Chất lượng lao động chưa làm hài lòng doanh nghiệp
Theo một khảo sát của Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN, tỷ lệ lao động qua đào tạo tuy được cải thiện nhưng chủ doanh nghiệp cảm thấy chưa hài lòng về chất lượng lao động. Điều này khiến chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp phải dành cho đào tạo lao động cũng tăng lên.
Lao động trẻ tìm kiếm việc làm tại một ngày hội việc làm diễn ra ở TP.HCM – ẢNH: LÊ THANH
Hôm qua, tại Hà Nội, Phòng Thương mại – Công nghiệp VN (VCCI) và Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức hội thảo về tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề ở VN.
Lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 1/5 lực lượng
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký VCCI, cho biết Văn phòng Giới sử dụng lao động của VCCI, trong giai đoạn 2012 -2017, chất lượng lao động (LĐ) trong khu vực doanh nghiệp đã được cải thiện. Tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp đã giảm từ 24% năm 2012 xuống còn 20% năm 2017, LĐ qua đào tạo ngắn hạn không có chứng chỉ giảm mạnh từ 25% xuống còn 20%. LĐ có trình độ cao đẳng tăng từ 7% lên 8%, đại học tăng từ 15% lên 18%. Tuy nhiên, do LĐ trong doanh nghiệp chưa qua đào tạo vẫn chiếm tới 1/5 lực lượng LĐ kéo theo gia tăng chi phí kinh doanh.
Xét theo khu vực doanh nghiệp, LĐ trong các doanh nghiệp FDI có trình độ chuyên môn thấp nhất, khi tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo hoặc đào tạo dưới 3 tháng cao nhất, chiếm đến gần 44%. Trong khi đó, LĐ trong các doanh nghiệp nhà nước có trình độ cao nhất, chỉ có 23% số LĐ chưa qua đào tạo hoặc đào tạo dưới 3 tháng và tỷ lệ LĐ có trình độ đại học cao nhất, chiếm 23%. Đáng chú ý, số LĐ do các trường cao đẳng, trung cấp nghề đào tạo vẫn còn thấp, cho thấy mức độ đáp ứng của các trường nghề cũng như định hướng giáo dục ở VN vẫn chú trọng giáo dục đại học nhiều hơn.
Xét theo địa phương, Hà Giang là tỉnh có tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo cao nhất, chiếm đến 55,99% tổng số LĐ trong khu vực doanh nghiệp tại tỉnh. Tỉnh có tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo cao thứ hai là Tây Ninh, chiếm đến 51,87%. Một số tỉnh khác cũng có tỷ lệ cao là Cà Mau (48,89%), Điện Biên (48,77%), Lai Châu (46,97%), Sóc Trăng (44,28%). Hà Nội là nơi có tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo thấp nhất, với chỉ 11,74%, tiếp đó là Thái Bình (12,27%), Thái Nguyên (12,42%), Nam Định (14,12%), Hải Dương (15,48%), TP.HCM (15,79%). Chỉ có 18/63 tỉnh có tỷ lệ LĐ chưa qua đào tạo dưới mức 20%, mức trung bình của nền kinh tế.
Tăng chi phí do đào tạo lại lao động
Mặc dù chỉ số tổng hợp về đào tạo LĐ theo nghiên cứu PCI có cải thiện nhưng doanh nghiệp cảm thấy hài lòng về chất lượng LĐ lại có chiều hướng giảm đi. Tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng LĐ ở các tỉnh đã giảm liên tục từ 95,1% xuống còn 89,7% trong giai đoạn 2013 – 2017.
Năm 2017, tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng LĐ cao nhất là Bến Tre (97,56%), tiếp đến là Đắk Lắk (97,12%), Hải Phòng (95,16%), Bắc Giang (95,12%), Nghệ An (95,1%). Ở chiều ngược lại, Lai Châu là tỉnh có tỷ lệ doanh nghiệp hài lòng về chất lượng lao động thấp nhất (75,29%), tiếp đến là Điện Biên (76,84%), Đắk Nông (79,35%) và Hà Giang (80,82%).
Bà Lan Anh cảnh báo: “Chính vì chất lượng LĐ chưa làm hài lòng doanh nghiệp đang có xu hướng tăng lên khiến tỷ lệ chi phí kinh doanh mà doanh nghiệp phải dành cho đào tạo LĐ cũng tăng lên. Điều này sẽ khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp tăng theo, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.
Video đang HOT
Bà Lan Anh cho biết, trên thực tế, năm 2017, Thanh Hóa và Hậu Giang là những nơi mà doanh nghiệp phải bỏ chi phí cho đào tạo LĐ cao nhất, chiếm đến 8,2% tổng chi phí kinh doanh. Các tỉnh tiếp theo là Vĩnh Phúc (7,9%), Bình Dương (7,9%), Sơn La (7,8%). Việc doanh nghiệp phải bỏ chi phí cao hơn so với các tỉnh khác trong đào tạo LĐ sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp tại các tỉnh này. Ngược lại, các tỉnh như Bến Tre (2,9%), Vĩnh Long (3,1%), Bắc Kạn (3,4%), Thái Nguyên (3,9%) hay Cà Mau (3,9%) sẽ có nhiều lợi thế trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư từ việc các doanh nghiệp phải bỏ ra ít chi phí hơn để đào tạo LĐ.
Đà Nẵng, Long An, Đồng Tháp được doanh nghiệp đánh giá tốt
Nếu so sánh kết quả đánh giá của doanh nghiệp về chất lượng giáo dục nghề nghiệp giữa các tỉnh năm 2017 thì Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt cao nhất, đạt 55,2%, tiếp đến là Long An (51,6%) và Đồng Tháp (51,2%). Đây là 3 tỉnh có trên 50% doanh nghiệp đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp tại tỉnh đạt chất lượng tốt. Ở chiều ngược lại, Điện Biên (20,6%) và Yên Bái (24,7%) thấp nhất, đạt chưa đến 1/4 số lượng doanh nghiệp. Hai trung tâm kinh tế, cũng là trung tâm giáo dục lớn của VN là TP. HCM và Hà Nội đều có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt về chất lượng giáo dục dạy nghề, lần lượt là 40,6% và 32,5%, xếp thứ 22 và 45 trên tổng số 63 tỉnh thành.
Theo thanhnien
Hiệu trưởng Vũ Đức Long phớt lờ cấp trên, bổ nhiệm nhiều cán bộ
Mặc dù chưa xây dựng tiêu chuẩn, chức danh lãnh đạo phòng, ban, đơn vị nhưng Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng đã bổ nhiệm một loạt cán bộ.
Bổ nhiệm cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn
Ngày 25/5/2016, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng ký quyết định bổ nhiệm bà Vũ Thị Thanh Hoa, giáo viên bộ môn Điều dưỡng giữ chức vụ Phó trưởng bộ môn Điều dưỡng.
Đến năm 2017, khi Khoa Điều dưỡng được thành lập trên cơ sở tổ chức tại Bộ môn Điều dưỡng thì bà Hoa tiếp tục được bổ nhiệm làm Phó trưởng Khoa Điều Dưỡng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Vũ Thị Thanh Hoa chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Kiến Thụy về Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng từ năm 2012 với trình độ Cao đẳng.
Từ năm 2012 đến thời điểm bổ nhiệm làm Phó trưởng bộ môn Điều dưỡng, bà Hoa chủ yếu dành thời gian đi học đại học tại Nam Định và học cao học tại Hải Phòng.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng bổ nhiệm nhiều cán bộ từ năm 2016 đến nay (Ảnh: Lã Tiến)
Một số giáo viên nhà trường phản ánh, vì phải dành quá nhiều thời gian để bổ sung bằng cấp nên bà Hoa ít có thời gian tham gia công tác tại bộ môn.
Do đó, nhiều giáo viên cho rằng bà Hoa chưa đủ năng lực, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý điều hành và kinh nghiệm giảng dạy để đảm nhiệm chức vụ Phó trưởng Khoa Điều dưỡng.
Hơn nữa, tại thời điểm bổ nhiệm, bà Hoa chưa có trình độ Trung cấp chính trị và quản lý Nhà nước.
Hiện nay, bà Hoa đang hưởng lương ngạch điều dưỡng hạng 4 - mã 16a200 (điều dưỡng cao đẳng), chưa được chuyển ngạch là giáo viên.
Cũng trong ngày 25/5/2016, ông Vũ Đức Long đã ký quyết định bổ nhiệm bà Phạm Thị Liễu, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Việt Tiệp giữ chức vụ Phó trưởng bộ môn Điều dưỡng của nhà trường.
Trong quá trình bà Liễu làm Phó trưởng bộ môn Điều dưỡng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng đã vượt quá thẩm quyền, có sự "ưu ái" khi giao bà Phạm Thị Liễu phụ trách chuyên môn, thẩm định đề thi...tại bộ môn Điều dưỡng.
Tiếp đó, ngày 5/7/2017, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng đã bổ nhiệm bà Phạm Thị Minh Hà giữ chức vụ Phó trưởng Khoa Y học lâm sàng.
Đến đầu năm 2018, bà Hà tiếp tục được ông Vũ Đức Long giao trọng trách Phó khoa phụ trách Khoa Điều dưỡng.
Điều đáng nói là, bà Hà là bác sĩ, không được đào tạo chuyên ngành Điều dưỡng lại được hiệu trưởng giao nhiệm vụ phụ trách Khoa Điều dưỡng dẫn đến việc lúng túng trong công tác điều hành, quản lý và công tác chuyên môn.
Việc Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng bổ nhiệm các cán bộ trên khi chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện không những gây bức xúc trong cán bộ, giáo viên, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới công tác lãnh đạo điều hành và công tác chuyên môn của một số khoa, bộ môn trong nhà trường.
Phớt lờ chỉ đạo của Hải Phòng
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hải Phòng, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng quản lý.
Ngày 21/12/2011, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 2090 ban hành quy định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cho thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm; điều động, luân chuyển và quy hoạch công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các cơ quan hành chính, đơn vị sự ngiệp nhà nước (không thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý).
Tại Điều 6, Quyết định 2090 nêu rõ: Công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật, hướng dẫn của bộ quản lý chuyên ngành của Trung ương và quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.
Giám đốc các sở, ban, ngành và tương đương chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ xây dựng, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể các chức vụ trưởng, phó trưởng phòng chuyên môn, trưởng, phó trưởng cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, ban, ngành; trưởng, phó trưởng phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
"Theo quy định, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện theo quy định tại Quyết định 2090 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng", ông Tuấn nói.
Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng phớt lờ chỉ đạo của thành phố khi bổ nhiệm cán bộ (Ảnh: Lã Tiến)
Thực hiện quyết định 2090, Sở Nội vụ Hải Phòng đã có văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng quy định tiêu chuẩn các chức danh lãnh đạo phòng ban, đơn vị chuyên môn các cơ quan đơn vị.
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hải Phòng, đến năm 2015, Sở Nội vụ có công văn số 1854 hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng lại quy định tiêu chuẩn chức danh theo đề cương mới hướng dẫn và quy trình thực hiện mới.
"Đến thời điểm hiện nay, Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng chưa được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh đối với chức danh trưởng, phó bộ môn, khoa nhà trường" lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định.
Như vậy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng đã phớt lờ sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng và công văn hướng dẫn của Sở Nội vụ trong việc bổ nhiệm nhiều cán bộ nhà trường.
Tuy nhiên, tại cuộc làm việc với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Đức Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng lại cho rằng, Quyết định 2090 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng không áp dụng cho nhà trường.
"Việc bổ nhiệm cán bộ nhà trường chỉ căn cứ Điều lệ Trường Cao đẳng (ban hành kèm theo Thông tư số 01 ngày 15/01/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)", ông Long nói.
Việc bổ nhiệm cán bộ tại Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng có đúng quy định hay không, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Sở Nội vụ và các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ.
Theo giaoduc.net.vn
Muôn kiểu khởi nghiệp cùng học sinh học nghề Không chỉ giỏi trong đào tạo nghề, thời gian gần đây nhiều trường cùng thầy cô giáo và học sinh trường nghề còn sáng tạo muôn cách để khởi nghiệp. Xem khởi nghiệp là một cách để rèn luyện kỹ năng nghề, giúp lao động thích nghi với thị trường lao động hậu học nghề. Dự án nhà di động sử dụng năng...