“Chất lượng giáo dục: Điều quan trọng là ở chất lượng giáo viên”
(PL&XH) – Đỗ Duy Hiếu, chàng thủ khoa của ĐHKH Tự nhiên năm 2013; giải nhất tài năng Khoa học trẻ Việt Nam năm 2013… từng là tâm điểm dư luận không chỉ bởi thành tích học tập xuất sắc. Mới đây, Hiếu tiếp tục khiến dư luận quan tâm khi chia sẻ tâm tư của mình đối với vấn đề cải cách giáo dục hiện nay.
Chàng thủ khoa giàu nghị lực…
Ngay sau khi những băn khoăn về một số nội dung cải cách giáo dục được Hiếu chia sẻ trên cộng đồng mạng khiến nhiều người quan tâm, PV đã có cuộc “diện kiến” chàng thủ khoa này, những điều chàng trai này chia sẻ càng khiến chúng tôi ngưỡng mộ.
Đỗ Duy Hiếu cho biết, anh sinh ra và lớn lên tại huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tốt nghiệp PTTH, với thành tích học tập tốt, Hiếu thi đỗ vào khoa Kỹ thuật Tàu thủy, trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
“Năm 2005, năm tôi thi vào ĐH cũng chính là thời điểm ngành đóng tàu đang là một ngành nghề mơ ước của nhiều bạn trẻ. Xem thông tin tuyển dụng trên báo, thấy nhà máy đóng tàu Ba Son tuyển kỹ sư với mức lương khá hấp dẫn. Xuất thân trong hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, tôi ấp ủ ngày ra trường với mức lương mơ ước ấy sẽ giúp được bố mẹ vơi bớt nhọc nhằn” – Đỗ Duy Hiếu chia sẻ.
Tưởng rằng, với quyết tâm, nghị lực lớn và thành tích học tập tốt, con đường thực hiện ước mơ của Hiếu sẽ từng bước hoàn thiện một cách suôn sẻ. Nhưng vào năm 2006, tai nạn giao thông bất ngờ ập đến khi Hiếu học ĐH năm thứ 2, khiến đôi chân anh bị liệt hoàn toàn. Chàng trai trẻ với bao hoài bão còn dở dang giờ phải từ giã giảng đường ĐH, để vào viện điều trị trong suốt một thời gian dài.
Video đang HOT
“Nhưng không vì thế mà tôi từ bỏ học hành, sau một thời gian nghỉ học, tôi quyết định quay lại giảng đường. Việc điều trị dài ngày tại BV khiến kinh tế gia đình rơi vào cảnh rất khó khăn, bố mẹ tôi chỉ là nông dân, nhà lại đông con. Trong khi vừa phải nằm viện điều trị tôi vừa phải ngày ngày kìm nén cơn đau, bắt xe ôm đến trường. Thời gian khó khăn đó đã từng khiến tôi vô cùng chán nản và có ý định buông xuôi tất cả.” – Hiếu tâm sự.
Đến khi chàng trai trẻ biết cuộc đời mình từ đây sẽ phải gắn liền với đôi nạng gỗ, giảng đường ĐH khi ấy bỗng trở thành một thử thách đối với Hiếu. Khi mỗi ngày phải leo 5 tầng để vào lớp học, cộng thêm những cơn đau luôn hành hạ. Khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, Hiếu đành buồn bã bỏ dở ước mơ của mình, trở về quê.
Dù tai nạn bất ngờ đã biến một chàng trai thành người khuyết tật, nhưng với kiến thức và thành tích học tập của mình, Hiếu quyết tâm không đầu hàng số phận. Trong thời gian dưỡng bệnh ở quê, Hiếu nhận được đề nghị dạy học cho các em học sinh trong xã. Ban đầu Hiếu từ chối vì một phần chán nản, phần khác nghĩ rằng sức khỏe của mình không cho phép. Thế nhưng mọi người đến nhà nhiều lần đề nghị, nên cuối cùng Hiếu đã nhận lời.
Kiến thức vững, cộng với phương pháp truyền đạt phù hợp, hiệu quả, lớp học của “thầy giáo” Đỗ Duy Hiếu mỗi ngày một đông. Từ chàng sinh viên Bách khoa, dở dang con đường học hành do tai nạn, Hiếu trở thành “thầy giáo làng” được rất nhiều học sinh yêu mến.
“Thời gian “dạy học” ở quê, gần gũi với các em học sinh đã giúp tôi dần tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình. Từ đó, tôi quyết định thi lại ĐH để có thể gắn bó lâu dài hơn với nghề dạy học. Khi đưa ra quyết định đi thi ĐH một lần nữa, rất nhiều em học sinh đã khóc và muốn tôi ở lại tiếp tục dìu dắt các em. Đón nhận tình cảm ấy, tôi vô cùng cảm động và càng quyết tâm theo đuổi nghề dạy học”. – Hiếu cho biết.
Với quyết tâm, nghị lực và kiến thức của mình, Hiếu tiếp tục thi đỗ ĐH Khoa học tự nhiên. Sau 4 năm miệt mài đèn sách, tốt nghiệp ra trường anh trở thành thủ khoa đầu ra của ĐH Khoa học tự nhiên năm 2013, ngành Toán học. Đỗ Duy Hiếu cũng từng được vinh danh Gương mặt trẻ tiêu biểu ĐH quốc gia 2013; Giải nhất tài năng Khoa học trẻ Việt Nam 2013. Hiện tại anh đang công tác tại Viện Toán học.
Đỗ Duy Hiếu, nhận giải nhất tài năng Khoa học trẻ Việt Nam 2013 Ảnh nhân vật cung cấp
Những băn khoăn về “đổi mới” giáo dục…
Lý giải về lý do chia sẻ những ý kiến góp ý xung quanh vấn đề cải cách giáo dục vào hôm 23 – 4 mới đây khiến dư luận quan tâm, Đỗ Duy Hiếu bày tỏ: “Bản thân tôi, cũng như rất nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh đều rất băn khoăn vì thấy có nhiều cải cách, trong một thời gian ngắn. Nhưng thay đổi liệu có cần thiết hay không? Liệu có giúp cho giáo dục nước nhà tốt lên hay không? Năm nay sẽ tuyển sinh như thế nào? Liệu có thi ĐH nữa không?”.
“Năm 2001 trở về trước, mỗi trường có phương án tuyển riêng. Năm 2002, phương án tuyển chung. Năm 2013 lại phương án tuyển riêng. Năm 2014, cũng là năm có nhiều thay đổi, khi thi liên thông phải chung với ĐH. Vậy mà năm 2015, thi liên thông lại tách riêng. Năm 2006 trở về trước thi tự luận. Năm 2007 thi trắc nghiệm. Bản thân tôi đã xây dựng nhiều công thức giải nhanh Vật lý, Hóa học để đối phó cách thi mới. Việc thay đổi nhanh thế này, liệu có đủ thời gian cho giáo viên và học sinh cập nhật kịp thời với những thay đổi đó hay không, là vấn đề cần phải xem xét thấu đáo” – Đỗ Duy Hiếu nói.
Đỗ Duy Hiếu: “Nếu chất lượng giáo viên không được cải thiện thì việc đổi mới cải cách sách giáo khoa dẫu có thế nào cũng không làm cho nền giáo dục tiến bộ được”.
Có hai sự thay đổi khiến Đỗ Duy Hiếu đặc biệt quan tâm, thứ nhất là thay đổi sách giáo khoa. Thứ hai, việc cấm thi vào lớp 6.
“Về vấn đề thay đổi sách giáo khoa, mấy năm trước, bộ sách cũ từng được thay đổi, thêm – bớt một vài phần, thay đổi ký hiệu. Mới đây, tôi lại nghe tin chúng ta đổi sang bộ sách mới. Theo tôi, nguồn gốc của vấn đề không nằm ở quyển sách giáo khoa. Chất lượng giáo dục tốt hay không tốt, thì điều quan trọng là ở chất lượng giáo viên” – Hiếu bày tỏ.
Vấn đề thứ hai, cấm tuyển sinh vào lớp 6, được Bộ GD&ĐT cho là để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm, hạn chế luyện thi vào trường chuyên lớp chọn. Tuy nhiên, Đỗ Duy Hiếu cho rằng: “Chỉ có 5 – 10% học sinh học thêm để thi vào trường chuyên, lớp chọn. Vậy là cấm thi chỉ để giải quyết 5 – 10% của vấn đề? Trong khi phần lớn phụ huynh cho con học thêm bậc tiểu học vì muốn có cơ hội phát triển khả năng thông qua giáo viên tốt hơn ở trường. Nguyên nhân ở đây là do cách tuyển giáo viên. Nếu trường nào cũng có nhiều giáo viên dạy giỏi… thì dẫu có cho tiền học sinh cũng không đi học thêm” – Đỗ Duy Hiếu khẳng định.
Theo Đỗ Duy Hiếu, để chất lượng ngành giáo dục tốt lên có nhiều giải pháp, trong đó giải pháp quan trọng nhất là thu hút nhân tài. Trước mắt, nếu những sinh viên sư phạm là thủ khoa, có giải quốc gia, quốc tế nếu có khả năng sư phạm tốt nên tuyển thẳng, thậm chí có chế độ biệt đãi để “lôi kéo”. Nếu làm điều đó thì 10 năm nữa, nền giáo dục Việt Nam sẽ tự đi lên.
Theo phapluatxahoi.vn