở đây có thêm sợi sương sa và đậu phộng rang, tạo vị đặc biệt
Đặc biệt không thể không nhắc đến là món chè đậu xanh. Đậu xanh ngọt vừa mà rất bùi, có thêm sương sa giòn giòn, nước cốt dừa và đậu phộng rang nên không lo bị ngán. Chè rất đặc, hoàn toàn là từ hạt đậu được hầm nhuyễn.
“Cuộc sống ngày càng hiện đại đồng nghĩa với thị trường cũng thay đổi, nhiều hàng quán người ta chạy theo lợi nhuận nên bỏ thêm một số loại bột làm giảm hẳn độ ngon và làm món chè truyền thống bị biến chất. Chị hiểu được điều đó nên dù sau này có hiện đại hơn nữa thì món chè đậu xanh chị nấu vẫn sẽ luôn như ngày đầu”, bà Thúy chia sẻ.
Bánh flan rất mềm, béo ăn miếng đầu tiên lập tức cảm nhận ngay được mùi thơm của trứng, cafe, nước cốt dừa
Mỗi ngày, từ sáu giờ sáng là chị Thúy đã chuẩn bị toàn bộ nguyên liệu và bắt đầu nấu chè, làm nước dừa, nước cafe, sương sa, rang đậu phộng. Để cho ra được kết quả cuối cùng và dọn ra sạp bán cho thực khách thì thời gian chuẩn bị rất lâu và tốn rất nhiều tâm sức.
Dù là những món ăn nhẹ nhưng để có thể giữ được hương vị mỗi lần nấu không phải là điều dễ dàng. Quán chè ở Sài Gòn không ít nhưng quán chè cô Thúy lại có thể khiến thực khách dù ở xa lâu lâu cũng phải ghé lại để tìm lại hương vị quen thuộc.
Theo Thanhnien
Một thời quà vặt củ ấu
Những củ ấu nho nhỏ, màu đen xù xì, có hai sừng cong nhọn như sừng trâu vốn là người bạn thuở thiếu thời của đám trẻ thế hệ 8X chúng tôi.
Củ ấu luộc đong đầy ký ức tuổi thơ
Nhà nghèo, đâu có tiền mua trái này thức nọ để ăn, chúng tôi thường trốn ba mẹ đi hái củ ấu tự làm quà vặt cho mình, tiếng cười nói vui vẻ, xôn xao cả một khúc sông tuổi thơ...
Cùng họ với các loài cây sen, cây súng, cây ấu sống dưới nước, mọc ở các ao, đầm, ruộng trũng.
Tại Quảng Nam, cây ấu tập trung chủ yếu ở những nhánh sông nhỏ, ít nước chảy. Thuở xưa, củ ấu nhiều lắm.
Tháng tư, ấu bắt đầu mọc, chừng năm tháng sau cây ấu phủ kín tán lá xanh cả mặt đầm và nở hoa.
Hoa ấu nở chỉ trong thời gian ngắn rồi tàn, phấn hoa bám vào nõn, tự thụ phấn thành quả rồi rũ chìm trong nước và cứ thế ăn các chất dinh dưỡng từ cây và nước để phát triển. Vụ ấu bắt đầu mọc củ rộ nhất từ tháng 9 âm lịch đến cuối đông.
Hái được củ ấu khá vất vả. Phải ngâm mình xuống nước, hái từng trái dính trên thân ấu hoặc mò trên mặt ruộng để lượm trái ấu già.
Củ ấu hái về bổ đôi khoét hết ruột, lấy vỏ củ ấu to nhất lồng vào ngón tay, đùa giỡn như hai chú trâu đang húc nhau.
Rồi nhớ những lần đang học bài, bỗng nhảy cẫng lên sung sướng khi mẹ gọi xuống ăn chè củ ấu.
Vị ngọt thanh của đường, vị béo bùi và mùi thơm đặc trưng của củ ấu thấm vào vị giác, xông lên tận mũi, tan trong miệng mát lạnh.
Nhưng thú nhất là củ ấu luộc, vừa đơn giản vừa giữ nguyên vị bùi bùi, ngọt ngọt. Luộc ấu cũng phải biết cách, nếu không sẽ không ngon. Luộc kỹ quá củ ấu sẽ bị nhão và rất nhạt, luộc không kỹ thì ăn bị sượng.
Bây giờ cây ấu rất hiếm, thi thoảng mới hiện diện ở khúc sông quê. Ngoài chợ cũng chẳng mấy khi bày bán.
Dù lạc lõng giữa nhiều hoa trái đắt tiền khác nhưng hễ xuất hiện là thoáng chốc cả rổ đầy củ ấu đã vơi hết.
Có lẽ tôi cũng như nhiều người, muốn thưởng thức lại món quà vặt chứa cả một khoảng trời thơ trẻ năm nào, đong đầy cảm giác thân thuộc, gần gũi, giản dị quê nhà.
Theo Thanhnien
Chuyện lạ, bát cơm 'nặng mùi' chảy nhựa vẫn tấm tắc khen ngon Nhầy nhụa, khá dính và rất nặng mùi, nhưng nỗi sợ hãi đó lại là điều đặc biệt làm nên sức hấp dẫn của Natto - đậu tương lên men trộn cùng cơm. Món khó ăn lạ lùng này đang có sức hấp dẫn lớn với nhiều chị em. Đều đặn sáng thứ 3 hàng tuần, chị Trang (Hai Bà Trưng, Hà Nội)...