Chất lượng hệ cử tuyển quá thấp
Cả chất lượng đầu vào và việc sử dụng đầu ra của sinh viên hưởng chính sách cử tuyển đều đáng lo ngại.
Thí sinh dự thi vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Y dược, sư phạm, kinh tế là những ngành nhiều sinh viên cử tuyển đăng ký dù học lực còn yếu – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Giữa tháng 7, Báo Thanh Niên thực hiện loạt bài Ưu tiên tuyển sinh thế nào để công bằng? trong đó có nhấn mạnh đến sự lãng phí lớn khi thực hiện chính sách cử tuyển. Tại hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị định 134 về chế độ cử tuyển vào chiều qua, ý kiến của các đại biểu một lần nữa cho thấy chính sách này dù có tính ưu việt nhưng không mang lại giá trị thực tiễn.
Đào tạo cực kỳ vất vả
Video đang HOT
Đại diện các cơ sở đào tạo đều có chung nhận định đầu vào của sinh viên (SV) cử tuyển yếu, khả năng tiếp thu chậm. Người học không lượng sức nên đăng ký vào những chuyên ngành có điểm chuẩn rất cao, đòi hỏi phải có học lực tốt mới theo được như y dược, sư phạm, kinh tế… Số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy học sinh cử tuyển chủ yếu vào ĐH chiếm 83,9% tổng chỉ tiêu, CĐ 16,1%. Các ngành tập trung đăng ký: y tế chiếm 25,96%, kinh tế 16,82%, sư phạm 23,03%.
Chính vì vậy, theo các trường, SV hệ này rất khó khăn để hoàn thành việc học, nhiều SV phải kéo dài thời gian học, kết quả học tập thấp. Tỷ lệ SV hệ này đạt bằng tốt nghiệp khá, giỏi rất thấp, gây hạn chế không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội vùng vốn đã rất khó khăn.
Đại diện Trường ĐH Quy Nhơn cho hay năm nào cũng có SV phải ngừng học tập, có năm phải buộc thôi học một số SV. Ông Nguyễn Đăng Quý, Phó giám đốc sở GD-ĐT Sơn La, cũng nói: “Có những SV cử tuyển học 10 năm rồi chưa… ra trường được”.
Chỉ hơn 40% được bố trí việc làm
Thống kê của Bộ GD-ĐT, đến thời điểm hiện tại chỉ có 852 /2.132 SV được bố trí việc làm (chiếm tỷ lệ 40,2%).
Báo cáo của các địa phương cũng cho thấy, có số SV được địa phương này chọn cử tuyển và cấp kinh phí đào tạo nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường lại đi làm việc ở địa phương khác… Ông Đoàn Quốc Tuấn, Sở GD-ĐT Hòa Bình, cho biết chỉ có 28% số SV cử tuyển của tỉnh ra trường có được việc làm.
Theo Bộ GD-ĐT, nguyên nhân do trong quá trình triển khai, nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch tổng thể đào tạo cán bộ theo chế độ cử tuyển, xác định nhu cầu ngành nghề, trình độ đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
SV ra trường không trở về địa phương công tác do nhiều nơi không cương quyết trong việc yêu cầu bồi hoàn kinh phí đào tạo, cũng không có chế tài.
Cần thay đổi cách tuyển chọn
Trước thực trạng này, đa số các đại biểu đều đề nghị cần có giải pháp để nâng cao chất lượng của SV hệ cử tuyển.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, đề xuất: “Chất lượng yếu vì hiện nay SV cử tuyển chọn từ những em trượt ĐH, CĐ. Tại sao không chọn tuyển ngay những em đỗ ĐH hằng năm, đầu tư kinh phí ngân sách cho các em này theo chế độ cử tuyển rồi sử dụng ngay nhân lực đó? Chỉ trừ trường hợp đặc biệt, cả dân tộc đó không em nào đỗ thì mới phải cử tuyển như hiện nay”. Nhiều ý kiến khác đề nghị, Bộ GD-ĐT cần phải bổ sung quy định về các tiêu chí xét tuyển SV hệ cử tuyển để nâng cao chất lượng đầu vào, đặc biệt là với những ngành có liên quan trực tiếp tới con người như: y dược, sư phạm.
Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Bộ sẽ phối hợp với bộ ngành liên quan xem xét kiến nghị của các trường như: tách chỉ tiêu hệ cử tuyển ra khỏi chỉ tiêu chung hiện nay; giao quyền quyết định cho các trường về việc xác định ngành nghề cho SV cử tuyển…”.
Chuyển từ hỗ trợ kinh phí sang cho vay
Ông Nguyễn Hải Ninh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Hải Phòng, đề xuất nên chuyển hình thức hỗ trợ kinh phí sang cho vay. Sau khi hoàn thành khóa học ra trường, nếu theo sự phân công thì SV được xóa khoản vay, không thì phải trả lại. Điều này tránh lãng phí kinh phí nhà nước và đảm bảo sự công bằng.
Ưu tiên người dân tộc nhưng toàn người Kinh đi học
Nghị định về chế độ cử tuyển ghi rõ ưu tiên xét cử tuyển đối với các đối tượng là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ người dân tộc Kinh không vượt quá 15% so với tổng số chỉ tiêu được giao. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nhiều tỉnh cử số lượng người Kinh đi học cử tuyển quá lớn. Chẳng hạn năm 2011, tỉnh Lâm Đồng cử 22/60 (chiếm 37%), Đắk Nông 38/117 (32%). Một số tỉnh ĐBSCL cử toàn người Kinh, nhiều dân tộc thiểu số trong nhiều năm không hề có học sinh cử tuyển.
Theo TNO