Chàng sinh viên người H’Mông bán mì tôm dạo học đại học
Chàng trai Khang A Tủa đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để vững bước trên con đường đi tìm con chữ.
Khang A Tủa hiện đang là sinh viên năm nhất trường ĐH Bách khoa (Hà Nội), hàng ngày, sau những giờ học miệt mài trên giảng đường, cậu phải đi bán mì tôm dạo để trang trải các khoản học phí và cuộc sống sinh hoạt đắt đỏ nơi Hà thành.
Họ tên: Khang A Tủa
Dân tộc: H’Mông
Ngày sinh: 27/5/1995
Thành thích: Thủ khoa tốt nghiệp trường PTDT nội trú Việt Bắc
Hiện đang là sinh viên năm nhất ĐH Bách khoa Hà Nội
Tuổi thơ bám trụ trong túp lều tạm để học chữ
Khang A Tủa kể về những hồi ức tuổi thơ nghèo khó
Hồi tưởng về quãng thời gian tuổi thơ của mình, Tủa kể rằng gia đình gồm 5 anh em hiện đang trú tại bản Háng Tầu Dê (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái), Tủa là con cả trong gia đình nên cậu phải tự lập từ rất sớm. Gia đình thuần nông, thỉnh thoảng vào vụ mùa thu nhập thêm được vài trăm nghìn mỗi tháng cũng chẳng đủ trang trải cuộc sống. Hiện tại bố Tủa đang đi làm nghề khai thác mỏ quặng với mức lương 500.000/tháng.
Tủa nói: “Em xa bố mẹ từ năm lớp 3, trường học cách nhà 15 km và em phải ở một túp lều tạm với người em trai 5 tuổi của mình. Hai anh em sống với nhau, ngày đó em phải mang người em trai đi theo vì ở một mình thì rất sợ”.
Những ngày rét mướt hay mưa bão hai anh em đều phải tự lo cho nhau trong túp lều tạm. Khi đi học Tủa dẫn cậu em đi theo và để cho em chơi xung quanh khu vực trường học của mình.
Tủa kể về bữa ăn của mình không khỏi khiến chúng tôi nghẹn ngào: “Bữa ăn của em và người em trai chỉ có cơm và rau má hoặc các loại rau dại đi hái được ven rừng. Bữa ăn thịnh soạn lắm là khi em mua được 1.000 đồng tiền cá cơm khô. Tuy nhiên bọn em cũng chỉ dám nướng tạm 2 con để ăn cho đỡ thèm thịt, còn đâu thì để dành cho những bữa ăn lần sau”.
Video đang HOT
Do cuộc sống vất vả, nên khi nhỏ, đã có nhiều thời điểm, A Tủa phải xin nghỉ học để ở nhà phụ giúp đỡ gia đình chuyện mùa vụ, đồng áng, chăm lo các em. Thậm chí, nhiều lúc cậu đã có ý định bỏ học, nhưng được sự động viên của thầy cô giáo và nhờ ý chí bản thân nên Tủa vẫn cố gắng để đến trường.
Vươn tới ước mơ bằng những thùng mỳ tôm
Tủa có ước mơ là sau này sẽ trở thành một kỹ sư Y sinh chuyên nghiên cứu về các loại giống mới. Tủa cho biết: “Nhiều khi em cảm thấy rất buồn vì năng suất lúa quê em rất thấp. Vì vậy em đang có gắng học tập thật tốt, tiếp thu kiến thức nghiên cứu các loại giống mới về giúp đỡ quê hương”.
Với mơ ước ấy ngay từ nhỏ Tủa đã cố gắng học tập thật tốt dù vượt quãng đường hàng chục, hàng trăm cây số để đến trường. Trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua Tủa cũng là người có số điểm tốt nghiệp cao nhất trường THPT Dân tộc nội trú Việt Bắc 53,5 điểm và thi đỗ vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tủa đang cố gắng học tập thật tốt để thực hiện được ước mơ của mình
Để thực hiện được ước mơ trở thành kỹ sư của mình, hàng ngày Tủa vẫn đang cố gắng đi bán mì tôm dạo để trang trải các khoản học phí, sinh hoạt cho mình. Hiện tại xuống đây học, Tủa không lấy bất kỳ khoản tiền trợ cấp nào từ gia đình mà tự lập hoàn toàn.
Hằng ngày, chàng trai bán mì tôm trong ký túc xá các trường Bách Khoa, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thủy lợi, từ khoảng 18h đến khoảng hơn 22h để kiếm thêm thu nhập, trang trải sinh hoạt, học hành.
Vừa sắp xếp những thùng mì Tủa nói về công việc tình cờ này: “Hồi mới xuống đây do điều kiện kinh tế, nên em thường ăn mì tôm qua bữa. Trong một lần có anh trong công ty mì tôm đến giới thiệu và bán sản phẩm, em có hỏi đùa là anh cần người bán không, thì thật bất ngờ anh cho biết là đang thiếu người phân phối sản phẩm. Vậy nên nhanh chóng em đã nhận công việc này để làm”.
“Mỗi lần đi bán em sẽ mang 6 thùng, cho 2 thùng vào ba lô và 4 thùng em bê ở tay, số tiền lãi sẽ thu được khoảng 6.000 – 7.000 đồng/thùng, nếu may mắn một ngày em sẽ bán được khoảng 10 thùng. Thu nhập một tháng của em thường ở mức 1.000.000 đến 1.200.000 đồng”, Tủa phấn khởi nói.
Tuy nhiên công việc bán mì tôm dạo của Tủa cũng gặp không ít khó khăn. Đặc biệt có đợt đi bán hàng, còn bị các bác bảo vệ bắt hoặc đuổi đi. Tủa nhớ nhất một lần bị bắt ở tại chính ký túc nơi mình đang ở, người ta thu hết mỳ tôm xét hỏi và dọa là sẽ không cho ở ký túc… Lúc đó cậu đã bật khóc vì lo lắng không biết phải làm sao, ai sẽ giúp đỡ mình. May mắn là mọi người cũng biết, thông cảm cho hoàn cảnh và cho cậu đã được tiếp tục công việc của mình.
Tủa đang chuẩn bị cho công việc của mình
Sắp xếp mì tôm bỏ vào balô
Nụ cười hạnh phúc khi bán được những thùng mì tôm
Tủachia sẻ rằng em đã học được rất nhiều từ việc bán hàng, bản thân trở nên tự tin, hoạt bát, năng động và bản lĩnh hơn rất nhiều so với ngày trước. Em cũng không còn gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ như những ngày đầu đặt chân tới mảnh đất thủ đô nhộn nhịp này nữa.
Chia tay chàng trai H’Mông có nụ cười tươi rói, tôi thầm chúc chúc cho những ước mơ đẹp của Tủa sẽ sớm thành hiện thực và gia đình cậu sẽ có được cuộc sống đầy đủ hơn.
Theo Trithuc
Chàng sinh viên Việt tài năng trên 'đất nước hoa hồng'
Chàng sinh viên này đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng học sinh, sinh viên người Việt trên "đất nước hoa hồng".
Bùi Hữu Hậu (23 tuổi, trú huyện Đức Cơ, Gia Lai, sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Công nghệ Hóa - Luyện kim Sofia, Bungari) là con út trong gia đình có 4 anh chị em tại miền quê nghèo thuộc tỉnh Nghệ An.
Do điều kiện kinh tế khó khăn, năm 1995, ông Bùi Hữu Phượng (cha Hậu) đành phải nghỉ hưu non, đưa cả gia đình lên Tây Nguyên để mưu sinh. Họ lập nghiệp tại tổ dân phố 3, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai - là một địa phương vùng biên heo hút đầy nắng, đầy gió.
Ông Bùi Hữu Phượng tự hào cho biết từ ngày lên Tây Nguyên đến nay, gia đình vẫn không có gì thay đổi, vẫn ở trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ nhưng sự đổi thay đến từ những đứa con.
"Tôi rất tự hào về chúng bởi ai cũng đều ham học hỏi, chăm làm và biết yêu thương lẫn nhau. Riêng Hậu, từ nhỏ đã rất ham mê học hỏi, nhiều khi học tập quên cả ăn uống. Bà con lối xóm ai cũng lấy Hậu làm gương cho con cái mình vì vượt khó học giỏi", ông Phượng tâm sự.
Dẫn chúng tôi đến góc học tập của cậu sinh viên quốc tế, không thể tin được một học sinh cấp huyện, mà lại ở khu vực vốn khó khăn của tỉnh lại có những thành tích đáng nể như vậy.
Bùi Hữu Hậu, ở Trường Đại học Công nghệ Hóa-Luyện kim Sofia (Bungari)- Ảnh do gia đình cung cấp
Bùi Hữu Hậu đã giành huy chương vàng Olympic Toán quốc tế tổ chức tại Bungari vào tháng 2-2013; 2 lần giành huy chương bạc Olympic toán sinh viên tại Bungari vào các năm 2011-2012; đạt giải ba kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc môn Hóa năm học 2007-2008; huy chương bạc môn Hóa Olympic 30-4 khối 11 năm học 2006-2007, tổ chức tại Trường THPT Chuyên Quốc học Huế; huy chương bạc Olympic môn Hóa khối 10 năm học 2005-2006, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.
Khắp căn nhà cấp 4 cũ kỹ là những giấy khen, bằng khen, giấy chứng nhận, huy chương và vô số dụng cụ học tập thí nghiệm, sách vở nhiều ngành khoa học.
Với thành tích tốt trong học tập, lên cấp III, cậu học sinh nghèo đã quyết định nộp vào Trường THPT Chuyên Hùng Vương (tỉnh Gia Lai). Ban giám hiệu nhà trường không ngần ngại nhận ngay Hậu vào học tại trường.
Nói về cậu học trò cưng, thầy giáo kỳ cựu Lê Văn Vinh- Tổ trưởng tổ Hóa, Trường THPT Chuyên Hùng Vương phấn khởi: "Hậu chỉ phải tội viết chữ quá xấu chứ nếu cậu ta viết chữ đẹp, trình bày bài logic, mạch lạc hơn thì sẽ rất dễ đạt điểm tuyệt đối bởi Hậu là học sinh thông minh, rất chăm học hỏi, luôn suy nghĩ ra những cách giải bài độc đáo".
"Tôi đã từng ôn luyện cho nhiều lứa "gà nòi" của tỉnh nhưng phải nói Hậu là cậu học trò xuất sắc nhất trong những người xuất sắc mà tôi từng gặp", thầy Vinh tự hào nói về cậu học trò.
Học tập đạt được nhiều thành tích cao, Hậu được Bộ GD-ĐT xét tuyển thẳng đi du học đại học theo chương trình hợp tác giáo dục giữa 2 nước Việt Nam - Bungari.
Kết quả qua 3 năm học tập ở nước bạn, Hậu đã đạt nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, trong đó có danh hiệu sinh viên nước ngoài xuất sắc nhất Bungari do chính Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Thanh niên và Khoa học Bungari, ông Sergey Ignatov trao tặng.
Kỳ nghỉ hè này, Hậu trở về thăm gia đình ở huyện Đức Cơ, nhưng vẫn không quên mang theo sách vở để nghiên cứu học tập.
Trong cuộc chuyện trò với chúng tôi, Hậu cho biết: "Để có cuộc sống lâu dài ở Bungari, rất nhiều sinh viên Việt Nam đã và đang tìm mọi cách ở lại thủ đô Sofia. Một số người đã gợi ý tạo điều kiện giúp đỡ cho Hậu ở lại Bungari làm ăn nhưng Hậu chỉ có một ước muốn là có sức khỏe học tập thật tốt, giành được nhiều nguồn học bổng và có thật nhiều kiến thức khoa học kỹ thuật để sau này trở về Việt Nam phụng sự Tổ quốc".
"Mọi thứ đều có thể thay đổi nhưng có rất ít và một trong số đó là quê hương là không ai có thể thay đổi được. Tổ quốc đã tin tưởng giao cho tôi nhiệm vụ tiếp cận khoa học, kiến thức của một đất nước tiên tiến thì trách nhiệm của tôi là phải học thật giỏi để mai này mang những kiến thức học được về phục vụ đất nước. Quê hương mỗi người chỉ một, nếu ai không nhớ, sẽ không thành người", Hậu tâm sự.
Với thành tích tất cả các môn học đều đạt điểm thi tối đa 6.0/6.0, giành được nhiều huy chương tại các kỳ thi toán học quốc tế và nhiều danh hiệu cao quý khác, chàng sinh viên này đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong cộng đồng học sinh, sinh viên người Việt trên "đất nước hoa hồng".
Theo TNO
Tặng 100% phí visa du học Ireland Hệ thống giáo dục Ireland được xem là một trong những hệ thống tốt nhất trên thế giới và các viện giáo dục đại học của Ireland được quốc tế công nhận là những trung tâm của sự ưu tú. Tuần lễ du học Ireland và Anh quốc diễn ra từ ngày 24/6 đến ngày 28/6 tại trung tâm Tư vấn du học...