CHDC Congo thành lập chính phủ mới sau nhiều tháng bế tắc
Ngày 29/5, CHDC Congo đã công bố thành phần chính phủ mới, chấm dứt hơn 5 tháng bế tắc sau khi Tổng thống Felix Tshisekedi tái đắc cử vào cuối năm ngoái.
Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi (phải) và tân Thủ tướng Judith Suminwa tại cuộc gặp ở Kinshasa ngày 1/4/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ mới do Thủ tướng Judith Tuluka Suminwa lãnh đạo và gồm 55 thành viên, trong đó có 6 phó thủ tướng và 10 bộ trưởng, giảm so với 57 thành viên trong nội các sắp mãn nhiệm. Đáng chú ý, ông Guy Kabombo Muadiamvita được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng CHDC Congo, một vị trí chủ chốt ở thời điểm quốc gia Trung Phi này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng ở miền Đông. Theo Hiến pháp CHDC Congo, chính phủ mới sẽ nhậm chức sau khi Hạ viện phê chuẩn chương trình quốc gia của tân Thủ tướng với đa số tuyệt đối.
Lên nắm quyền từ năm 2019, Tổng thống Tshisekedi đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử hồi tháng 12/2023 với hơn 70% số phiếu ủng hộ và đã tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2024, nhưng chính phủ mới chưa thể thành lập kể từ đó. Ngày 1/4, Tổng thống Tshisekedi tuyên bố bổ nhiệm bà Judith Tuluka Suminwa làm nữ Thủ tướng đầu tiên của đất nước. Đây được xem là quyết định mang tính bước ngoặt đánh dấu một bước quan trọng hướng tới bình đẳng giới trong nền chính trị CHDC Congo và là động thái thực hiện cam kết tranh cử của Tổng thống Tshisekedi.
Thông báo trên được đưa ra chưa đầy 2 tuần sau khi quân đội CHDC Congo cho biết đã ngăn chặn một âm mưu đảo chính, trong đó những đối tượng có vũ trang đã đột nhập nơi ở của một bộ trưởng trước khi xông vào Văn phòng Tổng thống ở thủ đô Kinshasa. CHDC Congo công bố chính phủ mới cũng trong bối cảnh giao tranh tái diễn giữa quân đội nước này và nhóm vũ trang Phong trào 23 tháng 3 (M23) ở miền Đông.
HĐBA LHQ thông qua việc kết thúc sứ mệnh của Phái bộ gìn giữ hòa bình ở CHDC Congo
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 19/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã nhất trí thông qua nghị quyết kết thúc sứ mệnh của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại CHDC Congo (MONUSCO).
Binh sĩ thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại CHDC Congo (MONUSCO) tuần tra tại Goma. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên mạng xã hội X, cơ quan truyền thông của LHQ cho biết tất cả 15 thành viên của HĐBA đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết. Nghị quyết này đề ra việc rút quân "có trách nhiệm và bền vững" của MONUSCO theo 3 giai đoạn trong suốt năm 2024.
Nghị quyết nêu rõ kế hoạch rút quân phải đi kèm với việc "tăng cường năng lực và thẩm quyền của nhà nước", bao gồm cả sự hiện diện của lực lượng vũ trang để tránh các lỗ hổng an ninh ở CHDC Congo.
LHQ lưu ý sẵn sàng xem xét các bước tiếp theo của việc rút quân vào cuối giai đoạn đầu tiên, tùy vào tiến độ Chính phủ CHDC Congo thực hiện các tiêu chí được đặt ra trong kế hoạch rút quân.
Chính phủ CHDC Congo chưa đưa ra bình luận nào trước thông tin trên. Tuần trước, Chính phủ CHDC Congo đã yêu cầu LHQ cho phép MONUSCO hỗ trợ công tác hậu cần để tổ chức cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 20/12.
Tháng 9 vừa qua, tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống CHDC Congo Felix Tshisekedi cho biết đã yêu cầu chính phủ đẩy nhanh việc rút lực lượng của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, đảm bảo tiến trình này sẽ bắt đầu vào cuối năm 2023.
MONUSCO được thành lập nhằm tiếp nối một hoạt động trước đó của LHQ vào năm 2010, nhằm giúp đảm bảo tình hình an ninh ở miền Đông CHDC Congo - nơi các nhóm vũ trang tranh giành lãnh thổ và tài nguyên. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng lực lượng của phái bộ đã không bảo vệ được dân thường trước các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang. Tính đến tháng 2/2023, phái bộ đã triển khai hơn 12.300 binh sĩ và khoảng 1.600 cảnh sát ở CHDC Congo.
CHDC Congo khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 19/11, chiến dịch tranh cử tổng thống, cơ quan lập pháp và địa phương đã chính thức bắt đầu tại CHDC Congo, hướng tới cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 20/12. Tổng thống đương nhiệm Félix Tshisekedi. Ảnh: afrique.lalibre.be Ủy ban bầu cử quốc gia độc lập (CENI) đã công bố 26...