Chàng sinh viên Khmer tiêu biểu vượt khó, học giỏi
Làm nhiều công việc khác nhau để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo chi phí học tập suốt gần 4 năm qua.
Đó là hoàn cảnh của chàng sinh viên người Khmer Thạch Hữu Nhân (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đang học năm cuối ngành Xã hội học, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ. Dù phải vừa học vừa làm nhưng Hữu Nhân luôn đạt thành tích học tập xuất sắc và đạt nhiều học bổng.
Làm thêm nhiều việc để có tiền ăn học
Anh Thạch Hữu Nhân học online.
Tiếp chúng tôi tại khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Thạch Hữu Nhân cho biết, đây vừa là nơi ở “ké” vừa là chỗ làm thêm của Hữu Nhân. Vì hoàn cảnh khó khăn, để tiết kiệm chi phí, Hữu Nhân xin làm thêm công việc bảo vệ tại Khoa.
Hiện đã bước vào năm cuối nên Hữu Nhân hạn chế làm thêm, tập trung học tập để tốt nghiệp với mục tiêu dành được tấm bằng loại giỏi. Do đó, ngoài làm bảo vệ Khoa, “chạy” các công việc giấy tờ cho thầy cô, Hữu Nhân chỉ làm thêm công việc tại quán trà sữa vào buổi tối. Với số tiền kiếm được, Hữu Nhân chi tiêu tiết kiệm và đóng học phí.
Đi đến chặng đường năm thứ 4 trên giảng đường đại học với Hữu Nhân là ngần đó quãng thời gian nỗ lực, cố gắng rất lớn của bản thân.
Ngay từ năm đầu đại học, Hữu Nhân ở ký túc xá và đi phụ bán quán cà phê, nhưng vì đi làm về khuya nên quá giờ giới nghiêm không được vào ký túc xá. Do đó, sang năm học thứ 2, Nhân bán đi chiếc xe máy cũ (mua được từ tiền nhận học bổng) để hùn vốn cùng bạn mở xe bán bánh tráng nướng và sinh tố, mỗi ngày kiếm được 100.000 đồng.
Công việc bán bánh tráng nướng đem lại thu nhập khá, lại phù hợp với lịch học, giúp Hữu Nhân có chi phí chi tiêu và còn tiết kiệm gửi về cho ba mẹ. Nhưng bán được gần 2 năm, dịch bệnh xảy ra nên Hữu Nhân nghỉ, chuyển sang phụ bán trà sữa.
Video đang HOT
Tự bươn chải mưu sinh, nhưng trên gương mặt Hữu Nhân luôn thường trực nụ cười, với ánh mắt tràn đầy sự háo hức. Hữu Nhân cho hay, dù phải chật vật tự lo cho bản thân, nhưng với Nhân, đó là thử thách để em vượt qua.
“Từ năm học lớp 3, cha mẹ lên TP Hồ Chí Minh làm thuê, em ở nhà với bà nội. Do gia đình nghèo, không có ruộng đất nên 4 chị em đi mò cua, bắt ốc, hái rau… đem ra chợ bán từ 3 giờ sáng kiếm tiền phụ bà mua gạo. Từ năm lớp 6 đến lớp 12, em chưa khi nào xin tiền cha mẹ vì em học nội trú, được trường hỗ trợ tiền ăn, tiền học. Từ năm lớp 8 đến lớp 12, cứ mỗi mùa hè, em lên Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, làm thuê kiếm tiền mua thêm sách vở. Vì thế, em đã quen với việc tự lo cho mình”, Hữu Nhân chia sẻ.
Vì quen với vất vả, tự lập nên khi gia đình khuyên nghỉ học, Hữu Nhân vẫn nghe theo lời thầy, cô dạy bảo, tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, bởi chỉ có con đường học tập mới đi đến thành công. Do đó, Hữu Nhân quyết tâm bước vào giảng đường đại học bằng nhiều việc làm thêm để nuôi giấc mơ của mình.
Tấm gương tiêu biểu
Mặc dù làm nhiều việc để có chi phí trang trải cuộc sống, nhưng thành tích học tập của Hữu Nhân không bị giảm sút. Ba năm học đại học, trừ năm đầu đạt loại khá, còn lại lớp trưởng lớp Xã hội học K44, khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Cần Thơ, luôn đạt thành tích xuất sắc và được nhận nhiều học bổng như: Giải thưởng Lương Định Của, sinh viên xuất sắc của Đại học Cần Thơ…
Hữu Nhân cho biết, em không dành quá nhiều thời gian cho việc học bài, mà chỉ tập trung lắng nghe thầy, cô giảng bài rồi đem bài học đó áp dụng vào thực tế để dễ hiểu, dễ nhớ. Ví dụ: Trong chuyên ngành Xã hội học, thầy cô sẽ dạy cách giao tiếp, tiếp cận với một đối tượng cụ thể nào đó. Thay vì em phải tưởng tượng và học bài theo lý thuyết, thì trong quá trình làm thêm em sẽ vận dụng luôn. Việc làm thêm cũng hỗ trợ em trong quá trình học tập để có thể phát biểu, đưa ra ý kiến từ thực tế cuộc sống.
Chọn học ngành Xã hội học và thấy thú vị với ngành học, nhưng chàng trai Khmer lại có ý định theo đuổi đam mê kinh doanh. Dự định của Nhân, sau khi ra trường sẽ làm công việc tiếp thị sản phẩm để tìm hiểu thị trường, tìm kiếm kinh nghiệm cho những dự định lâu dài.
“Có người hỏi em đam mê kinh doanh vì sao lại chọn học Xã hội học. Em nghĩ môn Xã hội học cũng giúp cho em rất nhiều trong kinh doanh như kỹ năng giao tiếp, có góc nhìn đa chiều, nhận biết nhu cầu xã hội… Sau này, em theo đuổi kinh doanh nhưng vẫn muốn một lúc nào đó sẽ làm người truyền cảm hứng cho các thế hệ sau có động lực vượt khó khăn, kiên trì với con đường học tập như em đã trải qua”, Hữu Nhân bộc bạch.
Nhắc đến sinh viên Thạch Hữu Nhân, thầy giáo Hứa Hồng Hiểu, Cố vấn học tập lớp Xã hội học K44 đã dành nhiều lời khen ngợi. Thầy Hứa Hồng Hiếu cho biết, thầy rất ấn tượng với sinh viên Thạch Hữu Nhân là sự đam mê học tập, khả năng tiếp thu kiến thức, nắm bắt nội dung bài học nhanh nhạy. Hữu Nhân vừa là sinh viên nổi trội của lớp về thành tích học tập, đồng thời là lớp trưởng năng nổ, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hữu Nhân là cầu nối giữa các bạn trong lớp với giảng viên.
Còn với các bạn sinh viên, Thạch Hữu Nhân là chàng trai luôn nhiệt huyết vì mọi người, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn.
Cựu sinh viên Đại học Cần Thơ Nguyễn Thanh Duy cho biết, Hữu Nhân là một chàng trai luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác. Dù bận rộn với mục tiêu học tập, công việc làm thêm, nhưng Hữu Nhân vẫn dành thời gian cho cộng đồng trong suốt những năm tháng sinh viên. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, Nhân tham gia các nhóm thiện nguyện, nấu cơm hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, nhất là sinh viên trong khu phong tỏa, sinh viên nước ngoài; tham gia phát quà cho gia đình nghèo…
“Thạch Hữu Nhân là tấm gương tiêu biểu cho thế hệ trẻ đầy nghị lực, luôn tìm cách vượt qua khó khăn, để theo đuổi đam mê, ước mơ của mình”, cựu sinh viên Đại học Cần Thơ Nguyễn Thanh Duy nhấn mạnh.
Chàng sinh viên Khmer ai thuê gì làm đó, giành được 13 suất học bổng
Hoàn cảnh nhiều khó khăn nhưng chàng sinh viên Thạch Hữu Nhân (23 tuổi, dân tộc Khmer, quê TT.Châu Thành, H.Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) đã nỗ lực vươn lên học tốt và dấn thân vào các hoạt động vì cộng đồng.
Thạch Hữu Nhân Nhân tích cực học tập để theo đuổi ước mơ - THANH DUY
Nhọc nhằn theo đuổi ước mơ
Chàng sinh viên Thạch Hữu Nhân có tuổi thơ nhọc nhằn nhưng không bao giờ từ bỏ ước mơ. Nhà thuộc hộ cận nghèo, không có đất canh tác, mẹ mắc nhiều chứng bệnh, cha chạy xe ôm. Từ nhỏ, Nhân đã quen với việc đi bắt ốc, mót lúa sau mùa gặt để kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Vùng quê của Nhân còn nhiều khó khăn, việc học hành chưa được chú trọng. Nhiều gia đình chỉ mong con cái biết mặt chữ, rồi cho nghỉ học để phụ làm rẫy, làm công nhân ở các thành phố lớn. Với Nhân thì khác, bản thân luôn mơ ước được trở thành sinh viên. "Tôi nghĩ nếu không theo đuổi việc học thì sẽ khó thay đổi được tương lai. Nhà nghèo nên rất chật vật, nhưng mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại nhủ rằng đâu có con đường nào đến thành công mà dễ dàng, nên không bao giờ cho phép mình bỏ cuộc", Nhân nói.
Gia cảnh khốn đốn, để theo đuổi ước mơ, từ năm học lớp 8 đến 12, mỗi dịp hè, Nhân đều lên TP.HCM hoặc Bình Dương làm thêm. Tại đây, Nhân xin làm thời vụ đóng gói thực phẩm, phụ hồ, công nhân giày da để tự kiếm tiền mua sách vở, chi phí cho năm học mới. Dù vậy, suốt 12 năm phổ thông, chàng trai Khmer này đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
"Khi đi xin việc, tôi không dám nói mình còn đi học vì sợ người ta không nhận. Nhiều nơi nghe hoàn cảnh của tôi, họ cũng thương, thấy tôi còn nhỏ nên phân phần việc làm nhẹ hơn, tính lương kiểu vừa trả vừa cho thêm", Nhân kể.
Đóng góp sức trẻ cho cộng đồng
Chàng sinh viên Khmer làm shipper tình nguyện trong mùa dịch - THANH DUY
Nhân hiện là sinh viên năm 4 ngành Xã hội học, Trường ĐH Cần Thơ. Vì hoàn cảnh khó khăn, nam sinh viên được nhà trường miễn học phí. Mọi chi phí sinh hoạt khác hầu như Nhân phải tìm cách lo liệu. Những công việc như giữ xe, phụ bếp, bán bánh mì, trà sữa, làm bảo vệ... Nhân đều đã từng làm qua.
"Khi không có giờ học, ai thuê gì thì tôi làm đó. Có ngày, tôi nhận làm đến 4 ca liên tục. 5 giờ sáng, tôi ra phụ bán bánh mì, 7 giờ - 17 giờ thì giữ xe. Đến 19 giờ, tôi chuyển sang phụ quán trà sữa, hết ca thì cũng gần 12 giờ khuya. Tôi cố gắng tự trang trải để gia đình bớt lo lắng", Nhân chia sẻ.
Những ngày ở giảng đường với bao trở ngại về kinh tế, ngoài đi làm thêm, Nhân nỗ lực khắc phục bằng cách theo dõi thông tin học bổng, phấn đấu không ngừng để đạt các tiêu chí. Từ 2018 đến nay, Nhân đã giành được 13 suất học bổng vì có thành tích học tập xuất sắc.
Điều đáng trân trọng là cuộc sống chưa bao giờ hết khó khăn, song chàng trai 9X vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động hướng đến lợi ích cộng đồng. Nhân có mặt trong nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện, như: VietHope, Bốn mùa gió, Go Books, Liên chi hội Sinh viên Sóc Trăng...
Với tinh thần không ngại khó, Nhân tích cực đóng góp sức trẻ vào các chương trình ý nghĩa, chẳng hạn: tặng quà cho bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa; mang tủ sách yêu thương về trường làng; tìm học bổng khuyến học cho các em thiếu nhi trong phum sóc; tổ chức hoạt động vui chơi lành mạnh cho các thiếu nhi vào các dịp lễ, tết.
"Trong mùa dịch này, tôi chuyển sang làm shipper tình nguyện với công việc là hỗ trợ các chùa, giáo viên, nhà hảo tâm vận chuyển cơm, nhu yếu phẩm cho các bạn sinh viên ở ký túc xá Trường ĐH Cần Thơ. Giúp đỡ mọi người trong lúc khó khăn này, tôi cảm thấy rất vui và ý nghĩa", Hữu Nhân tâm sự.
11 đại học Việt Nam vào top châu Á năm 2022 Đại học Tôn Đức Thắng đứng thứ 142 châu Á - vị trí cao nhất của các trường Việt Nam tại bảng xếp hạng này. Ảnh minh họa Tối 2/11, Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS AUR) công bố bảng xếp hạng các đại học tốt nhất châu Á. Việt Nam có 11 đại diện, đều là những trường đã xuất hiện từ năm...