Châu Âu điêu đứng vì khủng bố
Hàng loạt vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra tại châu Âu trong thời gian qua đã phủ bóng lên ngành công nghiệp du lịch, chiếm tới 10% hoạt động kinh tế của khối. Mối đe dọa khủng bố đã làm phức tạp thêm tình hình tại khu vực đang phải vật lộn với dòng chảy người di cư và đang bối rối sau “cuộc bỏ phiếu từ giã” của nước Anh vào tháng trước.
ÁM ẢNH AN NINH
Mont-Saint-Michel, tu viện thời Trung cổ, một trong những điểm du lịch hàng đầu của Pháp, nằm trên một mỏm đá cô lập ngoài khơi bờ biển phía Tây Bắc của Normandy. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 13-11-2015 ở Paris, tập đoàn Sodetour, nơi sở hữu một chuỗi khách sạn và nhà hàng địa phương gần khu vực Mont-Saint-Michel, đã chứng kiến sự sụt giảm tới 70% hoạt động kinh doanh. Tình trạng này kéo dài trong nhiều tháng và chưa bao giờ phục hồi hoàn toàn cho tới nay. “Du khách, nhất là người Mỹ và người Nhật đã hủy đặt chỗ dù trên trang web cho thấy Mont-Saint-Michel cách thủ đô Paris tới hơn 300 ki lô mét”, Gilles Gohier, Giám đốc điều hành của Sodetour, nói với The New York Times.
An ninh được tăng cường tại khu vực trung tâm thủ đô Brussels, Bỉ.
Theo ông Gohier, công ty đã phải cho một phần ba trong tổng số 230 nhân viên nghỉ làm trong bốn tháng và buộc phải tạm đóng cửa một nửa trong số năm khách sạn và bốn nhà hàng của mình. Khi hoạt động kinh doanh đang có dấu hiệu hồi sinh trở lại thì xảy ra vụ thảm sát ở thành phố Nice xinh đẹp đúng vào ngày Quốc khánh Pháp. Tình trạng hủy đặt chỗ lại tăng thêm 20% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng sau vụ sát hại một linh mục tại nhà thờ ở vùng Rouen miền Bắc nước Pháp mà lực lượng IS nhận trách nhiệm vài ngày trước. “Những gì đã xảy ra ở Rouen cho thấy, nó cũng có thể xảy ra ở đây, hoặc bất cứ nơi nào khác”, ông Gohier lo lắng. “Điều này khiến cho việc lên kế hoạch kinh doanh trong tương lai trở nên rất khó khăn”.
Bóng ma khủng bố đã ảnh hưởng mạnh đến du lịch, một ngành quan trọng trong nền kinh tế châu Âu, khi mà sự phục hồi mong manh đang vừa mới bắt đầu.
Năm nay, tăng trưởng tại 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro có dấu hiệu phục hồi, đạt mức chưa từng thấy, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Song cuối tuần trước, Liên hiệp châu Âu thông báo rằng đà phục hồi đã chậm lại trong quí 2, khi nền kinh tế khu vực chỉ tăng 0,3 điểm phần trăm, giảm so với mức tăng trưởng 0,6 điểm phần trăm trong quí trước đó. Riêng nước Pháp trượt trở lại vào tình trạng trì trệ, đạt mức tăng trưởng 0% trong quí 2.
Những tháng gần đây khi các cuộc tấn công khủng bố diễn ra thường xuyên hơn và lan rộng, các nhà đầu tư không rời đi, nhưng du khách thì đang suy nghĩ lại. Ngành công nghiệp du lịch, chiếm 10% hoạt động kinh tế trong Liên hiệp châu Âu, đang gánh chịu hậu quả nặng nề.
Pháp là quốc gia có đông khách du lịch nhất ở châu Âu, với 84 triệu du khách năm ngoái, cảm nhận rõ nét nhất cơn đau. Tại Pháp, sau vụ tấn công ở thủ đô Paris cuối năm ngoái, tỷ lệ tăng trưởng trong lĩnh vực phòng khách sạn đã giảm từ 20% xuống mức một con số. Sau các vụ đánh bom Brussels, tình hình tiếp tục xấu đi, và sau vụ khủng bố ở Nice thì tình hình ở mức thậm tệ. Ông Mark Okerstrom, Giám đốc tài chính của Expedia, một trang web du lịch toàn cầu cho hay: “Chúng tôi chưa nhìn thấy sự phục hồi”.
THIỆT HẠI NHIỀU MẶT
Tại Paris Plage, một bãi biển nhân tạo được dựng lên dọc hai bờ sông Seine (Pháp), hàng chục nhân viên cảnh sát có vũ trang đứng canh gác các cổng ra vào. Quân đội có vũ trang diễu qua diễu lại bên bờ biển, nơi các gia đình đang vui chơi. Việc tuần tra trên sẽ khiến ngân sách tốn khoảng 1 triệu euro mỗi ngày. Khoản này bổ sung vào chi phí mà Pháp đã cam kết, dành 816 triệu euro để củng cố an ninh trong năm nay.
Bà Adrian Leeds, người đứng đầu công ty bất động sản cùng tên cho biết, các căn hộ cho thuê của công ty bà ở Paris và Nice đã trống rỗng sau khi du khách hủy bỏ kế hoạch. Những người muốn mua bất động sản để sinh sống cũng đang tìm cách trì hoãn để cân nhắc. “Tình hình bất ổn thực sự ảnh hưởng đến nhiều thứ “, bà Leeds nói.
Video đang HOT
Sân bay là một trong những địa điểm được tăng cường an ninh cao nhất sau các vụ khủng bố liên tiếp ở Châu Âu
Các mối đe dọa khủng bố đã làm gia tăng sự phức tạp ở khu vực vốn đang phải vật lộn với một dòng chảy lớn của người di cư và đang bối rối sau hậu quả của cuộc bỏ phiếu của Anh vào tháng trước muốn rời khỏi Liên hiệp châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính từ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong cuộc họp mới đây tại Trung Quốc, đã coi các cuộc xung đột địa chính trị và chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu. “Thế giới đã biết đến các cuộc tấn công khủng bố”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin nói. “Nhưng ngày nay, tần số của các cuộc tấn công đang tạo ra tình hình bất ổn mới, kèm theo hậu quả kinh tế”, ông nhấn mạnh.
Tại Bỉ, nơi mà những kẻ khủng bố Hồi giáo IS đánh bom sân bay Brussels và một ga tàu điện ngầm hồi tháng 3, giết chết 32 người, nền kinh tế đã thiệt hại gần 1 tỉ euro. Tại Đức, chính phủ thừa nhận nước này đã trở thành mục tiêu của IS sau một loạt các vụ tấn công nhằm vào dân thường trên một chuyến tàu, tại một trung tâm mua sắm và một buổi hòa nhạc.
Các nhà kinh tế cho rằng chi tiêu tiêu dùng, một động cơ của tăng trưởng, có thể sẽ giảm mạnh nếu người tiêu dùng ít ra ngoài hơn. Các ngành công nghiệp phục vụ du lịch như hàng không cũng không tránh khỏi thiệt hại. Air France-KLM và Lufthansa, hai hãng hàng không lớn nhất châu Âu, vừa cắt giảm dự báo lợi nhuận của họ trong năm nay với lý do các cuộc tấn công khủng bố lặp đi lặp lại ở châu Âu đã làm giảm lượng khách du lịch.
Mối đe dọa khủng bố cũng đã gây thiệt hại đến ngành công nghiệp hàng hiệu, mà chủ yếu dựa vào du khách nước ngoài. Các thương hiệu thời trang hàng đầu như Hermes, Louis Vuitton và Prada đều báo cáo sụt giảm doanh số bán hàng khi khách du lịch không đến. Vào một buổi sáng gần đây, tại cửa hàng chính hãng của Louis Vuitton trên đại lộ Champs-Élysées ở thủ đô Paris, người ta chỉ thấy một vài du khách ghé thăm. Hình ảnh này tương phản mạnh với các năm trước, khi lượng khách đổ tới chật cửa hàng vào mùa du lịch hè.
“Chúng tôi không thấy bất kỳ sự cải thiện nào về lưu lượng khách du lịch tại Pháp. Và chúng ta sẽ không thấy điều đó khi đất nước đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp”, Axel Dumas, Giám đốc điều hành của Hermès, nhà sản xuất những chiếc túi Birkin trị giá 10.000 euro, nói.”Chúng ta đang trải qua một sự thay đổi cấu trúc. Hiện tượng chiến tranh đã đến trước cửa nhà chúng ta, điều chưa từng có trước đây”, Georges Panayotis, Chủ tịch tập đoàn MKG, một công ty tư vấn du lịch có trụ sở tại Paris cho biết. “Nếu tình hình không được giải quyết, khó khăn sẽ tiếp tục”, ông nói.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn
Hai lý do khiến Pháp liên tục hứng chịu khủng bố
Được coi là trái tim của châu Âu, Pháp trở thành đích ngắm của các phần tử khủng bố nước ngoài và tầng lớp thanh niên nhập cư trong nước bị cực đoan hóa.
Chiếc xe tải được sử dụng để gây ra vụ thảm sát ở Nice. Ảnh: AFP
Cuộc tấn công bằng xe tải của một phần tử cực đoan ủng hộ phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thành phố Nice, Pháp, khiến 84 người thiệt mạng là vụ khủng bố đẫm máu thứ ba mà nước Pháp phải hứng chịu trong chưa đầy hai năm qua. Theo giới phân tích, nước Pháp chứa đựng những yếu tố "thu hút" sự chú ý của chủ nghĩa khủng bố, biến quốc gia này thành "tâm chấn" của châu Âu.
Mục tiêu lớn
Trả lời phỏng vấn News.com.au, Neil Fergus, chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố quốc tế, tổng giám đốc tổ chức tư vấn Intelligent Risks, cho rằng nước Pháp là một mục tiêu lớn cho các cuộc tấn công thảm sát của IS bởi vì quốc gia này "là một biểu tượng của tự do, bình đẳng và các giá trị xã hội".
"Thủ đô Paris nói riêng và nước Pháp nói chung là trái tim trong học thuyết phẩm giá phương Tây", ông nói. "Những kẻ khủng bố không thích điều đó. Chúng cũng căm ghét châu Âu, và Pháp được coi là tâm điểm của lục địa".
Ngay từ năm 1995, Nhóm Hồi giáo Vũ trang (GIA) có nguồn gốc từ Algeria đã thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào hệ thống tàu điện ngầm của Pháp. Giờ đây, với sự trỗi dậy của IS và các tổ chức cực đoan khác, nước Pháp đang hứng chịu những cuộc tấn công từ những kẻ lớn lên trên đất nước này, hoặc những phần tử cực đoan nước ngoài thâm nhập để gây ra thương vong lớn nhất.
Vài ngày trước khi diễn ra vụ khủng bố bằng xe tải ở Nice, một quan chức cấp cao của cảnh sát Pháp cảnh báo rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ tìm cách gia tăng khả năng giết người bằng xe hơi gài mìn và bom.
Pháp ngày càng trở nên cảnh giác với những âm mưu khủng bố và hiện tượng cực đoan hóa ở quê nhà, theo một báo cáo mới đây của Dự án Chống Cực đoan hóa. Pháp khẳng định họ có trong tay một trong những hệ thống an ninh tốt nhất thế giới, với những chiến dịch an ninh quy mô lớn được tiến hành tại các cửa khẩu, sân bay quốc tế để ngăn chặn phần tử khủng bố xâm nhập.
"Pháp đã triển khai hàng nghìn binh sĩ quân đội phối hợp với cảnh sát quốc gia bảo vệ các điểm tập trung đông người, các đầu mối giao thông, danh lam thắng cảnh", ông Fergus cho biết. Tuy nhiên, khả năng hợp tác với nhau giữa các cơ quan an ninh chống khủng bố lại là một điểm yếu của Pháp mà các phần tử cực đoan có thể lợi dụng để khai thác.
Một báo cáo mới đây của cơ quan tình báo nội địa DGSI cho thấy nước Pháp vẫn có vô số những lỗ hổng về tình báo, khiến lực lượng an ninh để lọt những phần tử gây ra các vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay khiến tổng cộng 147 người thiệt mạng.
Binh sĩ Pháp tăng cường tuần tra ở Paris. Ảnh: Reuters
Báo cáo chỉ rõ, ngoài những hạn chế về khả năng giám sát tình báo đối với các đối tượng tình nghi, các cơ quan an ninh Pháp còn thể hiện sự chồng chéo, kèn cựa lẫn nhau, khiến các chiến dịch chống khủng bố không phát huy hiệu quả cao nhất. Trong vụ khủng bố ở nhà hát Bataclan ở Paris, khi cảnh sát đặc nhiệm ngỏ ý mượn súng trường của quân đội để tấn công khủng bố, các binh sĩ Pháp đã từ chối thẳng thừng.
Những công dân hạng hai
Nghi phạm gây ra vụ tấn công bằng xe tải ở Nice là Mohamed Lahouaiej Bouhlel, công dân Pháp gốc Tunisia. Bouhlel 31 tuổi, theo đạo Hồi, có tiền án tiền sự với tội danh sở hữu vũ khí và hành vi bạo lực, nhưng chưa bao giờ lọt vào danh sách đối tượng bị cực đoan hóa của lực lượng tình báo, an ninh Pháp.
Theo các chuyên gia phân tích, Bouhlel, cũng như nhiều nghi phạm khủng bố khác trước đây, đều có gốc gác ở nước ngoài, tới Pháp định cư qua nhiều thế hệ, nhưng không hoàn toàn hòa nhập được với xã hội bản địa và luôn bị coi như những công dân hạng hai.
"Ở Pháp có những cộng đồng người Bắc Phi rất lớn. Họ tuy là công dân của Pháp, nhưng lại bị gạt sang bên lề của xã hội", Robert Baer, cựu đặc vụ CIA, nói với CNN. "Tôi từng đi học ở Pháp, rồi làm việc ở đó, và nhận thấy rằng những người Bắc Phi này hoàn toàn bị tách khỏi xã hội bản địa".
Theo Baer, tình hình càng trở nên tồi tệ hơn sau vụ khủng bố ở Paris, khi các ông chủ dò xét hồ sơ và không chấp nhận những người có nguồn gốc từ Bắc Phi. Trên tàu hỏa hay xe bus, những người có vẻ ngoài giống người Arab thường xuyên bị cảnh sát chặn lại, xét hỏi giấy tờ.
"Người Pháp quả thực rất quyết liệt trong những việc như vậy, hậu quả là tình trạng cực đoan hóa trong cộng đồng người có nguồn gốc Bắc Phi không hề giảm bớt, mà còn tăng lên", Baer nói.
Tom Fuentes, cựu trợ lý giám đốc FBI, từng tham gia ban điều hành Interpol, nói rằng chủ nghĩa khủng bố sản sinh tại quê nhà đang là một nỗi lo ngại lớn của nước Pháp.
"Nhiều thế hệ người Morocco, Algeria, Libya, Tunisia... tới Pháp sinh sống qua nhiều thế hệ, con cái, cháu chắt của họ đều sinh ra ở Pháp và mang quốc tịch Pháp, nhưng họ vẫn không tự coi mình là người Pháp", Fuentes nói.
Theo ông, những người nhập cư lâu đời này sống trong những khu vực chật chội giữa đô thị đông đúc của nước Pháp, chỉ giao lưu, tiếp xúc với nhau và không được chấp nhận hòa mình vào cộng đồng chung.
Quan hệ giữa nước Pháp và cộng đồng nhập cư gốc Bắc Phi đặc biệt căng thẳng ở các vùng ngoại ô Paris và các thành phố lớn, nơi có nhiều người Hồi giáo và các gia đình có nguồn gốc Arab và vùng hạ Sahara sinh sống, theo NYTimes. Năm 2005 và 2007, các cuộc bạo động đã nổ ra tại các khu vực này vì nỗi bất bình ngày càng lớn của họ đối với tình trạng bất công về kinh tế và xã hội.
Căng thẳng giữa chính quyền Pháp và cộng đồng người nhập cư Bắc Phi ngày càng lên cao. Ảnh: Al Jazzera
Hậu quả là trong 10 năm qua, ngày càng nhiều thanh niên Pháp gốc Bắc Phi đã rời bỏ đất nước, đi theo tiếng gọi của Hồi giáo cực đoan, khiến chính phủ Pháp càng phải cảnh giác, trong khi các phong trào cực hữu bài Hồi giáo và di cư như Mặt trận Quốc gia trỗi dậy.
Ở các vùng ngoại ô Pháp, sức hấp dẫn của Hồi giáo cực đoan trở thành một hình thức của "phong trào thanh niên", theo giáo sư Olivier Roy, chuyên gia về Hồi giáo chính trị tại Đại học châu Âu. "Nước Pháp có những vấn đề lớn với tầng lớp thanh niên bị coi là công dân hạng hai và không có cơ hội thực sự nào", Roy nói. "Nhiều người trong số họ bắt đầu phạm tội vặt, nhưng cũng có nhiều người tìm đến Hồi giáo cực đoan như một cuộc đời mới để thỏa mãn lòng tự tôn".
"Các vụ tấn công khủng bố đều chứa đựng nguy cơ về hiệu ứng bắt chước. Chúng ta coi thủ phạm tấn công khủng bố là kẻ xấu, nhưng trong cộng đồng những người bị coi là công dân hạng hai, kẻ xấu đó có thể được ca ngợi như anh hùng", chuyên gia này nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
IS nhận trách nhiệm vụ thảm sát bằng xe tải ở Pháp Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm vụ thảm sát ở Nice, Pháp vào ngày quốc khánh khiến 84 người chết. Nghi phạm Mohamed Lahouaiej Bouhlel và "con đường chết chóc" tại Pháp đêm quốc khánh 14/7. Ảnh: Telegraph. Theo AFP, IS hôm nay tuyên bố "một chiến binh" của nhóm khủng bố này đã gây ra vụ thảm sát...