Chàng sinh viên ngành Báo chí và công việc “bán” chất giọng
Ngoài học bổng, thu nhập có được từ công việc thu âm online giúp Quỳnh có thể tự trang trải cho cuộc sống, học tập khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Đam mê dẫn chương trình từ lúc học cấp 2
Phạm Hữu Quỳnh, sinh năm 2001, là sinh viên chuyên ngành Báo chí Truyền hình, Khoa Báo chí, Trường Cao đẳng Truyền hình. Sinh ra trong một gia đình thuần nông trên quê hương Tứ Kỳ, Hải Dương.
Ngoài việc đồng áng, mẹ Quỳnh còn làm công nhân vào lúc nông nhàn, bố Quỳnh cũng mở một xưởng mộc nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Vì thế, từ lúc đi học em đã sớm cảm nhận được sự vất vả của bố mẹ mình khi làm nghề nông, ngày đêm đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn.
Kể với chúng tôi về quyết định theo học trường báo, Quỳnh cho biết: “Hồi còn học cấp 2, sau mỗi giờ cơm trưa em lại bật tivi xem chương trình “bữa trưa vui vẻ”. Em nhớ hồi đó chương trình ấy còn “hot” lắm, lớp thanh niên choai choai cấp 2, cấp 3 chúng em, không đứa nào bỏ sót một số nào cả. Thậm chí trong xóm em, bọn trẻ cứ căn giờ, khi nào hết chương trình đó thì bắt đầu từ nhà tới trường là coi như “khít giờ”.
Chân dung chàng sinh viên khởi nghiệp bằng con đường “bán chất giọng”. Ảnh: Trung Dũng
Cũng vì thần tượng những MC dẫn trong chương trình đó mà em đam mê và có khát khao muốn đeo đuổi nó. Em còn nhớ và ấn tượng nhất đó là MC, diễn viên Thanh Huyền.
Quyết định theo học vào trường báo của em lại là cả bao đêm trăn trở, là bao phân vân, nỗi niềm của bố mẹ cùng nhau giãi bày mới đi đến được sự thống nhất.
Vì bố mẹ ở quê còn nghèo, lại luôn có suy nghĩ, nghề nào cũng thế, mấy năm theo học nếu con cái mình không kiên định, sa ngã thì không biết ra sao. Rời khỏi ghế nhà trường liệu có xin được một công việc tử tế hay không, hay lại vứt bằng tốt nghiệp vào góc tủ, rồi lại con trâu đi trước cái cày theo sau”.
Giọng trầm xuống vài phút, Quỳnh kể với chúng tôi rằng, có lúc không tìm thấy điểm chung, bố mẹ còn khuyên Quỳnh lên thành phố làm công nhân ở các khu công nghiệp như bao đám bạn cùng trang lứa. Rồi còn tính chuyện gia đình, sinh con đẻ cái nữa. Phải đấu tranh mãi, bố mẹ của Quỳnh mới đồng ý cho cậu con trai cứng đầu toại nguyện.
Video đang HOT
Để muốn biến giấc mơ thành hiện thực và chứng minh cho gia đình thấy được sự lựa chọn của mình là đúng đắn, Quỳnh đã quyết tâm và vận dụng những kiến thức được học. Và cũng nhờ may mắn bén duyên với công việc thu âm online, ngay từ những dự án nhỏ đầu tiên, Quỳnh bắt đầu đã có thể tự kiếm tiền trang trải cho cuộc sống xa nhà cũng như phục vụ cho việc học tập mà không cần phụ thuộc vào bố mẹ.
Khởi nghiệp bằng con đường “bán chất giọng”
Về cơ duyên đến với nghề thu âm online, Quỳnh chia sẻ: “Hồi còn học cấp 3, có lần em dẫn chương trình văn nghệ cho trường, lúc giới thiệu các tiết mục văn nghệ ở trong cánh gà, các thầy cô cùng các bạn không nhận ra giọng của em luôn.
Sau khi kết thúc, các bạn trong lớp mới hí hửng bảo rằng, em nên làm dẫn chương trình mới đúng, giọng sáng và dễ truyền cảm lắm.
Thời đó, do còn được bao bọc bởi gia đình, nên không mấy người có nhiều dự định về tương lai và có nhiều thứ cần phải suy nghĩ trong đầu. Khi đó, em cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng, phải cố gắng học tập để sau này vào đại học mới mong có cơ hội thay đổi bản thân.
Tuy nhiên, khi vào học tại Trường Cao đẳng Truyền hình, có định hướng từ các giáo viên bộ môn cũng như được sự quan tâm của thầy cô trong khoa Báo chí nên em đã biết mình nên vận dụng vào cái năng khiếu và chất giọng “hợp tần số” của mình để kiếm tiền. Cũng từ đó mà em đã bén duyên với nghề thu âm online như ngày hôm nay. Cái công việc mà đến nay em và các bạn vẫn gọi vui là nghề “bán chất giọng”.
Từ công việc này, em không chỉ có được nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, không cần đến sự trợ giúp từ bố mẹ ở quê, em còn có thêm những mối quan hệ, điều rất cần cho việc sau này em tốt nghiệp ra trường và tìm việc làm phù hợp trong xã hội”.
Bằng sự cố gắng, Phạm Hữu Quỳnh đã chứng minh con đường đã chọn của mình là đúng đắn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Để mách nước cho các bạn khác muốn đeo đuổi con đường làm nghề thu âm online Quỳnh không giấu giếm mà sẵn sàng bộc bạch: “Thông thường, để kiếm được các “mối” nhận thu âm online ban đầu em nhờ một vài giáo viên trong trường có quen biết.
Ngoài việc thầy cô định hướng và trợ giúp để em cải tiến, nâng cao được chất giọng thì các thầy cô cũng giúp em liên hệ với một số địa chỉ đang cần có người thu âm trực tuyến mà không cần phải đến công ty.
Việc này giúp em chủ động được thời gian học. Thậm chí, một vài cơ sở em từng kết hợp còn gửi em bản thảo để em đọc, và gửi lại họ bản thu âm qua zalo chứ không nhất thiết phải trực ghi trên phần mềm trực tiếp để họ xuất file như trước.
Sau này, thông qua các kênh thông tin từ các hội, nhóm trên facebook em cũng đã biết cách đăng tin, ứng tuyển vào các vị trí mà các doanh nghiệp hoặc các trung tâm quảng cáo, truyền thông họ đang cần tìm kiếm. Cũng từ đây, bước đệm cho công việc của em trở nên vững chắc hơn. Hiện tại, em cũng sở hữu được một số lượng khách hàng nhất định, trong đó nhiều công ty có đơn đặt hàng hàng năm với em.
Về điều kiện kinh tế, nếu nói để đứng vững ở Hà Nội thì em còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Nhưng với một sinh viên khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường như em, không phải để bố mẹ ở quê phải còng lưng kiếm tiền, chắt bóp từng đồng gửi lên cho em sinh hoạt hàng tháng đã là niềm vui lớn nhất của em rồi”.
Được biết, ngoài việc có học bổng về thành tích học tập hàng tháng của nhà trường và thu nhập ổn định từ công việc thu âm online, Quỳnh cũng là thành viên của câu lạc bộ dẫn chương trình phát thanh – truyền hình của trường Cao đẳng Truyền hình. Ngoài ra, chàng sinh viên này cũng là Á quân trong chương trình “tìm kiếm tài năng MC” của tỉnh Hải Dương.
Chốt danh sách 16 đội thi chung khảo Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2020
Danh sách 6 đội đại diện các nước ASEAN sẽ tham gia đua tài cùng 10 đội sinh viên Việt Nam tại vòng chung khảo cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020" vào ngày 28/11 đã được xác định.
158 đội sắp thi online vòng khởi động Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020Công bố 10 đội Việt Nam vào vòng cuối cuộc thi Sinh viên với ATTT ASEAN 2020Tìm kiếm các nhân tài sẽ phát triển thêm nhiều sản phẩm ATTT "Make in Vietnam"
16 đội tuyển sinh viên giành quyền vào thi chung khảo "Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2020" đều là những đội thi xuất sắc tại vòng sơ khảo.
Sinh viên với an toàn thông tin là cuộc thi kiến thức và kỹ năng về an toàn thông tin được Hiệp hội An toàn thông Việt Nam (VNISA) chủ trì tổ chức cho sinh viên trên toàn quốc từ năm 2008 và mở rộng ra khu vực ASEAN từ năm 2019 đến nay. Đây là một hoạt động trong chuỗi sự kiện Ngày An toàn thông tin Việt Nam được VNISA tổ chức thường niên.
Theo danh sách các đội thi vòng chung khảo cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020" mới được Ban tổ chức thông báo, bên cạnh 10 đội sinh viên Việt Nam xuất sắc nhất vòng sơ khảo, 6 đội đại diện cho các nước ASEAN khác gồm có: CyberX (Malaysia), Bermuda (Myanmar), SMU Whitehat Society (Singapore), Elite 1 (Indonesia), Sarang Tabuan (Brunei) và Cyberpunk2020 (Lào).
Danh sách 16 đội thi chung khảo "Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2020" vào ngày 28/11 tới.
Trước đó, tại lễ bế mạc vòng sơ khảo cuộc thi diễn ra chiều ngày 31/10, Ban tổ chức đã chính thức công bố 10 đội sinh viên Việt Nam giành suất vào vòng Chung khảo cuộc thi cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020", bao gồm: HMCUS.Twice của Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia TP.HCM); NotEfiens của Đại học Bách khoa, Đại học quốc gia TP.HCM); Pawsitive của Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội; PTIT.AmongUs của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở TP.HCM;
PTIT. PTIT.1nfern0 của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cơ sở Hà Nội; ISIT-DTU1 của Đại học Duy Tân; AmongUs của Đại học FPT Hà Nội; Nupakachi của Đại học Bách Khoa Hà Nội; và MSEC_ADC, MSEC_SUPPORT cùng đến từ Học viện Kỹ thuật Quân sự.
Nói chất lượng cuộc thi, ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch VNISA, Phó Trưởng Ban tổ chức cuộc thi nhận định, trình độ của các đội sinh viên Việt Nam đã được cải thiện qua nhiều năm và không hề thua kém những đội đến từ ASEAN.
"Thậm chí, nếu nhìn vào kết quả thi chung khảo năm ngoái và sơ khảo năm nay, chất lượng các đội thi của Việt Nam có phần nhỉnh hơn. Tuy nhiên, kết quả này có thể do hiện nay các nước ASEAN khác chưa đặt nặng việc lựa chọn đội tuyển tham gia, trong khi Việt Nam tiến hành chọn đội dự thi chung khảo trải qua nhiều vòng, nhiều cấp. Vì thế, việc so sánh, đánh giá chất lượng sinh viên an toàn thông tin Việt Nam so với khu vực chỉ là tương đối", ông Hùng chia sẻ thêm.
Cũng theo đại diện Ban tổ chức, so với các năm trước, cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020" có quy mô lớn hơn, hình thức thi không mới nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phần thi online nhiều hơn. Trong 13 năm tổ chức, năm nay có gần 200 đội thi tham gia vòng khởi động, tức là gần 1.000 sinh viên dự thi. Đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng Việt Nam.
Theo kế hoạch, Vòng chung khảo "Sinh viên với an toàn thông tin ASEAN 2020" sẽ được tổ chức vào ngày 28/11/2020. Đề thi được xây dựng theo cách thức đối kháng (tấn công và phòng thủ trực tiếp). Mười sáu đội tham dự vòng chung khảo thi trong thời gian 8 tiếng, theo hình thức online hoàn toàn (với các đội ASEAN) và online tập trung (với các đội Việt Nam).
Vòng chung khảo cho các đội Việt Nam và Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi sẽ được tổ chức tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội). Lễ trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho những đội sinh viên Việt Nam giành giải cao sẽ diễn ra trong khuôn khổ hội thảo quốc tế "Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2020" dự kiến được tổ chức vào ngày 2/12/2020 tại Hà Nội.
Tiếp tục nhận được sự bảo trợ của Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT và sự phối hợp tổ chức của Cục An toàn thông tin, Cục CNTT thuộc 2 bộ này, cuộc thi "Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN 2020" nhằm tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về an toàn thông tin ở các cơ sở giáo dục và đào tạo bậc đại học; đồng thời đẩy mạnh phong trào nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức công nghệ hiện đại trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Cuộc thi cũng hướng tới việc tôn vinh trí tuệ, phát hiện tài năng trong lĩnh vực an toàn thông tin, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về an toàn thông tin và tạo sân chơi để tăng cường khả năng giao lưu, trao đổi kiến thức của sinh viên các trường đại học, học viện kỹ thuật trong khối ASEAN.
Thầy hiệu phó từng chăn trâu thuê nghẹn khóc khi nhắc đến ân nhân Thầy hiệu phó nghẹn khóc khi nhớ lại cách đây tròn 20 năm, mình nhận được học bổng khuyến tài từ các ân nhân mới có thể thực hiện ước mơ trở thành nhà giáo. Thầy Nguyễn Văn Cải, hiệu phó Trường THPT Quang Trung, Củ Chi, TPHCM đã nghẹn ngào, không kìm được sự xúc động trong chia sẻ tại Ngày hội...