Chất lượng khám chữa bệnh, vươn cao, vươn xa
Sự kiện khánh thành 1.000 điểm cầu khám chữa bệnh từ xa, với sự tham dự và trực tiếp chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng nhiều vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước… là một trong nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020. Thực hiện Đề án Khám chữa bệnh từ xa, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu của Đề án Khám chữa bệnh từ xa là mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.
Ứng dụng công nghệ hiện đại trong khám chữa bệnh
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Đề án khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 tại Quyết định 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020 với quan điểm chủ đạo là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”.
GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ngành y tế cần phải ứng dụng công nghệ để phát huy một cách cao nhất hiệu quả chất lượng khám chữa bệnh.
Cán bộ y tế BVĐK huyện Định Hóa theo dõi buổi hội chẩn của bác sĩ BV Đại học Y Hà Nội.
Bộ trưởng kỳ vọng, tới đây, bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viện tuyến huyện và tuyến tỉnh, thậm chí là ở tại nhà cũng có thể được các bác sĩ của những bệnh viện đầu ngành tuyến Trung ương hội chẩn trực tuyến, được chẩn đoán bệnh từ xa, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả. Điều này không chỉ giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên, mà còn đáp ứng nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân tốt hơn trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn theo phương thức 1-1, tức là một tuyến trên hỗ trợ cho một tuyến dưới, thì hiện nay theo Đề án khám chữa bệnh từ xa sẽ theo mô hình 1-N để nhân rộng phạm vi thụ hưởng. Tức là một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một bệnh viện tuyến dưới nhưng tất cả các bệnh viện khác trong mạng lưới đều có thể tham gia vào hội chẩn, theo dõi.
Là người đứng đầu cơ sở được hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ThS. BS. Hoàng Quang Trung, Giám đốc BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ tháng 6 đến nay, qua lần triển khai hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhiều bệnh nhân nặng của BVĐK tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân. Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Video đang HOT
“Các thầy của BV Đại học Y Hà Nội triển khai rất bài bản và tâm huyết, có kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các bệnh viện sau khi hội chẩn xong, phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau một tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả thực hiện. Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ tại BVĐK tỉnh Hà Tĩnh cơ hội để học hỏi và nâng cao chuyên môn”, BS. Hoàng Quang Trung chia sẻ.
E kip phẫu thuật tim cho bệnh nhi 55 tháng tuổi của BVĐK tỉnh Phú Thọ với sự hỗ trợ qua Telehealth với BV Tim Hà Nội.
Hạnh phúc khi có Đề án Khám chữa bệnh từ xa
BSCKI. Phạm Hồng Tươi, Khoa Đơn nguyên sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, Sơn La vẫn không thể quên được ngày chị tiếp nhận khám và điều trị cho bệnh nhi, trẻ sinh non tháng khi mới được 28 tuần tuổi, đẻ rơi trên xe taxi trong tình trạng suy hô hấp sau sinh, tím quanh môi, phổi thông khí kém, rút lõm lồng ngực, phản xạ sơ sinh yếu.
Xác định đây là ca bệnh khó và phức tạp, sau khi xử trí bước đầu cho trẻ, BVĐK huyện Mộc Châu đã ngay lập tức xin hội chẩn từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thông qua hệ thống y tế từ xa Telehealth. Tại buổi hội chẩn, PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi, Đại học Y Hà Nội đánh giá các bác sĩ của BVĐK huyện Mộc Châu đã làm rất tốt quy trình cấp cứu ban đầu cũng như điều trị cho bệnh nhi. Nếu cách đây khoảng 5-6 năm, những trường hợp bệnh nhi này ở tuyến dưới là không cứu được.
PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy đã hướng dẫn các bác sĩ BVĐK huyện Mộc Châu tiếp tục thực hiện các phác đồ điều trị tiếp theo cho bệnh nhân. GS.TS. Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng, chuyên gia về dinh dưỡng cũng đã hướng dẫn, góp ý trong cách cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhi…
Tiếp thu và thực hiện theo các hướng dẫn từ các thầy cô của Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các y bác sĩ của BVĐK huyện Mộc Châu đã chiến thắng, giành lại sự sống cho bệnh nhi.
BSCKI. Phạm Hồng Tươi, chia sẻ: Với các bác sĩ ở bệnh viện tuyến dưới, việc tiếp cận các ca bệnh khó không nhiều nên kinh nghiệm ít, đặc biệt là những ca bệnh như trường hợp này, trẻ mới 28 tuần tuổi. Đây là nỗ lực của cả quá trình và cũng là nỗ lực của tập thể y bác sĩ của bệnh viện. Từ khi có hội chẩn trực tuyến, chúng tôi đã tự tin hơn rất nhiều, nhiều bệnh nhân được cứu sống ngay tại địa phương, trình độ của các bác sĩ được nâng cao. Hội chẩn trực tuyến có rất có ý nghĩa đối với bệnh viện tuyến huyện xa xôi như của chúng tôi.
Còn BS. Phùng Đức Sằm, Phó Giám đốc BVĐK huyện Định Hóa, Thái Nguyên khi nói về Đề án Khám chữa bệnh từ xa không dấu được niềm vui mừng, hồ hởi qua từng ánh mắt: Chúng tôi rất hạnh phúc khi được kết nối trực tiếp với các thầy ở Hà Nội. Qua Đề án giúp các thầy thuốc luôn được cập nhật kiến thức mới, kỹ thuật mới và cũng là đem lại lợi ích cho người bệnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
BS. Nguyễn Thị Hương – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Hiệu quả của Đề án khám chữa bệnh từ xa đối với bệnh viện, đó là phía cán bộ y tế tuyến cơ sở, được hỗ trợ về chuyên môn, tự học và bổ sung trực tiếp, thường xuyên từ ca bệnh thực tế. Giúp bác sĩ tự tin hơn, tạo hài lòng của người bệnh. Trong cơ sở điều trị, thống nhất chẩn đoán và hướng điều trị, từ đó hạn chế chuyển tuyến và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, tiết kiệm chi phí đi lại cho người bệnh. Người bệnh được tư vấn, tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế tuyến trên, được chẩn đoán điều trị kịp thời giúp giảm thời gian điều trị, hạn chế các biến chứng…
Đề án khám, chữa bệnh từ xa bước đầu giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa như huyện Tam Đường không cần phải lên tuyến trên vẫn có thể được khám, chẩn đoán và điều trị bệnh bởi các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. Qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế.
Thực tiễn hoạt động khám chữa bệnh từ xa trong thời gian dịch COVID-19, đã cho thấy nhiều lợi ích như giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, ít tốn kém, an toàn, không cần phải đến bệnh viện khi chưa thấy cần thiết, giúp giảm tải bệnh viện và không tập trung đông bệnh nhân.Người dân trên mỗi vùng miền của Tổ quốc được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng cao ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.
Thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Tránh gây quá tải bệnh viện tuyến trên
Từ năm 2021, người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) khi đi khám chữa bệnh (KCB) không đúng tuyến tại cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp KCB đúng tuyến.
Để tránh tạo áp lực lên các BV lớn và đảm bảo an toàn Quỹ BHYT như các chuyên gia cảnh báo, rất cần chung tay của cả người bệnh lẫn bệnh viên tuyến dưới.
Chỉ thanh toán khi điều trị nội trú trái tuyến tỉnh
Theo quy định mới của Luật BHYT, từ 1-1-2021, người tham gia BHYT đăng ký KCB không đúng tuyến tại các cơ sở KCB tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng (có quy định cụ thể); người bệnh không có giấy chuyển viện vẫn được KCB, hưởng quyền lợi tại các BV tuyến tỉnh trên toàn quốc. Thậm chí, những trường hợp người bệnh ở địa phương này đi cấp cứu ở địa phương khác cũng được quỹ BHYT chi trả. Quy định này tạo cơ hội cho người có thẻ BHYT, nhưng cũng tạo ra thách thức đối với các cơ sở khám chữa bệnh tuyến cuối.
Phụ huynh đưa trẻ đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM. Ảnh: THÀNH SƠN
Bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết, từ khi triển khai đến chiều 2-1, thống kê số lượng bệnh nhân từ các địa phương khác đến điều trị nội trú BHYT chưa tăng. Lý do, vì còn trong đợt nghỉ lễ và để có thể phản ánh chính xác nhất phải sau 1 tuần thực hiện quy định mới về thông tuyến này. Để chuẩn bị cho việc liên thông, BV đã tăng cường nhân sự cho cấp cứu, chuẩn bị cơ sở vật chất...
"Hiện đang có sự nhầm lẫn giữa thăm khám và điều trị thông tuyến BHYT. Bệnh viện Nhân dân 115 chỉ liên thông BHYT tuyến tỉnh đối với bệnh nhân nhập viện điều trị nội trú, chúng tôi đã dự báo nhiều khó khăn khi thực hiện lộ trình này và đã có công văn gửi Sở Y tế, trong trường hợp quá tải bệnh nhân cần chuyển đơn vị khác. Con người, cơ sở vật chất cũng có giới hạn, đến mức độ nào đó quá khả năng thì cần sự hỗ trợ của đơn vị khác. Bởi nếu quá tải sẽ làm giảm chất lượng KCB", bác sĩ Trần Văn Sóng cho hay.
Bác sĩ Hồ Văn Hân, Phó Giám đốc BV Nhân dân Gia Định, lưu ý, người tham gia BHYT khi KCB trái tuyến tại các BV tuyến tỉnh sẽ được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước theo mức hưởng khi đi KCB đúng tuyến và chỉ áp dụng đối với việc điều trị nội trú. Nếu có thẻ BHYT tự đi khám ngoại trú (không nhập viện) thì Quỹ BHYT sẽ không hỗ trợ chi trả. Để được thanh toán BHYT khi KCB ngoại trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, người bệnh phải có giấy chuyển tuyến từ BV tuyến dưới.
Tránh vượt tuyến
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện nay, nhiều trường hợp đã vượt tuyến BHYT để KCB khiến BV tuyến tỉnh phải bù tới 40% chi phí. Do đó, các BV phải tăng cường việc điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân từ BV tuyến dưới vượt lên tuyến trên, gây ra tình trạng quá tải.
PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1, lưu ý, thông tuyến tỉnh tạo thuận lợi cho người dân có thẻ BHYT khi đi điều trị bệnh. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân tỉnh nào cũng có điều kiện lên TPHCM vì ngoài được chi trả 100% quyền lợi BHYT, bệnh nhân phải chi trả nhiều chi phí khác như đi lại, ăn uống... Vì vậy, BV tuyến dưới cần tránh chỉ định nhập viện những trường hợp không cần thiết để hạn chế quá tải, nhiễm trùng BV.
Trong trường hợp điều trị nội trú, những bệnh nhân được điều trị ổn định, BV Nhi đồng 1 sẽ liên hệ chuyển bệnh nhân về BV tuyến dưới để dành chỗ tiếp nhận điều trị những bệnh nhân nặng từ tỉnh chuyển lên.
Phụ huynh đưa trẻ đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 vào sáng 2-1. Ảnh: THÀNH SƠN
Đồng quan điểm, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho rằng, chính sách thông tuyến tỉnh trong KCB BHYT là động lực nâng cao chất lượng KCB tại các tuyến y tế.
Các BV tuyến dưới sẽ phải nâng cao chất lượng để giữ bệnh nhân, không để họ đến thành phố lớn hoặc đi địa phương khác điều trị, tránh chỉ định điều trị nội trú kể cả với bệnh nhân mắc bệnh nhẹ, chưa thực sự cần thiết điều trị nội trú lên BV tuyến trên. Điều này dễ dẫn đến quá tải giường bệnh, gây khó khăn cho bệnh nhân.
Tính toán của BHXH Việt Nam trên số liệu bệnh nhân điều trị nội trú vượt tuyến của năm 2020 cho thấy, với hơn 1,072 triệu lượt bệnh nhân được Quỹ BHYT chi trả 60%, chi phí khám chữa bệnh BHYT chi trả đã vượt 1.250 tỷ đồng.
Với chính sách thông tuyến có hiệu lực, nếu cũng với số lượng bệnh nhân đó được Quỹ BHYT chi trả chi phí KCB BHYT sẽ tăng lên hơn 2.000 tỷ đồng, trong khi Quỹ BHYT dự tính khả năng chi trả chỉ đáp ứng được đến hết năm 2021.
Trước thực tế trên, ông Lê Văn Phúc cho rằng, các BV tuyến tỉnh phải rà soát số giường bệnh đảm bảo đúng quy định vì có tình trạng BV kê thêm hàng ngàn giường bệnh. Các đơn vị phải có giải pháp tránh tình trạng bác sĩ ở tuyến xã, tuyến huyện đổ lên BV tuyến tỉnh làm việc khi thông tuyến BHYT. Bộ Y tế cũng phải có chính sách hạn chế bệnh nhân từ tuyến dưới dồn lên tuyến trên.
Giới trẻ - 'mồi ngon' của thuốc lá điện tử Thuốc lá điện tử thu hút giới trẻ bằng hình ảnh bắt mắt, thiết kế nhỏ gọn, quảng cáo và mua bán trên Internet. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh, Bộ Y tế,Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế, tại lễ phát động chiến dịch Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và...