Chạy đua hướng nghiệp trong các trường phổ thông
Đang là thời điểm quan trọng trong việc quyết định hướng đi tương lai của cả triệu học sinh sắp tốt nghiệp THPT, để mở rộng thêm sự lựa chọn, nhiều trường phổ thông tăng cường những buổi tư vấn hướng nghiệp cho phụ huynh, học sinh của trường mình.
Phụ huynh học sinh đều rất quan tâm đến tư vấn hướng nghiệp tại trường phổ thông
Nhiều lựa chọn mới
Ngày 10-3 vừa qua tại khuôn viên trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, ngày hội tuyển sinh đã thu hút hàng nghìn học sinh tham quan và tìm hiểu thông tin của gần 40 đơn vị bao gồm cả đại học, cao đẳng, trung cấp, trường dạy nghề… Quan sát ngày hội này mới thấy, không chỉ bậc đại học mới hấp dẫn học sinh mà những gian tư vấn nghề với các lĩnh vực phù hợp với giới trẻ như thiết kế, vẽ đồ họa, lập trình phần mềm cũng rất thu hút các em… Đại diện FPT Arena cho biết, gian tư vấn của công ty luôn bị “vây kín” bởi các em học sinh tới thử sức cuộc thi “Vẽ sáng tạo – Anyone can design” hay giành cơ hội trở thành “Gương mặt trang bìa” dưới bàn tay phù thuỷ của các nhà thiết kế.
Liên tục trong các ngày 12-3, 15-3, chương trình hướng nghiệp “Chọn nghề cho tương lai”, hay ngày hội tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh của trường THPT Phan Huy Chú-Đống Đa đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình từ phía nhà trường và học sinh khối 12. Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú chia sẻ: “Có rất nhiều con đường để các em đi đến thành công trong tương lai. Ngoài các lĩnh vực cơ bản như kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghệ sinh học, báo chí… thì nhiều đơn vị đào tạo nghề thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin hay thiết kế đồ họa thu hút rất nhiều sự chú ý của học sinh Thủ đô sau khi tốt nghiệp THPT. Trong đó, học sinh trường Phan Huy Chú tham gia học với số lượng khá lớn”.
Mặc dù đang trong quá trình thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ và chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết: “Qua trao đổi với phụ huynh tôi nhận thấy sau những lần tư vấn hướng nghiệp, phụ huynh gần đây đã xác định với bản thân cũng như con mình rằng vào đại học không phải là con đường duy nhất. Còn có rất nhiều lựa chọn cho công việc tương lai chứ không nhất thiết phải vào đại học bằng được. Chính vì vậy, các em học sinh đã được giảm áp lực, không quá nặng nề việc thi cử. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong công tác hướng nghiệp”.
Tăng cường hướng nghiệp qua dạy nghề phổ thông
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh vừa đưa ra số liệu hơn 1/3 học sinh chấp nhận “chờ” kỳ thi đại học, cao đẳng năm sau chứ không học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước. Mặt khác, hướng nghiệp không tốt dẫn đến hiện tượng đa số học sinh không có sự định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi trượt đại học đã chọn “đại” một ngành, một trường để học. Có ngành thí sinh đổ xô, chen chân học; có ngành chỉ lác đác vài thí sinh, dẫn đến mất cân đối ngành nghề nghiêm trọng trên thị trường lao động.
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Lao động hướng nghiệp, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, Bộ GD-ĐT đang rất quan tâm, đầu tư dạy nghề cho học sinh phổ thông. Đây được coi là một trong những hình thức hướng nghiệp cho học sinh. “Dạy nghề hiệu quả sẽ làm cho học sinh hiểu sâu về nghề nghiệp thông qua các bài thực hành ban đầu. Nếu bài học hấp dẫn thì các em sẽ hình thành những khái niệm ban đầu về nghề nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng với những học sinh vùng khó khăn, ít có cơ hội học tiếp sau phổ thông”. Cũng theo ông Phạm Văn Sơn, để khuyến khích học sinh học nghề, hiện ngành giáo dục đang áp dụng hình thức cộng điểm cho học sinh nhằm tạo động lực cho học sinh khám phá kỹ năng nghề nghiệp. “Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng học nghề để được cộng điểm. Với những học sinh giỏi thì việc học nghề không được các em chú ý, ngoài mục đích được cộng điểm. Tuy nhiên, với những học sinh học lực trung bình, kém thì đây là bước đầu làm quen rất cần thiết. Nếu thấy phù hợp các em sẽ tìm được định hướng cho mình ngay sau bậc học phổ thông”.
Theo ANTĐ