Chàng trai Bến Tre giành học bổng tiến sĩ Kinh tế toàn phần của ĐH Yale
Huỳnh Quang Nghiêm tốt nghiệp Cử nhân hạng Ưu ngành Toán và Kinh tế tại ĐH New York Abu Dhabi năm 2018 sau đó xuất sắc giành suất học bổng toàn phần tiến sĩ ngành Kinh tế của ĐH Yale danh tiếng.
Sinh năm 1995, chàng trai Bến Tre Huỳnh Quang Nghiêm giành học bổng toàn phần (30.000 USD mỗi năm) cho chương trình Tú tài tại UWC Red Cross Nordic (Na Uy) năm 2012 và tốt nghiệp năm 2014.
Ngay sau đó, Nghiêm tiếp tục chinh phục thành công học bổng toàn phần (75.000 USD mỗi năm) từ Chính phủ Abu Dhabi cho chương trình Cử nhân tại NYU Abu Dhabi.
Trong những năm sinh viên, chàng trai Việt là trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Công nghệ và Phát triển Kinh tế (CTED), NYU Abu Dhabi (2016-2018) và vinh dự nhận học bổng nghiên cứu tại Pháp với GS. Olivier Bochet (NYU Abu Dhabi) hè 2017. Với những thành tích ấn tượng, nam du học sinh trở thành diễn giả khách mời tại TEDx NYUAD năm 2016.
Huỳnh Quang Nghiêm.
Tốt nghiệp Cử nhân hạng Ưu (summa cum laude) ngành Toán và Kinh tế từ Đại học New York Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) năm 2018, Nghiêm giành vé vào bậc tiến sĩ của Đại học Yale danh tiếng.
Hiện, chàng trai Việt là nghiên cứu sinh Tiến sĩ năm ba ngành Kinh tế học tại Đại học Yale, Connecticut, Hoa Kỳ. Đáng chú ý, Nghiêm sáng lập và điều hành tổ chức Headway và là thành viên Ban Tuyển sinh của Uỷ ban Quốc gia Các trường Thế giới Liên kết (UWC) Việt Nam.
Cùng PV Dân trí tìm hiểu về hành trình gặt hái nhiều thành tích đáng nể của chàng trai Bến Trai:
PV: Bạn ước mơ du học từ bao giờ? Bạn có thể kể câu chuyện về hành trình chinh phục ước mơ đó của mình? Tại sao bạn nộp hồ sơ vào trường Thế giới Liên kết (UUWC Red Cross Nordic)?
Huỳnh Quang Nghiêm: Mình nghĩ mình là một trường hợp “cá biệt” trong số những bạn được chọn đi du học với học bổng toàn phần. Mình sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu, và cũng như bao nhiêu bạn trẻ Việt Nam khác, dành phần lớn những năm trung học vào việc thi học sinh giỏi và tranh đấu vào trường chuyên.
Mình không có dự định đi du học Mỹ hay châu Âu, không nói tiếng Anh lưu loát, không có nhiều kinh nghiệm hoạt động ngoại khoá, và chưa từng đi xa nhà quá quê mình ở Bến Tre.
Tuy nhiên, nhờ sự ảnh hưởng từ cha mẹ, mình lớn lên với niềm tin rằng sự vị tha và lòng trắc ẩn giữa người với người sẽ làm nên những thay đổi tích cực trong xã hội.
Khi biết về phương châm của UWC: “Dùng giáo dục để kết nối con người”, mình đồng cảm mạnh mẽ với tầm nhìn này và quyết định ứng tuyển. Niềm tin, sự cố gắng của mình và một chút may mắn đã đưa mình đến với UWC Red Cross Nordic.
Nghiêm tốt nghiệp chương trình Tú tài tại UWC Red Cross Nordic năm 2014.
- Để có trải nghiệm tốt ở UWC Red Cross Nordic, bạn vượt qua những thử thách nào? Bạn học được những bài học gì từ những trải nghiệm đó?
Khi được chọn đi Na Uy, tiếng Anh bập bõm và cuộc sống xa nhà lạ lẫm không níu chân mình, mà ngược lại, thôi thúc mình lao vào trải nghiệm những điều mới mẻ và đóng góp tiếng nói của mình cho cộng đồng nơi đây. Mình nhớ về hai năm ở Na Uy như là những năm quan trọng nhất trong việc hình thành cách mình nhìn thế giới.
Mình luôn biết về tình thương và lòng trắc ẩn từ cha mẹ, nhưng chỉ khi đến với UWC, mình mới thực sự nhìn thấy được thế giới sẽ thế nào nếu như tất cả những giá trị ấy được áp dụng thành công vào thực tiễn, và quyết tâm cống hiến công sức của mình cho việc xây dựng một thế giới như thế trong tương lai.
Tại UWC, mình tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê cho Toán học vì vẻ đẹp và sự chặt chẽ của bộ môn này. Mình dành một mùa hè ở Ghana để giảng dạy tại một trại hè Toán học, với mong muốn thắp lên ngọn lửa đam mê bộ môn này trong các bạn học sinh trung học.
Bên cạnh đó, cộng đồng đa dạng tại UWC cũng giúp mình nhận ra vai trò của các môn khoa học xã hội và nhân văn trong việc mở rộng hiểu biết của bản thân về các khía cạnh khác nhau của xã hội loài người. Thầy Rudy Alejandro, một người giáo viên tuyệt vời, đã khơi dậy trong mình niềm quan tâm đối với bộ môn Kinh tế học.
Với những thành tích ấn tượng, nam du học sinh trở thành diễn giả khách mời tại TEDxNYUAD năm 2016.
Video đang HOT
Sau khi tốt nghiệp UWC, tại sao Khiêm chọn Đại học New York Abu Dhabi để tiếp tục hành trình học tập?
Sau khi tốt nghiệp UWC, bị cuốn hút bởi một môi trường cũng đa dạng không kém và một phương châm giáo dục hướng tới việc kết nối những sự khác biệt, mình lên đường đến với Đại học New York Abu Dhabi. Trong suốt hai năm đầu đại học, mình theo chuyên ngành Toán với niềm đam mê không lung lay từ những ngày học ở UWC.
Tuy nhiên, sau bốn học kỳ với tô pô đại số, giải tích và phương trình vi phân, mình bắt đầu nhận ra những định lý toán học, dù đẹp và chặt chẽ, không thể đưa mình gần hơn với những con người và những vấn đề mà mình quan tâm đến.
Trong thế giới lý tưởng của mình, mình muốn kết hợp những định lý toán và những kiến thức xã hội để nghiên cứu một cách có hệ thống về những vấn đề mà nhiều cộng đồng đang trải qua, từ đó tìm giải pháp giúp họ vươn lên.
Sau một thời gian dài suy nghĩ, mình quyết định chuyển chuyên ngành của mình thành Kinh tế vào cuối năm thứ hai đại học trong sự ngạc nhiên của thầy cô và bạn bè.
Quyết định lớn lao này đã giúp mình nhận ra tầm quan trọng của việc hiểu bản thân mình cũng như ngành nghề mình theo đuổi trước khi có thể tạo ảnh hưởng lên thế giới.
Hai năm ở UWC giúp mình định hình những ước mơ và mục tiêu của bản thân, thông qua lớp Kinh tế với một người thầy tuyệt vời và cơ hội được tiếp xúc với những người bạn đến từ năm châu với vô vàn câu chuyện và tầm nhìn khác nhau.
Mình hiểu được vai trò to lớn của người hướng dẫn trong việc dẫn dắt mình bước trên con đường của mình, và mong muốn rằng bản thân cũng sẽ trở thành một người dẫn đường để giúp các bạn học sinh Việt Nam tìm thấy niềm đam mê thực sự của họ.
Vì sao Nghiêm dành nhiều thời gian cho tổ chức UWC? Chia sẻ về những trải nghiệm, kỷ niệm đáng nhớ không thể quên gắn với tổ chức?
Mong muốn giữ lửa cho ngọn đuốc cố vấn và kết nối với các bạn trẻ ở quê nhà sau nhiều năm học tập tại nước ngoài, mình trở thành tình nguyện viên cho Ủy ban Quốc gia UWC tại Việt Nam.
Vào mỗi mùa tuyển sinh, khi tiếp xúc với các ứng viên, mình vừa cảm thấy ấn tượng với nhiệt huyết và ước mơ giúp đỡ cho cộng đồng của các bạn, vừa trăn trở vì sự thiếu đa dạng, thiếu sáng tạo trong những hoạt động ngoại khóa của mỗi bộ hồ sơ.
Mình nhận ra tại Việt Nam, việc giúp đỡ cộng đồng gần như bị đồng nghĩa với những hoạt động tình nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, hoặc những dự án về môi trường; mặc dù các bạn trẻ có thể có những đam mê và kế hoạch tương lai hoàn toàn tách biệt với vấn đề biến đổi khí hậu và trẻ em cơ nhỡ.
Với những tài năng và sở thích đa dạng của các bạn, liệu các bạn có thể tận dụng nó như thế nào để giúp đỡ xã hội theo cách của riêng mình?
Từ Na Uy đến Abu Dhabi và Yale, mình có dịp gặp gỡ những người với nhiều đam mê và đã thành công trong việc đưa những ý tưởng đó vào thực tiễn để đóng góp cho thế giới theo cách riêng của họ.
Trong ngành Kinh tế, đặc biệt là chuyên ngành Kinh tế học Phát triển mà mình đang theo đuổi, những nghiên cứu về các nước đang phát triển đã giúp xây dựng các chính sách để các quốc gia này có thể bắt kịp các nước phát triển trong thương mại, giáo dục và y tế.
Trong nghệ thuật, mình thấy những câu chuyện được kể qua phim, ảnh, sách và âm nhạc có thể nâng cao nhận thức hoặc thay đổi định kiến về một vấn đề xã hội, và giúp những nghiên cứu quan trọng về phân biệt giới, bất bình đẳng,… trong Nhân học trở nên gần gũi hơn với cộng đồng.
Trong khoa học, kết quả nghiên cứu từ những phòng thí nghiệm lớn và cả những dự án nhỏ trong các trường trung học đã giúp xã hội bắt đầu hiểu hơn về nhiều thách thức lớn với sức khoẻ và môi trường.
Nhiều phương án sáng tạo, như chỉnh sửa gen để chữa trị ung thư hay chế tạo ra năng lượng sạch, đã xuất phát từ những đề án nghiên cứu này.
Nghiêm Huỳnh tại thư viện Đại học Yale.
- Được biết bạn đã sáng lập một tổ chức mang tên Headway? Mục đích, ý tưởng bạn gửi gắm ở chương trình là gì?
Khi trò chuyện lâu hơn với những bạn ứng cử viên của UWC, mình nhận ra các bạn học sinh Việt Nam thường chọn tham gia các hoạt động cộng đồng vì chưa có nhiều cơ hội để các bạn tìm hiểu sâu về những ngành nghề khác.
Ngay cả khi đã có được ý tưởng, các bạn cũng thường gặp khó khăn trong việc tìm được người hướng dẫn hoặc nguồn hỗ trợ tài chính cho những dự án tiềm năng này.
Nếu có cách để kết nối những con người tuyệt vời và đầy nhiệt huyết trong nhiều ngành mà mình được gặp với các bạn học sinh trung học, thì các bạn hoàn toàn có thể khám phá và nuôi dưỡng những đam mê của mình cũng như mang lại lợi ích cho cộng đồng bằng nhiều phương pháp mới.
Những hoạt động này có thể không dẫn đến những kết quả đột phá, nhưng những kỹ năng và kinh nghiệm mà các bạn học được khi xắn tay áo lên xây dựng một dự án của mình sẽ rất hữu ích khi các bạn định hướng tương lai cho bản thân.
Chàng trai Việt mặc áo dài tham gia chào mừng ngày Quốc khánh Na Uy tại UWC Red Cross Nordic.
Headway chính là cách để mình ứng dụng những bài học mà mình đã học được trong hành trình cất bước trên con đường của riêng mình, và đền đáp cho những con người, những cộng đồng đã giúp đỡ mình tiến xa như hiện tại trong sự nghiệp.
Với việc thành lập nên Headway, mình không chỉ muốn khuyến khích các bạn học sinh Việt Nam khám phá những lĩnh vực đầy tiềm năng để phát triển xã hội và tìm ra đam mê của mình, mà còn mong rằng những ý tưởng ấy sẽ được đưa vào hành động qua việc các bạn tự xây dựng được những dự án cộng đồng.
- Làm thế nào bạn có nguồn lực tốt để hiện thực ý tưởng đó?
Mình đã tập hợp được nhiều cựu học sinh UWC, các du học sinh và những bạn trẻ đang làm việc trong mọi ngành nghề – những người cùng chia sẻ niềm đam mê cố vấn cho những bạn học sinh Việt Nam.
Từ đó trở đi, ban tổ chức của Headway đã làm việc không ngừng nghỉ để có thể xây dựng nên một chương trình với mục tiêu kết nối những người cố vấn nhiều kinh nghiệm với những bạn học sinh Việt Nam tài năng, và giới thiệu cho họ những kiến thức và những dự án đã được thực hiện trong các ngành Toán học, Hóa học, Nghiên cứu truyền thông, Kinh tế học, Nghệ thuật,…
Khi làm điều đó, mình mong muốn rằng không chỉ có mỗi những bạn trẻ đang dạy học cho trẻ em mồ côi hay tham gia một chiến dịch nhặt rác, mà cả những học sinh có ước mơ trở thành nhạc sĩ hay nhà hóa học tương lai cũng có thể tìm ra sở trường của mình và tìm cách thay đổi thế giới bằng những đam mê của chính các bạn.
Qua mùa đầu tiên, Headway quy tụ hơn 50 người tham gia từ khắp Việt Nam. Sau ba tháng tham gia các lớp học trực tuyến với các cố vấn của chương trình, viết đề xuất và chạy thử các dự án, Headway đã chọn 8 dự án để hỗ trợ trong năm đầu tiên này.
Các dự án rất đa dạng về đề tài, từ trại hè giáo dục đến nghiên cứu tâm lý xã hội và thiết kế ứng dụng di động. Các đội chiến thắng bao gồm các học sinh đến từ nhiều vùng khác nhau trên cả nước, những người gặp nhau thông qua Headway và tiếp tục theo đuổi mục tiêu của các em ngay cả sau khi chương trình kết thúc.
Dự án vô cùng tự hào khi thấy những học sinh tham gia bước ra khỏi suy nghĩ truyền thống về các hoạt động ngoại khóa để vừa học được nhiều kỹ năng mới, vừa tạo ra những tác động hữu ích cho cộng đồng.
Trong các mùa tiếp theo, mình hy vọng rằng Headway sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ cho những ý tưởng mới lạ, chắp cánh cho những học sinh khao khát học hỏi và xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Cảm ơn Huỳnh Nghiêm và chúc bạn thành công!
'Nụ hồng' Việt ở Johns Hopkins
Ngôi trường y khoa hàng đầu nước Mỹ cũng là sự lựa chọn của cô gái 9X gốc Đà Nẵng Nguyễn Thị Sao Ly để theo đuổi chương trình tiến sĩ.
Bạn Nguyễn Thị Sao Ly (trái) trong một hoạt động giao lưu trí thức trẻ ở VN - Ảnh: L.VŨ
Những ngày này, người dân trên thế giới dần quen thuộc với hai chữ Johns Hopkins, nơi hiện là nguồn cung cấp thông tin chuyên môn đáng tin cậy về COVID-19.
Nghệ thuật của cuộc sống là con người luôn có thể tạo ra năng lượng tích cực cho bản thân, dù mọi thứ xung quanh có như thế nào.
Nguyễn Thị Sao Ly
Sao Ly mở đầu câu chuyện bằng nguồn gốc cái tên của mình:
- Hồi bé, ba mẹ đặt tên tôi là Sa Ly. Nhưng sau trận ốm thập tử nhất sinh, ba mẹ đổi thành Sao Ly vì Sa Ly nghe vần với xa cách và ly biệt. Tôi biết ơn cái tên khá đặc biệt của mình vì nó giúp mọi người dễ nhớ hơn khi nhắc đến.
* Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống học tập và ai cũng giỏi giang có là áp lực với bạn?
- Tôi chưa từng cảm thấy áp lực từ gia đình. Từ nhỏ đến giờ tôi luôn được tạo cơ hội tự học, tự quyết định cuộc sống và sự nghiệp của mình. Anh chị tôi thường nhìn mọi thứ theo hướng họ đơn giản là người đi trước, tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn, vì vậy sẽ chỉ bảo cho đàn em.
Tôi cũng không lo lắng nhiều về việc ganh đua với ai. Thay vì cảm thấy áp lực với những người giỏi hơn mình thì tôi muốn kết bạn và học hỏi ở họ, từ đó phát triển bản thân lên.
* Từng được 8 ngôi trường hàng đầu nước Mỹ gọi tên. Bạn đã chinh phục ra sao?
- Thật ra các trường đào tạo tiến sĩ đều có công thức chung khi tìm ứng viên. Thường những người được nhận trước hết phải là những cá nhân ưu tú, nỗ lực trong học tập, đam mê nghiên cứu và thể hiện rõ nét những điều này qua kết quả học và kinh nghiệm nghiên cứu, làm việc của mình. Khi nộp đơn và phỏng vấn, có lẽ tôi đã truyền tải được thông điệp ấy.
Tuy nhiên, vì những học bổng được xét trên rất nhiều yếu tố nên tôi không chắc điểm gì nổi trội khác ở mình đã chinh phục được các trường, chỉ có thể đoán bản thân không có điểm gì quá tệ để các trường nỡ từ chối (cười).
* Ắt hẳn cuộc sống của bạn nhiều thay đổi sau thời điểm các báo đồng loạt đưa tin về thành tích "chấn động" năm 2017...
- Tôi thấy cuộc sống của mình trở nên tích cực, ý nghĩa hơn từ khi được nhiều người biết đến. Cái "được" ý nghĩa nhất là tôi có thể giúp đỡ rất nhiều người bằng kinh nghiệm và kiến thức của bản thân.
Các phụ huynh, bạn trẻ sau đó đã tin tưởng tìm đến tôi để hỏi về các vấn đề du học, làm nghiên cứu khoa học... Việc được góp phần giúp các bạn khác hiểu rõ, theo đuổi ước mơ là động lực rất lớn cho hành trình nỗ lực của mình.
* Bạn đã cân đối cuộc sống thế nào, nhất là khi việc nghiên cứu tốn rất nhiều thời gian?
- Tôi từng chìm đắm mình trong công việc để rồi bị stress, dẫn đến việc không chỉ sức khỏe bản thân giảm sút mà công việc cũng kém hiệu quả.
Vì thế hằng ngày tôi đều cố gắng dành thời gian chăm sóc bản thân, vun vén gia đình và thư thái tinh thần, để công việc theo đó đạt hiệu quả cao nhất. Tôi nghĩ không gì là không thể làm được, quan trọng là chúng ta có những sự ưu tiên đúng đắn.
* Những thăng trầm trên con đường nghiên cứu khoa học?
- Làm nghiên cứu sinh, chúng tôi thường gặp phải nhiều thất bại nhỏ hơn là một hay hai thất bại lớn. Điều đó buộc tôi phải học tính kiên nhẫn, thái độ bình tĩnh và khả năng giải quyết vấn đề. Và trong nghiên cứu thì không chỉ các dữ liệu, kết quả tốt, mà ngay cả những dữ liệu, những thí nghiệm không như mong đợi cũng sẽ giúp chúng ta mở rộng góc nhìn về hướng đi của mình. Nhận thức được điều đó giúp tôi có tư tưởng tích cực và thoải mái hơn.
Năm nay tôi sẽ có một bài báo và một chương sách được xuất bản. Ngoài ra, tôi đang theo đuổi hai đề tài, một về bộ máy cơ học của tế bào và một về thuốc có khả năng giảm ung thư tụy. Hi vọng trong tương lai sẽ có báo cáo khoa học cho hai đề tài này. Vì tôi nghiên cứu chủ yếu là khoa học cơ bản, nên số lượng các bài báo quốc tế thường sẽ ít hơn một số lĩnh vực khác.
* Thần tượng của bạn?
- Xung quanh tôi có quá nhiều người giỏi giang, truyền cảm hứng cho mình hằng ngày nên rất khó để chọn ra một người làm thần tượng.
Không nhất thiết phải là người giàu có, thành công rực rỡ... Bất kỳ ai có lý tưởng sống đẹp và nguyên tắc sống rõ ràng đều tạo sự ngưỡng mộ nơi tôi.
Nữ sinh Việt từng nhận 8 học bổng tiến sĩ
Năm 2017, Nguyễn Thị Sao Ly trở thành "hiện tượng" trong giới du học sinh Việt khi cùng lúc giành được 8 học bổng tiến sĩ ở các ngôi trường hàng đầu trong lĩnh vực y khoa ở Mỹ như Johns Hopkins, MIT, Cornell, Rice... Bạn quyết định theo học Trường Johns Hopkins với học bổng trị giá hơn 9 tỉ đồng.
Trước đó, Sao Ly tốt nghiệp chuyên ngành sinh học, thạc sĩ y tiến hóa với thành tích top 5% của Đại học California, Los Angeles (UCLA).
CÔNG NHẬT thực hiện
Cựu sinh viên trường Đại học Kiến trúc chia sẻ cơ hội học lên Tiến sỹ tại Úc Khi quyết định chọn Kỹ thuật cấp thoát nước, anh Trần Văn Huy không theo xu hướng chọn ngành "hot" lúc bấy giờ mà xuất phát từ suy nghĩ rất đơn giản và thực tế rằng: Nước sạch là một nhu cầu thiết yếu cho các sinh hoạt và sản xuất mà mình phải giữ gìn và bảo vệ. Là cựu sinh viên...