Chế độ ăn cho người chấn thương dây chằng chéo trước
Bên cạnh chế độ nghỉ ngơi và tập luyện riêng biệt cho người bị chấn thương dây chằng chéo trước, chế độ dinh dưỡng sẽ giúp nhanh phục hồi.
Dây chằng chéo trước nằm ở trung tâm khớp gối giữ nhiệm vụ quan trọng nhất trong việc ổn định cấu trúc và hoạt động của khớp gối. Đây là dãy mô kết nối xương đùi với xương chày, giúp cố định xương chày không bị trượt ra trước hoặc xoay vào trong.
Khi bị chấn thương dây chằng chéo trước, nếu được điều trị kịp thời và đúng cách, tổn thương dây chằng sẽ nhanh chóng được phục hồi nhưng chế độ ăn cũng góp phần quan trọng trong việc người bệnh sớm quay trở lại sinh hoạt bình thường.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bị chấn thương dây chằng chéo trước
Chế độ ăn uống quan trọng trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật dây chằng chéo trước.
Chế độ ăn uống cũng rất quan trọng trong khi hồi phục sau phẫu thuật dây chằng chéo trước, vì dinh dưỡng rất cần thiết trong quá trình phục hồi. Việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, có thể giúp:
Thúc đẩy quá trình sửa chữa và chữa lành mô: Protein rất cần thiết để xây dựng và sửa chữa các mô bị tổn thương.
Giảm viêm: Các chất dinh dưỡng chống viêm, chẳng hạn như acid béo omega-3, có thể giúp giảm sưng và thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn.
Hỗ trợ chức năng miễn dịch: Các vitamin và khoáng chất như vitamin C và kẽm có vai trò hỗ trợ hệ thống miễn dịch, rất quan trọng để phục hồi sau phẫu thuật.
Duy trì khối lượng cơ: Tiêu thụ đủ chất đạm có thể giúp ngăn ngừa mất cơ, điều này rất quan trọng để lấy lại sức mạnh và chức năng sau phẫu thuật.
Cải thiện sức khỏe tổng thể: Một chế độ ăn uống cân bằng cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết có thể cải thiện sức khỏe tổng thể, điều này có tác động tích cực đến cơ thể.
Ngoài ra, duy trì cân nặng khỏe mạnh sau phẫu thuật dây chằng chéo trước cũng rất quan trọng. Nó ngăn ngừa căng thẳng thêm cho đầu gối và cho phép phục hồi thích hợp. Vì vậy hãy đảm bảo chế độ dinh dưỡng, ăn uống cân bằng sau phẫu thuật để kiểm soát cân nặng.
2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bị chất thương dây chằng chéo trước
Protein (chất đạm): Protein rất cần thiết cho việc sửa chữa và chữa lành mô, làm giảm nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật.
Canxi: Canxi rất quan trọng để duy trì xương chắc khỏe và có thể giúp thúc đẩy quá trình lành vết thương sau phẫu thuật chấn thương dây chằng chéo trước.
Vitamin D : Vitamin D có đặc tính chống viêm, có thể giúp giảm viêm và thúc đẩy quá trình lành vết thương sau phẫu thuật chấn thương dây chằng chéo trước.
Vitamin C: Vitamin C là một phần không thể thiếu trong hệ thống miễn dịch. Vitamin C có đặc tính chống oxy hóa giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào của cơ thể. Vitamin C rất cần thiết cho việc sản xuất collagen, một loại protein quan trọng để sửa chữa và chữa lành mô.
Kẽm: Kẽm giúp tổng hợp collagen và bảo vệ xương và dây chằng khỏi chấn thương, tăng tốc độ làm lành.
Video đang HOT
Omega 3: Acid béo omega-3 có đặc tính chống viêm, giảm viêm giúp ngăn ngừa chấn thương xương và các cấu trúc xung quanh như gân, sụn và dây chằng.
Chất xơ: Thuốc giảm đau được dùng sau phẫu thuật tái tạo có thể dẫn đến táo bón. Thực phẩm giàu chất xơ ngăn ngừa táo bón do đặc tính nhuận tràng.
3. Thực phẩm nên ăn và nên tránh cho người bị chất thương dây chằng chéo trước
Thưc phẩm nên ăn
Thực phẩm giàu protein tốt cho người chấn thương dây chằng chéo trước.
Các loại thịt, cá, tôm, trứng, sữa, các loại đậu, bông cải xanh, hạnh nhân, đậu lăng…: Các loại thực phẩm giàu protein kích thích tái tạo tế bào và cân bằng chất lỏng, giúp cải thiện tình trạng căng giãn của dây chằng trước, tăng sự trao đổi chất trong cơ thể, nâng cao hệ miễn dịch và đảm bảo các cơ quan hoạt động ổn định.
Các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, sữa, cá hồi, rau dền, rau xanh, sữa chua, quả sung…: Các thực phẩm này giàu canxi giúp sự phát triển của hệ xương khớp, giúp xương chắc khỏe và ngăn ngừa loãng xương. Người bị giãn dây chằng trước bổ sung các thực phẩm này sẽ giúp vận động dễ dàng hơn, giảm gánh nặng lên dây chằng, làm giảm đau nhức và phòng ngừa giãn dây chằng tái phát.
Các loại ngũ cốc như hạt mè, gạo tẻ, gạo nếp, lúa mì, yến mạch, các loại đậu, bắp: Các thực phẩm này có nhiều loại được bổ sung vitamin D giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật và ngăn ngừa các bệnh lý về xương khớp như còi xương, loãng xương,.. Nhờ vậy mà người bị chấn thương dây chằng chéo trước sớm hồi phục vận động và giảm sưng đau.
Các loại trái cây như cam quýt, bưởi, xoài, dâu tây, kiwi, đu đủ, dứa…: Chứa nhiều vitamin C có khả năng tổng hợp collagen, tái tạo và khôi phục dây chằng chéo trước bị tổn thương, giảm đau nhức, sưng viêm hiệu quả, tăng cường sức đề kháng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Các loại cá béo (cá hồi, cá mòi, cá trích, cá cơm…), trứng cá muối, hàu, đậu nành, hạt chia, quả óc chó, hạt lanh: Là những thực phẩm giàu acid béo omega-3 tốt cho sức khỏe, đặc biệt đối với người bị đứt hoặc giãn dây chằng đầu gối.
Thực phẩm nên tránh
Người bị chấn thương dây chằng chéo trước nên tránh thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ.
Song song với việc bổ sung các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, người bị giãn dây chằng trước cũng cần tránh những loại thực phẩm sau:
Món ăn chứa nhiều dầu mỡ
Đồ ăn có nhiều dầu mỡ (gà rán, khoai tây chiên…) có thể làm gián đoạn quá trình trao đổi chất, giảm sự hấp thụ canxi và khiến cho xương khớp không chắc khỏe, tạo áp lực lên dây chằng và làm cho tình trạng căng giãn ngày càng nặng.
Thực phẩm chứa đường và muối
Các loại thực phẩm nhiều đường, muối có thể gây sưng viêm, giảm sự linh hoạt, dẻo dai của xương khớp và dây chằng. Thường xuyên tiêu thụ muối, đường sẽ làm dây chằng ngày càng bị căng giãn và đau nhức dữ dội hơn.
Thực phẩm chứa nhiều chất kích thích
Các loại thực phẩm như cà phê, rượu bia, chè xanh, thuốc lá chứa chất kích thích như cồn, caffeine có thể đẩy nhanh quá trình thoái hóa, tăng đau nhức và làm dây chằng bị tổn thương lâu lành. Hơn nữa, điều này còn ảnh hưởng đến sức khỏe xương khớp và dẫn đến nhiều bệnh lý khác.
Dùng thuốc và điều trị chấn thương dây chằng chéo trước
Chấn thương dây chằng chéo trước là tình trạng dây chằng bị đứt một phần hoặc toàn bộ do thay đổi chuyển động đột ngột, vấp hoặc ngã làm dây chằng chéo bị căng.
Dây chằng chéo trước (Anterior cruciate ligament - ACL) có nhiệm vụ kết nối xương đùi và xương ống chân, giữ các xương trong đầu gối được ổn định, không bị xô lệch...
Khi dây chằng chéo bị đứt, người bệnh có thể (hoặc không) nghe thấy âm thanh "lục cục", thậm chí là tiếng "rắc" ở đầu gối. Lúc này, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, sưng tấy quanh đầu gối, đi lại, di chuyển khó khăn. Đây là một trong những chấn thương thường gặp nhất trong thể thao, đặc biệt là đối với cầu thủ bóng đá.
1. Phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo trước
Nếu chỉ bị rách dây chằng chéo trước nhẹ, các triệu chứng không quá nghiêm trọng thì sau 2 - 3 tuần sẽ tự hết. Tuy nhiên, nếu bị nặng mà không điều trị thì sẽ tiềm ẩn biến chứng tổn thương sụn chêm thứ phát, tổn thương sụn khớp, teo cơ đùi... Do đó, người bệnh không nên chủ quan, bỏ qua việc thăm khám và điều trị để tránh ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp gối.
Các phương pháp điều trị chấn thương dây chằng chéo trước bao gồm:
1.1. Chườm lạnh, nghỉ ngơi
Nếu xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ bị đứt dây chằng chéo trước cùng cảm giác đau khó chịu, người bệnh có thể chườm lạnh để giảm đau. Trong và sau khi chườm, nên nằm nghỉ ngơi, tránh vận động.
Có thể băng ép đầu gối nhẹ nhàng bằng băng thun chuyên dụng để hạn chế sưng và giảm viêm tại khu vực có chấn thương. Đến khi cảm giác đau thuyên giảm nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, điều trị.
1.2. Dùng thuốc giảm đau
Sau khi thăm khám và thực hiện các chỉ định cần thiết như chụp X-quang, chụp MRI, siêu âm, nội soi, bác sĩ sẽ chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp. Một số trường hợp sau có thể không cần phẫu thuật:
Đứt không hoàn toàn dây chằng chéo trước, khớp gối còn vững.
Đứt dây chằng chéo trước ở bệnh nhân lớn tuổi.
Đứt dây chằng chéo trước ở trẻ em còn sụn tăng trưởng.
Nếu bị đau nhiều, đầu gối sưng nề thì dùng thuốc giảm đau, chống viêm. Paracetamol là lựa chọn phổ biến trong những ngày đầu vì có hiệu quả giảm đau tốt mà không làm tăng khả năng bị chảy máu. Sau khoảng 1-2 ngày, các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) được cân nhắc sử dụng để làm giảm phản ứng viêm cũng như đau.
Tuy nhiên, các thuốc chống viêm NSAID có thể gây tác dụng phụ loét dạ dày, suy thận, chảy máu... đặc biệt nếu lạm dụng. Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị chảy máu dạ dày do dùng các loại thuốc này.
Paracetamol khi dùng quá liều (>10g) gây tổn thương, hoại tử tế bào gan, rất nguy hiểm. Do đó, uống thuốc đúng liều lượng, tránh lạm dụng thuốc, không tự ý tăng liều khi thấy triệu chứng không cải thiện.
Trường hợp cơn đau quá nghiêm trọng có thể thay thế thuốc đường uống bằng cách tiêm steroid trực tiếp vào đầu gối theo chỉ định của bác sĩ.
Chấn thương dây chằng chéo trước xảy ra do thay đổi chuyển động đột ngột, vấp hoặc ngã làm dây chằng chéo bị căng.
1.3. Phẫu thuật
Phương pháp điều trị này thường được áp dụng cho người bị đứt dây chằng chéo trước hoàn toàn, thường là các vận động viên hoặc người trẻ tuổi. Mục đích của phẫu thuật là khôi phục chức năng của khớp gối, đồng thời phòng tránh các biến chứng có thể xảy ra sau khi dây chằng chéo trước bị đứt.
Đối với trường hợp bị đứt dây chằng chéo trước không hoàn toàn nhưng dây chằng trở nên yếu ớt, không thể đảm bảo sự liên kết tại khớp gối, bác sĩ cũng có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật.
1.4. Vật lý trị liệu
Ngoài phẫu thuật, điều trị đứt dây chằng chéo bằng vật lý trị liệu cũng được đánh giá cao. Người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập giúp khôi phục chức năng của khớp gối, cải thiện vận động và phòng tránh hiện tượng teo cơ đùi. Những bài tập này có thể được thực hiện tại cơ sở y tế hoặc tại nhà, người bệnh có thể tập với kỹ thuật viên trong thời gian đầu, sau đó là tự tập.
2. Lưu ý trong quá trình điều trị
Thời gian phục hồi sau chấn thương dây chằng chéo nhanh hay chậm tùy thuộc vào mức độ tổn thương của mỗi người bệnh.
Đối với những trường hợp không phẫu thuật, sau khoảng 3 tháng dây chằng bị rách sẽ liền mạch trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế thì dây chằng không thể tự lành, mà nó sẽ tạo thành mô xơ để sửa chữa tổn thương. Do đó, tuy không rách nhưng độ căng của dây chằng không còn như ban đầu, dẫn đến chức năng của chúng cũng bị ảnh hưởng.
Đối với trường hợp đã phẫu thuật, sau khi mổ tái tạo dây chằng chéo trước có thể phải mất từ 7-9 tháng mới có thể hồi phục hoàn toàn và sẵn sàng cho các hoạt động như trước đây.
Để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như mau chóng hồi phục sau khi gặp chấn thương dây chằng chéo trước, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
Thời gian đầu, tạm thời không chơi thể thao hay vận động mạnh mà hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, đi lại nhẹ nhàng.
Khi nằm thì nên kê chân ở vị trí cao một chút.
Khi đi lại thì nên nhờ đến sự hỗ trợ của nạng để tránh cho trọng lượng gây áp lực lên đầu gối; hoặc đeo nẹp để hỗ trợ và ổn định đầu gối.
Nếu bị đứt dây chằng chéo trước và điều trị bằng phẫu thuật thì sau khi mổ, nên theo dõi sát sao vết thương. Sau 3 - 4 ngày mổ thì có thể đi tắm nhưng không để vết thương bị dính nước. Nếu vết thương bị sưng đau, cần báo bác sĩ để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn sau mổ.
Thường xuyên thực hiện các bài tập vật lý trị liệu một cách nhẹ nhàng và đúng kỹ thuật để để tăng cường sức mạnh của cơ bắp và phục hồi phạm vi chuyển động.
Chế độ ăn cho người bệnh viêm khớp dạng thấp Một số loại thực phẩm giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp cùng với các phương pháp điều trị y tế như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm và liệu pháp ức chế miễn dịch. Viêm khớp dạng thấp có thể tấn công bất cứ ai ở mọi lứa tuổi. Viêm khớp dạng thấp khác với viêm xương khớp, là...