Chất lượng đầu vào lớp 10 thấp, áp lực đè nặng bậc Trung học phổ thông
(GDVN) – Đến nay các trường THPT công lập có tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã công bố điểm chuẩn cho nguyện vọng 1 và 2.
LTS: Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014 – 2015 đã có nhiều sự đổi mới nhằm giảm áp lực cho thí sinh và nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào.
Nhưng khi các trường công bố điểm chuẩn tuyển sinh thì xảy ra nhiều bất cập. Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đưa ra nhìn nhận của mình về vấn đề này một cách cụ thể trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Tòa soạn trân trọng gửi tới bạn đọc.
Có thể nói, nhờ thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình nên số lượng thí sinh dự thi và tỉ lệ chọi vào lớp 10 ở Quảng Ngãi mấy năm nay ít hơn và thấp hơn so với các năm trước.
Có trường như trường THPT Sơn Mỹ (TP Quảng Ngãi), trường THPT số 2 Nghĩa Hành (Huyện Nghĩa Hành) số thí sinh đăng ký dự thi suýt soát, thậm chí thấp hơn so với số lượng chỉ tiêu được giao.
Do đó, phụ huynh, học sinh ít bị áp lực thi cử hơn, cơ hội các thí sinh được tuyển vào các trường THPT công lập có tổ chức thi tuyển khá cao.
Video đang HOT
Điều đáng nói ở đây, điểm chuẩn vào nhiều trường ở tỉnh này mấy năm nay nhìn chung là rất thấp, phần lớn chưa tới 3.5 điểm/ môn.
Năm ngoái, điểm chuẩn vào trường THPT số 2 Nghĩa Hành chỉ có 6.0 điểm, trường THPT Thu Xà chỉ tới 10 điểm, điểm chuẩn vào trường THPT Sơn Mỹ chỉ đạt 10.4 điểm.
Năm nay, cũng không khá hơn, điểm chuẩn vào trường THPT Sơn Mỹ chỉ có 7.05 điểm, vào trường THPT Lê Trung Đình chỉ cần 11 điểm.
Ba môn thi Toán, Văn, môn thi thứ 3, trong đó Toán, Văn được tính hệ số hai, thành ra là 5 môn, cộng với điểm khuyến khích nghề phổ thông, hầu hết em nào cũng có từ (0,5 đến 1,5 điểm) mà chỉ có từng ấy điểm được tuyển vào , chứng tỏ chất lượng học tập của nhiều học sinh lớp 9 năm nay còn hạn chế, yếu kém nhiều.
Các thí sinh dự thi vào lớp 10
Được biết, theo giới chuyên môn, đề thi tuyển sinh vào 10 năm nay của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi ra, gồm ba môn Toán, Văn và môn thi thứ 3, bám sát chương trình, ở mức độ bình thường, học sinh học lực trung bình đạt điểm 5 không khó.
Nhiều em có kết quả, thành tích học tập bậc THCS, lớp 9 rất cao, học sinh tiên tiến, học sinh giỏi được ghi trong hồ sơ học bạ, thế nhưng kết quả điểm thi tuyển sinh lại thấp lè tè, thậm chí có em bị điểm 0, điểm liệt dưới 1.
Điểm đáng ghi nhận, công tác tổ chức thi tuyển sinh vào 10 từ trước đến nay của Quảng Ngãi rất nghiêm túc, đúng quy chế, vì có tính cạnh tranh nên các thí sinh đều lo tự làm bài, hiếm có chuyện trao đổi, đưa bài cho thí sinh khác xem, chép (Rất khác với kỳ thi Tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia).
Chính sự nghiêm túc đúng nghĩa này đã góp phần đánh giá, phân loại tương đối chính xác về thực chất học lực của thí sinh khi thi tuyển vào 10.
Chất lượng đầu vào năm nay thấp, nó trở thành gánh nặng, áp lực lớn đối với thầy cô, Nhà trường ở bậc THPT.
Các em học sinh lớp 10, học lực yếu kém thế, thì làm sao thầy cô giáo bậc THPT bổ sung, vực dậy nổi sau ba năm học cấp 3?
Học hành sa sút thường kéo theo sa sút về hạnh kiểm, đạo đức nữa. Đòi hỏi các em tiến bộ, học tốt, thi đỗ tốt nghiệp cao, đỗ đạt nhiều, thật là khó cho nhà trường THPT.
Nhiều năm nay, tính phân hóa trong học sinh vào 10 các trường công lập ở Quảng Ngãi cũng như các địa phương càng thể hiện rõ rệt và sâu sắc.
Những trường số 1, có lịch sử, bề dày giáo dục thường nhận được “hạt gạo trên sàng”, toàn học sinh khá, giỏi.
Những trường số 2, các trường bán công nay chuyển sang loại hình công lập, dù cố gắng tạo hình ảnh, thương hiệu, cơ sở vật chất… nhưng vẫn chỉ nhận “hạt gạo dưới sàng”, phần nhiều học sinh có mức học lực trung bình và yếu.
Các thầy cô giáo ở trường số 2, trường mới lên công lập kêu ca, than trời trong quá trình dạy học, quản lý vì chất lượng đầu vào quá thấp.
Cấp quản lý giáo dục ở đây cũng đang đau đầu về sự phân hóa này, nơi thì nhẹ nhàng, nơi thì vất vả, nhọc nhằn và từng có kiến nghị nên phân chia tuyển sinh vào 10 theo hướng sắp xếp địa bàn để các trường công lập ngang bằng tương đối về chất lượng học sinh.
Gặp được lứa học trò học được, chăm ngoan thì thầy cô giáo cấp 3 chúng tôi khỏe, trúng lứa học trò học tệ, sa sút thì thầy cô giáo chúng tôi mệt đừ. Nhưng biết làm sao bây giờ?
Là những người đang giảng dạy bậc THPT, chúng tôi chỉ trông sao các Nhà trường, thầy cô giáo ở bậc Tiểu học, THCS ở địa phương giáo dục học trò có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả tốt hơn, đừng dễ dãi, đùn đẩy hết những học sinh quá yếu lên trên này và mong mỏi công tác phân luồng học sinh học hết bậc THCS của ngành giáo dục và Nhà nước đã định hướng có bước chuyển biến thực sự về chất trên thực tế, chứ không dừng lại việc hô hào và nằm trên giấy.
Giáo dục của chúng ta đang cần lắm tính đồng bộ, tính quá trình, tính liên tục từ bậc dưới lên bậc trên, sự phối hợp tốt giữa Nhà trường – gia đình – xã hội và bản thân mỗi học sinh.
Theo GD&TĐ